Văn học Nhật Bản mang đặc thù riêng của một nền văn chương duy cảm, duy mỹ. Với người Nhật, mọi vẻ đẹp dù giản dị, khiêm nhường hay kiêu sa lộng lẫy đều thuộc về thế giới quanh ta, đó là cái đẹp đang hiện hữu, rất đời thực. Với giải Nobel văn học năm 1968, Yasunari Kawabata là người đem lại vinh quang cho văn học Nhật Bản nói riêng, văn học châu Á nói chung. Ông kế thừa, phát triển tinh hoa truyền thống của Nhật Bản cả về tính duy cảm, duy mỹ. Bước sang thời đại làn sóng mưa Âu, gió Mỹ từng làm nhiều nhà văn trẻ ngã lòng nhưng Y.Kawabata vẫn tin tưởng rằng “nền văn chương phương Đông, trong đó có kinh phật là nền văn chương vĩ đại nhất của thế giới. Tôi muốn viết một tác phẩm tên là Bài ca phương Đông, tôi có thể chết trước khi bài ca đó thành tựu nhưng hãy biết rằng tôi đã dự trù cả một chương trình trong tâm trí của mình” (1).
Cái đẹp được cảm nhận như một nhân vật chính xuyên suốt cuộc đời, văn phẩm của Y.Kawabata, trong đó Người đẹp say ngủ được xem là một kiệt tác với đề tài sâu thẳm, ẩn mật nhất. Ngôi nhà với những người đẹp bị đánh thuốc mê ngủ say toát lên vẻ đẹp như các thiên thần, những người già mang mặc cảm của sự lão suy lại tìm thấy trong ngôi nhà ấy những cảm giác sống động nào đó mà họ đã mất. Vẻ đẹp của các cô gái luôn chìm trong giấc ngủ thụ động tạo cho họ cảm giác về một phần đời say đắm. Tiềm ẩn vẻ đẹp hình nay bóng xưa từ bài ca u buồn về định mệnh cô đơn của một kiếp người không cưỡng lại được quy luật lạnh lùng của thời gian nhưng khát vọng đến với cái đẹp luôn là bất tử, dù trên con đường tìm kiếm ấy ảo vọng không thể thay thế cho thực tại. Cái đẹp luôn nằm trên đường biên mong manh giữa đôi bờ hư thực dù thật khó nắm bắt nhưng có thể cảm thấy, nhìn thấy.
Quan điểm mỹ học của Y.Kawabata là cái đẹp sâu thẳm sinh ra từ cội nguồn triết lý phương Đông, vẻ đẹp của thiên nhiên, của người phụ nữ xứ Phù Tang ngọt ngào. Đó là nét đặc trưng của các bộ môn nghệ thuật truyền thống, dòng văn chương duy mỹ, duy tình chảy qua nhiều thế kỷ từ Vạn diệp tập, bao trùm hơn cả là linh hồn của vạn vật trong thần đạo đã quyện với cái tình của thiền tông tạo nên một triết lý mỹ học Y.Kawabata.
Kinh nghiệm nghệ thuật của Y.Kawabata chịu ảnh hưởng rõ rệt của mỹ học thiền luận, dựa vào suy niệm bên trong. Những quan niệm thẩm mỹ truyền thống của người Nhật như aware, wabi, sabi, yugen hội tụ đầy đủ trong các sáng tác của ông, chỉ có thể cảm nhận mà khó có thể gọi tên. Như một tấm gương trong suốt, như tuyết trên núi hay nước trong hồ thu, thẩm mỹ truyền thống Nhật Bản luôn soi chiếu, hòa tan vào những văn phẩm tuyệt vời của Y.Kawabata. Theo ông, cái đẹp hiện hữu trên thế gian này cho dù vô cùng mong manh, nhưng được bắt rễ từ cội nguồn cuộc sống. Không gửi niềm tin hư vô vào tôn giáo siêu hình, thế giới nhân vật mang sứ mệnh biểu lộ sự tinh khiết, chân thành, làm nên cái đẹp của Y.Kawabata là ở trẻ nhỏ, các cô gái mới lớn, những người sắp chết. Họ là những người có đôi mắt thơ ngây, cảm xúc tinh khiết, không tham lam, không thèm muốn, không chiếm đoạt, không hủy diệt. Đó là cái đẹp, sự chân thành, nỗi buồn làm cho cảm xúc lắng sâu. Y.Kawabata cho rằng cái đẹp trong lòng nhân sinh là đạo, là kinh nghiệm tâm linh. Kinh nghiệm ấy có được do sự nhạy cảm của người nghệ sĩ trên hành trình tìm kiếm biểu hiện trong các văn phẩm, trở thành một giá trị vĩnh hằng, bất biến. Những tác phẩm của ông vượt lên tất cả những tầm thường trần tục để chỉ còn lại là một cái đẹp vĩnh cửu của một hiện thực tích cực, giàu sức sống, thuần khiết trên nguyên tắc phản ánh cái đẹp. Đó là “tìm tòi, tôn vinh cái đẹp trong một hiện hữu hỗn tạp giữa cái thiện, cái bất thiện, giữa cái tinh khiết, cái dung tục, giữa sự chân thành, sự giả dối, giữa những phù hoa giả tạo bề ngoài, chiều sâu thăm thẳm của nội cảm” (2).
