Bài viết tiếp cận giá trị di sản từ góc nhìn Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của UNESCO năm 1972 và Luật Di sản văn hóa của Việt Nam năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2009. Đồng thời, đánh giá lại việc UBND thành phố Hà Nội đã thay mặt cả nước thực hiện cam kết của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam trước cộng đồng quốc tế sau 10 năm, Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (HTTL) được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới.
1. Giá trị nổi bật toàn cầu của Khu di tích Trung tâm HTTL từ góc nhìn Công ước 1972 của UNESCO và Luật Di sản văn hóa Việt Nam.
Trong Công ước Di sản thế giới, UNESCO khẳng định: “Di sản văn hóa và thiên nhiên là những tài sản vô giá và không thể thay thế được, không chỉ của một dân tộc mà còn là của chung toàn nhân loại”. Đây là quan điểm có tính chất nền tảng để nhận diện giá trị của Khu di tích Trung tâm HTTL. Trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình, Ủy ban Di sản thế giới đã tuyên bố: “giá trị nổi bật toàn cầu của Khu di sản Trung tâm HTTL với các tiêu chí II-III-VI”.
Thứ nhất, Khu di sản chứa đựng các dấu ấn vật chất và tinh thần là những minh chứng độc đáo về quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa lâu dài. Các dấu tích còn lại cho phép ta kiểm chứng những ảnh hưởng văn hóa/ yếu tố văn hóa ngoại sinh, các học thuyết và tư tưởng của văn minh nhân loại có giá trị vượt khỏi phạm vi quốc gia.
Thứ hai, Khu di sản là bằng chứng duy nhất về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ suốt 13 thế kỷ.
Thứ ba, Khu di sản là bằng chứng rõ nét có sức thuyết phục về sự gắn kết của nó với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của một quốc gia dân tộc vùng Đông Nam Á trong mối quan hệ khu vực và thế giới.
Di sản đã chứng kiến sự tồn tại của trung tâm quyền lực quốc gia suốt nhiều thế kỷ với các tầng văn hóa khảo cổ, di tích, di vật rất phong phú và đặc sắc. Tuy nhiên, một bộ phận cấu thành quan trọng của Khu di sản hiện còn đang tiềm ẩn sâu trong lòng đất (dưới dạng các dấu tích khảo cổ học), phần dấu tích đã được phát lộ qua các đợt khai quật và hạng mục kiến trúc trên mặt đất mới chỉ giúp ta hình dung một phần diện mạo chung của cả Khu di sản. Do đó, việc nhận diện đầy đủ các mặt giá trị của Khu di sản theo yêu cầu của UNESCO là một quá trình nghiên cứu lâu dài.
Phần mở đầu Luật Di sản văn hóa, Nhà nước Việt Nam đã khẳng định mục tiêu lớn đặt ra: “Để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu về văn hóa ngày càng cao của nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới”. Do đó, các tiêu chí lựa chọn, xếp hạng, bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử, văn hóa đều phải hướng tới các mục tiêu nêu trên. Theo quy định của Luật Di sản văn hóa, khu Trung tâm HTTL đáp ứng đầy đủ 3 tiêu chí của một di tích quốc gia đặc biệt: Công trình xây dựng, địa điểm gắn với sự kiện đánh dấu bước chuyển biến đặc biệt quan trọng của lịch sử dân tộc hoặc gắn với các anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu có ảnh hưởng to lớn đối với tiến trình lịch sử dân tộc; Công trình kiến trúc nghệ thuật, quần thể kiến trúc, tổng thể kiến trúc đô thị và địa điểm cư trú có giá trị đặc biệt đánh dấu các giai đoạn phát triển kiến trúc nghệ thuật Việt Nam; Địa điểm khảo cổ học có giá trị nổi bật đánh dấu các giai đoạn phát triển văn hóa khảo cổ quan trọng của Việt Nam và thế giới (1).
