LOẠI HÌNH TÁC GIẢ SONG NGỮ TRONG VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT NAM

Văn học trung đại Việt Nam có lịch sử hình thành, phát triển từ TK X đến hết TK XIX, gồm hai bộ phận sáng tác là văn học viết bằng chữ Hán và bằng chữ Nôm. Tuy nhiên trong quá trình phát triển của văn học đã xuất hiện hiện tượng nhiều tác giả vừa có thể sáng tác bằng chữ ngôn ngữ vay mượn (chữ Hán) vừa bằng ngôn ngữ dân tộc (chữ Nôm) tạo thành một hiện tượng rất độc đáo trong văn học trung đại Việt Nam, hiện tượng song ngữ. Ở bài viết này, chúng tôi sẽ trình bày khái quát đặc điểm, nghiên cứu một số tác giả tiêu biểu của loại hình này như Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du; đề cập đến một số hiện tượng đặc thù chủ yếu sáng tác bằng chữ Hán như Ngô Thì Nhậm, Cao Bá Quát, hoặc chữ Nôm như Nguyễn Đình Chiểu, Trần Tế Xương ở nửa cuối TK XIX.

Phân loại kiểu loại hình tác giả trong văn học trung đại Việt Nam

Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Loại hình chỉ một nhóm nhà văn, một nhóm tác phẩm hoặc yếu tố (chủ đề, đề tài, thể loại, nhân vật) có những đặc trưng chung nhưng xuất hiện tại các nước khác nhau, là ngành nghiên cứu những điểm tương đồng, những điểm khác biệt, biến đổi cùng các nguyên nhân, ý nghĩa của chúng. Loại hình học có hai phân nhánh là chủ đề học, văn loại học” (1). Cũng theo tác phẩm này: “Về thực chất, tác giả văn học là người làm ra cái mới, người sáng tạo ra các giá trị văn học mới. Tác giả văn học được nhận ra trong bối cảnh của quá trình văn học, là người có được bản sắc riêng trong vô vàn mối ảnh hưởng” (2). Tác giả văn học trung đại Việt Nam có lẽ xuất hiện cùng lúc với sự ra đời của văn học viết dân tộc bằng chữ Hán. Là một trong những nước chịu ảnh hưởng của khu vực văn hóa chữ Hán, đương nhiên tác giả văn học trung đại mang bóng dáng, dấu vết của nền văn hóa này. Theo tác giả Trần Đình Sử: “Khi làm văn theo chức trách, tác giả bao giờ cũng cung kính, nghiêm trang, tuân theo quy tắc, luật lệ. Khi làm thơ văn cho mình, cho bạn bè họ lại có thể vui đùa ngông ngạo, nghịch ngợm, suồng sã. Do đó khi nói tới kiểu tác giả trung đại Việt Nam là chủ yếu nói tới kiểu tác giả theo nghĩa hẹp” (3). Trong khi đó, tác giả Đỗ Thu Hiền trong Các loại hình tác giả trong văn học thời Lý - Trần đã chỉ ra các kiểu loại hình tác giả trong văn học Việt Nam thời Lý - Trần là: nhà sư, vua, quý tộc, võ tướng, nhà nho, các loại khác.

Đặc điểm của kiểu loại hình tác giả song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam

Thứ nhất, về nguồn gốc, xuất thân, hầu hết các tác giả song ngữ đều xuất thân trong gia đình có truyền thống nho học, khoa bảng, thi thư. Bản thân họ là các nhà nho, được đào tạo một cách bài bản trong nhà trường phong kiến, nhiều người đỗ đạt cao, làm quan trong triều.

Thứ hai, về thời đại, hầu hết các tác giả song ngữ đều sống, hoạt động trong giai đoạn đầu của triều đại; giai đoạn kiến tạo, xây dựng, phát triển đất nước hoặc triều đại phong kiến sau những năm chống ngoại xâm hoặc nội loạn.

Thứ ba, về cuộc đời hoạt động, các tác giả song ngữ đều có một chặng đường học hành, đỗ đạt, ra làm quan để thi hành lý tưởng tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, kinh bang tế thế, trí quân trạch dân của một nhà nho hành đạo. Đồng thời, trong cuộc đời họ cũng có những khoảng thời gian gắn bó sâu sắc với nhân dân, ẩn dật sống gần những con người bình thường, lam lũ.

