KHÔNG GIAN THÀNH THỊ TRONG VĂN XUÔI NGỌC GIAO

Thành thị trong văn xuôi Ngọc Giao chủ yếu là không gian xã hội của buổi đầu đô thị hóa, đầu TK XX ở thủ đô Hà Nội. Không gian ấy mang nét đặc trưng của Hà Nội đương thời, gắn liền với thế giới nhân vật, số phận, tính cách. Cạnh không gian Hà Nội, là một thoáng Sài Gòn với những vấn nạn mang tính thời sự. Những trang văn mở ra không gian nghệ thuật có bề dày lịch sử, chiều sâu văn hóa, thấm đượm tình yêu.

1. Hà Nội với dấu ấn văn hóa truyền thống, hiện đại

Hà Nội cũ nằm đây là tác phẩm của Ngọc Giao với những dấu ấn, suy cảm về đất và con người Hà Nội. Những con phố mang cái tên quen thuộc như: Khâm Thiên, Tràng Tiền, Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bông... vẫn còn hiện hữu, vang lên trìu mến với bao kỷ niệm. Trong văn xuôi Ngọc Giao, phố xá Hà Nội trước hết hiện lên như một chứng tích của lịch sử văn hóa. Tiêu biểu nhất là không gian hồ Gươm, 36 phố phường, chợ Đồng Xuân với văn hóa lễ tết trong các tác phẩm như: Gái muộn chồng, Hành khất hành văn, Cái kiểu người Hà Nội, Những hình bóng cũ... Trong trí nhớ của người Hà Nội những năm xưa, chợ Đồng Xuân vừa là chợ, vừa là trung tâm văn hóa, nhất là chợ ngày tết. “Năm đang tàn, chợ Đồng Xuân đã có bao nhiêu hoa tươi bày bán. Bấy nhiêu hương sắc theo muôn màu áo, theo muôn bàn tay ngà ngọc mang đi khắp Hà thành” (1). “Hồ Gươm có tất cả gió của trời, lành như hơi thở nhẹ của cô gái dậy thì” (2). Hồ Gươm với không gian thiên nhiên trong lành, lãng mạn là nơi bách bộ tiêu dao của người Hà Nội bao đời nay. Đây cũng là không gian văn hóa với cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn hiện lên trong những trang văn viết về tết của người Hà Nội với thói quen truyền thống cầu may đêm giao thừa. Mối tình của cựu hoàng và Gái muộn chồng đã có những dòng miêu tả tinh tế về hồ Gươm như thế: “Hà thành lúc ấy vùng thức dậy vì tiếng pháo đốt liên thanh. Cô quên cả rét, sung sướng theo mẹ bước trên cầu Thê Húc, len vào trong đám đông người lũ lượt vào đền” (3). Hồ Gươm, hồ Tây cũng là những không gian sống giúp người Hà Nội gửi gắm và xua tan đi những nỗi buồn với vẻ thủy mặc, lãng mạn của nó: “Hồ Gươm lặng gió. Mặt nước phẳng lì như tờ giấy lam trải rộng” (4). Không gian hồ Gươm, hồ Tây cũng trở thành nơi hẹn hò, yêu đương của nhiều đôi thanh niên nam nữ trong Để lòng, Mối tình của cựu hoàng...

Đường phố mang trong mình một đặc trưng như chốn giải khuây của bao người Hà Nội. Mỗi khi buồn, vui, họ lại vòng vèo qua phố ngắm cảnh tiêu sầu. Tên phố, tên đường như cùng đồng hành với tâm trạng nhân vật. “Đi theo dõi phía sau lần đầu và mấy lần sau nữa, bà Hoàng thấy ông lang thang lên đường hồ Tây, đứng tựa gốc cây, có khi đứng ngoài cửa chùa Quán Thánh lắng tai nghe dứt một hồi chuông” (5). Phố Hà Nội ngày mưa cũng mang những nét trầm tư riêng của nó. “Tôi tự cho mình có cái thói quen lẩm cẩm là cứ thích ra đường dưới những cơn mưa, cơn gió. Nó âm u, buồn bã mang một nỗi buồn mênh mang man mác, gợi nhớ, gợi thương” (6).