Nhìn tổng quát, các kiến trúc vật chất trên mặt đất chiếm tỷ lệ rất thấp so với các di vật đang khuất lấp dưới lòng đất. Do đó, Trung tâm HTTL về bản chất vẫn thuộc loại hình phế tích kiến trúc mang tính chất khảo cổ học. Chúng ta cần tiếp nhận di sản này dưới góc nhìn của một không gian văn hóa hàm chứa các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ. Có thể coi đây là một không gian văn hóa tiêu biểu đa chức năng của Thủ đô Hà Nội:
Du khách tham quan HTTL - Ảnh: Phạm Lự
Không gian công cộng hấp dẫn cho mọi người, nơi tiếp cận tự do, cởi mở, thoải mái và an toàn cho các tầng lớp xã hội khác nhau. Đây cũng là không gian trải nghiệm văn hóa và tương tác xã hội giữa cư dân đô thị.
Không gian đó chứa đựng tài nguyên giáo dục mở với tư cách là trung tâm cung cấp thông tin khoa học hữu ích, hỗ trợ cho việc phổ cập giáo dục trong toàn xã hội. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới chính là đầu tư cho phát triển con người một cách bền vững.
Không gian văn hóa đồng thời cũng là loại tài nguyên du lịch có chất lượng. Bản thân di sản và giá trị di sản chỉ trở thành sản phẩm hàng hóa văn hóa đặc thù khi chúng ta cộng hưởng thêm các loại hình dịch vụ đặc sắc, có tính khác biệt để trở thành sản phẩm du lịch - văn hóa cung cấp nhiều lần, cho nhiều người.
Không gian văn hóa của Trung tâm HTTL đã từng có sự hiện diện của các nhân vật lịch sử lỗi lạc, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa tiêu biểu của Việt Nam - chính họ đã góp phần hoạch định các chính sách lớn tạo nên những sự kiện lịch sử quan trọng, có ảnh hưởng tới quá trình phát triển của đất nước. Vì thế, giá trị lưu niệm sự kiện, lịch sử và nhân vật lịch sử cũng như “ký ức” lịch sử của Khu di sản cần được vinh danh.
Hiện vật được trưng bày trong HTTL - Ảnh: Phạm Lự
Không gian văn hóa của Khu di sản luôn bao hàm các yếu tố cơ bản: môi trường/ cảnh quan thiên nhiên, nguồn gốc lịch sử, đặc trưng sáng tạo văn hóa, sự giao lưu và tiếp biến văn hóa. Đặc trưng không gian văn hóa Trung tâm HTTL thể hiện ở chỗ nó có liên quan lâu dài và liên tục với trung tâm quyền lực/ trung tâm quyền lực tinh hoa của một quốc gia. Và vì thế, nó là biểu hiện của yếu tố văn hóa bác học gắn với cung đình và hoàng gia (các vị tiên đế và hiền tài của đất nước).
Góc nhìn mới về giá trị của Khu di sản là cơ sở khoa học xác định phương hướng cho các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản Trung tâm HTTL trong các giai đoạn tiếp theo.
2. Bảo tồn bền vững Khu di sản là mục tiêu cần theo đuổi
Thực hiện có hiệu quả mục tiêu bảo tồn bền vững Khu di sản cũng chính là thực hiện nghiêm túc cam kết nghĩa vụ quốc gia theo 8 khuyến nghị do UNESCO đặt ra. Bảo tồn bền vững di sản được hiểu là: tạo lập cơ chế, bộ máy tổ chức quản lý có hiệu quả bảo đảm cho các yếu tố nguyên gốc và chân xác lịch sử cấu thành giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thấm sâu vào các lĩnh vực hoạt động sáng tạo của toàn xã hội (văn hóa sản xuất, văn hóa quản lý, lối sống, giao tiếp xã hội cũng như văn hóa trong giao lưu và hợp tác quốc tế). Bảo tồn bền vững di sản biểu hiện cụ thể ở 3 mặt sau đây:
Bảo tồn bền vững về mặt xã hội theo hướng tạo lập các cơ sở pháp lý và khoa học - kỹ thuật để duy trì sự tồn tại lâu dài của di sản mà không bị đông cứng, ngưng đọng hoặc bị tách biệt, ngược lại, còn được tôn vinh và có khả năng tồn tại ngay trong đời sống xã hội, hòa nhập một cách linh hoạt vào không gian văn hóa - xã hội của cộng đồng cư dân địa phương.
Bảo tồn bền vững di sản về mặt kinh tế là nhằm thiết lập sự cân bằng động - sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển theo hướng bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa không tạo ra rào cản đối với các yêu cầu phát triển, ngược lại còn làm cho các giá trị di sản văn hóa thực sự trở thành động lực cho phát triển, phát huy giá trị di sản có hiệu quả về mặt kinh tế và tạo ra nguồn lực vật chất để tăng cường khả năng bảo tồn di sản văn hóa.