Thứ tư, về tư tưởng, quan niệm nghệ thuật của các tác giả sáng tác bằng song ngữ, trước hết là tư tưởng, quan niệm nghệ thuật của Nho gia.

Nghiên cứu một số tác giả tiêu biểu sáng tác bằng song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam

Nguyễn Trãi

Nguyễn Trãi sáng tác cả bằng chữ Hán lẫn chữ Nôm. Ở cả hai bộ phận này, ông đều có những tác phẩm có giá trị ở những thể loại khác nhau cả văn học chức năng, văn học nghệ thuật. Hiện tượng song ngữ trong sáng tác của ông trước hết được thể hiện trên phương diện thể loại. Ông sáng tác bằng chữ Hán ở các thể loại văn học chức năng như: cáo, chiếu, thư, văn bia; các thể loại văn học có truyện, lục, thơ, phú. Trong khi đó, sáng tác bằng chữ Nôm có tập thơ Quốc âm thi tập. Thơ văn chữ Hán của Nguyễn Trãi có nhiều tác phẩm có giá trị như: Bình Ngô đại cáo, Quân trung từ mệnh tập, Băng Hồ di sự lục, Truyện Nguyễn Phi Khanh. Ngoài ra ông còn thay mặt vua Lê viết một số bài chiếu như: Chiếu cầu hiền tài, Chiếu cho Tư Tề quyền nhiếp quốc chính…Về thơ phú, Nguyễn Trãi có một bài phú bằng chữ Hán là Chí Linh sơn phú, tập thơ Ức Trai thi tập. Ở thơ Nôm Đường luật, Nguyễn Trãi thể hiện một sự cách tân, sáng tạo rất độc đáo. Thơ Đường luật vốn quy định rất chặt chẽ về số câu, số chữ, niêm, luật, nhịp… Nhưng dường không một khuôn khổ nào có thể gò bó một tài năng thơ Nôm như ông. Thơ Nôm của ông có nhiều bài thất ngôn xen lục ngôn. Nhịp thơ cũng có sự phá cách từ nhịp 4/3 quen thuộc sang nhịp 3/4.

Nguyễn Bỉnh Khiêm

Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng là một người sáng tác bằng song ngữ tiêu biểu trong văn học trung đại Việt Nam. Về thơ chữ Hán, ông có Bạch Vân am thi tập, có khoảng một nghìn bài, nay còn lại khoảng 800 bài. Về thơ chữ Nôm, ông có Bạch Vân quốc ngữ thi tập (còn gọi là Trình quốc công Bạch Vân quốc ngữ thi tập), hiện còn lại khoảng 180 bài. Thơ Nôm của Nguyễn Bỉnh Khiêm làm theo thể Đường luật, Đường luật xen lục ngôn nhưng ông thường không đặt tiêu đề cụ thể cho từng bài mà việc đó được thực hiện bởi những nhà biên soạn sau này. Bạch Vân am thi tập là tuyển tập thơ viết bằng chữ Hán của Nguyễn Bỉnh Khiêm, có không ít hơn một nghìn bài thơ. Tuy nhiên do quá trình lưu giữ, sao chép qua nhiều thế kỷ mà một số lượng không nhỏ tác phẩm bị thất lạc, đến nay còn lại chừng hơn 600 bài thơ chữ Hán được nhiều nhà nghiên cứu xác nhận.

Nguyễn Du

Nguyễn Du, đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, là một thi tài văn chương cả chữ Hán, chữ Nôm. Sáng tác bằng chữ Hán của ông gồm ba tập thơ, được sáng tác trong nhiều thời điểm khác nhau là Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục. Các sáng tác bằng chữ Nôm số lượng đơn vị tác phẩm tuy không nhiều nhưng dung lượng rất lớn (3584 câu). Bao gồm các thể loại truyện thơ là Truyện Kiều, văn tế là Văn tế Trường Lưu nhị nữ, thơ lục bát là Thác lời trai phường nón, thơ song thất lục bát là Văn chiêu hồn, Văn tế thập loại chúng sinh.

Những tác phẩm bằng chữ Nôm của Nguyễn Du gồm có: Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều), Văn chiêu hồn (Văn tế thập loại chúng sinh), Thác lời trai phường nón, Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ.

