NGHỆ THUẬT KỂ CHUYỆN TRONG EVGHENHI ONEGHIN CỦA A.S.PUSHKIN

Nghệ thuật kể chuyện là một trong những phương diện đặc sắc của tiểu thuyết bằng thơ Evghenhi Oneghin. Mỗi lời kể của nhà thơ đều lôi cuốn sự chú ý của người đọc vào các sự kiện, hiện tượng, nhân vật mà mình đề cập tới, vừa chân thực vừa trữ tình ít ai sánh nổi. Với cách kể chuyện dung dị, mộc mạc, A.S.Pushkin đã đưa tới những điển hình sâu sắc và đầy sức sống tạo nên một diện mạo của nước Nga đầu TK XIX.

Tiểu thuyết thơ Evghenhi Oneghin ra đời năm 1831, đặt nền móng cho chủ nghĩa hiện thực trong nền văn học Nga và thế giới. Tác phẩm đã thể hiện tài năng đặc biệt của nhà thơ, bậc thày trong việc tái hiện cuộc sống hiện thực Nga, “trong đó cuộc sống Nga được miêu tả với sức mạnh nghệ thuật hoàn thiện tới mức trước Pushkin chưa từng có và sau ông, có thể sẽ không có nữa” (1). Một trong những phương diện đặc sắc và độc đáo làm nên sức sống của Evghenhi Oneghin là nghệ thuật kể chuyện.

Theo Pospelov, “nghệ thuật kể chuyện là một nghệ thuật đặc biệt, nó đòi hỏi kể sao cho mỗi lúc hứng thú của người đọc gia tăng. Một cốt truyện giản đơn nhất cũng có thể cấu tạo thành các sự kiện nghệ thuật hấp dẫn…” (2). Nghệ thuật kể gắn liền với bố cục, kết cấu tác phẩm. Tác phẩm dù kể theo trình tự nhân quả hay liên tưởng, kể nhanh hay chậm, kể ngắt quãng thì kể chuyện là cả một hệ thống tổ chức phức tạp nhằm đưa hành động lời nói nhân vật vào đúng vị trí của nó để người đọc có thể lĩnh hội theo ý tác giả (mối quan hệ giữa câu chuyện và cốt truyện).

Pushkin đã xây dựng cho tiểu thuyết thơ Evghenhi Oneghin của mình một cốt truyện giản dị: được tin ông bác họ ốm nặng, chàng thanh niên quý tộc Evghenhi Oneghin vội vã về quê để chịu tang và trở thành người thừa kế của ông. Sau khi bác mất, Oneghin ở lại làng, xa lánh giới quý tộc quê mùa, kết bạn với Lensky - một chàng thanh niên mới du học ở Đức về. Lensky tính tình sôi nổi, nồng nhiệt, thích làm thơ và đã hứa hôn với Olga - một cô gái quý tộc ở địa phương. Từ đó, Oneghin làm quen với gia đình Larin và hai chị em Tachiana, Olga. Ngay từ lần gặp đầu, Tachiana đem lòng yêu say đắm Oneghin. Cô viết thư tỏ tình với Oneghin và bị từ chối. Nhân ngày lễ thánh của Tachiana, Lensky cùng Oneghin đến mừng. Ở đây Oneghin khó chịu vì va chạm với đám quý tộc quê mùa và phải nghe những câu chuyện rỗng tuếch. Anh ta bực mình và giận Lensky đã đưa mình vào hoàn cảnh này. Oneghin liền khiêu vũ với Olga để chọc tức và trả thù Lensky. Lensky hồn nhiên không hiểu gì, thấy vậy nổi giận bỏ về và sau đó gửi thư đấu súng với Oneghin. Cuộc quyết đấu đã xảy ra, Lensky chết. Sau cái chết của bạn, Oneghin ân hận bỏ đi ngao du khắp nước Nga. Olga đi lấy chồng. Tachiana đi Moskva lấy một vị tướng hơn mình nhiều tuổi và trở thành mệnh phụ phu nhân. Gặp lại Tachiana ở Peterburg, Oneghin bỗng yêu cô say đắm đến mức tương tư, đau ốm vì cô, gửi thư và tìm mọi cách gặp cô. Mặc dù Tachiana vẫn còn yêu Oneghin nhưng cô từ chối vì phải thủy chung với chồng. Điều này khiến Oneghin sững sờ, tê tái. Và câu chuyện kết thúc ở đây.