Bảo tồn bền vững về mặt môi trường đặt ra yêu cầu làm cho di sản văn hóa trở thành một bộ phận hữu cơ trong môi trường thiên nhiên/ môi trường sống theo hướng: duy trì một hợp thể bền vững và hài hòa giữa hai yếu tố thiên nhiên và nhân tạo trong lòng một di sản. Mặt khác, phải tận dụng ưu thế từ môi trường thiên nhiên làm gia tăng giá trị và sức hấp dẫn cho di sản văn hóa (2).
Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội được thành lập với tư cách là một đơn vị sự nghiệp công, thực hiện thống nhất quyền quản lý di sản văn hóa thế giới như một sự bảo đảm cho việc bảo tồn toàn vẹn cũng như tính chân xác - là yếu tố làm nên giá trị nổi bật của Khu Trung tâm HTTL. Đây là đơn vị trực thuộc UBND thành phố Hà Nội, hoạt động theo đúng Nghị định quy định về bảo vệ, quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam. Điều này hoàn toàn phù hợp với nội dung Khoản b, Điều 5 Công ước năm 1972 của UNESCO: Thành lập trên lãnh thổ của mình (trong trường hợp chưa có) một hoặc vài cơ quan bảo vệ, bảo tồn và tôn tạo di sản văn hóa và thiên nhiên có số nhân viên thích hợp và có đủ phương tiện thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Điều 56 Luật Di sản văn hóa quy định: “Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia là Hội đồng tư vấn của Thủ tướng Chính phủ về di sản văn hóa” (3). Tiếp theo đó, Nghị định quy định về bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam còn quy định rõ trách nhiệm của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia: tư vấn những vấn đề khoa học liên quan đến việc lập và triển khai quy hoạch tổng thể di sản thế giới, kế hoạch quản lý di sản thế giới theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ hoặc đề nghị của Bộ VHTTDL; phối hợp kiểm tra việc thực hiện cam kết quốc tế về bảo vệ, quản lý di sản thế giới khi được Bộ VHTTDL đề nghị; thực hiện nhiệm vụ khác liên quan đến di sản thế giới theo quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia (4).
Có thể coi đây là bằng chứng thuyết phục về sự tôn trọng của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện Công ước 1972, sự đánh giá cao cũng như quyết tâm của chúng ta trong việc thực hiện các khuyến nghị của UNESCO. Theo đó, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định thành lập Hội đồng khoa học về Di sản văn hóa với tư cách là đơn vị tư vấn bên cạnh Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội mà phần lớn thành viên của Hội đồng đều là các Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy viên trong Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia. Đây cũng là đặc thù mà các tổ chức quản lý các di sản thế giới khác ở Việt Nam không có được.
Có thể đánh giá tổng quát thành tựu mà Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long đã đạt được sau 10 năm hoạt động ở các mặt sau đây:
Xây dựng và phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn Khu Trung tâm HTTL và Kế hoạch quản lý di sản đã được phê duyệt theo yêu cầu của UNESCO.
Xây dựng kế hoạch nghiên cứu toàn diện về giá trị Khu di sản ở cả hai loại hình: vật thể và phi vật thể. Tuy nhiên, thành tựu lớn nhất cần được khích lệ và quá trình nghiên cứu khảo cổ học trên một khu vực rộng lớn gần 50.000m2 và làm phát lộ nhiều dấu ấn kiến trúc, di vật quý giá gắn với quá trình lịch sử Trung tâm HTTL qua 7 giai đoạn chính (Đại La, tiền Thăng Long, Lý, Trần, Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng, Tây Sơn và Nguyễn) (5). Đây là những dấu ấn vật chất cho phép chúng ta từng bước dựng lại diện mạo Trung tâm HTTL qua “cuốn sử sống” bằng hiện vật khảo cổ.
