Một số giải pháp phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Thanh Hóa là mảnh đất lưu lại nhiều dấu ấn văn hóa đậm nét trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam. Vùng đất xứ Thanh có một hệ thống di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh vô cùng phong phú. Hệ thống di sản văn hóa vật thể bao gồm các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; di vật; cổ vật; bảo vật quốc gia; là tài sản quý của địa phương và quốc gia trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Để bảo tồn và phát huy những giá trị các di sản văn hóa vật thể trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay cần có những chính sách và giải pháp phù hợp.

Thanh Hóa hiện có 1.535 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh với 833 di tích đã được xếp hạng, trong đó có: 1 di sản thế giới (Thành Nhà Hồ); 3 di tích quốc gia đặc biệt (Khu di tích đền Bà Triệu, huyện Hậu Lộc; Khu di tích Lam Kinh, huyện Thọ Xuân và Hang Con Moong, huyện Thạch Thành); 142 di tích quốc gia; 687 di tích cấp tỉnh. Đây còn là nơi sinh tụ của 6 dân tộc thiểu số, mà mỗi tộc người mang một sắc thái riêng, tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu. Hệ thống bảo tàng trong toàn tỉnh hiện đang bảo quản và trưng bày hơn 32.800 hiện vật qua các thời kỳ lịch sử, trong đó có khoảng 120 trống đồng thuộc loại quý hiếm và hàng ngàn hiện vật, cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa cao. Theo thống kê sơ bộ, hệ thống di tích, danh lam thắng cảnh trên toàn tỉnh vẫn còn hơn 4.000 di tích.

Thanh Hóa là tỉnh cửa ngõ của miền Trung Việt Nam. Do đặc thù về mặt địa lý, địa hình và sự đa dạng của các hệ sinh thái, tỉnh trở thành một vùng đất mở, năng động, trung chuyển giữa các khu vực Đông - Tây, Nam - Bắc. Chính vì vậy, con người đã có mặt ở nơi đây từ rất sớm và cũng để lại nhiều dấu ấn thông qua các nền văn hóa từ thời đại đá cũ, đá mới, kim khí và phát triển liên tục đến ngày nay. Chúng ta có thể hồi cố lại lịch sử của dân tộc Việt Nam thông qua các di chỉ, di tích văn hóa khảo cổ học tiêu biểu như Núi Đọ, Mái Đá Điều, hang Làng Tráng, Con Moong, Đa Bút, Hoa Lộc... cho đến nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ… Di sản khảo cổ học thuộc văn hóa Đông Sơn ở Thanh Hóa rất phong phú và đa dạng, phân bố khắp các vùng miền trong tỉnh, với gần 100 di chỉ đã được điều tra khảo cổ, khai quật là minh chứng sinh động về một vùng trung tâm quan trọng của dân tộc trong thời đại Hùng Vương dựng nước. Đây là một nền văn hóa - văn minh Việt cổ có sức sống mãnh liệt và lan tỏa khắp các vùng Đông Nam Á.

Di sản Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa) - Ảnh: Nguyên Trường

Đặc biệt, với 102km đường bờ biển chạy suốt từ các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Sầm Sơn, Quảng Xương, Tĩnh Gia, sớm tạo cho Thanh Hóa một tiểu vùng văn hóa biển, một kho tài nguyên di sản văn hóa biển, đảo đặc sắc. Những vụng, vịnh nông ven bờ nổi tiếng như Sầm Sơn (TP Sầm Sơn), Hải Tiến (Hoằng Hóa), Hải Hòa (Tĩnh Gia) là yếu tố để hình thành nên những danh lam thắng cảnh ven biển tiêu biểu của địa phương. Bên cạnh đó, còn có hệ thống các làng, bản cổ cũng vô cùng phong phú như: Kẻ Nưa (Triệu Sơn), Kẻ Sập, làng Cham (Thọ Xuân), làng Miêu (Hà Trung), Kẻ Rủn (Đông Sơn), làng Năng Cát (Lang Chánh), làng Muốt (Cẩm Thủy)...; các khu bảo tồn thiên nhiên đặc sắc: Vườn Quốc gia Pù Luông (Bá Thước), Bến En (Như Thanh); Rừng sến Tam Quy (Hà Trung), Son Bá Mười (Bá Thước) cùng những khu rừng ngập mặn ở Hải Lộc (Hậu Lộc), Lạch Bạng (Tĩnh Gia)... Hệ thống sông ngòi phong phú đã tạo nên những vùng văn hóa đặc trưng, góp phần tạo nên hệ thống di tích - danh thắng phong phú như: thác Kim Sơn (Vĩnh Lộc), Cửa Hới, Trà Khê, Cửa Trường (Hoằng Hóa)...

