Vũ Như Tô, Chiếc thuyền ngoài xa, Đàn ghi ta của Lorca là những tác phẩm thuộc ba thể loại khác nhau (kịch, truyện ngắn, thơ) nhưng đều mang đến cho người đọc những hình tượng rất đẹp về người nghệ sĩ: một kiến trúc sư với tài năng siêu phàm; một nhiếp ảnh gia nhân hậu, bản lĩnh; một nghệ sĩ đa tài luôn trăn trở, khát khao cách tân nghệ thuật. Họ đều là những người tài năng, đam mê sáng tạo nghệ thuật. Vũ Như Tô, Phùng, Gaxia Lorca không chỉ mang trong mình khát khao sáng tạo nghệ thuật chân chính, nhân cách cao đẹp mà còn có chung những bi kịch trong nhận thức, trong hành trình sáng tạo nghệ thuật; thể hiện rõ phương thức truyền tải thông điệp về nghệ thuật, về cuộc đời của nhà văn.
Hình tượng nghệ thuật về người nghệ sĩ
Tài năng, khí phách của Vũ Như Tô
Vũ Như Tô là vở kịch đặc sắc, là tác phẩm lớn nhất, có giá trị nhất của đời văn Nguyễn Huy Tưởng. Vở kịch là tâm sự, suy nghĩ, trăn trở của ông về vai trò của người nghệ sĩ với thời cuộc, về mối quan hệ giữa nghệ thuật với cuộc đời. Tuy nhiên, tại thời điểm này, Nguyễn Huy Tưởng còn nhiều hạn chế do thái độ ngập ngừng giữa lý trí với tình cảm, do sự mâu thuẫn trong thế giới quan tác giả. Tư tưởng, mâu thuẫn của nhà văn đều được gửi gắm qua hình tượng người nghệ sĩ Vũ Như Tô, một kiến trúc sư tài năng.
Dưới ngòi bút lãng mạn, có phần lý tưởng hóa nhân vật của Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Như Tô hiện lên là một kiến trúc sư thiên tài, là hiện thân của tài năng, niềm khát khao say mê sáng tạo cái đẹp, sáng tạo nghệ thuật. Tài năng siêu phàm của Vũ Như Tô được khẳng định qua lời thoại của các nhân vật: “Chỉ một vẩy bút là chim hoa đã hiện lên trên mảnh lụa, thần tình biến hóa như cảnh hóa công” (1) hay “ông có tài, tài ấy phải đem cống hiến cho non sông, không nên để mục nát với cỏ cây” (2).
Là người có tài năng, luôn ý thức được việc sử dụng những tài năng ấy, ông đã tố cáo triều đình phong kiến không tạo điều kiện cho người nghệ sĩ cống hiến tài năng công sức. Trước khi gặp Đan Thiềm, Vũ Như Tô kiên quyết không xây dựng Cửu Trùng Đài, không phục vụ chế độ hôn quân bạo chúa dù bị dọa nạt, cũng như dùng cực hình, không chịu khuất phục cường quyền ngay cả khi cận kề cái chết.
Khi được Đan Thiềm thuyết phục, Vũ Như Tô vì lý tưởng của mình mà đã thay đổi quyết định xây Cửu Trùng Đài, nhưng buộc vua Hồng Thuận phải đáp ứng những yêu cầu của ông. Vũ Như Tô là người thợ cả nhân hậu, ông đã xin thả thợ già về quê. Là người nghệ sĩ chân chính, ông không màng danh lợi, khi được vua ban thưởng lụa là, vàng bạc, đều chia hết cho thợ thuyền.
Là một người tài năng, có nhân cách, khí phách, Vũ Như Tô là hình tượng đẹp của người nghệ sĩ cả đời sống vì nghệ thuật. Nhưng lý tưởng của ông đặt nhầm chỗ nên cuộc đời đã rơi vào bi kịch.
