Triển lãm “Dấu ấn 70 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam”

Sáng ngày 13-3, tại 523 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội, Viện Phim Việt Nam đã tổ chức Lễ khai mạc triển lãm “Dấu ấn 70 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam”. Đây là hoạt động chào mừng Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2023).

Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm

Tham dự buổi lễ có: Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông; Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành; Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú; Giám đốc Trung tâm lưu trữ quốc gia III Trần Việt Hoa; đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ VHTTDL.

Về phía Viện Phim Việt Nam có: Phó Viện trưởng điều hành Nguyễn Huy Hoàng; Phó Viện trưởng Nguyễn Thị Thúy Hà; Phó Viện trưởng Ngô Đặng Trà My; cùng sự tham gia của các NSND, NSƯT trong lĩnh vực điện ảnh.

Phát biểu tại Lễ khai mạc Triển lãm, Phó Viện trưởng Viện Phim Việt Nam Ngô Đặng Trà My cho biết, ngày 15-3-1953, tại Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 147/SL thành lập “Doanh nghiệp quốc doanh Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam”. Sắc lệnh này có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sự hình thành, phát triển của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Cho đến nay, Điện ảnh Cách mạng Việt Nam đã tiến tới mốc kỷ niệm 70 năm với niềm tự hào được chắt lọc từ những bộ phim tiêu biểu của các thế hệ nghệ sĩ luôn gắn bó và đồng hành cùng đất nước. Trước thềm lễ kỷ niệm, Viện Phim Việt Nam tổ chức chương trình Điện ảnh chào mừng “Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam (15/3/1953 – 15/3/2023)”.

Phó Viện trưởng Viện Phim Việt Nam Ngô Đặng Trà My phát biểu khai mạc Triển lãm

Phó Viện trưởng Ngô Đặng Trà My nhấn mạnh, Viện Phim Việt Nam tổ chức chuỗi hoạt động chào mừng gồm triển lãm, chiếu phim và ra mắt cuốn sách “Áp phích phim Điện ảnh Việt Nam theo dòng lịch sử Tập 1 (1953-2000)”. Triển lãm “Dấu ấn 70 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam” sẽ giới thiệu khoảng hơn 200 bức ảnh và hiện vật về những sự kiện, con người, tác phẩm tiêu biểu góp phần phác họa nên diện mạo của nền điện ảnh nước nhà trong 70 năm qua. Chương trình chiếu phim diễn ra trong bốn ngày, sẽ giới thiệu tới các thế hệ khán giả yêu điện ảnh những bộ phim truyện Việt Nam vô cùng đặc sắc và đậm chất nghệ thuật.

Triển lãm “Dấu ấn 70 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam” gồm ba chủ đề: Chủ đề 1: “Sự ra đời của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam” sẽ giới thiệu đến người xem những hình ảnh cơ sở, trang thiết bị, hoạt động sản xuất phim trong hai giai đoạn: Điện ảnh Bưng Biền và Điện ảnh Đồi Cọ; hình ảnh - Sắc lệnh 147/SL ngày 15-3-1953 thành lập ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam và con dấu “Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam”; Chủ đề 2: “Những tác phẩm tiêu biểu qua 22 kỳ Liên hoan Phim Việt Nam”, sẽ mang đến cho người xem hình ảnh các tác phẩm tiêu biểu được sản xuất trong ba giai đoạn: thời kỳ kháng chiến (1953-1975), thời kỳ thống nhất và xây dựng đất nước (1976-1985) và thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế (từ năm 1986 đến nay); Chủ đề 3: “Vinh danh nghệ sĩ điện ảnh” là chân dung 75 nghệ sĩ điện ảnh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông tham quan Triển lãm

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông và các đại biểu nghe giới thiệu và xem cuốn sách “Áp phích phim Điện ảnh Việt Nam theo dòng lịch sử Tập 1 (1953-2000)”

