Dân tộc Dao ở Việt Nam cư trú ở hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc như: Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh… Dân tộc Dao có 7 nhóm với tên gọi khác nhau như: Dao Đỏ, Dao Tuyển (Dao Áo Dài), Dao Tiền, Dao Quần Chẹt, Dao Thanh Y, Dao Lô Gang (Dao Thanh Phán), Dao Quần Trắng (Dao Họ). Theo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Dao có 751.067 nhân khẩu. Riêng tỉnh Lào Cai đã có tới 88.379 người Dao, chiếm 14,4% dân số toàn tỉnh và 11,8% tổng số người Dao ở Việt Nam.
Xã Sơn Hà là một trong các xã vùng 2 của huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, có tổng diện tích tự nhiên 2.098,16 ha, dân số 1.561 hộ với 5.560 khẩu, gồm 11 dân tộc anh em cùng chung sống: Kinh, Tày, Nùng, Mường… và người Dao Họ.
Từ sau Cách mạng Tháng Tám (1945) đến nay, đã xuất hiện nhiều công trình nghiên cứu về người Dao thuộc các lĩnh vực: Dân tộc học, Ngôn ngữ học, Văn học… của Nguyễn Khắc Tụng, Bế Viết Đẳng, Phan Hữu Dật, Triệu Hữu Lý, Trần Quốc Vượng, Nông Trung, Nguyễn Nam Tiến, Lý Hành Sơn, Phạm Quang Hoan... Trong đó, đáng chú ý là cuốn Người Dao ở Việt Nam của Bế Viết Đẳng, Nguyễn Khắc Tụng, Nông Trung, Nguyễn Nam Tiến do Nxb Khoa học xã hội ấn hành 1978, đã đề cập một cách khái quát về nguồn gốc lịch sử và các lĩnh vực văn hóa truyền thống của người Dao nói chung. Cuốn Văn hóa truyền thống người Dao ở Hà Giang do Phạm Quang Hoan, Hùng Đình Quý chủ biên, giới thiệu hai nhóm Dao Đỏ và Dao Áo dài ở Hà Giang và ít nhiều có đề cập đến các sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng nhưng cũng chỉ dừng lại ở việc mô tả các nghi lễ chung chung vì thế không thấy được bản chất các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của hai nhóm Dao này. Phạm Văn Dương với cuốn Thầy cúng trong văn hóa tín ngưỡng người Dao Họ cũng chỉ nói tới vai trò của người thầy cúng trong đời sống xã hội truyền thống cũng như hiện tại. Gần đây, cuốn Hôn nhân của người Dao Họ ở huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai do Nxb Văn hóa dân tộc ấn hành năm 2019 của tác giả Chu Quang Cường cũng đã có nói tới một số nghi lễ gắn với ngôi nhà nhưng chỉ mang tính khái quát.
Làng bản người Dao Họ ở xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai - Ảnh: Chu Quang Cường
Mặc dù trong các công trình nghiên cứu nêu trên, các tác giả đã đề cập đến nhà cửa của người Dao Họ nhưng với các nghi lễ tín ngưỡng liên quan đến ngôi nhà và nhất là khi làm nhà thì hầu như chưa từng đề cập.
Trong bài này, người viết đề cập tới các nghi lễ, phong tục diễn ra gắn với ngôi nhà nửa sàn nửa đất truyền thống của người Dao Họ ở xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.
Theo các tác giả Bế Viết Đẳng, Nguyễn Khắc Tụng, Nông Trung, Nam Tiến thì người Dao Họ là một nhóm địa phương của ngành Dao Quần Trắng. Ngành Dao này từ tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) đến Việt Nam vào khoảng thế kỷ XIII, theo đường Quảng Yên ngược lên Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang và từ Tuyên Quang, một bộ phận nhỏ lại rời xuôi về Đoan Hùng (Phú Thọ), sau đó ngược sông Hồng lên Yên Bái, Lào Cai và ở đây, nhóm này mang tên Dao Họ. Cho đến nay, ý nghĩa tên gọi Dao Họ chưa được giải thích rõ ràng nhưng rất có thể đó là tên do người nước ngoài đặt cho cộng đồng người này. Theo ông Bàn Văn Xiêm, người Dao Họ ở xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai thì tên gọi Dao Họ có từ thời Pháp và do người Pháp đặt. Tuy nhiên, ông cũng không giải thích được ý nghĩa của tên gọi. Người Dao Họ ở Lào Cai tự nhận mình là Kềm Mần (có nghĩa là người ở rừng).