Đây là những di sản văn hóa vật thể chứa đựng những giá trị văn hóa quý báu được bảo tồn qua những thăng trầm của lịch sử, phản ánh bức tranh lịch sử, thiên nhiên đầy màu sắc, giàu sức sống của nền văn hóa xứ Thanh nói riêng và của Việt Nam nói chung. Trong những năm qua, nhiều di sản văn hóa vật thể đã phát huy giá trị một cách tích cực ở các mức độ khác nhau như: Khu di tích lịch sử Lam Kinh, Thành Nhà Hồ, Khu di tích Bà Triệu... đã thu hút thêm nhiều du khách tham quan, mang lại nguồn thu đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Đơn cử như huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa), hiện nay có 107 di tích đã được kiểm kê, phân loại, trong đó: 1 di tích nằm trong Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, đó là đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai và 9 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Mỗi di tích đại diện cho một vùng miền, là nơi nhân dân địa phương, du khách đến tham quan và sinh hoạt văn hóa tâm linh.

Tuy nhiên, việc phát huy giá trị của các di sản văn hóa vật thể mới chỉ được thực hiện tốt ở một số di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trọng điểm, những di tích được tu bổ đầy đủ. Trên thực tế, số lượng di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh ở Thanh Hóa chưa được trùng tu, tôn tạo còn lớn; hoặc chỉ dừng lại mức độ khắc phục tình trạng kỹ thuật, vì vậy chúng chưa có sức hút đối với du khách trong phát triển du lịch. Một số di tích bị xuống cấp nghiêm trọng, có di tích đã bị “biến dạng” do ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu và sự xâm hại của các hoạt động kinh tế, xã hội. Việc thiếu kinh phí điều tra, nghiên cứu các loại hình di sản văn hóa vật thể để lên kế hoạch đầu tư, bảo tồn, phát huy giá trị theo từng giai đoạn cụ thể dựa trên cơ sở đánh giá mức độ xuống cấp của di sản, điều này đã dẫn đến việc xâm hại di sản ở những mức độ khác nhau của chủ sở hữu di sản. Mặt khác, nhận thức của cộng đồng về giá trị di sản văn hóa vật thể còn hạn chế; công tác nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị của di sản mới chỉ là bước đầu... Để khắc phục những hạn chế, phát huy hơn nữa giá trị của các di sản văn hóa vật thể trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số giải pháp:

Một là, tăng cường quản lý nhà nước đối với các di sản văn hóa vật thể trên địa bàn tỉnh. Đảng bộ, UBND tỉnh Thanh Hóa cần có sự đánh giá nghiêm túc, tổng thể về vị thế và tình hình quản lý các di sản văn hóa vật thể. Sở VHTTDL Thanh Hóa cần tăng cường các đề xuất cụ thể về biện pháp quản lý phù hợp đối với từng loại hình di sản. Xây dựng cơ chế quản lý phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành với cộng đồng cư dân nơi di sản tồn tại. Đặc biệt chú ý đến vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ, phát huy giá trị gắn với đấu tranh có hiệu quả với các hành vi vi phạm, xâm hại đối với các di sản văn hóa vật thể. Thực hiện tốt việc quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống di sản văn hóa vật thể trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Quy hoạch nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể; tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa.