Hà Nội với những bãi sông trên dải Nhị Hà, bãi Dương Vương xen lẫn trong không gian phố là nơi cư trú một thời loạn lạc của những người nghèo khổ. Ở đây, người ta thấy bên cạnh những người phố thị hào hoa, thanh lịch là những người nghèo lao động đáng thương mà tác giả đã từng bắt gặp, cứu vớt. Đó là không gian tối tăm, khó hiểu, phức tạp của một vùng chứa nhiều kiểu người trú ngụ trong truyện Ở bãi. Một không gian phố thị truyền thống, hiện đại cùng tồn tại với sự xuất hiện của những nhân chứng văn hóa một thời như: cô Me, bà đầm, người đưa thư, cầu thủ bóng đá, đô vật, nghệ sĩ tuồng... Những hiệu sách Bờ Hồ, cửa hàng kem Tràng Tiền, hàng phở, hàng đồ chơi... đã dần mọc lên khắp phố. Bên cạnh Hà Nội 36 phố phường cổ xưa là những dãy phố Tây mới mọc bên hàng cây sấu, trở thành nhân chứng lịch sử đến tận hôm nay. Nhân vật Thông trong Bến đò rừng được miêu tả là “chàng lang thang trong các phố Tây vắng, hai tay đút túi quần, mặt cúi gầm nhìn những chiếc lá sấu trải mặt hè lát gạch xám. Gió thổi không đủ làm dịu tiết hè oi ả. Trên bầu trời lác đác một vài ngôi sao” (7). Phố xá có chiều sâu văn hóa hơn, đẹp hơn trong những ngày cuối đông chuẩn bị đón tết. “Người ta vác cành đào đi bán rong ngoài phố. Người ta đã đi sắm những giành hoa cúc vàng tươi đẹp, những giò thủy tiên lá nõn mượt xanh, những cành hải đường hoa thắm đỏ như những nụ cười của các nàng xuân nữ” (8). Trên đường phố đêm ba mươi tết, nhộn nhịp người đi chơi tết hồ Gươm, hành khất, hành văn đi chúc tết.

Hà Nội văn minh náo nhiệt hơn với sự xuất hiện của những dấu ấn đô thị hóa. Đó là những nhà in mọc lên trên dọc phố: “Trước một địch thủ sức mạnh hơn người như nhà xuất bản Tân Dân 93 Hàng Bông, các nhà xuất bản khác trong Hà Nội hoảng sợ” (9); “nhà xuất bản Tân Dân đứng ngạo nghễ ở phố Hàng Bông, như thách thức đọ kiếm với mọi nhà in lớn như nhà in TB Cay của Hoa kiều ở phố Sinh Từ, nhà in Minh Sang ở Bờ Hồ, nhà in Ngô Tử Hạ phố Nhà Thờ...” (10). Những cửa hàng bán giày, bán đồ chơi hay các cửa hàng kinh doanh làm cho phố xá ngày càng sầm uất. Phố cũng gắn với cuộc đời thăng trầm của những con người vận động đi lên thay đổi cùng xã hội, cùng sự xuất hiện của những cửa hàng, cửa hiệu: “Chúng tôi thường họp nhau tại nhà anh Nguyễn ở một phố gần hồ Hoàn Kiếm. Nguyễn làm thơ, ngoài lúc ngồi đo giày cho khách. Anh mở hiệu giày đã được chục năm” (11).

Xe cộ đi lại nhộn nhịp, sự xuất hiện của xe hơi làm tăng thêm sự thay đổi của diện mạo phố phường nhưng cũng vẫn phảng phất cái trong lành của khí trời và nét duyên người Hà Nội: “Mỏi mệt, anh ngồi xuống chiếc ghế xi măng bên hồ Hoàn Kiếm, rút khăn thấm mồ hôi... Xe hơi bóng nhoáng chạy vun vút trên đường, những tà áo lụa thấp thoáng sau những khóm liễu rủ tơ mành...” (12). Đường phố nhộn nhịp hơn với những con la kéo xe phun nước hay xe ngựa bán bánh mì. Chiều Hà Nội phố thêm mát mẻ, sinh động với “con la không có tuổi, tai vểnh cao như hai chiếc mo nang, lông xoăn xoăn đỏ, bốn chân điểm trắng, uể oải gõ móng sắt xuống nền đá  bụi” (13) kéo chiếc xe phun nước. Đó còn là “tiếng chuông gõ nhịp nhàng ở những xe bán dầu tây... có những chiếc xe ngựa của hãng bánh mì Thano chạy lóc cóc khắp các ngả đường chật chội” (14). Phố Hà Nội thêm sinh động với những chấm phá của người Tây. Náo nhiệt hơn với những trận túc cầu nảy lửa với những người mệnh danh Cọp xám bãi cỏ xanh, những trận đấu vật rầm rộ, những buổi chen nhau lấy vé xem hát bội ở rạp Quảng Lạc: “Người Hà Nội tất cả mọi giới làm ăn vất vả suốt ngày mong tối xuống đèn lên, xô nhau tới rạp Quảng Lạc ngõ Sầm Công” (15). Có những trận đấu vật “Nửa dân Hà Nội bịt kín Hàng Ngang, Hàng Đào xem cuộc thi võ thuật đặc biệt” (16). Một không gian huyên náo, nhộn nhịp với những dấu hiệu của cuộc sống thị thành.