Như vậy “Pushkin đã chọn chính cuộc sống đương thời của ông làm đối tượng miêu tả của tác phẩm Evghenhi Oneghin” (3). Năm 1830, Pushkin đã nói rõ quan niệm của mình: “Trong thời đại chúng ta, ta hiểu tiểu thuyết là một giai đoạn lịch sử được phản ánh trong câu chuyện hư cấu. Tuy không có nhân vật lịch sử, Evghenhi Oneghin vẫn phản ánh lịch sử một cách sâu sắc”. Như vậy, từ đầu TK XIX, “Pushkin đã chỉ ra ưu thế của tiểu thuyết là mô tả lịch sử qua số phận của những cá nhân. Nhà văn đòi hỏi tiểu thuyết phải có sức sống” (4). Và tác giả với tư cách là người kể chuyện đã kể lại câu chuyện về một nhân vật của đời thường trong hành động, suy nghĩ, nói năng, quan hệ của nhân vật với cuộc sống xung quanh, mở đầu cho phương pháp phản ánh hiện thực mới, đó là chủ nghĩa hiện thực.

Mở đầu tác phẩm, Pushkin kể cho chúng ta nghe ý nghĩ của nhân vật Oneghin trên đường về quê sau khi nghe tin ông bác ốm nặng. Oneghin hình dung ra một ông bác rất nghiêm khắc, nay bị ốm liệt giường làm cho mọi người xung quanh phải chăm sóc với bao vất vả, cực nhọc, và:

Không ít lúc phải thở dài ngao ngán:

Thôi chết đi cho tôi nhờ, ông bạn!...

(Khổ 1 - chương I)

Độc giả không khỏi ngạc nhiên vì cách nghĩ của Oneghin thật trắng trợn và khinh bạc. Cách kể chuyện đã khắc họa cho người đọc một nét tính cách của nhân vật chính, “chẳng những độc đáo đối với tiểu thuyết thời đó mà còn chọc tức dư luận” (5).

Đến khổ thơ thứ 2, tác giả mới giới thiệu cho chúng ta tên nhân vật. Qua lời kể, Oneghin dần dần hiện lên qua hoàn cảnh gia đình, cách thức anh ta được nuôi dưỡng dạy dỗ. Khi Oneghin lớn lên, tự lập và trở thành người hợp thời trang như một dandy Anh quốc, giỏi 2 ngoại ngữ, biết nhảy mazuka và ra về cúi chào mọi người rất lịch sự. Giới thượng lưu đều khen ngợi anh ta đẹp trai, thông minh, dễ tính và là cuốn từ điển sống.

Lời người kể chuyện đã cho chúng ta thấy tính cách của nhân vật. Tính cách đó hiện dần lên như một hệ thống hoàn chỉnh, toàn diện và rõ ràng. Về học vấn, Oneghin là một người có vốn học khá rộng nhưng không sâu. Hầu như cái gì anh ta cũng học một ít để ứng phó với cuộc sống thượng lưu thông thái, nhưng nổi trội nhất là khoa học ca ngợi tinh tế. Trong ứng xử, anh ta đã thành thạo mọi cách thức làm vừa lòng tất cả mọi người bằng cách dối trá, vờ vĩnh biết im lặng và biết nói những lời đúng lúc nhất, đôi mắt nhiều khi thể hiện tâm trạng luôn biến đổi của mình.

Oneghin luôn tỏ ra biết làm mới mẻ, biết bông đùa, nịnh đầm, chinh phục phụ nữ, theo đuổi và rũ bỏ tình yêu một cách thỏa đáng… Cách sống của anh phù hợp với thời thượng: đi dự các buổi lễ tại cung đình, có thiếp mời đi xem vở ba lê mới mặc dù không thích, xem một cách chiếu lệ rồi bỏ đi sau chốc lát.

Sự độc đáo trong lời kể của Puskin trước hết thể hiện ở những chi tiết và dường như những chi tiết ấy đều biết nói. Những chi tiết được chọn lọc và được thể hiện rất sinh động khiến cho lời kể có sức hấp dẫn kỳ lạ. Lời kể đã giúp cho người đọc hình dung ra một Oneghin bằng xương, bằng thịt, không giống với bất kỳ ai. Đó chính là tài năng của Pushkin. Các chi tiết ấy được tác giả lấy từ chính cuộc sống đời thường, không có gì ước lệ, tượng trưng mà trái lại rất chân thực, tự nhiên khiến cho bức tranh về nhân vật rất thật và tiêu biểu. Sự độc đáo của những lời kể trên lại được thể hiện ra trong tiểu thuyết bằng thơ. Đó là một biệt tài của Pushkin.

