Trong cộng đồng 54 dân tộc anh em của Việt Nam, đồng bào dân tộc Sán Chay sinh sống tập trung ở hai tỉnh: Thái Nguyên và Tuyên Quang. Người Sán Chay giao tiếp thường xuyên chủ yếu với các dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Sán Dìu. Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, người Sán Chay tập trung chủ yếu ở các xã: Tức Tranh, Yên Ninh, Yên Đổ, Yên Lạc, Phú Đô của huyện Phú Lương. Với vốn văn nghệ dân gian khá phong phú và đa dạng, họ đã tạo nên nét văn hóa độc đáo, đặc sắc, trong đó có lễ hội cầu mùa. Đây là một hoạt động văn hóa tâm linh không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào và được người Sán Chay gìn giữ cho đến nay.
Điệu múa Tắc Xình - Ảnh: internet
Trong mỗi cuộc vui mang tính cộng đồng của đồng bào Sán Chay, điệu múa Tắc Xình không thể thiếu từ bao đời nay. Theo nghiên cứu sơ bộ, điệu múa Tắc Xình có 9 động tác mô phỏng đời sống của người Sán Chay gồm: thăm và dọn đường, bắt quyết, mài dao, đánh dao, phát nương, tra mố, chăm sóc lúa, thu hoạch mùa màng, mừng mùa và trả lễ cho thần linh. Điệu múa này đã được nhà nước công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2014 - là di sản văn hóa phi vật thể thứ 2 của người Sán Chay. Tắc Xình là điệu múa đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ, thể hiện bản sắc riêng, độc đáo của người Sán Chay được trình diễn trong không gian lễ hội cầu mùa.
Lễ hội cầu mùa thường được tổ chức vào dịp trước hoặc sau Tết Nguyên đán. Vào ngày diễn ra nghi thức cầu mùa, người dân trong làng cùng nhau chuẩn bị lễ vật chính, gồm có: thủ lợn, đuôi lợn, chân giò, mâm xôi, con gà, quả trứng, các loại bánh do, bánh dày bà con tự làm, hoa quả, đèn, nến, 2 cây nêu để 2 bên… Ngoài ra, đồ vật không thể thiếu trong khi làm lễ là những bức tranh cổ với các họa tiết, hình vẽ cổ dựng quanh mâm lễ vật. Bên cạnh đó, còn cần một thanh kiếm (hoặc đao), tượng trưng cho những dụng cụ làm đất trồng trọt và chiếc trống đất được làm từ vỏ cây.
Khi các lễ vật đã chuẩn bị xong, vào giờ tốt, sau một hồi trống đất, chủ lễ trong trang phục tế lễ bắt đầu lễ cúng cầu mùa. Ông đọc lời khấn từ một cuốn sách, chép lại lời khấn cổ xin trời đất, thần linh, tổ tiên ban phúc cho mưa thuận gió hòa, muôn loài được sinh sôi nảy nở, làng xóm bình yên, nhà nhà mạnh khỏe, mùa màng tươi tốt, mọi người có cuộc sống no đủ. Trong khi chủ lễ làm lễ cúng xin trời đất, người gõ trống đất liên tục gõ những nhịp đều nhỏ, tiếng vang từ chiếc trống đất được coi như chiếc cầu nối trời đất, âm dương, tiếng trống vang xa trầm hùng dội lên trời cao và lặn sâu xuống lòng đất như gửi gắm và truyền tải ước vọng của bà con đến các thần linh. Khi tiếng trống đất được đánh dồn dập, chủ lễ xin âm dương, được chấp thuận cũng là lúc trống dứt, phần lễ cầu mùa kết thúc.
Phần hội được bắt đầu với điệu múa Tắc Xình - là điệu múa dành riêng cho lễ cầu mùa, với các động tác múa mô phỏng những hoạt động trong lao động sản xuất. Với những bước chân ngắn nhún nhảy theo nhịp, các động tác vung tay, nghiêng người, vỗ tay, tay chống hông, nhảy đổi chân… kết hợp với một số đạo cụ như: tre, nứa. Trước sự chứng kiến của thần linh và sự kết hợp với tiếng hô, hú, các thanh niên nam nữ bắt đầu thực hiện 9 bài múa mô phỏng lao động sản xuất của người Sán Chay theo chuỗi âm thanh tắc - tắc xình, tắc - tắc -xình - tắc - xình... âm thanh phát ra từ nhạc cụ được dùng trong điệu múa được làm từ cây mai, cây nứa kết hợp với trống đất, kèn tổ sâu làm bằng lá cây, kèn pó lè, chuông, chập xeng.