Y.Kawabata cho rằng phương thức biểu thị cái đẹp là mục đích của người nghệ sĩ, không phải là tìm cách làm cho mọi người kinh ngạc, sửng sốt bằng sự ly kỳ, quái dị mà phải biết dùng những phương tiện ít ỏi nhưng thể hiện được nhiều nhất. Ngoài ra, còn phải biết dùng ngôn ngữ, màu sắc để truyền đạt các cảm xúc, kinh nghiệm nhìn đời của mình. Tác phẩm của Y.Kawabata có sức gợi hơn tả, hình tượng nghệ thuật được xây dựng bởi những hình ảnh tượng trưng, sử dụng một cách cô đọng hoàn hảo nhất. Sự hóa thân cái đẹp trong hình tượng tác phẩm của ông luôn biểu hiện rất trần thế, từ con người tới thế giới đồ vật. Nghệ thuật biểu hiện cái đẹp trong quan niệm mỹ học Y.Kawabata là thi pháp chân không, một phương tiện hữu hiệu truyền tải cái đẹp trong thơ haiku, thành đắc địa trong sáng tác của ông. Thế giới của chân không trong mỹ học Y.Kawabata không tách rời thế giới của cảm giác, từ những chi tiết, sự vật nhỏ nhất cũng đem lại cảm giác chân thực, gợi cảm.
Là người lữ khách muôn đời đi tìm cái đẹp, bóng hình của các giai nhân là cảm xúc chủ đạo trong sáng tác của Y.Kawabata. Cùng chung cảm hứng về cái đẹp, Người đẹp say ngủ được chắp cánh bằng kỹ thuật viết văn hiện đại phương Tây. Toàn bộ tác phẩm được tái hiện qua dòng hồi tưởng của ông già Eguchi. 5 lần Eguchi đến lữ quán là 5 mảng ghép của quá khứ được đan xen trong hiện tại, xuyên suốt tác phẩm là nghệ thuật tương phản được khai thác triệt để cho vẻ đẹp được lộ diện, có những mối kết nối liên tưởng.
Yếu tố tương phản rõ rệt nhất là không gian, thời gian được xây dựng như một dụng ý nghệ thuật. Y.Kawabata đã để cho cái đẹp xuất hiện trong không gian nhỏ của hiện tại “dưới làn ánh sáng mờ ảo, màu đỏ kia bỗng tạo một cảm giác rất mạnh như thể phía trước tấm màn nhung đỏ ấy là một làn ánh sáng huyền bí” (3). Trong không gian ấy là các cô gái khỏa thân ngủ say như thu trọn vẻ đẹp của trời đất, vũ trụ. Eguchi bước vào căn phòng yên tĩnh ấy nhìn ngắm các cô gái mà không ngừng hồi tưởng về những không gian xa xôi trong quá khứ. Đó là một Kyoto trong chuyến trốn nhà đi cùng người tình đầu tiên với mảnh cầu vồng sau cơn mưa, những quán trọ; là hồ Shinobazu u buồn nơi ông gặp lại nàng với một hài nhi địu trên lưng; là khách sạn hộp đêm ở Kobe, nơi ông có hai ngày tuyệt vời với người đàn bà xa lạ; đền trà hoa rụng cánh khi cùng con gái út đi thăm đền. Những không gian ấy đã ghi tạc những kỷ niệm đẹp trong ký ức của ông. Trong không gian thực là ngôi nhà bí mật đã đưa nhân vật đến hồi ức không gian trong quá khứ, kết thúc là đối diện với không gian thực như một vòng khép kín vây chặt lấy Eguchi. Chỉ một không gian nhỏ hẹp cho phép nhân vật hồi tưởng đến một tầng không rộng lớn của quá khứ với những cảm xúc phong phú, ngọt ngào ngây ngất, đắm say hay trầm tư trĩu nặng trong từng địa điểm, từng khoảng khắc, sau cùng là sự hối tiếc khi trở về không gian thực tại.