Người Dao Họ Sơn Hà chủ yếu sống dọc bên bờ sông Hồng. Họ sống rải rác trên các triền núi gần sông suối, những vị trí thuận tiện cho việc làm ruộng nước và canh tác nương rẫy. Trước kia, nơi đây là những cánh rừng nhiệt đới động thực vật phong phú và đa dạng. Cũng vì thế mà việc săn bắt, hái lượm các sản vật có sẵn trong tự nhiên luôn là một hoạt động kinh tế quan trọng của người Dao Họ.
Người Dao Họ thường cư trú thành làng bản ven theo các khe suối, gần sông. Mỗi thôn, bản thường có khoảng từ 15 - 30 nóc nhà. Các ngôi nhà thường được làm liền kề nhau, lưng nhà áp vào núi, hướng nhà nhìn ra suối.
Đồng bào kiêng nhất là khe suối đâm vào nhà, núi hình yên ngựa chạy qua nóc nhà. Nhà của họ cửa chính hướng xuống dưới nguồn nước, cửa phụ thường nhìn lên đầu nguồn nước. Thôn bản của người Dao Họ là một dạng công xã nông thôn, chủ yếu dựa trên quan hệ láng giềng. Tuy nhiên, do trao đổi hôn nhân, hầu hết các gia đình trong thôn đều có mối quan hệ thân hoặc thích tộc khá gắn bó. Điều đó cho thấy tính cố kết dòng tộc có ý nghĩa quan trọng trong đời sống cộng đồng.
Do môi trường sống của người Dao Họ chủ yếu ở vùng rừng núi, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn nên sự giao lưu, trao đổi với bên ngoài có nhiều hạn chế. Từ xưa đến nay, người Dao Họ ở Lào Cai sản xuất nông nghiệp là chính song lại phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thiên nhiên. Gặp thời tiết thuận lợi, thu hoạch từ nông nghiệp có thể đảm bảo được phần lớn về lương thực nhưng nếu thời tiết không thuận lợi (thiên tai xảy ra) thì họ bị đẩy vào cảnh thiếu đói. Trong hoàn cảnh đó, họ luôn tin là có sự tác động của các thế lực siêu nhiên và từ đó nảy sinh yếu tố tín ngưỡng đa thần mà đến nay còn ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống mỗi người.
Trong quá trình tồn tại và phát triển, những yếu tố văn hóa, tín ngưỡng của người Dao Họ cũng chịu nhiều ảnh hưởng của các tôn giáo khác như Đạo giáo, Nho giáo, Phật giáo... song điều đáng lưu ý là các tôn giáo đã hòa nhập vào các tín ngưỡng bản địa để hình thành trong cộng đồng một đời sống tôn giáo và tín ngưỡng khá phức tạp, trong đó yếu tố tôn giáo có phần nổi trội hơn. Đạo giáo có mặt nhiều trong các nghi lễ gắn với cuộc sống của bà con như lễ lập tịch, làm chay, chữa bệnh bẵng phù phép, xem bói… Điều này cho thấy, tín ngưỡng đa thần vẫn ngự trị trong tâm thức mỗi người và nó được thể hiện sâu sắc trong các nghi lễ như cúng bản, cúng cầu mùa, cúng cầu an… của cộng đồng.
Các nghi lễ, tín ngưỡng không thể thiếu được trong cuộc sống của đồng bào Dao nói chung và nhóm người Dao Họ nói riêng, đã đi sâu vào tiềm thức của mỗi con người từ khi chào đời cho đến khi về với tổ tiên. Nó gắn liền với mọi lớn, nhỏ của con người trong công việc. Các nghi lễ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết tinh thần của từng người trong cộng đồng, nó là niềm tin, là sức mạnh vô hình mà bất cứ ai trong cộng đồng đều phải tuân theo. Tuy nhiên, các nghi lễ tín ngưỡng mang đậm màu sắc của Đạo giáo, được thể hiện qua lễ cúng Bàn Vương, đám ma, đám cưới… và đặc biệt là các nghi lễ diễn ra trong suốt quá trình chuẩn bị vật liệu cho đến khi làm xong ngôi nhà. Thông qua các nghi lễ, tín ngưỡng, đã giúp cho mọi người vượt qua được khó khăn biến cố trong cuộc sống. Đồng thời, tạo nên mối liên kết thân tộc và duy trì những tập quán tốt đẹp của nhóm người Dao Họ. Các nghi lễ, tín ngưỡng này đã góp phần bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống quý báu trong lễ nghi, trang phục, âm nhạc, diễn xướng, chữ viết… khi thực hiện từng nghi lễ.
