Giáo dục Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong xây dựng lối sống cho sinh viên Việt Nam hiện nay.

Nghiên cứu di sản lý luận và cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể khẳng định, các giá trị trong tư tưởng đạo đức của Người để lại sẽ mãi là tài sản vô giá cho thế hệ mai sau. Vai trò của các giá trị này mang tính định hướng, là cơ sở cho việc chuẩn hóa các giá trị đạo đức và được hiện thực hóa trong xây dựng lối sống của con người Việt Nam nói chung và sinh viên Việt Nam nói riêng. Giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong việc xây dựng lối sống cho sinh viên là hoạt động tích cực của chủ thể giáo dục, nhằm tác động một cách có hệ thống các chuẩn mực và nguyên tắc đạo đức cách mạng cho sinh viên, góp phần hình thành ý thức đạo đức, tình cảm đạo đức, hành vi đạo đức phù hợp với lối sống lành mạnh để họ có định hướng đúng về nhận thức và hành động trong quá trình phát triển hoàn thiện nhân cách.

     Giáo dục là động lực, là con đường cơ bản nhất, ngắn nhất cho sự hình thành nhân cách, là cầu nối chuyển tải tri thức cho sinh viên bước vào nền văn minh nhân loại. Chính vì thế, Hồ Chí Minh cho rằng: “Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kỹ thuật, lao động và sản xuất” (1). Bên cạnh việc tiếp nhận các nội dung của giáo dục với tư cách là đối tượng giáo dục thì bản thân thanh niên, sinh viên với tư cách là chủ thể tự giáo dục phải luôn luôn cố gắng vươn lên trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện để phát triển phẩm chất, năng lực của bản thân. Người khuyên thanh niên: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên” (2).

     Việc giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên hiện nay sẽ trở thành động lực tinh thần vững chắc, khơi dậy ở họ lòng tự hào, tự tôn dân tộc, cùng với ý chí kiên cường không chịu khuất phục, tình yêu Tổ quốc... Từ đó, dẫn dắt họ vượt qua những thử thách, có ý chí vươn lên làm chủ cuộc sống để xây dựng và gìn giữ lối sống tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời đại mới. Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống mà nó là kết quả trực tiếp của hoạt động giáo dục và tự giáo dục, tự rèn luyện của mỗi cá nhân. Trong thư gửi các em học sinh (24-10-1995), Hồ Chí Minh khẳng định: “Giáo dục các em là việc chung của gia đình, trường học và xã hội. Bố mẹ, thày giáo và người lớn phải cùng nhau phụ trách” (3). Người đề nghị: “Sự giáo dục thanh niên phải liên hệ vào dư luận xã hội, lực lượng của Chính phủ để ngăn ngừa những cái gì có thể ảnh hưởng xấu đến thanh niên, để nâng cao tính cảnh giác của thanh niên” (4). Trong điều kiện hiện nay, giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên là một trong những biện pháp quan trọng giúp họ đứng vững trước sự tác động tiêu cực từ mặt trái kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và sự chống phá của các thế lực thù địch. Theo đó, việc giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên hiện nay cần tập trung vào các nội dung: phẩm chất trung với nước, hiếu với dân, suốt đời đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đời sống trong sáng; lý tưởng cao đẹp, niềm tin đối với sự nghiệp cách mạng, công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo, ý thức tự giác vươn lên trong học tập, lao động để lập thân, lập nghiệp; tinh thần đoàn kết, tinh thần tập thể, tinh thần quốc tế trong sáng, ý thức chấp hành pháp luật, chống chủ nghĩa cá nhân cho sinh viên; lòng nhân ái, vị tha, sống có tình nghĩa, khoan dung, ứng xử tốt đẹp trong các quan hệ xã hội.

     Những năm qua, việc giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong xây dựng lối sống cho sinh viên Việt Nam mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, song vẫn còn tồn tại những hạn chế, đó là tình trạng ở một số nơi thiên về “dạy chữ” buông lỏng “dạy người” vẫn còn tồn tại. Công tác giáo dục nói chung, giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh nói riêng trong một số trường đại học, cao đẳng chưa thực sự tạo được sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của sinh viên, mới chỉ chú ý nhiều đến chiều rộng mà chưa thật chú ý đến chiều sâu, chất lượng, hiệu quả giáo dục còn thấp.