Hà Nội thời ấy bên cạnh những cư dân nghèo ở bãi lam lũ, ở phố Khâm Thiên đói khổ tết phải “ăn thịt chó hụt” thì cũng đã xuất hiện những công chức chủ nhật hàng tuần thể thao, đọc báo, đạp xe quanh phố ăn phở, nghỉ chân hóng mát ở vườn hoa chiến sĩ, xem bóng đá. Đó là Một ngày chủ nhật của ông cò-mi Thoại trong truyện ngắn cùng tên. Thở phào sau một ngày giải trí, ông ra về khi “đèn đường đã sáng, ông ngồi lên yên, gò lưng đạp. Ông lau mắt kính lừ đừ nhìn lên tòa gác nhà ông, rồi nhìn vào mấy cửa sổ dưới nhà. Ánh đèn chiếu ra đường, vui đẹp như hoa  đăng” (17). Trong niềm hân hoan một ngày bát phố, ông kết thúc ngày nghỉ ở hiệu phở, bằng một bát tái xách trần kèm theo quả trứng gà đánh chén no say để đảm bảo ngày mai đi làm cho khỏe. Không khí phố phường như huyên náo nhộn nhịp hơn với ánh đèn, với những dịch vụ cửa hàng mới, những thú vui và và thói quen mới. Một không gian thành thị với những dấu hiệu của cuộc sống thành thị, ngày một văn minh, quan tâm đến nhu cầu hình thức và vật chất hiện đại đã xuất hiện trong cuộc sống người Hà Nội.

Phố thêm sinh động làm phong phú đời sống tinh thần với những sân chơi bóng đá, đấu vật hay xem diễn sân khấu cải lương hay vui chơi vườn bách thảo, công viên. Những không gian vui chơi giải trí công cộng cho quần chúng ấy phản ánh đời sống tinh thần với những nhu cầu, thị hiếu mới của người dân phố thị. Cuộc sống không chỉ lo ăn, học, làm giàu mà cũng cần mua vui, giải trí, đi chơi. “Sân bóng Măng Danh ngày ấy là sân bóng duy nhất, một bãi cỏ hoang tàn, gồ ghề, lồi lõm, một phía sân trồng mấy cây hoa phượng... Lũ trẻ con thì trèo lên tận ngọn phượng vĩ làm khán giả nỏ miệng gieo hò khi đội ta thắng” (18). Trong bước đầu chập chững, không khí huyên náo của thể thao bóng đá bắt đầu từ đó với những trận đấu được háo hức chờ đợi cuối tuần. Đó còn là không gian bách thảo với cỏ cây, thú vật nơi những bà mẹ trẻ cuối tuần đưa con đi dã ngoại: “Trên nền cỏ xanh, thấp thoáng những cái bóng vàng vàng của con hổ, con báo đi đi lại lại, những cái bóng đen đen của bầy gấu chạy hai chân, dựng thẳng cả mình lên như người” (19). Trong không gian thân thiện, thanh bình ấy “những đứa trẻ nhà người vào ngày chủ nhật vẫn vào đây đánh đu, nghịch cát. Chúng có những người mẹ lành hiền ngồi trên ghế cúi đầu đan tất và những chiếc áo xinh xinh cho chúng” (20). Đó là không gian của cuộc sống yên bình, thư thái của những con người phố thị bắt đầu quan tâm đến sự tận hưởng cuộc sống, chăm sóc cho đời sống tinh thần.

