Ngày 12 /8/2014, trong phiên họp Hội đồng Di sản Quốc gia lần thứ 7 đã công nhận 2 di sản văn hóa của dân tộc Cơ Tu là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, đó là Nghề dệt thổ cẩm, Vũ điệu Tân tung Da dá. Đến tháng Tám năm nay đánh dấu 10 năm hai di sản quan trọng này được vinh danh. Trong suốt thời gian qua, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và cộng đồng đã có nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy di sản, tích cực khai thác tiềm năng nhân văn trong cộng đồng dân tộc Cơ Tu.
Phụ nữ dân tộc Cơ Tu làng Công Dồn thu hoạch bông vải
Những giá trị đặc trưng
Đây là hai di sản tiêu biểu trong kho tàng văn hóa truyền thống Cơ Tu. Nếu nghề dệt thổ cẩm đảm bảo cái ăn cái mặc thì điệu múa Tân tung da dá toát lên nét hoa mỹ trong đời sống tinh thần của tộc người. Nói về nghề dệt, từ áo vỏ cây đến trang phục dệt bằng sợi bông là một quá trình sáng tạo không ngừng. Cho đến nay, họ vẫn còn bảo lưu kiểu khung dệt cổ sơ nhất của nhân loại, các nhà nghiên cứu gọi là Khung dệt inđônêsiên hay còn gọi là khung dệt dùng sức căng của cơ thể (Body tention loom). Khi đề cập đến sản phẩm dệt của người Cơ Tu, không thể không nói đến các hoa văn hạt cườm và hoa văn gợn sóng. Kỹ thuật kết/chèn hạt cườm) và kỹ thuật “nhuộm bao/bó sợi” là những sáng tạo độc đáo với giá trị thẩm mỹ cao. Cho nên, trang phục truyền thống của dân tộc Cơ Tu được bảo lưu nét đặc trưng thể hiện bản sắc tộc người.
Thợ dệt Cơ Tu làng Công Dồn đang thực hành kỹ thuật nhuộm bao sợi ikat
Bên cạnh nghề dệt, điệu múa Tân tung da dá là nghệ thuật diễn xướng đặc sắc được trình diễn trong các lễ hội lớn của cộng đồng. Da dá là điệu múa thiêng, điệu múa cầu mùa với động tác cơ bản là đôi tay của người phụ nữ xoè lên trời cầu xin và đón nhận sinh khí và hạt lúa của thần linh. Điệu múa đó là sự biểu hiện niềm tin và khát vọng vươn đến một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Khi trống chiêng nổi lên, người con gái bước ra trước biểu diễn các động tác múa rồi mới đến đàn ông con trai. Đi trước là nữ, đi sau là nam, nếu múa đông người thì vòng trong là nữ vòng ngoài là nam, thể hiện sự che chở của đàn ông với người đàn bà, con gái. Nó có sự kết hợp nhịp nhàng giữa múa nam và múa nữ, tạo nên một đội hình múa hoàn chỉnh mà người Cơ Tu gọi là Tân tung da dá.
Nét độc đáo của vũ điệu này không chỉ là điệu múa đơn thuần trong lễ hội truyền thống mà nó đã chuyển hoá một cách sống động và sâu sắc vào nhiều lĩnh vực của đời sống như văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, nghệ thuật của người Cơ Tu. Vũ điệu dân gian ấy là hình ảnh của cội nguồn làm nên diện mạo văn hóa đa dạng, phong phú của cộng đồng tộc người và còn là một chất men xúc tác tạo nên cảm hứng cho sự sáng tạo, thăng hoa nghệ thuật truyền thống. Vũ điệu này đã lan tỏa, chuyển hóa vào các loại hình nghệ thuật khác như trang trí hoa văn trên vải, điêu khắc, hội họa, xăm mình...
Thực trạng về bảo tồn và phát huy di sản
Trong hai di sản đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thì vũ điệu Tân tung da dá được bảo tồn và phát huy tốt hơn. Điệu dân vũ của đồng bào Cơ Tu có sức sống mạnh mẽ nhờ ý thức của người dân và tình yêu mãnh liệt của họ đối với vốn di sản quý báu của dân tộc mình. Nó là môn nghệ thuật chẳng nhưng hấp dẫn, lôi cuốn đối với người lớn mà còn được thực hành, truyền dạy, phổ biến cho thế hệ trẻ. Nghệ nhân lớn tuổi luôn hứng thú trong việc thực hành, truyền dạy điệu múa Tân tung Da dá cho con cháu của mình. Trong các lễ hội truyền thống, vui xuân đón Tết hay các kỳ Festival di sản Quảng Nam, Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc miền núi tỉnh Quảng Nam, Ngày hội văn hóa dân tộc Cơ Tu huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng) hay các sự kiện giao lưu văn hóa vùng miền cấp khu vực hay toàn quốc như Nghi lễ phục dựng cây nêu của đồng bào Cơ Tu huyện Hòa Vang trong thời gian gần đây, điệu múa Tân tung Da dă là loại hình nghệ thuật đặc sắc, ấn tượng nhất mà người Cơ Tu mang đến cho du khách và những người yêu mến nghệ thuật diễn xướng dân gian
Truyền dạy nghề dệt tại làng dệt Đhờ Rồng, huyện Đông Giang
Trong khi vũ điệu Tân tung da dá được bảo tồn, phát huy khá tốt và hiệu quả thì di sản nghề dệt thủ công của đồng bào Cơ Tu còn nhiều trợ ngại, hạn chế và đang đứng trước tình trạng bị mai một, thất truyền. Nghề dệt mất mác sẽ kéo theo sự mai một của trang phục truyền thống dân tộc. Làng dệt Công Dồn (xã Duôih, huyện Nam Giang) chỉ còn một vài hộ duy trì nghề trồng bông, dệt vải theo lối cổ truyền. Giống bông bản địa, còn gọi là “bông cỏ” cũng bị mất giống vì không còn ai gieo trồng và giữ giống. Một vài nghệ nhân biết dệt vải thổ cẩm nhưng không có nguyên liệu bông vải để hành nghề. Cây thuốc nhuộm vải trong rừng dần dần cũng đi vào quên lãng... Ở các làng dân tộc Cơ Tu như Thôn Giàn Bí, Tà Lang (xã Hòa Bắc), huyện Hòa Vang nghề dệt gần như bị thất truyền, chỉ còn một vài người gắn bó với nghề truyền thống này.