Các nghi lễ diễn ra trong quá trình làm nhà
Chọn nguyên vật liệu (sến đắng láu)
Để làm được ngôi nhà, người Dao Họ phải chuẩn bị từ trước đó hằng năm các loại nguyên vật liệu cần thiết như gỗ, tre, nứa… Theo kinh nghiệm của đồng bào, việc tìm kiếm nguyên vật liệu thường diễn ra vào cuối những tháng mùa khô (tháng 10, 11 âm lịch) vì vào thời điểm này cây sẽ già, chắc, tránh sâu mọt và dùng được lâu năm hơn. Trước khi vào rừng, chủ nhà thắp 3 nén nhang lên bàn thờ khấn báo với Tam đại, Thổ công, Thổ địa về việc đi tìm và lấy vật liệu, cầu mong tổ tiên, thần rừng phù hộ gặp nhiều may mắn, kiếm được các cây ưng ý. Ngày đầu tiên mang dao vào rừng, nếu trên đường đi họ gặp con rắn, người xách dũi hoặc trong thôn bản có người, gia súc, sinh đẻ thì không được đi nữa mà phải quay về để hôm khác.
Tới nơi đã định, họ chọn những cây gỗ thọ cao, to để làm cột, nhất là các cột cái. Họ chọn những cây không bị sâu đục, cụt ngọn, dây leo quấn quanh và nhất là không lấy cây đổ vì họ tin rằng các cây đó đã được Thần, ma sử dụng hoặc làm hư hỏng, nếu dùng để làm nhà thì sẽ đem lại tai họa cho gia đình như các thành viên trong gia đình hay bị ốm đau, gia súc gia cầm không nuôi được. Các cây gỗ đã lựa chọn được chặt hạ xuống đánh dấu sở hữu rồi bỏ lại một thời gian để cây tự dóc hết vỏ mục, dác (chỉ còn) lại mỗi lõi) họ mới mang về.
Với tre, nứa, đồng bào cũng chỉ khai thác trong những tháng mùa khô, những ngày cuối hoặc đầu của tháng vì vào thời gian này, lượng nước trong thân cây sẽ ít đi, tránh được nứt, mọt. Người Dao Họ thường chọn những cây tre, nứa thân cao, thẳng, thân cây không bị các cây khác quấn, không bị sâu, nứt, không cụt ngọn ở trên các ngọn núi cao. Họ dùng sống lưng con dao gõ vào thân cây, nghe tiếng kêu đanh mới chặt. Ông Bàn Văn Sấm, thôn Khe Mụ cho biết “Các cây tre, nứa sống ở trên núi cao sẽ già và chắc hơn, lượng nước trong thân cây ít, khó bị mọt đục”.
Nghi lễ liên quan đến việc chọn đất (siến nỉ)
Người Dao Họ quan niệm nhà không chỉ là nơi cư trú của người sống, mà còn là nơi đi về của những linh hồn người chết hay các vị thần linh (thần đất, thần núi) và các vị thánh trong tín ngưỡng dân gian như các vị thánh Tam Thanh, Tam Nguyên. Vì vậy, khi làm nhà mới, đồng bào rất coi trọng việc chọn địa điểm, họ thường chọn những nơi khuất gió, cao ráo, gần khe suối để tiện dẫn nước vào nhà, có bãi chăn thả, gần ruộng nương thuận tiện đi lấy củi, hái rau, kiếm cá, gần bà con thân thích, thuận lợi cho việc phòng tránh trộm cướp. Người Dao Họ thường làm nhà vào các tháng âm lịch như tháng Giêng, 2, 8, 10, 11 và 12. Tháng 3 và tháng 9 là hai tháng tuyệt đối kiêng. Riêng với tháng 9, đồng bào còn kiêng cả việc làm chuồng lợn, chuồng gà, cối nước, đám cưới, đám chay, cấp sắc. Trong hai tháng này, nếu trường hợp nhà có bị gió thổi tốc mái hay đổ thì cũng chỉ che tạm để ở chứ không được dựng lại nhà mới. Người Dao Họ cho rằng, nếu dựng lại nhà mới vào các tháng 3 và 9 thì người trong nhà hay bị đau ốm, gia súc, gia cầm chậm lớn và bị chết dịch. Trong trường hợp năm có tháng nhuận thì đồng bào làm vào tháng không nhuận (ví dụ: năm có tháng 8 nhuận thì họ sẽ làm vào tháng 7).