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã chia sẻ cảm nghĩ về Triển lãm “Dấu ấn 70 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam”: “Tôi cảm thấy rất vui mừng và phấn khởi vì mỗi năm Viện Phim Việt Nam đều tổ chức các sự kiện kỷ niệm ngày thành lập ngành, trong đó có các cuộc triển lãm. Viện Phim đã rất nỗ lực, cố gắng nâng cao chất lượng triển lãm, bên cạnh những bức ảnh mang nhiều ý nghĩa là các hiện vật quý. Cùng với đó, cách thức thực hiện có nhiều sáng kiến, được thể hiện ở chỗ nội dung các tác phẩm rất phong phú, đa dạng, giúp người xem có thể nắm bắt được nội dung, thông điệp của Triển lãm. Với Triển lãm này, chúng ta có thể thấy được chặng đường và những thành quả của điện ảnh Việt Nam trong suốt 70 năm qua. Qua đó, những người làm nghề cũng như khán giả có thể nhớ lại những kỷ niệm, dấu ấn của điện ảnh Việt Nam trong các thước phim, từ thời kỳ chiến tranh, hòa bình đến thời kỳ đổi mới, phát triển đất nước. Với những thành quả đó sẽ là nguồn cổ vũ, tạo đà để điện ảnh Việt Nam ngày càng phát triển trong những giai đoạn tiếp theo”. 

Các hiện vật được trưng bày tại Triển lãm

Là một nghệ sĩ gắn bó nhiều năm với ngành Điện ảnh, đạo diễn phim tài liệu, NSND Lương Đức rất xúc động khi xem Triển lãm, ông chia sẻ: Tôi thuộc thế hệ thứ hai của ngành Điện ảnh Việt Nam, trong dịp kỷ niệm 70 năm của ngành, được xem những bức ảnh tại Triển lãm, tôi lại nhớ về một thời quá khứ, một thời làm phim oanh liệt với rất nhiều gian khổ. Chúng tôi làm phim trong thời kỳ đầu kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong hoàn cảnh rất nhiều khó khăn với sự thiếu thốn và đối mặt với bom đạn. Là người nghệ sĩ làm phim tài liệu, chúng tôi đã có mặt ở trên tất cả các chiến trường, đã có nghệ sĩ hy sinh trong quá trình làm phim, nhưng đã ghi lại được những thước phim lịch sử về những chiến tích trong cuộc chiến đấu hào hùng của dân tộc. Ngày nay, điện ảnh Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong đà phát triển của đất nước, hội nhập quốc tế và đã có nhiều thành tựu. Tuy nhiên, tất cả những điều đó cũng không làm chúng tôi quên đi một thời oanh liệt, thời những người làm phim không tiếc mạng sống, không tiếc xương máu của mình vì sự nghiệp nghệ thuật dân tộc, lưu lại cho các thế hệ sau những trang sử của dân tộc trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại và đấu tranh thống nhất đất nước. Nên dịp kỷ niệm 70 năm, nhớ lại những cảm xúc, nhớ lại những kỷ niệm năm xưa, tôi cảm thấy rất xúc động và đáng tự hào.

Triển lãm được diễn ra ở Hà Nội: từ ngày 13 đến 19-3-2023 tại Rạp Ngọc Khánh, 523 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội; Tại TP.HCM: từ ngày 23-3 đến 6-4-2023 ở Trường Đại học Văn hóa (cơ sở 2), 288 Đỗ Xuân Hợp, Phước Long A, thành phố Thủ Đức.

Sau lễ Khai mạc Triển lãm “Dấu ấn 70 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam”, Viện Phim Việt Nam giới thiệu với người xem 4 bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam: Chung một dòng sông, Bao giờ cho đến tháng Mười, Mùa ổi, Đừng đốt. Thời gian chiếu phim: 9 giờ các ngày 13 đến 16-3-2023 tại Rạp Ngọc Khánh, 523 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội.

PGS, TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam; đạo diễn Phạm Công Thắng; ông Nguyễn Huy Hoàng - Phó Viện trưởng điều hành, bà Trần Thu Thủy - Trưởng phòng Lưu chiểu Sưu tầm trong buổi trao tặng phim (từ trái sang)

Cũng trong dịp này, đạo diễn Phạm Công Thắng - tác giả bộ phim Hãy tha thứ cho em đã quyết định trao tặng bản phim nhựa gồm cả bản Negative và Positive để lưu trữ trong Kho lưu trữ của Viện. Đây là một trong những sự kiện ý nghĩa đối với Viện Phim Việt Nam, đồng thời cũng là một trong những hành động thiết thực và tâm huyết mà nhiều nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam đã hợp tác, hỗ trợ Viện Phim Việt Nam nhiều năm qua. Kho lưu trữ hình ảnh động quốc gia và số lượng hiện vật, tài liệu cấp 2 của đơn vị ngày càng phong phú, bài bản cũng một phần nhờ hình thức trao tặng từ những nghệ sĩ điện ảnh có tâm với nghề.

NGỌC BÍCH - Ảnh: TUẤN MINH

 

 

 

 

;