     Phương pháp giáo dục còn nặng về áp đặt, chưa khuyến khích sự năng động, sáng tạo của người học. Thời lượng dành cho việc giảng dạy các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường ngày một ít dần so với mục đích yêu cầu đặt ra. Nhiều cấp ủy Đảng, nhà trường chưa thật sự chăm lo đầy đủ để nâng cao trình độ các mặt cho lực lượng giảng viên môn tư tưởng Hồ Chí Minh một cách cụ thể, đúng mức. Tổ chức Đoàn Thanh niên, sinh viên chưa phát huy hết vai trò, nhiều cấp Đoàn, Hội chưa chủ động đề ra kế hoạch riêng của đơn vị, còn trông chờ chương trình, kế hoạch của cấp trên; thiên về phát động những phong trào bề nổi, chạy theo thành tích mà không chú trọng đến tính hiệu quả; nặng về tuyên truyền, biểu dương lực lượng nhưng ít chú ý đến vận động, thuyết phục sinh viên. Bên cạnh đó, một bộ phận sinh viên có động cơ, thái độ học tập không đúng, lười học, lười suy nghĩ, học hành tắc trách, ý thức tổ chức kém, vi phạm kỷ luật học tập. Hiện tượng bạo lực học đường diễn ra phức tạp, tình trạng mua điểm, gian lận trong thi cử còn tồn tại; không ít sinh viên đang có xu hướng hướng ngoại, họ tiếp thu những giá trị phương Tây một cách ồ ạt mà không biết cách chọn lọc; một số sinh viên có xu hướng xem nhẹ học tập các giá trị truyền thống dân tộc, xem nhẹ việc tự giác rèn luyện, học tập, những tư tưởng, nội dung trong các chuẩn mực đạo đức trong tư tưởng Hồ Chí Minh, chạy theo lối sống thực dụng, tuyệt đối hóa đồng tiền, sống buông thả, xa rời các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, sống tùy tiện, vô cảm, vi phạm pháp luật và sa vào các tệ nạn xã hội.

     Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong xây dựng lối sống cho sinh viên, cần tập trung vào các giải pháp cơ bản sau:

     Một là, tạo sự chuyển biển tích cực về nhận thức, trách nhiệm, năng lực và sự phối hợp tốt của các chủ thể giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong xây dựng lối sống cho sinh viên

     Đảng, Nhà nước cần phải có đường lối, chính sách đúng đắn trong chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên nói chung và sinh viên nói riêng. Đảng phải tự đổi mới, nâng cao hơn nữa sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của mình, khắc phục các khuyết điểm, biểu hiện tiêu cực và yếu kém, làm cho bộ máy của Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên lời nói và việc làm phải đi đôi với nhau. Có như vậy, lý tưởng, đường lối của Đảng mới trở thành niềm tin, mục tiêu phấn đấu của cả dân tộc nói chung và đối với thanh niên, sinh viên nói riêng. Đối với các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó trực tiếp là Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên cần phải tăng cường và thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền, giáo dục để các quan điểm của Đảng được quán triệt trong sinh viên; chủ động tập hợp, tổ chức, giáo dục và bồi dưỡng sinh viên thành những con người mới; đưa sinh viên vào hành động cách mạng, hoàn thành cao nhất những yêu cầu và nhiệm vụ mà Đảng giao cho.