Với người Dao Họ, trước khi làm nhà, gia chủ phải xem tuổi những người trong gia đình, nhất là tuổi của chủ nhà để xem người ấy có làm nhà được hay không, tuổi làm nhà tốt nhất là từ 30 - 45. Họ quan niệm rằng cứ 2 năm liền làm được nhà thì năm thứ 3 phải kiêng (tuổi 31, 32 làm được nhà thì tuổi 33 phải kiêng, tuổi 34, 35 làm được nhà thì tuổi 36 không…). Nếu làm nhà vào các tuổi kiêng đó thì trong nhà sẽ không làm ăn được, có người ốm đau... Nếu tuổi làm nhà được thì người ta bắt đầu xem tháng, trong tháng có ngày, giờ tốt để làm nghi lễ chọn đất. Trong việc chọn đất, người Dao Họ phải trải qua 2 bước sau:
- Trước khi đi ra mảnh đất dự định chọn làm nhà, người chủ nhà phải kiêng chuyện sinh hoạt vợ chồng 3 ngày. Đến thời khắc đã định, chủ nhà làm lễ khấn báo tổ tiên, nói rõ địa hình, địa vật của mảnh đất. Chiều tối, họ làm nghi lễ chọn đất. Khi đi phải mang theo một số hạt gạo (các hạt gạo đều nhau, không bị gãy). Tới nơi thì bí mật “phát quang” một khoảng đất rộng chừng 1m2. Chính giữa khoảng đất đó, phải đào 1 hố to tròn bằng miệng bát ăn cơm, nện chặt đáy và xung quanh thành hố, đóng vào giữa hố 1 cọc gỗ hoặc nứa ngắn (khoảng 10cm) rồi xếp các hạt gạo kín xung quanh cọc gỗ sao cho các đầu hạt gạo chụm vào cọc, số hạt gạo xếp xung quanh cọc tượng trưng cho số người, đại gia súc, tiền bạc, thóc gạo và các tài sản khác… Xong việc, lấy ống nứa (một đầu bịt kín) úp lại, xung quanh phần tiếp giáp giữa ống và đất được trát kín. Trước khi ra về, thắp ba nén nhang khấn báo tới ông bà tổ tiên, thổ công, thổ địa rằng nếu ở đất này mọi công việc làm ăn khá giả, chăn nuôi không bị dịch bệnh, các thành viên trong gia đình khỏe mạnh, không ốm đau thì ngày mai tới xem, các hạt gạo vẫn ở nguyên chỗ cũ, không bị xê chuyển, gia đình sẽ làm nhà, còn nếu không đồng ý cho làm nhà ở đó thì các hạt gạo sẽ không còn như cũ. Trên đường về, nếu gặp rắn bò, hoẵng kêu, trong làng có người sinh hoặc đêm ấy ngủ mộng báo thấy có cây đổ, đất lở, đá nhào, thấy có hố đào trên khoảng đất định làm nền nhà… thì bà con bỏ đất ấy để chọn nơi khác vì cho đó là chỗ xấu. Ngược lại, nếu bà con mộng thấy nước chảy vào nhà, cây ra hoa quả chín đầy cành thì đó là những điềm tốt. Sớm hôm sau, họ ra nhẹ nhàng cậy đất xung quanh ống và xoay nhẹ ống nhấc ra, nếu thấy các hạt gạo còn nguyên chỗ cũ thì cho đó là tốt, là thổ công, thổ địa đã đồng ý. Ngay ngày hôm sau, họ đến nhà thầy cúng nhờ xem ngày tốt (không phạm vào thổ công, thổ địa, không sát chủ, không ảnh hưởng tới các vật nuôi trong nhà).