Giọng điệu kể chuyện của Pushkin không giống nhau, lúc nhanh lúc chậm, lúc lướt qua, lúc lại kể tỉ mỉ khiến cho câu chuyện và Oneghin không nhàm chán. Chỉ trong 37 khổ thơ trên 60 khổ của chương I tác giả đã gói gọn biết bao nhiêu hoạt động của một con người, thông qua các hoạt động đó nói lên tính cách đặc trưng của nhân vật. Sức khái quát lớn, thiên tài Pushkin đã dùng ngòi bút của mình để miêu tả cuộc sống sống động và có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc.

Trong tác phẩm Evghenhi Oneghin có bốn nhân vật chính: Oneghin, Lensky, Tachiana và Olga. Dường như trong các tác phẩm tự sự việc tuân theo nguyên tắc khách quan của đời sống yêu cầu các nhà văn xây dựng các nhân vật trong mối quan hệ đối sánh để làm nổi bật lên tính cách của họ và cũng để trình bày tính chất đa dạng của cuộc đời. Lensky được xem như mặt đối lập với Oneghin và Olga đối lập của     Tachiana. Sau khi về sống ở nông thôn, buồn chán vì cuộc sống tẻ nhạt ở làng quê, Oneghin đã từ chối mọi cuộc thăm hỏi của các chủ điền trang láng giềng. Mặt khác, anh ta đã hạ mức tô và giảm thuế cho nông dân, nông nô trong trang trại của mình cũng đã làm mất lòng các ông bà hàng xóm này. Chính vì vậy, Oneghin bị mọi người xem như một “kẻ điên, vô học, quá tự do trong tư tưởng”. Với cách sống không giống ai, anh bị họ hàng càng xa lánh hơn. Chính điều này khiến cho Oneghin sống tại quê hương mà lại cảm thấy lạc lõng, bơ vơ, buồn chán. Trong lúc đó, Oneghin đã kết bạn với Lensky - một ông chủ đồn điền trẻ tuổi, một nhà thơ vừa đi du học ở Đức về. Kể về Lensky, Pushkin đã dành 15 khổ ở chương II. Lensky là một chàng trai trẻ tuổi với trái tim còn say mê, bị hấp dẫn bởi cái hào nhoáng của cuộc đời buồn tẻ, vẫn tin và hy vọng quá nhiều vào cuộc sống. Trước mọi người, Lensky rất hồn nhiên, là một anh ngốc đáng yêu, tin vào tình yêu, tình bạn, những tình cảm sẽ có ngày tỏa những tia vàng rực rỡ và sưởi ấm cho cuộc đời trần tục của chúng ta. Anh làm thơ bằng trái tim nhiệt huyết và lửa thần của tác phẩm Single và Gớt, thích viết về tình yêu và tuổi trẻ… như tâm tình của cô gái ngây thơ, về nỗi sầu biệt ly, nỗi nhớ mùa thu. Rõ ràng giữa Oneghin và Lensky có sự đối lập quá lớn, chính Pushkin đã cho chúng ta thấy sự khác nhau đó qua cách so sánh độc đáo:

Rồi thành bạn, nhưng hai người thật lạ

Rất khác nhau, như đại dương - núi đá

Như thơ - văn, như kết thúc - bắt đầu

Như ánh đèn - bóng tối, khác xa nhau

 (Khổ 13 - chương II)

Hai người thân nhau, thường gặp gỡ tâm sự, tranh luận triết lý đủ điều và họ nói đến tình yêu nhiều hơn cả. Evghenhi Oneghin là người từng chạy trốn tình yêu, vì vậy nói về nó anh cảm thấy mệt mỏi. Nhưng anh vẫn lắng nghe câu chuyện tình yêu lý tưởng của Lensky. Cách kể chuyện và giọng kể say sưa, sôi nổi, phù hợp với việc miêu tả và tính cách một con người thơ mộng, hồn nhiên, trong sáng của chàng quý tử yêu thơ ca. Đồng thời, Olga cũng được kể với cách kể trên. Là một cô gái xinh đẹp nhưng cái đẹp của Olga là cái đẹp không có gì sâu sắc, độc đáo. Pushkin thật tinh tế khi phát hiện ra vẻ đẹp của Olga chỉ là vẻ đẹp hình thức bên ngoài, mà thiếu vắng vẻ đẹp tâm hồn. Đây cũng là quan niệm của Pushkin về vẻ đẹp người phụ nữ. Vẻ đẹp của Olga được Oneghin, một con người từng trải, sành điệu nhận xét giống như tranh Đức Bà của Van Dick, vô duyên, ngốc nghếch. Với cách kể độc đáo, sắc sảo, Pushkin đưa tới cho độc giả một hình ảnh điển hình của người phụ nữ đẹp nhưng vô vị.