Trên cơ sở quy hoạch chi tiết bảo tồn và phát huy giá trị Khu Trung tâm HTTL (tỷ lệ 1/500) đã được phê duyệt, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã triển khai một số dự án thành phần theo hướng biến di sản thành một điểm đến văn hóa đặc sắc, một công viên văn hóa - lịch sử tươi đẹp giữa lòng Hà Nội. Theo ông Trần Việt Anh - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, bên cạnh các dự án nghiên cứu và bảo tồn di sản, Trung tâm còn ưu tiên thực hiện các chương trình giáo dục di sản Em làm nhà khảo cổ, Em tìm hiểu di sản để kết nối với tuổi trẻ học đường của mạng lưới các trường học của Thủ đô. Có thể nói, Trung tâm luôn chú trọng đến các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa, phục vụ cộng đồng…
Phải khẳng định, mặt hoạt động hợp tác quốc tế cũng là yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công và kết quả tốt đẹp của công cuộc bảo tồn Khu di sản Trung tâm HTTL 10 năm qua. Chúng ta đánh giá cao sự ủng hộ và hợp tác thiết thực của Văn phòng đại diện UNESCO Paris tại Hà Nội cũng như các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học từ các nước bè bạn trên toàn thế giới thông qua việc tư vấn thực hiện các dự án bảo tồn, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới Khu Trung tâm HTTL.
Có thể nói, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã làm tốt chức năng thống nhất quản lý di sản theo quy định trong Nghị định của Chính phủ về quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam phù hợp với tinh thần Công ước 1972 UNESCO là chú trọng vào việc bảo tồn giá trị nổi bật toàn cầu của Khu di sản HTTL mà không đặt quá nặng vào mục tiêu phát huy phục vụ phát triển du lịch. Đây là bước khởi đầu có chất lượng ở cả hai mặt pháp lý và khoa học qua 10 năm thực hiện chức năng thống nhất quản lý hướng sự bảo vệ sự toàn vẹn và tính chân xác cũng như các giá trị nổi bật toàn cầu của Khu Di sản thế giới.
3. Một vài ý kiến trao đổi
Thứ nhất, Khu di sản gắn với trung tâm quyền lực quốc gia liên tục trong một ngàn năm, tức là có liên quan mật thiết tới các hoạt động của cung đình, hoàng gia qua nhiều triều đại. Vậy, rất cần quan tâm tới các giá trị văn hóa phi vật thể đã diễn ra trong không gian văn hóa cung đình đó. Vì gắn với cung đình, hoàng gia/ giới tinh hoa trong xã hội nên văn hóa phi vật thể đó chắc chắn sẽ mang tính bác học và quy chuẩn (sinh hoạt cung đình, triều nghị, thi cử, lựa chọn nhân tài, các quyết sách lớn ảnh hưởng tới sự tồn vong và phát triển quốc gia, các lễ hội lớn, thiết triều, lễ Đăng quang, tế Nam Giao, xã tắc…). Đây là những nội dung nghiên cứu hấp dẫn cho chúng ta và cả các thế hệ tương lai.
Thứ hai, với tính chất của một khu di tích kiến trúc mang tính chất khảo cổ học, các dấu tích chủ yếu vẫn còn khuất lấp trong lòng đất mà chúng ta mới chỉ nghiên cứu, khai quật khảo cổ với diện tích gần 5/ 20 hecta. Kết quả khai quật khảo cổ cũng đã phát hiện nhiều dấu tích kiến trúc gắn với tất cả các giai đoạn phát triển của Trung tâm HTTL. Đặc biệt, chỉ mới khai quật trên 1/4 diện tích, chúng ta đã phát hiện được các bộ sưu tập hiện vật quý hiếm, trong đó có nhiều hiện vật xứng đáng được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Như vậy, trong thời gian tới cần khẩn trương triển khai kế hoạch nghiên cứu, khai quật khảo cổ học đã được phê duyệt nhằm từng bước đánh giá, nhận diện sâu sắc và đầy đủ các mặt giá trị của Khu di sản. Mặt khác, kết quả nghiên cứu, khai quật tiếp theo chắc chắn sẽ cung cấp cho chúng ta đầy đủ tư liệu/ bằng chứng vật chất làm cơ sở khoa học cho việc thực hiện có kết quả dự án phục dựng Điện Kính Thiên - một hạng mục kiến trúc hạt nhân trong quần thể kiến trúc kinh thành Thăng Long xưa. Trước mắt là phục dựng di tích dưới dạng các bản vẽ, hình ảnh, không gian “hiện thực ảo” bằng công nghệ số với tư cách là phương án gợi mở các ý niệm để cùng trao đổi, tham khảo các ý kiến phản biện trái chiều rộng khắp trong xã hội, tiến tới sự đồng thuận tương đối trong cộng đồng, làm cơ sở cho việc phục dựng trên thực địa.