Hà Nội trong văn xuôi Ngọc Giao không phải là những món quà tinh thần hay vật chất, là những đặc sản hay thú chơi truyền thống hay những con người hào hoa thanh lịch với nếp nhà như trong văn xuôi Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng hay Nguyễn Khải, cũng không phải Hà Nội của những năm tháng kiên cường đánh Pháp quyết tử cho tổ quốc quyết sinh hay đánh Mĩ giỏi. Hà Nội trong Ngọc Giao hiện lên tự nhiên, giản dị cũng có khi sâu sắc như chính cuộc sống đang trong dòng vận động chuyển mình những năm đầu TK XX. Những không gian sống gắn bó với người Hà Nội từ bấy đến nay có những cái đã đổi thay có những cái vẫn trường tồn trong tâm thức, có cái còn hiện hữu. Những không gian ấy như những chứng tích, như đồng hành cùng những người dân Hà Nội, như nơi trải lòng, tô đậm thêm cho những tâm trạng, những cuộc đời vui có, buồn đau bất hạnh cũng nhiều. Không gian sống của những người dân lao động nghèo, người con gái muộn chồng, những thi sĩ nghèo, những ông chồng đầy tâm tư khi lấy vợ. Đó là những không gian phác thảo nhưng rất tinh tế, rất Hà Nội, mang nặng tình người.

2. Sài Gòn với tâm điểm của những nỗi đau

Bên cạnh một Hà Nội thanh lịch, văn hóa đang vận động trên con đường hiện đại hóa trong những năm đầu TK XX là một Sài Gòn với lối sống mới mạnh mẽ, khốc liệt hơn trong những năm 50 TK XX. Ngọc Giao sống nhiều năm ở Hà Nội nên không gian Hà Nội giữ vai trò quan trọng trong đời sống, tâm hồn nhà văn. Tuy nhiên trong một chuyến đi Sài Gòn năm 1949, những tranh thủ chớp qua cũng đủ để nhà văn thực sự ấn tượng và trăn trở về một không gian sống đầy ẩn ức của phố thị Sài Gòn, đó là Xóm Rá. Trong khoảng thời gian chớp nhoáng của một giai đoạn chịu nhiều thị phi, Ngọc Giao đã phát hiện được vấn đề, lăn xả vào vùng đất cấm ấy để tái dựng một không gian sống giăng đầy cạm bẫy, ô nhục và những cái chết mòn của các cô gái bán thân. Không gian Sài Gòn trong văn xuôi Ngọc Giao được nhìn từ một điểm tiêu biểu và nhức nhối.

“Kể từ khi đất Sài Gòn là nhượng địa của Tây, cái khu vực ngoại ô này đã được đeo tiếng là giang sơn thu nhỏ của kẻ quần cư tứ chiếng. Ở đây tụ họp những người Nam Vang, Vạn Tượng, những người Việt đủ ba miền Trung, Nam, Bắc” (21). Họ sống bằng rất nhiều nghề: thợ mộc, khuân vác, cai ký, lính tráng, bồi săm, gái điếm, xe ngựa, xe xích kéo... Nhưng bộ mặt Sài Gòn thay đổi, khắp các ngả đường nội ngoại châu thành, xe xích lô diệt hẳn xe kéo chạy như mắc cửi. Văn minh phương Tây tràn ngập, xe taxi chạy như bay trên khắp phố phường. Xe ngựa mất vệ sinh, xích lô thì bụi. Bao phu xe thất nghiệp bị đẩy ra rìa cuộc sống, đi làm ma cô, bồi tiệm, bồi nhà chứa, vợ của họ cũng đi làm đĩ, lưu manh, gái điếm... Nhà cầm quyền sai đốt nhà giải phóng quần cư tứ chiếng và người ta chờ đợi một khu kỹ nghệ giải quyết những vấn đề xã hội cải thiện dân sinh nhưng rồi thất vọng. Ở đó lại mọc lên một nhà thổ. Người ta gọi khu này là khu xóm Rá. Trên mảnh đất hoang tàn rác rưởi trước kia, hình bóng trụy lạc, nhầy nhụa và những cảnh lén lút bán dâm giờ đây không còn nữa. “Xóm Rá ngày nay đã có những nhà chứa công khai, là nơi hơn bốn trăm phụ nữ phải hàng đêm miệt mài làm việc bán thịt cho hàng vạn, hàng triệu kẻ động cỡn” (22). Hy vọng thay đổi cuộc đời những con người lao khổ đã thất vọng bởi chính quyền bảo hộ đã để cho hình thức người bóc lột người tàn nhẫn công khai thực hiện tại nơi này.