Trái tim nhạy cảm, nhân hậu của Phùng
Là một phóng viên, một nhiếp ảnh gia, Phùng có một tâm hồn nhạy cảm, say mê cái đẹp, một trái tim giàu lòng nhân ái, luôn trăn trở về số phận con người. Phùng đã bộc lộ sự rung động mãnh liệt trước vẻ đẹp trời cho mà suốt đời cầm máy anh chưa bao giờ nhìn thấy. Với tâm hồn nghệ sĩ, anh đắm say, ca tụng cảnh đẹp như bức tranh mực tàu của danh họa thời cổ. Rồi anh cảm thấy tràn ngập niềm hạnh phúc, bối rối trong trái tim như có cái gì đang thắt lại, cảm thấy mình khám phá thấy chân lý của sự toàn thiện, khám phá khoảnh khắc trong ngần của cuộc đời, phát hiện ra bản chất của cái đẹp chính là đạo đức. Bằng con mắt, tâm hồn nghệ sĩ, anh đã đưa đến cho người đọc quan niệm sâu sắc về cái đẹp, đó là sự thanh lọc tâm hồn, hướng con người đến cái thiện.
Không chỉ có tâm hồn nghệ sĩ, Phùng còn là một người giàu lòng nhân ái, có bản lĩnh trung hậu của một người chiến sĩ. Là người từng vào sinh ra tử nơi chiến trường, anh không thể đứng yên khi chứng kiến cảnh người chồng đánh vợ. Hành động vũ phu của người chồng khiến Phùng bất ngờ, sửng sốt, bức xúc, rồi xông vào can thiệp để bảo vệ người đàn bà. Đó là hành động của một người chính nghĩa, đứng về lẽ phải, muốn bảo vệ lẽ phải. Phùng còn là người thông minh, biết thay đổi suy nghĩ nhận thức cho phù hợp với hoàn cảnh, biết chấp nhận những sai trái của mình. Ngay từ khi phát hiện được cảnh đắt giá trời cho, anh tưởng rằng mình đã tìm thấy chân lý của cái đẹp, cái thiện. Nhưng khi chứng kiến cảnh bạo lực gia đình, nghe những tâm sự của người đàn bà làng chài, anh đã thay đổi. Phùng day dứt với câu chuyện cuộc đời của chị ở tòa án huyện, ám ảnh bởi hình ảnh, thân phận người đàn bà làng chài khi trở lại thành phố, lo âu cho tương lai của những người trong cuộc, những người vùng biển lam lũ, vất vả, nghèo đói. Phùng đã nhận ra những điều mới mẻ, thay đổi hẳn nhận thức của bản thân về cuộc đời, về nghệ thuật. Đó là việc phải nhìn nhận mọi việc một cách toàn diện, thấu đáo, là mối quan hệ mật thiết giữa nghệ thuật với cuộc đời.
Lòng dũng cảm kiên cường, yêu tự do, yêu đời của Lorca
Lorca là một nhà thơ nổi tiếng, là người con anh hùng của đất nước Tây Ban Nha. Ông hiện lên là một người dũng cảm, kiên cường đấu tranh cho tự do, chấp nhận cái chết để mình lùi vào quá khứ, mở đường thênh thang cho thế hệ sau thỏa sức sáng tạo. Lorca không chạy trốn thực tại mà dũng cảm đứng lên đấu tranh cho nghệ thuật. Sự dũng cảm của Lorca thể hiện ngay ở câu đề từ của bài thơ: Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn. Đây là di chúc, lời trăng trối cuối cùng trước khi giã từ cuộc sống của ông, đồng thời cũng nói lên tâm nguyện của người nghệ sĩ. Nếu cây đàn mang ý nghĩa biểu trưng cho xứ sở, cho nền nghệ thuật Tây Ban Nha thì nhan đề thể hiện tình yêu, sự gắn bó của Lorca đối với đất nước Tây Ban Nha, cũng có thể hiểu là biểu tượng cho sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của ông. Người đọc còn ấn tượng về những tiếng đàn bọt nước sao quá mỏng manh, mang theo khát vọng tự do dân chủ, chiến đấu với bè lũ phát xít.
Nhà thơ không chỉ khắc họa Lorca là người dũng cảm, kiên cường, đứng lên đấu tranh cho tự do, cho nghệ thuật; mà còn vẽ nên hình ảnh một người nghệ sĩ yêu đời, với một tâm hồn thanh thản, cốt cách tự do như một người du ca hát lên bài ca bất tử. Lorca hiện lên không chỉ mang vẻ đẹp của người nghệ sĩ mà còn mang vẻ đẹp của người chiến sĩ, một con người cả đời đấu tranh cho nghệ thuật, tự do dù phải chấp nhận cái chết.