Hai là, làm tốt công tác rà soát, bổ sung, chỉnh lý hồ sơ khoa học, pháp lý cho các di sản văn hóa vật thể trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục khảo sát, nghiên cứu, sưu tầm và bổ sung thông tin cho các hồ sơ, sưu tầm các di vật, hiện vật có liên quan trực tiếp đến di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh để làm tăng thêm sự hấp dẫn đối với công chúng. Đối với những di sản đã bị thay đổi hoàn toàn, hay phế tích thì phải tiến hành tư liệu hóa dưới dạng ghi chép thành văn bản, ghi âm, quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn các nhân chứng hoặc người quản lý trực tiếp… để hoàn thiện thông tin hồ sơ cho di sản văn hóa. Xây dựng và hiện thực hóa kế hoạch, lộ trình cho việc quản lý, bảo quản, tu bổ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, lập hồ sơ đề nghị xếp hạng, nâng hạng. Lựa chọn những di sản văn hóa vật thể có giá trị tiêu biểu, có khả năng thu hút khách du lịch và đang bị hư hại xuống cấp để ưu tiên lập dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi, lập hồ sơ xếp hạng hoặc nâng hạng. Đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa mang tính tổng quát và theo chuẩn mực quốc gia.

Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị của các di sản văn hóa vật thể bằng nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt chú trọng các phương tiện thông tin đại chúng, internet và hoạt động quảng bá du lịch. Hiện nay, trên Đài Phát Thanh và Truyền hình Thanh Hóa, một số website… đã giới thiệu một số di sản văn hóa vật thể tiêu biểu của tỉnh và được độc giả quan tâm, hưởng ứng. Bên cạnh đó, ngay tại các di tích, danh lam thắng cảnh cũng cần được đẩy mạnh giới thiệu về giá trị di sản thông qua đồ lưu niệm, các ấn phẩm xuất bản như sách, tờ rơi, băng, đĩa...

Bốn là, hoàn thiện việc đặt bia, biển chỉ dẫn ở các di sản văn hóa vật thể, danh thắng để cho nhân dân biết và tham quan du lịch. Cần chú ý hơn tới cảnh quan môi trường xung quanh di sản văn hóa vật thể. Nghiên cứu và xây dựng một không gian, cảnh quan phù hợp vừa có tính khoa học, vừa có tính nghệ thuật để tăng giá trị của di sản văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho công chúng khi đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu. Nội dung trưng bày của di tích, danh lam thắng cảnh phải bảo đảm tính hấp dẫn đối với công chúng. Xây dựng được nội dung trưng bày, thuyết minh sinh động thì các di sản văn hóa vật thể mới không bị rơi vào quên lãng. Nâng cao tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ khách tham quan của đội ngũ cán bộ quản lý, nâng cao chất lượng công tác thuyết minh, hướng dẫn tham quan tại các điểm di sản văn hóa vật thể.

Năm là, kết hợp chặt chẽ với ngành Du lịch trong và ngoài tỉnh xây dựng các chương trình, các tour du lịch đến với cách di sản văn hóa vật thể trên địa bàn tỉnh, thực hiện tốt nội dung liên kết vùng trong phát triển du lịch. Gắn các di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh vào các tour, chuyến du lịch để cho du khách không chỉ biết tới xứ Thanh với những di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, mà còn là mảnh đất kiên trung, anh hùng, bất khuất trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Đây chính là yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đến việc phát huy giá trị của di sản văn hóa vật thể trong phát triển kinh tế du lịch của Thanh Hóa.

Có thể nói, Thanh Hóa là một tỉnh có số lượng di sản văn hóa vật thể khá đa dạng. Hiện nay, chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi để bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị các di sản văn hóa vật thể trên địa bàn tỉnh vào sự phát triển và hội nhập của địa phương. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay cũng đặt ra những thách thức cho sự tồn tại bền vững của di sản văn hóa vật thể của tỉnh. Điều này đòi hỏi phát huy cao độ vai trò trách nhiệm, sự chung tay, góp sức của toàn Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng và từng người dân trong bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể. Hy vọng rằng, với những giải pháp cơ bản trên, di sản văn hóa vật thể trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ phát huy có hiệu quả giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học và có những đóng góp to lớn hơn cho sự phát triển bền vững của địa phương.

Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Hoa

Nguồn: Tạp chí VHNT số 455, tháng 3-2021

;