Các sáng tác bằng chữ Hán của ông chủ yếu là thơ. Trong đó, đáng lưu ý là ba bài: Long thành cầm giả ca, Thái Bình mại ca giả, Sở kiến hành. Thơ Đường luật chiếm hầu hết sáng tác thơ chữ Hán với 246/249 bài. Trong số này, đáng chú ý có những đề tài ông viết liên tục nhiều bài thơ như: Thương Ngô trúc chi ca (11 bài), Mộng đắc thái liên (5 bài), Tạp ngâm (4 bài), Biệt Nguyễn đại lang (3 bài)…

Một số hiện tượng đặc thù

Ngô Thì Nhậm, Cao Bá Quát chủ yếu sáng tác bằng chữ Hán

Ngô Thì Nhậm sáng tác khá nhiều, với khoảng 600 bài thơ, 15 bài văn, 1 bài chiếu, 1 bài hịch. Trong khi đó, sáng tác của tác giả Cao Bá Quát hiện còn 1353 bài thơ, 21 bài văn xuôi, 11 bài viết theo thể ký hoặc luận văn, 10 truyện ngắn viết theo thể truyền kỳ. Trong số này, về chữ Nôm, có một số bài hát nói, thơ Đường luật, bài phú; về chữ Hán, khối lượng thơ nhiều hơn, được tập hợp trong các tập: Cao Bá Quát thi tập, Cao Chu Thần di thảo, Cao Chu Thần thi tập, Mẫn Hiên thi tập.

Theo tác giả Nguyễn Lộc, Cao Bá Quát xuất thân trong một gia đình nhà nho, được đào tạo theo tinh thần của Nho giáo, ấy thế mà đối với Cao Bá Quát những giáo điều nghiêm khắc của Nho giáo từ lâu không thỏa mãn được ông. Nhà thơ hình như vẫn có cách nhìn, cách đánh giá riêng của mình về cuộc sống, không hoàn toàn phụ thuộc vào thế giới quan Nho giáo. So với các nhà thơ khác, Cao Bá Quát là người sử dụng khá nhiều loại thơ cổ thể trường thiên. Đối với ông, thể tài này tương đối tự do, có dung lượng lớn, thích hợp với những tứ thơ hào mại, sảng khoái. Nhà thơ cũng sử dụng nhiều thể thơ Đường luật. Mảng thơ văn viết bằng chữ Nôm của ông, gồm có một số bài hát nói, thơ Đường luật, bài phú Tài tử đa cùng.

Nguyễn Đình Chiểu, Trần Tế Xương chủ yếu sáng tác bằng chữ Nôm

Nguyễn Đình Chiểu là ngôi sao sáng nhất trên bầu trời văn học Việt Nam nửa cuối TK XIX, người tiêu biểu nhất cho khuynh hướng văn học yêu nước chống Pháp. Về sự nghiệp sáng tác, ngoài một bài thơ duy nhất viết bằng chữ Hán là Điếu đông các Đại học sĩ Phan Thanh Giản thì cho đến nay vẫn chưa tìm thấy một bài thứ hai viết bằng chữ Hán được cho là của Nguyễn Đình Chiểu. Còn lại, trước tác của Đồ Chiểu hầu hết là chữ Nôm. Tiêu biểu nhất ở Nguyễn Đình Chiểu là truyện thơ. Ông có ba truyện thơ được sáng tác vào những thời điểm khác nhau nhưng đều có dung lượng khá lớn là Truyện Lục Vân Tiên, Truyện Dương Từ - Hà Mậu, Ngư Tiều vấn đáp nho y diễn ca. Ngoài ra, ông còn để lại khoảng 37 bài thơ, 3 bài văn tế.

Trong khi đó, Trần Tế Xương là tác giả tiêu biểu cho khuynh hướng hiện thực trào phúng trong văn học Việt Nam những năm cuối TK XIX, đầu TK XX. Sáng tác của Trần Tế Xương có rất nhiều văn bản đã bị mất mát, thất lạc. Sau này, các nhà nghiên cứu tổng hợp lại số lượng khoảng 125 bài thơ, 2 bài phú, 2 bài văn tế, tất cả đều được viết bằng chữ Nôm.