Vũ điệu tuy đơn giản nhưng khỏe mạnh, dứt khoát dưới sự dẫn dắt, giữ nhịp của tiếng nhạc phát ra từ giàn nhạc cụ thô sơ, dân dã, trở nên vô cũng hấp dẫn với người xem. Đây cũng là một nghi thức gửi gắm ước vọng một mùa màng bội thu tới thần linh; đồng thời thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, biết ơn tổ tiên đã khai phá đất đai, dạy cho con cháu biết phát nương, làm rẫy, trồng trọt.
Từ năm 1996, huyện Phú Lương đã lựa chọn múa Tắc Xình tham gia giao lưu trong nước, quốc tế như Liên hoan Dân ca - Dân vũ Việt Nam và đạt giải A toàn quốc năm 2013. Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa và giá trị của di sản văn hóa phi vật thể múa Tắc Xình vào hệ thống giáo dục ở các cấp học trên địa bàn huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên; tổ chức các hoạt động giao lưu, quảng bá để múa Tắc Xình có cơ hội trình diễn trước bạn bè trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên đã thành lập các Câu lạc bộ múa Tắc Xình trong cộng đồng dân tộc Sán Chay.
Múa Tắc Xình là nội dung không thể thiếu trong lễ hội cầu mùa của đồng bào Sán Chay. Ở xóm Đồng Tâm, nhờ sự vào cuộc tích cực của cơ quan chuyên trách văn hóa và sự nhiệt tình truyền dạy của các nghệ nhân, điệu múa cổ này vẫn được lưu giữ nguyên trạng. Tại Nhà văn hóa xóm Đồng Tâm, nghệ nhân ưu tú Hầu Thanh Tĩnh cùng đội múa của xóm thường xuyên luyện tập. Tiếng nhạc vang lên rộn ràng: “tắc tắc xình, tắc tắc xình, tắc xình” như muốn đánh thức không gian yên tĩnh của làng quê. Nhạc cụ chính của múa Tắc Xình là bộ gõ bằng tre, nứa. Ngoài ra, đồng bào Sán Chay còn làm một chiếc trống đặc biệt để sử dụng trong điệu múa. Người dân đào một hố sâu, trên miệng hố phủ một miếng vỏ rất dai từ cây trẹo. Một sợi dây rừng được căng ngang mặt hố rồi lấy que nhỏ chống lên ở đúng trung tâm hố đất. Người sử dụng chỉ cần dùng chiếc que nhỏ gõ vào sợi dây tạo nên các âm thanh theo ý định. Người nghe có thể cảm nhận rõ những thanh âm lách cách của bộ gõ, thâm trầm của trống đất, âm vang rền của kèn mang đậm tính nguyên sơ trong âm nhạc của điệu múa cổ.
Buổi tập bắt đầu với điệu thăm đường, điệu múa mở đầu trong 9 điệu cơ bản của múa Tắc Xình. Hai người đàn ông trong trang phục thày cúng từ hai bên bước ra theo nhịp, tay cầm quả chuông đồng buộc liền với dải dây đai ngang lưng. Theo nhịp gõ, chân phải làm trụ, chân trái nhấc cao, tay rung chuông, nhảy song song một lượt lên phía trước rồi quay xuống vị trí gặp nhau ban đầu. Tiếp đó, hai người lần lượt nhảy, cứ một lần quay mặt vào nhau lại một lần quay lưng vào nhau. Động tác thể hiện sự khỏe khoắn nhưng không kém phần uyển chuyển, mềm mại của người nhảy.