Thứ ba, một phế tích kiến trúc mang tính chất khảo cổ học tất yếu sẽ rất hấp dẫn và không khó hiểu đối với các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực nghiên cứu có liên quan. Tuy nhiên, lượng thông tin khoa học, thông điệp và các biểu tượng văn hóa hàm chứa trong di sản và các bộ sưu tập hiện vật khảo cổ rất trừu tượng và khó giải mã đối với đông đảo công chúng trong xã hội. Do đó, việc diễn giải lịch sử hay thông tin khoa học đang là một nhiệm vụ không hề đơn giản, nếu không nói là rất khó khăn đối với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội. Vì thế, tôi rất mong trong tương lai không xa, chúng ta có thể thiết lập trong lòng Khu di sản một trung tâm diễn giải lịch sử mà lý tưởng nhất là xây dựng Bảo tàng Cung đình với tư cách là phần “trưng bày bổ sung” di tích đủ sức kết nối mạng lưới các điểm di tích đơn lẻ trong Khu di sản làm cho chúng trở nên dễ tiếp cận và dễ hiểu hơn đối với các tầng lớp xã hội khác nhau. Bên cạnh đó, sau khi nhận bàn giao từ Bộ Quốc phòng, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đang quản lý nhiều hạng mục kiến trúc xây dựng từ thời thuộc Pháp. Nếu khéo bảo tồn, trùng tu thích nghi, chúng ta hoàn toàn có khả năng sử dụng một trong các hạng mục kiến trúc như thế cho mục tiêu tạo lập một Bảo tàng Cung đình thật hoàn hảo.
Đối chiếu với ý tưởng quy hoạch ban đầu về một kinh đô Thăng Long do vua Lý Công Uẩn công bố trong Chiếu dời đô, ta thấy, Khu di sản thế giới Trung tâm HTTL chỉ là một trong những bộ phận cấu thành quan trọng của kinh đô Thăng Long xưa. Trong lòng Thủ đô Hà Nội hôm nay vẫn còn tồn tại nhiều di tích đơn lẻ đã gắn bó qua nhiều giai đoạn lịch sử với Trung tâm HTTL như khu phố cổ Hà Nội (một làng cổ bên sông Tô Lịch xưa phát triển và lớn mạnh); Tứ trấn bảo hộ về mặt tâm linh cho kinh thành; hồ Tây và hồ Hoàn Kiếm với tư cách là hai não thủy/ huyệt điểm thiêng từ khởi đầu của Thăng Long… Rộng hơn nữa có thể kể đến dấu tích của các con sông cổ: Tô Lịch, Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét… và đặc biệt là dấu ấn của La thành - vòng ngoài của kinh đô Thăng Long. Các điểm di tích đơn lẻ này nếu được kết nối lại cùng với di sản Trung tâm HTTL thành một chuỗi di sản thì hoàn toàn có khả năng xây dựng hồ sơ khoa học trình UNESCO vinh danh lần 2 cho Trung tâm HTTL với tính chất là di sản gắn với kinh đô Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Trên đây là một số nhận thức về khái niệm “góc nhìn mới” về giá trị di sản văn hóa thế giới Trung tâm HTTL. Mục đích là cùng nhau suy ngẫm, trao đổi để có phương thức tiếp cận toàn diện và hoàn chỉnh hơn về Khu di sản quan trọng này.
_______________
1, 3. Luật Di sản văn hóa năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2009, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009.
2. PGS.TS Đặng Văn Bài, Bảo tồn bền vững di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch có trách nhiệm ở tỉnh Nghệ An, Hội thảo khoa học Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế di sản tỉnh Nghệ An, thành phố Vinh, tháng 5 - 2019.
4. Nghị định quy định về bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam, Điều 21, dsvh.gov.vn.
5. PGS.TS Tống Trung Tín, Tổng quan kết quả khai quật nghiên cứu khảo cổ học Khu vực kinh đô Thăng Long đến năm 2019.
Tác giả: Đặng Văn Bài
Nguồn: Tạp chí VHNT số 452, tháng 2-2021