Thời gian trần thuật trong tác phẩm rất ngắn theo trình tự 5 chương tương ứng với 5 đêm ông già Eguchi đến ngôi nhà nơi có các người đẹp say ngủ. Mỗi chương tương ứng với mỗi đêm, từ lúc Eguchi đặt chân tới ngôi nhà vào lúc tối của ngày hôm trước, cho đến lúc ông tỉnh dậy, chuẩn bị rời khỏi ngôi nhà vào sáng hôm sau. Mỗi chương đều trình bày những gì xảy ra trong lúc ông ngủ cạnh những cô gái bị đánh thuốc mê. Thời gian mỗi chương luôn bắt đầu từ lúc ông đến là 23 giờ cho đến sáng ngày hôm sau, nhưng trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy những dòng liên tưởng với mối nối quá khứ giúp người đọc hình dung được những sự kiện xảy ra trong cuộc đời Eguchi.
Eguchi tìm đến ngôi nhà có những người đẹp say ngủ như một lần nữa chiêm ngưỡng quy luật nghiệt ngã của cuộc đời. Sự tương phản giữa một ông già đã đi qua những tháng ngày sôi nổi nhất, thần chết có thể gõ cửa bất kỳ lúc nào với vẻ đẹp của những cô gái trẻ mơn mởn không ngừng được tái sinh là sự trùng phùng của cái đẹp, vượt lên sự ham muốn tầm thường, một vẻ đẹp trinh bạch của thân thể bên cạnh vẻ đẹp tâm hồn từng nhuốm màu bể dâu. Cuộc sống là những chuỗi rắc rối, rườm rà, có thể là con đường quanh co hay con đường thẳng thì cái đích cuối cùng mà mọi người hướng tới đó là cái đẹp. Vòng quay của quy luật thời gian, tuổi tác có thể làm cho con người già nua, xấu xí nhưng Eguchi tới ngôi nhà này để ngắm những người đẹp say ngủ là để một lần nữa nhìn lại mình trong quá khứ, nuối tiếc cái đẹp mong manh không cưỡng lại được quy luật nghiệt ngã của thời gian. Cái đẹp đã thanh lọc để họ vượt thoát lên sự dung tục, tầm thường của dục vọng mà thuận theo nó như một lẽ tự nhiên. Đồng thời, cũng khẳng định bản chất của cái đẹp là bất biến trên đường biên của tuổi trẻ, tuổi già, vẻ đẹp ký thác từ thân thể đẹp của những cô gái thành tâm hồn tinh khiết của người già.
Vẻ đẹp thể xác của các cô gái say ngủ khơi gợi nên những dòng hồi tưởng vẻ đẹp tâm hồn. Trong dòng ý thức của Eguchi, vẻ đẹp của các cô gái được mô tả rất chi tiết, tỉ mỉ, mang tính chất đồng hiện. Vẻ đẹp nội tâm của những người đàn bà trong quá khứ đều được khơi gợi từ những thân thể mát rượi ngay bên cạnh ông. Từ cô gái đầu tiên với mùi hương rất đặc biệt, hơi thở của nàng có mùi nồng, khiến ông nhớ tới cô Geisha, người tình của ông khi vợ ông sinh con gái út, người đã ghen với mùi sữa trẻ con trên người ông. Cơn ghen ấy tự nó đã thú nhận nàng yêu ông rất thật lòng, chỉ ông là người duy nhất biết đến sự trong sạch của nàng. Người con gái thứ hai khiến ông nhớ về kỷ niệm cùng cô con gái út đi ngắm cây trà hoa cao lớn ở đền Trà Hoa trước khi cô đi lấy chồng. Người con gái thứ ba ngủ say như chết, làm Eguchi nhớ đến người đàn bà ở Kobe có hai ngày ngắn ngủi cùng ông nhưng ở trạng thái thật viên mãn. Lần cuối cùng đến đây, bên hai người con gái đẹp khiến ông nhớ đến mẹ mình, người đàn bà đầu tiên trong đời, lúc giây phút lâm chung của bà. Eguchi chỉ còn thấy trước mắt mình một bàn tay xương xẩu, khô gầy cùng bộ ngực lép kẹp khi mẹ đi vào cõi vĩnh hằng.