Khát vọng sáng tạo chân chính của người nghệ sĩ
Khát vọng cao đẹp của Vũ Như Tô
Cả đời Vũ Như Tô ôm ấp khát vọng xây dựng một công trình nghệ thuật để tô điểm cho non sông đất nước. Đó là người nghệ sĩ mang trong mình nhân cách cao đẹp, có hoài bão lớn lao, có lý tưởng nghệ thuật cao cả. Khát vọng, mục đích của Vũ Như Tô hết sức cao đẹp, xuất phát từ thiên chức của người nghệ sĩ, từ lòng yêu nước, tinh thần dân tộc nhưng ông không biết rằng chính việc xây dựng công trình vĩ đại ấy, lợi ích nghệ thuật mà ông theo đuổi ấy đã đi ngược với quyền lợi dân tộc, lợi ích của nhân dân. Có thể nói rằng càng sáng suốt trong sáng tạo, thiết kế bao nhiêu thì ông lại càng xa rời thực tế bấy nhiêu. Niềm đam mê sáng tạo ăn sâu vào tiềm thức của người nghệ sĩ đến mức bản thiết kế lúc nào cũng để ngay chỗ nằm, khi thức, khi ngủ lúc nào cũng nhìn thấy để xem xây dựng đến đâu, nên thêm bớt cái gì, như thế mới không thiếu sót. Vũ Như Tô là người nghệ sĩ sinh ư nghệ, tử ư nghệ, thà hy sinh tính mạng chứ không từ bỏ đam mê, khát vọng sáng tạo nghệ thuật của mình.
Khát khao khám phá, sáng tạo cái đẹp của Phùng
Nếu như Vũ Như Tô là nhân vật có thật thì Phùng lại là nhân vật được xây dựng bằng tưởng tượng, một nghệ sĩ khao khát khám phá, sáng tạo ra cái đẹp, luôn lo lắng, trăn trở, suy tư về nhân cách, đời sống con người. Phùng trong truyện vừa là nhân vật chính, vừa là người kể chuyện, mọi diễn biến của tác phẩm đều được soi chiếu qua lời kể, suy nghĩ của anh. Nét nổi bật ở Phùng là một tâm hồn nhạy cảm, say mê cái đẹp, khả năng khám phá, phát hiện tinh tế, sự rung động mãnh liệt trước những vẻ đẹp phong phú trong cuộc sống.
Là nghệ sĩ luôn khát khao khám phá, sáng tạo ra cái đẹp tuyệt mỹ, không chấp nhận sự tẻ nhạt, bình thường, Phùng đã kiên nhẫn chờ đợi bằng được khoảnh khắc để thu vào ống kính cái đẹp hoàn hảo theo quan niệm của riêng anh. Cảnh đẹp thiên nhiên đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp, hài hòa từ đường nét, màu sắc đến bố cục, tác động mạnh mẽ đến tâm hồn tinh tế, nhạy cảm của người nghệ sĩ. Trong giây phút thăng hoa ấy, anh cảm nhận cái đẹp chính là đạo đức. Cái đẹp đã thanh lọc tâm hồn, khiến tâm hồn con người trở nên thanh khiết, thánh thiện.
Quá trình săn lùng, phục kích khoảnh khắc để có một bức ảnh đẹp cũng là quá trình đi tìm cái đẹp, cái thiện của người nghệ sĩ. Nhưng cuộc đời đằng sau cái đẹp ấy ẩn chứa nhiều điều sâu xa hơn, ý nghĩa hơn. Những cảm xúc thẩm mỹ của Phùng như sự kinh ngạc, hạnh phúc, sung sướng trước vẻ đẹp của thiên nhiên sau này đã được nâng lên thành tình yêu thương, sự đồng cảm với con người, sự chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời, về nghệ thuật.
Khát vọng cách tân nghệ thuật của Lorca
Lorca được coi là thần đồng với năng khiếu thiên bẩm trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật: thơ ca, hội họa, âm nhạc, sân khấu... Dưới sự cai trị của chế độ độc tài phát xít Tây Ban Nha, Lorca nồng nhiệt cổ vũ sự thúc đẩy mạnh mẽ những cách tân trong các lĩnh vực nghệ thuật.
Sự ảnh hưởng của Lorca không chỉ nằm trong thời đại của ông mà nó còn tồn tại mãi. Mộng vàng của nghệ sĩ Lorca là khát vọng cách tân nghệ thuật và chính trị của Tây Ban Nha. Đàn ghita của Lorca là tình yêu, tinh thần đấu tranh, khát vọng đổi mới nghệ thuật; là tình yêu cuộc sống, khí phách kiên cường của người chiến sĩ yêu tự do, hòa nhập trái tim mình với quần chúng nhân dân.