- Tới ngày đã định, họ chôn một số cây theo một hàng thẳng ở phần tiếp giáp giữa phần trệt và phần sàn để làm dấu và thắp nhang báo tới tam đại, thổ công rằng hôm trước gia đình đã tới cắm cọc, xếp gạo rồi nhưng chưa được yên tâm nên hôm nay gia đình đến một lần nữa xin phép được làm nhà tại đây. Khi các nghi lễ được hoàn tất và thổ công, thổ địa “cho phép”, người ta mới tiến hành đào đất, san nền. Trường hợp dựng nhà trên nền đất cũ thì việc chọn đất, chọn hướng không cần nữa, mà chỉ cần đào và san nền lại cho phù hợp với quy mô, cấu trúc của ngôi nhà mới.
Nghi lễ diễn ra trong quá trình dựng nhà (chặp péo song)
Công việc dựng nhà rất quan trọng, do vậy, bà con rất cẩn thận và phải nhờ đến thầy cúng xem cho một ngày đẹp, không sát chủ, không hại đến gia súc, gia cầm… Người chủ nhà phải kiêng không sinh hoạt vợ chồng trước đó ba ngày, đặc biệt đêm trước hôm dựng nhà, trong nhà, trong làng người và gia súc, gia cầm không sinh nở, không có tiếng hoẵng, lợn rừng, hổ kêu… thì sáng hôm sau mới bắt đầu công việc. Còn như thấy các điểm trên thì người chủ nhà bỏ đất ấy đi tìm nơi khác.
Ngày nay, do điều kiện đất ít, người nhiều nên đêm hôm trước nếu có mộng thấy những điểm xấu thì sáng ra bà con sẽ tiến hành làm phép. Người chủ nhà cầm một nắm gạo, một thanh kiếm ra ngoài ngõ hóa gạo thành vàng, bạc.
Mọi việc đều thuận lợi, bà con làm một lễ nhỏ gồm một con gà, một ít xôi và ba chén rượu để cúng báo với tam đại, thổ công, thổ địa về công việc dựng nhà, mong cho mọi việc diễn ra tốt đẹp. Hôm dựng nhà, mọi người trong họ, trong làng tới giúp. Khi bắt đầu, bà con dựng cây cột cái giáp phần cửa chính ở nơi tiếp giáp với phần trệt, phần sàn rồi đến các cây cột khác trước khi dựng các cây cột phụ ở phần sàn, phần trệt và các cây cột ngoài trái. Tiếp theo, phải làm sàn rồi mới gác kèo, làm đòn tay và lợp mái.
Nhà ở nửa sàn, nửa đất của người Dao Họ tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - Ảnh Chu Quang Cường
Theo quan niệm của người Dao Họ lấy một vài mảnh sành, ba miếng cây giáy bỏ vào các hố trước khi chôn cột cái, sau đó lấy ba cây trúc hoặc nứa khô đập dập làm thành một bó đốt lên rồi hơ vào các hố chôn cột làm phép “việc làm phép này nhất thiết là nam giới mà phải là những người đã được cấp sắc” (theo ông Bàn Văn Sang, thôn Khe Mụ) theo quan niệm của bà con để đuổi những vía của ai đó không may bị lạc xuống. Nếu chủ nhà không làm phép được thì phải nhờ một ông già trong làng, hoặc thầy cúng làm giúp. Việc châm lửa làm phép phải nhất thiết bên ngoài khu đất dựng nhà. “Nhà chưa ở mà lửa đã cháy trong nhà, sau này e không tốt. Nhà dễ bị cháy, làm ăn không thuận lợi” (vẫn lời ông Bàn Văn Bồi, thôn Khe Mụ).
Theo tập quán của người Dao Họ, khi gác đòn tay lên mái nhà, gốc phải quay về hướng cửa chính. Cửa chính là cửa đón dâu, rể vào trong nhà ngày cưới, nếu cô dâu có chửa trước thì chỉ đón vào nhà bằng cửa phụ. Trường hợp người chết cũng vậy, nếu là người đã được cấp sắc thì khi ra ngoài sẽ bằng lối cửa chính, còn người chưa cấp sắc phải đi qua cửa phụ.
Với người Dao Họ, hôm lợp mái nhà phải xem ngày thật kỹ, phải là ngày hợp với tuổi chủ nhà và không ảnh hưởng đến mọi thành viên trong gia đình và súc vật nuôi. Sau khi mái đã lợp xong, người chủ nhà trèo lên nóc, ngồi đúng trung tâm của gian giữa nhà, mặt quay phía cửa chính, cúi đầu xuống, hai tay vỗ vào hai bên mái, mỗi lần vỗ ba cái rồi phù phép vào nóc nhà bằng cách hỏi người bên dưới “Đã tối chưa?”, ở bên dưới trả lời “Tối rồi” là được. Nếu bên dưới nói chưa tối thì phải làm phép lại và xin thần linh phù hộ chấp nhận cho. “Phải phù phép và vỗ như vậy thì mới thành một cái nhà” (ông Bàn Văn Sang, thôn Khe Mụ).