Nguyến Khuyến có những bài tự dịch từ Hán sang Nôm hoặc ngược lại

Nguyễn Khuyến có lẽ là tác giả song ngữ tiêu biểu nhất sáng tác bằng song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam. Tác phẩm Quế sơn thi tập có khoảng 200 bài thơ bằng chữ Hán, 100 bài thơ bằng chữ Nôm với nhiều thể khác nhau. Có bài Nguyễn Khuyến viết bằng chữ Hán rồi dịch ra tiếng Việt, hoặc ông viết bằng chữ Việt rồi dịch sang chữ Hán. Cả hai loại đều khó để xác định vì chúng rất điêu luyện. Bên cạnh đó, ông còn được coi là người làm câu đối cự phách nhất trong lịch sử văn học Việt Nam. Câu đối của Nguyễn Khuyến được viết nhiều bằng chữ Nôm (khoảng hơn 40 câu), hơn chục câu bằng chữ Hán. Cũng như thơ, ở câu đối của Nguyễn Khuyến nhiều khi được viết bằng chữ Nôm rồi dịch sang chữ Hán hoặc ngược lại, có câu đối lại vừa có một vế bằng chữ Hán, một vế bằng chữ Nôm rất độc đáo.

Nguyên nhân các hiện tượng đặc thù

Thứ nhất, với những tác giả chủ yếu sáng tác bằng chữ Hán như Ngô Thì Nhậm, Cao Bá Quát. Với Ngô Thì Nhậm, ta thấy rằng trong 4 đặc điểm của loại hình tác giả song ngữ thì ở Ngô Thì Nhậm thể hiện rất mờ nhạt. Ông xuất thân trong một gia đình có truyền thống khoa bảng, đỗ đạt làm quan, trở thành một danh sĩ đương thời. Có lẽ vì là một danh sĩ tiếng tăm nên ông đã không hạ mình viết những sáng tác bằng chữ Nôm mà theo quan niệm văn chương của nhà Nho không phải là văn chương chính thống. Hơn nữa, sử có chép rằng ông trốn về quê vợ từ năm 1780 đến năm 1788 thì được Nguyễn Huệ triệu ra làm quan nhưng có lẽ khoảng thời gian 8 năm này không phải là thời gian ông ẩn dật, lánh đời để có những vần thơ như những nhà nho ẩn dật khác mà cơ bản vẫn là một bậc danh sĩ, đại nho chạy nạn mà thôi. Cũng không thấy nói ông là người sống gần gũi với nhân dân. Cái tối quan trọng của văn chương bình dân là am tường lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân thì lại không có nguồn gốc trong sự nghiệp trước tác của Ngô Thì Nhậm. Có lẽ vì thế, trong cái thời đại chữ Nôm có lẽ là được coi trọng nhất trong lịch sử dân tộc, Ngô Thì Nhậm cũng không để lại bất kỳ tác phẩm nào viết bằng ngôn ngữ dân tộc là vì thế. Trong khi đó, ở Cao Bá Quát, lý tưởng thẩm mỹ, quan niệm văn chương của một nhà nho chính là yếu tố cơ bản nhất khiến ông sáng tác chủ yếu bằng chữ Hán. Nhưng với một tài năng thơ lớn, một tâm hồn dạt dào cảm xúc như Cao Bá Quát, chữ Hán không thôi là chưa đủ. Do đó, ông thường chọn những thể loại dài hơi trong thơ để sáng tác như thể cổ phong hoặc thể hành; nếu có dùng thơ Đường luật thì với một đề tài hay chủ đề, ông phải sáng tác liên tục mấy bài cho đến hết ý thơ, thi hứng mới thôi. Cao Bá quát là một nhà nho tài tử nên ông đến với âm nhạc Việt như một lẽ tất yếu. Ca trù hay thơ hát nói là niềm vui tinh thần của ông; ông sáng tác như để giải tỏa, mua vui chứ không có ý thức hoặc không dám sáng tác bằng chữ Nôm như chính bản thân người từng chỉ biết cúi đầu trước vẻ đẹp của hoa mai từng thú nhận.