Y.Kawabata đã thành công trong việc thể hiện cái đẹp bằng khả năng trần thuật. Dòng hồi tưởng của nhân vật cho phép bộc lộ vẻ đẹp vượt thoát khỏi rào cản không gian, thời gian. Vẻ đẹp hiện tại đồng hiện với vẻ đẹp của quá khứ, không gian của ngôi nhà khép kín bên bờ biển trở nên lung linh cùng vẻ đẹp của các cô gái ở những không gian khác rộng lớn hơn. Dù các cô gái trong hiện tại ngủ say đêm thứ hai, có lúc là những câu nói mê vô thức cũng đã cho thấy cái đẹp trong câm lặng có khả năng khơi gợi vẻ đẹp của quá khứ rất mãnh liệt, sống động; mỗi cô gái đều khơi gợi lên những ký ức sống mãi, vẻ đẹp bất biến không phai mờ theo thời gian.
Cùng với thủ pháp dòng ý thức, Người đẹp say ngủ được Y.Kawabata thể hiện bằng lối văn chương phương Tây thiên về tả thực, tập trung mô tả chi tiết. Cái đẹp trong tác phẩm không chỉ gợi lên trong dòng hồi tưởng của Eguachi mà còn cho phép nhân vật đóng vai trò chủ đạo trong việc quan sát, mô tả, tỉ mỉ. Vẻ đẹp được bóc tách trong từng chi tiết, bộ phận khác nhau như màu hồng của đôi má, các ngón tay nhỏ, dẻo như không có xương… tuy được cảm nhận ở từng khía cạnh khác nhau nhưng lại tạo nên được sức liên tưởng lớn cho người đọc về vẻ đẹp của những cô gái say ngủ.
Để người đọc có thể hình dung được rõ nét những vẻ đẹp, sức hấp dẫn của các nhân vật nữ, Y.Kawabata đã rất dụng công trong việc mô tả hành động của ông già Eguchi theo cấp độ tăng tiến. Lúc đầu, Eguchi đến căn nhà của những người đẹp say ngủ vì sự tò mò theo lời giới thiệu của lão Kiga. Trong tâm thức của ông, đơn giản ngôi nhà đó là một nơi rất phù hợp với người già, không có chút hình dung, mường tượng nào về những cô gái nơi đây; thậm chí ngay cả khi chờ đợi bà chủ nhà đưa lên phòng gặp người đẹp lần đầu tiên, ông vẫn nghĩ có lẽ cô gái đang ở trạng thái mê giả tạo. “Biết đâu hình dạng những kẻ nghiện ngập, da xám xịt, mắt thâm quầng, gầy còm, khô héo như củi khô. Mà cũng có thể cô ta béo bệu, da thịt giá lạnh. Biết đâu rằng cô ta lại chẳng xanh, vừa ngáy cô ta vừa phả mùi hôi hám” (4). Như vậy, trước khi gặp các cô gái say ngủ, Eguchi không có mấy hứng thú ngắm nhìn họ. Tuy nhiên, với vẻ đẹp của cô gái đêm thứ nhất đã thuyết phục ông hoàn toàn mặc dù ông không ngờ lại đến ngôi nhà người đẹp say ngủ lần thứ hai. Chưa đầy một tháng sau, Eguchi lại đến đó với niềm say đắm mơ hồ. Thời tiết vào độ cuối thu đã bắt đầu trở lạnh, 11 giờ đêm không phải là thời gian thuận lợi cho người già nhưng điều đó không cản trở được bước chân ông lui tới căn nhà đó.