Hình ảnh tiếng đàn bọt nước, âm thanh li la li la li la là biểu trưng cho số phận của Lorca, mỏng manh, dễ vỡ; hình ảnh Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt là biểu trưng cho môi trường chính trị ở Tây Ban Nha, bức bối, ngột ngạt, phản động. Tiếng đàn ghita là sự sống, niềm tin, hy vọng, sức mạnh đấu tranh, sức sáng tạo vượt lên cái chết của Lorca. Trong một khung cảnh mang đậm bản sắc văn hóa Tây Ban Nha, tác giả đã tái hiện hình ảnh chàng thi sĩ Lorca, người chiến sĩ dũng cảm, kiên cường đấu tranh cho tự do, cho khát vọng cách tân nghệ thuật.
Bi kịch của người nghệ sĩ
Vũ Như Tô với cái đẹp bị bức tử
Vũ Như Tô là một vở bi kịch lịch sử xuất sắc. Đó là bi kịch của người nghệ sĩ có tư chất, tài hoa, tâm huyết, nhưng không giải quyết được những mối quan hệ phức tạp giữa nghệ thuật với cuộc đời.
Vũ Như Tô không muốn đem tài năng, tâm huyết phục vụ cho chế độ hôn quân, bạo chúa, mặc cho sự đe dọa, tra tấn nhục hình. Bởi ông quan niệm rằng cái tài, cái đẹp phải có ích, nghệ thuật phải phục vụ cuộc sống.
Ở góc độ nghệ sĩ, Vũ Như Tô muốn tận dụng cơ hội để thi thố tài năng xây dựng những công trình nghệ thuật tuyệt tác, điểm tô cho đất nước. Ông quyết định xây dựng Cửu Trùng Đài theo thiết kế, theo sự lựa chọn của mình.
Bản thân con người Vũ Như Tô là một khối mâu thuẫn lớn. Thế giới tinh thần của ông chứa đựng những mâu thuẫn giằng xé: vừa không muốn đem nghệ thuật phục vụ cường quyền bạo chúa, vừa muốn sử dụng cường quyền để thực hiện khát vọng sáng tạo của mình, thấy họa mà vẫn luyện tài, biết khổ nhục mà vẫn đa mang, không tự bảo vệ được sinh mạng gia đình, bản thân song vẫn hướng về sự bất tử của nghệ thuật. Vũ Như Tô là điển hình của mẫu người nghệ sĩ tài năng, có nhân cách, có hoài bão lớn lao nhưng vì cái đẹp mà xa rời thực tế, ảo tưởng mà đã rơi vào bi kịch. Cái đẹp bị bức tử bởi nó xa rời cuộc sống, xa rời cái thiện.
Nguyễn Huy Tưởng xuất phát từ cảm thức sâu sắc về lòng tự tôn dân tộc, mong muốn xây dựng nên một nền văn hóa có thể sánh ngang với nền văn hóa khác. Qua số phận của nhân vật, tác giả đặt ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm về sức sống, sự trường tồn của nền văn hóa dân tộc. Tác giả đã bày tỏ những vấn đề sâu sắc, có ý nghĩa muôn đời về mối quan hệ giữa nghệ thuật với cuộc sống, giữa lý tưởng nghệ thuật cao siêu, thuần túy với lợi ích thiết thực của nhân dân. Có thể nói, Vũ Như Tô là bi kịch hiện đại đầu tiên của kịch Việt Nam, một thể loại ghi nhận tài năng, tư chất cùng những đóng góp tích cực của Nguyễn Huy Tưởng trong văn học Việt Nam TK XX.
Nghệ sĩ Phùng, sự vỡ mộng về nghệ thuật
Bị kịch của Phùng là bi kịch của nhận thức, thể hiện qua hai tình huống đầy nghịch lý: giữa bức tranh đắt giá trời cho với niềm hạnh phúc tột cùng khi khám phá chân lý của sự hoàn thiện; giữa những điều giản đơn xảy ra trước mắt với những uẩn khúc sâu kín bên trong.