Thứ hai, với những tác giả hầu như chỉ sáng tác bằng chữ Nôm như Nguyễn Đình Chiểu, Trần Tế Xương. Với Nguyễn Đình Chiểu, ông xuất thân trong một gia đình quan lại tầng lớp dưới, sống cuộc đời ở nông thôn, gắn bó với người nông dân Nam Bộ. Vùng đất Nam Bộ là vùng đất mới được các chúa Nguyễn mở mang sau này, ít chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán hơn so với Bắc Bộ, Trung Bộ, Nho giáo truyền vào Nam Bộ cũng đã bị khúc xạ đi nhiều, nên lý tưởng thẩm mỹ, quan niệm văn chương nho giáo ở ông dù vẫn còn chất Nho giáo nhưng cũng đậm chất dân tộc. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi ông sáng tác hầu hết bằng chữ Nôm. Thậm chí, ngay cả với những thể loại văn học chức năng, những tác phẩm viết về đạo thánh hiền, anh hùng nghĩa sĩ ông cũng viết bằng chữ Nôm. Còn ở Trần Tế Xương, ông lại xuất thân trong một gia đình dòng dõi Nho gia nhưng đã trải qua mấy đời không có ai thi đỗ, làm quan. Thời đại ông sống cũng đã có những thay đổi khi đất nước rơi vào tay giặc Pháp. Xã hội Việt Nam lúc này thực dân nửa phong kiến với sự du nhập của lối sống, nền sản xuất TBCN cùng với sự thoái trào của những giá trị cũ của giai cấp phong kiến. Chữ Hán đã không còn được coi trọng. Do đó, việc Trần Tế Xương sáng tác hoàn toàn bằng chữ Nôm cũng không lấy gì làm lạ trong bối cảnh lịch sử xã hội ấy.

Thứ ba, với Nguyễn Khuyến, một tác giả sáng tác bằng song ngữ tiêu biểu trong văn học Việt Nam ở giai đoạn nửa cuối TK XIX. Ông xuất thân trong một gia đình nhà nho, bản thân từng đỗ đại khoa, được vua ban cho cờ biển tam nguyên lúc vinh quy bái tổ, làm quan trải hơn mười năm với nhiều chức vụ quan trọng trong triều ngoài nội. Khi đất nước rơi vào tay giặc, lý tưởng trị quốc an dân của một nhà nho không thực hiện được, ông cáo quan về quê sống chan hòa với nông dân ở một vùng đồng quê chiêm trũng Bắc Bộ. Có lẽ, Nguyễn Khuyến sáng tác nhiều khi đã cáo quan về ở ẩn. Có lẽ khi sáng tác bằng chữ Hán ông nghĩ mình là nhà Nho, được học hành bài bản, thi cử đỗ đạt thì phải ra sức truyền bá cho Nho học. Nhưng khi Nho học không diễn tả hết ý tình của mình, ông lại dịch nó ra chữ Nôm cho gần gũi, bình dị với những người dân mà ông gắn bó hoặc là để cho chính mình tự ngâm ngợi mà đắc chí vì tả đúng, tả hết cái ý, cái tình, cái hồn của thơ của cảnh. Phải chăng, ông sáng tác bằng chữ Nôm vì nó gần gũi, thân thiết, bình dị rồi ông lại có nhã hứng dịch nó ra chữ Hán để tỏ sự uyên thâm của một bậc đại nho?

Nhìn chung, loại hình tác giả song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam có những đặc điểm chung về nguồn gốc xuất thân, thời đại, cuộc đời hoạt động, tư tưởng, quan niệm văn chương nghệ thuật. Có nhiều tác giả sáng tác bằng song ngữ tiêu biểu trong văn học trung đại Việt Nam, mỗi một tác giả có những nét riêng về cuộc đời, đóng góp vào hiện tượng song ngữ nói riêng, lịch sử văn học dân tộc nói chung. Bên cạnh đó, văn học trung đại Việt Nam cũng có tác giả chỉ sáng tác chủ yếu bằng chữ Hán hoặc bằng chữ Nôm, lại có tác giả sáng tác bằng chữ Hán rồi tự dịch ra chữ Nôm hoặc ngược lại. Có những lý giải khác nhau về những hiện tượng đặc thù ấy vì mỗi một tác giả có nguồn gốc xuất thân riêng, sống trong một thời đại khác nhau, cuộc đời hoạt động không giống nhau, có tư tưởng quan niệm về văn chương cũng như cá tính khác nhau. Tuy vậy, các tác giả này đã đóng góp cho nền văn học Việt Nam thời kỳ trung đại những tác phẩm mang giá trị cao cả về nội dung lẫn nghệ thuật.

_____________

1, 2. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.182, 289.

3. Trần Đình Sử, Thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.115. 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 405, tháng 3 - 2018

Tác giả : NÔNG VĂN NGOAN

;