Thăm đường và các điệu cơ bản khác của múa Tắc Xình chỉ diễn ra trong 20 phút một bài, nhưng để phục dựng được như nguyên gốc, ông Bùi Quang Sơn phải mất gần 10 năm miệt mài nghiên cứu. Từ năm 1996, ngay khi nhận công tác ở Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Lương, ông trực tiếp gặp gỡ các nghệ nhân Vi Văn Cài, Trần Văn Thảo (xóm Pháng 3, xã Phú Đô), Hầu Văn Đạo, Hầu Thanh Tĩnh (xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh). Sau những ngày khảo sát, thu thập tư liệu, ông Sơn tiếp tục nhờ các nghệ nhân nhận xét, góp ý, qua đó tiến hành phục dựng hoàn chỉnh các động tác của điệu múa. Năm 2005, Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) phối hợp với UBND huyện Phú Lương tổ chức phục dựng lễ hội cầu mùa của người Sán Chay. Trong đó, múa Tắc Xình là một nội dung được phục dựng nguyên gốc và trình diễn tại lễ hội.
Trong nhóm luyện tập múa Tắc Xình ở Đồng Tâm, trong khi chỉnh bộ gõ là những nghệ nhân cao tuổi, có kinh nghiệm thì thực hành trình diễn múa lại là người trẻ, nhanh nhẹn. Anh Hầu Văn Tuân, sinh năm 1988 là con trai út của nghệ nhân Hầu Thanh Tĩnh. Đang làm việc ở thành phố Thái Nguyên, cuối tuần anh vẫn tranh thủ về nhà học múa Tắc Xình, dù bước nhảy còn chưa uyển chuyển như người cha nhưng anh Tuân cũng đã thuộc lòng các điệu cơ bản. Anh tâm sự: “Từ nhỏ, tôi và các anh chị đã được bố mẹ dạy những động tác cơ bản của điệu múa Tắc Xình. Dù có nhiều động tác khó phải tập đi tập lại nhiều lần nhưng tôi vẫn quyết tâm không bỏ giữa chừng. Vì đây là điệu múa cổ của dân tộc, nên tôi rất thích học để hiểu và giới thiệu cho các bạn của mình”.
Thế hệ trẻ dân tộc Sán Chay ở Phú Lương đang là lực lượng tích cực trong việc bảo tồn điệu múa Tắc Xình. Theo ông Bùi Quang Sơn, từ năm 2014, UBND huyện Phú Lương đã đưa múa Tắc Xình vào chương trình hoạt động ngoại khóa trong các nhà trường trên địa bàn huyện. Nghệ nhân được nhà trường mời về truyền dạy cho các em những kỹ thuật cơ bản của điệu múa, đồng thời giúp các em cảm nhận được vẻ đẹp văn hóa trong bước nhảy độc đáo của dân tộc.
Về công tác bảo tồn di sản điệu múa Tắc Xình, Lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Huyện Phú Lương là đơn vị đi đầu trong công tác bảo tồn di sản văn hóa của tỉnh Thái Nguyên. Hiện nay, huyện có 66 nghệ nhân thường xuyên truyền dạy điệu múa cổ tại các xóm bản. Đã có 6 trường học trên địa bàn huyện Phú Lương thành lập câu lạc bộ nhảy Tắc Xình với 126 học sinh đang tham gia luyện tập múa định kỳ”.
Như vậy, múa Tắc Xình là loại hình di sản có giá trị đặc sắc, vừa mang ý nghĩa tâm linh, vừa là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian với tiết tấu âm nhạc đơn giản, ngôn ngữ múa tạo được sự đồng thuận, chung tay bảo tồn của cộng đồng. Vì vậy, thời gian qua, loại hình di sản này đã phát huy những giá trị vốn có, tạo được sức hút và sức lan tỏa trong cộng đồng, được cộng đồng tiếp nhận một cách tự nhiên. Nhằm giữ gìn, phát huy giá trị của di sản phi vật thể quốc gia này, ngành VHTTDL Thái Nguyên đang nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh xây dựng Dự án về bảo tồn, phát huy giá trị các di sản trên địa bàn tỉnh đã được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; chú trọng định hướng việc bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch nhằm góp phần phát triển kinh tế du lịch địa phương.
Tác giả: Nguyễn Thị Mỹ Linh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 449, tháng 1-2021