Người Dao Họ thường kiêng mang lửa, nước, ăn uống hay ngủ nghỉ trong khoảng đất làm nhà - mọi việc phải diễn ra bên ngoài miếng đất làm nhà vì đồng bào quan niệm chưa đến ngày ở mà lửa, nước… đã có trong nhà thì e rằng khi ở sẽ không tốt.
Người Dao Họ tối kỵ việc bắc ống dẫn nước sau nhà hoặc dựng nhà mà ở phía sau có khe nước chảy, bởi làm nhà ở vị trí như vậy sau này làm ăn sẽ sa sút, lụi bại, người và gia súc thường bị đau ốm.
Nghi lễ liên quan khi vào nhà mới (pọe xằng péo)
Ngày vào nhà mới phải là ngày tốt nhất, hợp với chủ nhà và không phạm vào một ai trong gia đình. Trước lúc làm lễ, họ chọn nơi đặt bếp, bếp được đặt ở đâu thì nện chặt đất ở đó (trước đây, đồng bào thường chọn đặt bếp ở gian giữa, đối diện với bàn thờ. Ngày nay bếp được để nơi gian cuối hoặc bà con làm một căn nhà bếp riêng) rồi lấy mũi dao gạch hình dấu thăng (#), chọc vào giữa dấu thăng trước khi phù phép vào đó. Bà con phù phép bằng cách hai tay vỗ vào nhau ba lần rồi đưa xuống nơi mũi dao đã chọc, sau đó mới đưa lửa vào, phép này được gọi là áy phép. Theo ông Ban Văn Sang, thôn Khe Mụ: “Nếu không làm phép này thì hồn ma, sâu bệnh dưới âm phủ đang chờ sẽ lên hại người và gia súc”. Khi việc làm phép đã hoàn tất, nếu chưa có kiềng thì lấy ba hòn đá thay kiềng và đặt theo hay tam giác sao cho dấu thăng ở chính giữa. Xong việc, chủ nhà cầm một bó đuốc bằng nứa đã phù phép (gồm ba cây nứa đập dập chập lại tượng trưng cho ba chảo dầu, mỗi chảo 100 lít), một quả đu đủ xanh, một bó lúa, một ống tre bên trong đựng đầy nước, một vài đồng xu treo lên vách, ống nước dựng ở vách nhà cạnh cửa phụ.
Theo quan niệm của đồng bào: bó đuốc tượng trưng cho ánh sáng của toàn gia đình và xua đuổi tà ma, khí độc, hồn vía lang thang. Nước tượng trưng cho việc sinh hoạt hằng ngày được mát mẻ. Lúa, tiền xu cầu mong sự no ấm, đầy đủ trong cuộc sống. Quả đu đủ cầu cho chăn nuôi mau lớn, không bị dịch bệnh.
Lửa mang vào nhà để ở bếp nhất thiết phải cháy cả ngày và đêm hôm đó không được tắt. Nếu bếp mà tắt thì trong cuộc sống của họ có nhiều sự quấy nhiễu, không yên ổn. Khi đã hoàn tất công việc trên, chủ nhà làm một lễ cúng tam đại, thổ công, thổ địa để báo rằng nhà đã làm xong, hôm nay là ngày tốt, gia đình làm một cái lễ gồm một con gà, một chai rượu, ít hoa quả dâng lên mong sự phù hộ của thần thánh, tổ tiên cho gia đình ăn nên làm ra, có một cuộc sống no đủ, chăn nuôi không bị dịch bệnh, gia súc, gia cầm thì chóng lớn. Lễ vật được đặt lên một chiếc mâm và để lên trên một cái ghế thấp chân. Lễ xong mọi người cùng nhau ăn uống, múa hát mừng cho chủ nhà có được cơ ngơi mới.