     Đối với nhà trường, trực tiếp là Ban Giám hiệu, các khoa, phòng/ban cũng cần phải được giáo dục để nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác tổ chức giáo dục, bồi dưỡng lối sống cho sinh viên. Xem đó là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và quan trọng của các tổ chức có thẩm quyền trong các nhà trường. Cần phải đưa nhiệm vụ “dạy người”, giáo dục lối sống cho sinh viên vào nghị quyết của các cấp ủy đảng cũng như nhiệm vụ đào tạo của các khoa, của những người trực tiếp giảng dạy. Đặc biệt, cần quán triệt trong chương trình hành động của tổ chức Đoàn, Hội sinh viên tại mỗi trường. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và năng lực của giảng viên trong việc giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên. Cần phải tạo điều kiện và cơ hội thuận lợi để cho giảng viên được học tập, lao động và cống hiến. Nhà nước cần có chính sách động viên, khuyến khích kịp thời, quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần. Mặt khác, chính bản thân người giảng viên một mặt phải có nhận thức đúng về vai trò của giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong xây dựng lối sống cho sinh viên, mặt khác phải tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, trau dồi chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học để nâng cao chất lượng giảng dạy.

     Ngoài ra, cần có sự kết hợp tốt giữa nhà trường, gia đình và xã hội đối với việc giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong xây dựng lối sống mới cho sinh viên.

     Hai là, vận dụng tốt nội dung và thực hiện đa dạng hóa các hình thức giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong xây dựng lối sống cho sinh viên

     Việc đổi mới phương hướng giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong xây dựng lối sống cho sinh viên cần tập trung vào các nội dung: Đẩy mạnh việc chuẩn hóa các phẩm chất đạo đức trong xây dựng lối sống cho sinh viên theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh gắn với đặc thù của từng ngành, từng trường, từng lĩnh vực; Nâng cao nhận thức của các chủ thể giáo dục về tầm quan trọng của giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy các môn khoa học Mác - Lênin, đặc biệt là môn Tư tưởng Hồ Chí Minh.

     Cần bổ sung, hoàn thiện các kiến thức lý luận, cập nhật thông tin phù hợp với tình hình phát triển mới của đất nước và tình hình quốc tế. Giảng viên phải có kiến thức sâu, rộng ở nhiều lĩnh vực, phải gắn lý luận với giải quyết các vấn đề của thực tiễn. Thực hiện tốt nguyên lý giáo dục “học đi đôi với hành”. Chống lối dạy tầm chương trích cú mang tính sách vở, xa rời cuộc sống. Đẩy mạnh phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác, cuộc vận động Sinh viên 5 tốt… qua đó “bồi dưỡng các giá trị văn hóa trong thanh niên, học sinh, sinh viên, đặc biệt là lý tưởng sống, lối sống, năng lực trí tuệ, đạo đức và bản lĩnh văn hóa con người Việt Nam” (5).

     Ba là, phát huy tính tự giác, tích cực chủ động học tập, tu dưỡng, rèn luyện theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong xây dựng lối sống của bản thân sinh viên

     Bản thân mỗi sinh viên phải nhận thức được việc tự giáo dục, rèn luyện về đạo đức, lối sống là con đường phát triển suốt đời của mỗi con người. Muốn vậy, sinh viên phải có ý thức tự giác cao, luôn biết tự vấn lương tâm, có ý chí, nghị lực phấn đấu vươn lên, biết xấu hổ và kiên quyết đấu tranh với những thói hư, tật xấu của bản thân mình. Tự bản thân sinh viên phải biết biến những tri thức đã được học thành sự hiểu biết của bản thân và được thể hiện ở hành vi đạo đức của chính mình. Phải có lòng nhân ái, đức bao dung, vị tha, biết quan tâm và giúp đỡ người khác, cần rèn luyện thái độ nghiêm khắc với chính bản thân mình, luôn nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình.

     Nhận thức rõ học tập để tiến bộ là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, suốt đời của mỗi con người, đồng thời kiên quyết “đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người” (6). Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, nhà trường cần đề ra cơ chế khen thưởng, động viên đối với những sinh viên học tập chăm chỉ, gương sáng trong học tập, nghiên cứu khoa học. Biểu dương những hành vi, lối sống tốt đẹp của sinh viên, tích cực tham gia phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

___________

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.190.

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.95.

3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.74.

4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.455-456.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.106.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.127.

Tác giả: Phạm Thị Thu Phương

Nguồn: Tạp chí VHNT số 421, tháng 7-2019

;