Các giải pháp bảo tồn và phát huy di sản
Trước tiên, cần hỗ trợ cứu nguy nghề dệt thổ cẩm đang bị thất truyền, mai một. Bảo lưu, phục hồi giống bông vải có nguồn gốc bản địa, kỹ thuật chế tác và dệt hoa văn, kết cườm, chế thuốc nhuộm, nhiều bí quyết khác trong thực hành nghề thủ công truyền thống. Đặc biệt, cần nhanh chóng phục hồi bí quyết, kỹ thuật “nhuộm bao sợi” (ikat) độc đáo và đặc sắc của người Cơ Tu ở làng Công Dồn (xã Duôih, huyện Nam Giang). Cần nghiên cứu áp dụng các mô hình thổ cẩm ứng dụng trong trường học, nhất là các trường dân tộc nội trú. Việc tìm đầu ra cho sản phẩm thổ cẩm bằng nhiều cách như cung cấp trang phục truyền thống cho học sinh dân tộc ở các trường nội trú, trường phổ thông, làm phong phú, đa dạng các sản phẩm thổ cẩm phục vụ du lịch.
Nhiều bé gái cùng các bà, các chị múa điệu Da dá ở sân làng truyền thống dân tộc Cơ Tu huyện Tây Giang
Liên kết với các tỉnh, thành kề cận trong hoạt động bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc và phát triển du lịch. Đồng bào các dân tộc thiểu số các tỉnh láng giêng đều có một loại hình di sản tương đồng nhau, như nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Cơ Tu (Quảng Nam), dân tộc Tà Ôi (A Lưới, Thừa Thiên - Huế), dân tộc Hre (Ba Tơ, Quảng Ngãi), đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế cần phối hợp tổ chức Festival Thổ cẩm, Festival Làng nghề nhằm tôn vinh nghề truyền thống, nghệ nhân và sản phẩm tinh hoa của đồng bào các dân tộc miền núi.
Thành phố Đà Nẵng đã có Quyết định 2644/QĐ-UBND về việc ban hành “Đề án chính sách bảo tồn và phát huy văn hóa của đồng bào dân tộc Cơ Tu thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2030” trong đó chú trọng nghề dệt thổ cẩm. Cần tổ chức nhiều hoạt động truyền dạy nghề dệt cho đồng bào Cơ Tu ở huyện Hòa Vang để duy trì, phục hồi nghề truyền thống. Phòng Văn hóa cần thường xuyên tổ chức các lớp truyền dạy nghề dệt bằng cách mời các nghệ nhân dân tộc Cơ Tu có tay nghề cao ở Đông Giang (Quảng Nam), A Lưới (Thừa Thiên- Huế) đến tận làng để trực tiếp truyền nghề cho chị em ở làng Tà Lang, Giàn Bí hoặc cử họ đi tham quan, học hỏi nghề dệt. Với cách làm này, huyện Hòa Vang từ chỗ chỉ còn 1 người biết dệt, đến nay đã có hơn 10 người thực hành nghề dệt. Các sản phẩm dệt của đồng bào cũng đã được đưa vào phục vụ du lịch cộng đồng.
Với giá trị to lớn của di sản, trong thời gian tới cần có hướng nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, tổ chức hội thảo khoa học, tham vấn của các chuyên gia, phối hợp với Sở VHTTDL các tỉnh Quảng Nam, Sở VHTT thành phố Đà Nẵng, Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên - Huế, các tỉnh nước bạn Lào có đồng bào Cơ Tu sinh sống như Sê Kông, Champaxắc, Xalavan, Cục Di sản văn hóa Lào và Cục Di sản văn hóa Việt Nam xây dựng hồ sơ di sản trình UNESCO công nhận Vũ điệu Tân tung da dá của người Cơ Tu Lào và Cơ Tu Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Bài & Ảnh: TS TRẦN TẤN VỊNH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 580, tháng 8-2024