Tối hôm đó, chủ nhà nhất thiết phải ngủ ở tân gia, ban đêm trước 24h mà nghe thấy con hoẵng kêu, trong thôn có người sinh đẻ hoặc gia súc, gia cầm đẻ thì sáng hôm sau phải làm một cái lễ giải. Lễ gồm một con gà, ba chén rượu cúng để xua đuổi những cái xấu, những điềm không tốt đối với gia đình.
Nếu ngôi nhà mới dành cho người con trai ra ở riêng thì chủ nhà không làm bàn thờ ngay mà để ít nhất là ba năm. Việc thờ cúng vẫn theo bên nhà bố mẹ. Trong trường hợp ở nhà đó mà người trong nhà hay bị ốm đau, chăn nuôi khó, nếu chủ nhà đi xem mà được biết tổ tiên “đòi” về ở nhà mình thì lúc đó mới làm lễ lập bàn thờ. Lễ gồm có một con gà, ba chén rượu khấn mời tổ tiên về ở nhà mình, phù hộ cho mọi thành viên trong gia đình mạnh khỏe, chăn nuôi mau lớn không bị dịch bệnh, cây trồng không bị sâu, cho thu hoạch cao.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, đời sống kinh tế - chính trị, văn hóa xã hội đã len lỏi vào từng thôn bản, từng gia đình, từng cá nhân đã làm cho cuộc sống của đồng bào có nhiều thay đổi. Nền kinh tế truyền thống tự cung tự cấp nay đã dần chuyển sang xu hướng hàng hóa do thị trường điều tiết. Sự giao thoa văn hóa giữa các vùng miền, dưới sự tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, lớp trẻ lớn lên được học và đi làm ở những nơi phát triển, bên cạnh đó, các khu công nghiệp mọc lên, thu hút nguồn lao động tại chỗ đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới nếp sống thực tại của người Dao Họ nói riêng và của các dân tộc bản địa nói chung.
Trước hết, cần phải khẳng định rằng, các nghi lễ, tín ngưỡng của người Dao nói chung, các nghi lễ, tín ngưỡng liên quan đến ngôi nhà của họ nói riêng phản ánh sắc thái văn hóa tộc người khá đậm nét. Ngoài việc làm thỏa mãn yếu tố tâm linh, các nghi lễ, tín ngưỡng này còn phản ánh đời sống tinh thần cộng đồng, vừa chứa đựng những yếu tố tích cực (tập quán tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, tinh thần đoàn kết cộng đồng, tính giáo dục…) cần được bảo lưu nhưng cũng bộc lộ những mặt hạn chế (yếu tố mê tín, hủ tục lạc hậu) không còn phù hợp, cần được loại bỏ.
Việc nghiên cứu, sưu tầm và giới thiệu các giá trị nhân văn, những tập quán truyền thống tốt đẹp của các nghi lễ tín ngưỡng này, phù hợp với chính sách dân tộc của Đảng: bình đẳng, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ, đúng theo tinh thần của Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam từ lâu đã rất chú trọng trong công tác nghiên cứu sưu tầm và trưng bày về đời sống tín ngưỡng của người Dao nói chung và của người Dao Họ nói riêng. Hàng nghìn bức ảnh, nhiều băng video, tư liệu ghi lại các sinh hoạt tín ngưỡng của các nhóm Dao, trong đó có nhóm Dao Họ như: lễ cưới, lễ cấp sắc, tang ma, sách cổ, tranh thờ,… đã được nghiên cứu, sưu tầm. Đặc biệt, với việc dựng lại ngôi nhà nửa sàn, nửa đất của họ tại khu trưng bày ngoài trời của Bảo tàng để giới thiệu với du khách trong và ngoài nước về văn hóa vật thể cũng như phi vật thể của nhóm Dao này. Thiết nghĩ, đây là việc làm có ý nghĩa thiết thực và hiệu quả, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa tộc người Dao nói chung, nhóm Dao Họ nói riêng.
_______________
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương, Báo cáo kết quả chính thức Tổng điều tra dân số và nhà ở 1/4/2009 (2010), Hà Nội.
2. Chu Quang Cường (2019), Hôn nhân của người Dao Họ ở huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
3. Phạm Văn Dương (2014), Thầy cúng trong văn hóa tín ngưỡng người Dao Họ, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
4. Bế Viết Đẳng, Nguyễn Khắc Tụng, Nông Trung, Nam Tiến (1971), Người Dao ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
Tác giả: Chu Quang Cường
Nguồn: Tạp chí VHNT số 468, tháng 7-2021