Với tư cách là người kể chuyện, người trực tiếp tham gia vào câu chuyện, ngôn ngữ kể chuyện của Phùng mang tính chủ quan, chân thực: những rung động mãnh liệt trước cái đẹp, nỗi xót xa trước cuộc sống của những người dân chài, sự bất bình trước hành động chưa đúng, chưa phải, lòng yêu thương con người… đều thấm đẫm trong lời của người kể chuyện. Đặc biệt, trong ngôn ngữ đối thoại của nhân vật, độc giả nhận ra những đánh giá, quan điểm khác nhau của nhiều người về cùng một vấn đề. Sự vỡ mộng về nghệ thuật của Phùng có ý nghĩa quan trọng đối với sự bừng tỉnh trong nhận thức của anh.
Đó là thành công của Nguyễn Minh Châu khi ông đặt ra vấn đề: phải nhìn cuộc sống từ nhiều chiều mới có thể hiểu ngọn nguồn, bản chất của hiện tượng.
Nghệ sĩ Lorca với cuộc hành trình đơn độc, bi thảm
Qua tiếng đàn ghi ta, hình tượng Lorca, tác giả diễn tả cái chết đột ngột, bi tráng của người nghệ sĩ, đồng thời bày tỏ nỗi thương tiếc sâu sắc, niềm tin mãnh liệt vào sự bất tử của Lorca cùng nghệ thuật thiên tài của ông.
Giây phút bi thương, thảm khốc nhất trong cuộc đời Lorca được diễn tả thật ngắn gọn, ấn tượng. Sự kiện ấy tạo thành cú sốc, dẫu rằng nó diễn tả theo lối tượng trưng, liên tục chuyên đổi cảm giác qua hệ thống âm thanh vỡ òa thành màu sắc, hình khối, dòng máu chảy...
Tiếng đàn nghệ thuật của Lorca vẫn sinh sôi bất diệt như cỏ mọc hoang. Hình ảnh này vừa gợi sự cảm thông về cái chết bi thảm của nhà thơ, vừa gợi sự tiếc nuối hành trình cách tân dang dở, nỗi trăn trở về nghệ thuật thiếu kẻ dẫn đường. Cuối cùng, người nghệ sĩ đã dừng bước trước dòng sông của định mệnh khi đường chỉ tay đã đứt, sinh mệnh chấm dứt. Chàng rũ bỏ mọi hệ lụy trần gian để trở về cõi vĩnh hằng. Kết thúc bài thơ vang lên âm thanh của ghi ta như tiếng ca về sự bất tử của Lorca, của tâm hồn thanh cao, yêu tự do, cái đẹp, đất nước Tây Ban Nha của chàng.
Dõi theo hành trình của Lorca, người đọc liên tục được chuyển đổi cảm giác âm thanh vỡ thành màu sắc, hình khối, những ảnh động. Những hình ảnh giàu sắc thái tượng trưng, những màu sắc gắn với cảm xúc, suy tưởng thực sự ám ảnh trong lòng người đọc về số phận người nghệ sĩ tài năng.
Vũ Như Tô, Phùng, Lorca đều mang trong mình khát vọng sáng tạo chân chính, đều trải qua những hành trình nhọc nhằn, gian khổ để thực hiện khát vọng ấy. Họ là những nghệ sĩ đam mê cái đẹp, không ngừng sáng tạo. Hình tượng người nghệ sĩ có ý nghĩa quan trọng trong việc thể hiện triết lý về nghệ thuật, về cuộc sống. Nếu nghệ thuật quan tâm đến số phận con người, nếu cái đẹp gắn liền với chân, thiện thì nghệ thuật ấy, cái đẹp ấy sẽ trường tồn, vĩnh cửu. Đó là thông điệp mà cả ba tác phẩm gửi gắm. Nghiên cứu tác phẩm từ phương diện nhân vật, đặc biệt từ hình tượng người nghệ sĩ, chúng tôi nhận thức sâu sắc một điều là hành trình sáng tạo nghệ thuật chính là nuôi dưỡng, giữ gìn, bảo vệ cái đẹp trong cuộc sống, trong tâm hồn con người. Thực hiện nhiệm vụ ý nghĩa, thiêng liêng ấy, nghệ thuật nói chung, văn học nói riêng đã hoàn thành sứ mệnh cao cả của nó, sứ mệnh hướng con người tới cái đích của chân, thiện, mỹ.
______________
1, 2. Bích Thu sưu tầm, Nguyễn Huy Tưởng, tác phẩm chọn lọc, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2009.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 397, tháng 7 - 2017
Tác giả : LÊ THỊ HƯỜNG - NGÔ THU THỦY