Ngòi bút của Pushkin tập trung vào Tachiana, nhân vật nữ chính của tác phẩm mà ông hằng yêu mến. Khác với Olga, Tachiana hiện lên một cách giản dị, mộc mạc:

Buồn, lặng lẽ, hơi ít nhiều hoang dại,

Ngơ ngác nhìn như con nai sợ hãi

        (Khổ 25 - chương II)

Ẩn chứa bên trong là vẻ đẹp dịu dàng, thanh lịch, đó là một tâm hồn trong sáng của người con gái Nga. Nói như Dostoievsky: “Nàng là hiện thân của cái đẹp chân chính, là hình tượng người phụ nữ Nga” (6). Tachiana hiện lên như một nét tinh khiết cuối cùng của xã hội thượng lưu Nga lúc bấy giờ. Nàng tìm thấy niềm vui, vẻ đẹp của cuộc sống trong thế giới đó, ước mơ không rời bỏ hiện thực, không thoát ly cuộc sống, đó là vẻ đẹp trong tâm hồn nàng, đặc trưng cho tinh thần Nga bất biến. Thiên nhiên chính là tiêu chí định hướng cho toàn bộ tính cách của nàng:

Nhưng rất yêu mùa đông Nga tàn khốc

Và âm thầm cái lạnh, nên thơ

Yêu những sáng mặt trời lên, lặng gió

Sương và tuyết xung quanh như nhuốm đỏ

 (Khổ 4 - chương V)

 Nàng tìm đến thiên nhiên như tìm đến lẽ sống của đời mình. Dường như người kể chuyện cũng hòa chung với tâm hồn Tachiana, cũng có những sở thích giống Tachiana: yêu thiên nhiên và yêu đồng quê Nga. Sự hòa hợp với thiên nhiên đã làm nổi bật lên tính cách mơ mộng của nàng. Không phải ngẫu nhiên mà người kể chuyện gọi Tachiana là “cô nàng mơ mộng hiền dịu” (khổ 10, chương III), “cô nàng mơ mộng đáng yêu của tôi” (khổ 5, chương VI). Sự mơ mộng đó được hình thành là kết quả của sự say mê những tiểu thuyết tình cảm, những tác phẩm của Rutxo, Richardson. Đó là những tiểu thuyết tình cảm giả dối, nhưng đối với Tachiana là cuộc đời nàng, nàng tin tuyệt đối những gì có trong đó, còn nghĩ rằng cuộc đời nàng cũng giống những gì trong tiểu thuyết này:

Nàng rất sớm ham mê tiểu thuyết

Và than ôi tiểu thuyết là đời nàng

Richardson và Rutxo, tôi biết

Luôn được nàng chăm chú đọc từng trang.

 (Khổ 29 - chương II)

Qua lời kể của Pushkin, ta thấy Tachiana không giống với những đứa trẻ cùng lứa tuổi. Cô không biết làm nũng mẹ, không biết chơi búp bê, đồ chơi. Cô dường như xa lạ trong chính ngôi nhà của mình. Cô sớm ham mê tiểu thuyết lãng mạn Pháp và tin vào những câu chuyện hư cấu ấy. Gặp Oneghin lần đầu tiên, Tachiana đã yêu anh. Tình yêu ngập tràn trong tâm hồn cô, được bộc lộ qua những đêm dài mong đợi, những buổi đi dạo trong vườn, những tư lự, tha thẩn lạc lõng. Cô đắm mình trong các tiểu thuyết và tự hình dung mình là các nhân vật nữ trong truyện, còn Oneghin là hình tượng tổng hợp của tất cả các nhân vật nổi tiếng trong những tác phẩm mà cô đã đọc. Tachiana yêu say đắm, chân thành, nồng nhiệt, khiến cho người kể chuyện phải lo cho cô. Cô tâm sự điều thầm kín của mình với bà nhũ mẫu, thổ lộ với bà nỗi buồn, khao khát yêu đến phát khóc. Tachiana quyết định viết thư tỏ tình với Oneghin. Pushkin đưa tới cho chúng ta một Tachiana với bề ngoài trầm tư, tĩnh lặng nhưng khi yêu lại ngây thơ, chân thành, mãnh liệt biết chừng nào. Cô đã yêu bằng cả tâm hồn và sức sống của mình. Bức thư của Tachiana gửi Oneghin đã thể hiện đầy đủ sự nghiêm túc, chân thật của cô đối với tình yêu và người mình yêu. Nhưng Oneghin đã từ chối tình yêu ấy: “Bằng cái nhìn ban phát từ trên cao, Oneghin đã không thấy được Tachiana với vẻ giản dị, trong trắng, ngượng ngùng ở buổi đầu gặp gỡ. Anh ta không thể tìm thấy trong cô gái đáng thương đó sự hoàn hảo, và có thể còn nghĩ cô thuộc diện “non nớt về tinh thần”, nhất là sau khi cô gửi bức thư tỏ tình cho anh ta! Tuy nhiên, nếu thực sự có một kẻ non nớt về tinh thần trong tác phẩm thì không ai khác ngoài chính anh ta, Oneghin” (7).