Xóm Rá với “những con đường phố vắng đã bắt đầu trở lại với nhịp sống của đêm Xóm Rá. Xe ô tô phóng ào ào, bóp còi inh ỏi, chèn xe thổ mộ nép sang hè, làm mấy con ngựa già hốt hoảng chồm vó lên mà hí” (23). Chín giờ tối, xóm Rá đông như một khu hội chợ. Trên bờ hè, các hàng quà bày la liệt. “Hàng phở, cháo mì, cà phê, thuốc lá. Những cỗ xe thổ mộ hoạt động thật ráo riết... Có những xe hơi trắng bụi bay bùn bám tỏ ra mệt nhọc vượt hàng ngàn dặm đến, đỗ rụt rè tít đằng xa trong bóng tối” (24). Trong cái nền phố xá về đêm tấp nập kẻ bán, người mua qua lại ấy, những cô gái như những món hàng càng bị chà đạp, dày xéo. Cùng trên những con phố hoa lệ ấy, ban ngày lại là cảnh tượng trớ trêu, duy nhất được nói đến là cảnh đưa tang Nhạn - cô kỹ nữ xấu số với một hiện trạng lạ lùng đầy phản kháng và đau xót. Một đoàn thiếu nữ kẻ không quần áo lót, người không áo dài, người mặc chuồng đi sau bạn nghề mặc đủ áo quần về nơi chín suối trong đớn đau, tủi nhục. Chỉ bấy điểm nhãn cũng đủ cho thấy một phần phố thị Sài Gòn hào nhoáng, hoa lệ nhưng cũng đầy cám dỗ, cạm bẫy và bất công. Một đại diện cho không gian thị thành thời kỳ thuộc địa với những lố lăng, đồi bại đang dần làm thay đổi cuộc đời, số phận biết bao người theo chiều tiêu cực. Một sự đối lấp giữa không gian hào nhoáng, lung linh của phố phường với con người nhơ nhuốc, lầm than là tiếng nói tố cáo, lên án của tác giả.

Không gian thành thị hiện lên trong văn xuôi Ngọc Giao không hoành tráng, vĩ mô, không chi tiết cụ thể mà chỉ thoáng qua với những đường nét phác thảo của một bức tranh thanh sắc. Với những nét chấm phá về phố xá, hồ Gươm, hồ Tây, chợ, sân khấu, sân bóng, những con đường, những tòa nhà, những cửa hiệu, khu nhà chứa... tác giả đã cho ta những hình dung đơn giản nhất nhưng cũng tiêu biểu nhất về Hà Nội và thoáng Sài Gòn với những vấn đề ấn tượng và nổi cộm. Những không gian đó góp phần để nhân vật hiện lên rõ nét hơn trong bối cảnh xã hội đang trên đường đô thị hóa, hiện đại hóa, có những biến đổi so với truyền thống nhưng cũng vẫn thấp thoáng bóng dáng của nguyên bản nguyên sơ. Đó là không gian bối cảnh cũng là không gian tâm trạng mang những ưu tư của cuộc đời nhân vật và dấu ấn thời đại.

______________

1, 3, 6, 8, 9, 11. Ngọc Giao, Đốt lò hương cũ, Nxb Văn học, Hà Nội, 2012, tr.212, 267, 73, 181, 370, 194.

2, 5, 17. Ngọc Giao, Phấn hương, Nxb Văn học, Hà Nội, 2010, tr.221, 157, 379.

4, 7, 12, 19, 20. Ngọc Giao, Bến đò rừng, Nxb Văn học, Hà Nội, 2012, tr.100, 100, 94, 179,179.

10, 13, 14, 15, 16, 18. Ngọc Giao, Hà Nội cũ nằm đây, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2010, tr.125, 40, 41, 104, 151, 89.

21, 22, 23, 24. Ngọc Giao, Xóm , Nxb Hà Nội, Hà Nội, 2011, tr.15, 17, 48, 65.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 407, tháng 5 - 2018

Tác giả : NGHIÊM THỊ HỒ THU

;