Nếu như lần thứ nhất cách lần thứ hai là hai tuần, thì lần thứ ba Eguchi trở lại ngôi nhà đó cách tám ngày. Như vậy khoảng thời gian ông lui tới căn nhà nơi có những người đẹp say ngủ đang rút ngắn lại, người kể chuyện đã đặt câu hỏi phải chăng Eguchi đã bị các cô gái say ngủ mê hoặc dần dần. Lần thứ tư ông lui tới căn nhà vào một buổi mùa đông xám xịt, những hạt mưa đã biến thành những bông tuyết trắng đầu mùa, mềm dưới chân ông với lối đi phủ kín lá phong già, đá trơn, nguy hiểm cho sức khỏe của tuổi già. Sự xuất hiện của Eguchi lần thứ tư khiến cho người chủ quán hết sức kinh ngạc, nhưng ông đã có ngay được cảm giác ấm áp khi nằm cạnh cô gái thứ tư bởi hơi ấm người nàng như bao trùm ông hơn là đi sâu vào ông, khiến cho ông có cảm giác như được ôm ấp, vỗ về. Lần thứ năm, Eguchi đã bất chấp đêm lạnh, cái chết của lão Fukura xảy ra cách đây không xa để đến ngôi nhà này, ông thầm nghĩ: “Trong một đêm lạnh giá như thế này, trong hơi thở nồng ấm của một tấm thân trẻ trung, được chết đột ngột chẳng là điều may mắn cho người già ư” (5).
Hành động đến ngôi nhà những người đẹp say ngủ của Eguchi từ lần thứ nhất đến lần thứ năm là một quá trình tăng tiến theo cấp độ thời gian, tâm lý nhân vật, từ không hào hứng quay lại ở lần đến thứ nhất đến nửa tháng, rút lại còn tám ngày cho những lần đến tiếp theo. Mức độ tăng tiến theo trở ngại của thời tiết từ mùa thu đến mùa đông, kể cả khi có tuyết rơi trong đêm lạnh phủ kín lối đi với nhiều khó khăn, nguy hiểm cho sức khỏe của người già Eguchi vẫn đến, gần như bất chấp cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Kết cấu thời gian với chuỗi các sự kiện được thống kê là dụng ý nghệ thuật của Y.Kawabata khi mô tả sức vẫy gọi mãnh liệt của cái đẹp. Hành động tới ngôi nhà của Eguchi không ngoài mục đích được tiếp cận, cảm nhận, hồi tưởng về cái đẹp, vẻ đẹp hiện tại lồng ghép với hồi ức quá khứ.
Cái đẹp luôn hiện hữu trong các sáng tác của Y.Kawabata, đó là cái đẹp hình bóng, lặng lẽ, u buồn. Những cô gái trong Người đẹp say ngủ dù đang say ngủ nhưng trong tư thế ngủ ấy, vẻ đẹp vẫn toát lên sống động. Dù chìm sâu trong ký ức lặng câm của không gian, thời gian nhưng tâm hồn họ vẫn gửi lại nỗi da diết, u buồn bởi nó là nơi sâu thẳm cho mọi vẻ đẹp ký thác. Bản chất của cái đẹp không chỉ dừng lại ở vẻ đẹp trên cơ thể của các cô gái mà xa hơn đó là vẻ đẹp đầy sức sống của tuổi trẻ. Bên cạnh sự lão suy của các ông già thì vẻ đẹp của các cô gái không ngừng lớn lên, đẹp rực rỡ.
Là người nghệ sĩ suốt một đời lang thang để đi tìm kiếm cái đẹp, Y.Kawabata là hiện tượng kỳ diệu nhất của văn học Nhật Bản TK XX. Ông cất lên những bài ca của nỗi lòng đầy nuối tiếc cho một vẻ đẹp Nhật Bản, luôn dành hết tâm lực của mình vào tác phẩm để cái đẹp trở nên bất tử, đáng tôn thờ nhất. Người đẹp say ngủ là một tác phẩm văn chương hiện đại, không gian của tác phẩm không giàu chất thơ, kết cấu truyện đơn giản nhưng sức chứa đựng trong nó thật lớn lao. Tác phẩm mang thông điệp của nhà văn Y.Kawabata là tôi thuộc về vẻ đẹp truyền thống Nhật Bản, như sự thông nối giữa hiện đại với truyền thống, duy trì đặc tính duy cảm, duy mỹ của văn học, của người Nhật Bản xưa nay.
______________
1. Yasuanari Kawabata, Tuyển tập tác phẩm, Nxb Lao động, Hà Nội, 2005, tr.1071.
2. Khương Việt Hà, Mỹ học Kawabata, Tạp chí Văn học, số 6-2000, tr.69.
3, 4, 5. Tuyển tập Y.Kawabata, Nxb Hội nhà văn, TP.HCM, 2001, tr.394, 395, 476.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 398, tháng 8 - 2017
Tác giả : LÊ THỊ BÍCH THỦY