Là một người từng trải, Oneghin suy nghĩ rất nhiều về lá thư của Tachiana. Anh ta không muốn lừa dối một cô gái trẻ cả tin như vậy. Sự từ chối tình yêu của Oneghin là một việc làm cao thượng, nhưng đối với Tachiana lại là nỗi buồn tuyệt vọng khiến cho người kể chyện phải đau đớn, than thở cho cô. Sau cuộc đấu súng giữa Oneghin và Lensky, Tachiana hiểu rõ hơn con người mình yêu. Thần tượng tình yêu đã sụp đổ trong cô. Lensky chết, Olga đi lấy chồng, Oneghin đi du lịch, Tachiana vì thương mẹ đã lấy một người chồng hơn mình nhiều tuổi ở Moskva và trở thành mệnh phụ nổi tiếng. Gặp lại Tachiana, Oneghin đã cầu xin tình yêu của cô nhưng Tachiana đã từ chối mặc dù vẫn còn yêu anh.

Giọng điệu của tác giả khi kể về Tachiana là một giọng điệu đầy sự cảm thông, ưu ái, ngay cả khi nói đến tính thơ mộng và say mê tiểu thuyết của cô. Tác giả vui, buồn, lo âu, đau xót, tự hào khi viết về Tachiana. Tài năng của Pushkin là đã tạo ra một hình tượng nhân vật mang tính dân tộc sâu sắc. Trong tiểu thuyết thơ Evghenhi Oneghin, Pushkin đã sử dụng lối kể chuyện theo chương hồi, mạch kể được phát triển theo trình tự thời gian tự nhiên, giống như cách thức kể chuyện của tác phẩm tự sự dân gian quen thuộc.

Với cách kể chuyện dung dị, mộc mạc, Pushkin đã đưa tới những điển hình sâu sắc và đầy sức sống tạo nên một diện mạo của nước Nga đầu TK XIX. Đúng như Belinsky đã nhận xét: “Trước tiên ta thấy đó là một nghệ sĩ được trang bị mọi bùa mê, phép lạ của thơ ca, sinh ra cho nghệ thuật và chỉ dành cho nghệ thuật, tràn ngập tình yêu và sự quan tâm cho tất cả vẻ đẹp thẩm mỹ, yêu thương tất cả, nên chịu đựng được tất cả” (8).

_____________

1, 6, 7. Dostoievsky F.M, Pushkin A.S, Tuyển tập tác phẩm, tập 5, Nxb Văn học, Trung tâm ngôn ngữ và Văn hóa Đông Tây, Hà Nội,1999, tr.322, 323, 324.

 2. G.N. Pospelov, Dẫn luận nghiên cứu văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1985.

3, 4, 5. Nguyễn Hải Hà, Evghenhi Oneghin của Puskin - kiệt tác văn học thế giới (Puskin, Tuyển tập tác phẩm, tập 5), Nxb Văn học, Trung tâm ngôn ngữ và Văn hóa Đông Tây, Hà Nội, 1999, tr.181, 189.

8. Belinsky V.G, Sáng tác của A.S.Pushkin (Pushkin, Tuyển tập tác phẩm, tập 5) Nxb Văn học, Trung tâm ngôn ngữ và văn hóa Đông Tây, Hà Nội, 1999, tr.313. 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 395, tháng 5-2017

Tác giả : THÀNH ĐỨC HỒNG HÀ

;