Với phim truyện điện ảnh Việt Nam hiện nay, có bốn dòng phim chính là phim do Nhà nước đặt hàng, phim tư nhân, phim Việt kiều và phim độc lập. Trong bài viết này, tác giả sử dụng thuật ngữ “dạng thức phim” thay cho “dòng phim”. Đồng thời đề xuất 10 giải pháp đối với dạng thức phim do Nhà nước đặt hàng.
1. Dạng thức phim: Khái niệm và phân loại
Dạng thức phim trong nhiều ngữ cảnh còn được gọi là dòng, loại hình, được sử dụng với ý nghĩa bao quát về chủ thể đầu tư, kiểu đầu tư; tính chất phục vụ; định hướng và áp dụng thủ pháp sáng tác (thương mại hay văn hóa, nghệ thuật…). Khái niệm dạng thức còn được hiểu là dòng hay xu hướng, khuynh hướng chủ đạo về nội dung, nghệ thuật và mục đích phục vụ, đối tượng khán giả hướng tới.
Tuy nhiên, trong điện ảnh Việt Nam, bên cạnh các đặc tính cơ bản và các nét khác nhau, điểm chung của các dạng thức phim là chức năng: nghệ thuật, văn hóa, giải trí, kinh doanh và tính chân, thiện, mỹ; sự khác biệt phụ thuộc vào chất lượng phim hay hoặc dở. Vì vậy, sự phân định nhiều khi mang tính tương đối nhằm thuận tiện cho phân tích vấn đề, nhận định, kiến giải tác giả - tác phẩm. Bởi vì căn cứ các đặc tính cơ bản, mỗi phim ở bất kỳ dạng thức nào hay, hấp dẫn, đạt được thành công về nội dung và nghệ thuật hoặc khán giả đều được hoan nghênh, tôn vinh, ghi nhận.
Dạng thức phim thường được phân loại theo ba tiêu chí chính:
Phân loại theo chủ thể đầu tư: tạo nên sự khác biệt hay bị chi phối, tác động, ảnh hưởng của/ bởi chủ đầu tư sản xuất. Sự phân loại này theo nguyên tắc và xuất phát từ quy luật phổ biến: ai đầu tư người ấy định hướng.
Phân loại theo đề tài: gồm những đề tài chính, hoặc hệ thống đề tài đã làm nên sự đặc trưng và tính khác biệt của dạng thức phim ấy về phương diện nội hàm. Ví dụ, dạng thức phim được Nhà nước đặt hàng phổ biến là khai thác đề tài truyền thống, lịch sử, chiến tranh cách mạng…
Phân loại theo thể loại: các dạng thức phim khác nhau đã và đang được mặc định bởi các thể loại là sở trường/ đặc sản riêng. Đơn cử, các thể loại phim hài, tình cảm - lãng mạn, hành động, kinh dị… thường được các nhà làm phim thuộc dạng thức phim tư nhân và Việt kiều áp dụng phổ biến và thành công hơn.
Căn cứ theo cách phân loại như trên, tới nay trong điện ảnh Việt Nam đã khá ổn định các dạng thức phim chính với các đặc trưng sau:
Dạng thức phim do Nhà nước đầu tư: là dạng thức phim được Nhà nước đặt hàng hoặc tài trợ sáng tác, sản xuất và phát hành, nhằm phục vụ các chủ điểm truyền thống, các đề tài phục vụ nhiệm vụ chính trị hoặc nhiệm vụ văn hóa, xã hội, giáo dục, theo mức độ thị trường hóa và xã hội hóa.
Trong khuynh hướng sáng tác, dạng thức phim được Nhà nước đặt hàng chủ yếu phục vụ nhiệm vụ chính trị - văn hóa và tuyên truyền các chủ điểm truyền thống như ca ngợi anh hùng, gương tốt thời cách mạng, chiến tranh; giới thiệu quảng bá lịch sử, văn hóa nước nhà, giáo dục định hướng quần chúng… Những năm qua, dạng thức phim được Nhà nước đặt hàng có một số phim đạt chất lượng từ khá đến xuất sắc, với các giá trị lịch sử, hiện thực và văn hóa, có thể có sức sống lâu bền. Tuy nhiên, ở bình diện khác, một bộ phận nhà làm phim ít có táo bạo trong cách kể chuyện, thay đổi phù hợp về nhiều yếu tố trong sáng tác… nên cũng giảm nhiều sức hút với khán giả, mà đa số là người xem trẻ tuổi, vốn cởi mở, hướng ngoại và ham thích cái mới, cái lạ… Kinh nghiệm và thực tế sáng tác cho thấy, sự mai một tài năng, cạn kiệt ý tưởng và thiếu dấn thân cùng một số lý do khách quan khác khiến thiếu vắng các tác phẩm phim truyện điện ảnh đỉnh cao.
Dạng thức phim tư nhân: là dạng thức phim do tư nhân trong nước đầu tư, sáng tác, sản xuất và phát hành. Dạng thức phim này tuy ngày càng được đầu tư, sản xuất nhiều, đa dạng về đề tài, thể loại song không nhiều phim có giá trị văn hóa lâu dài. Tình hình này đã và đang được cải thiện, khi nhiều nhà làm phim tư nhân ngày càng chú ý tới việc thay đổi trong sáng tạo nghệ thuật, nhằm đóng góp các giá trị văn hóa, tư tưởng, nghệ thuật vào điện ảnh dân tộc.
Trong khuynh hướng sáng tác, dạng thức phim này ưa sự cởi mở, khám phá trong sáng tạo, thường tìm và hướng tới cái lạ, cái mới trong đề tài, thể loại, mô típ thời thượng… để thu hút sự chú ý của khán giả; đặc biệt chú ý tới thị hiếu khán giả trẻ ưa sự hiện đại, trẻ trung, vui tươi, mới lạ…
Dạng thức phim Việt kiều: là dạng thức phim tư nhân nhưng do các tổ chức, cá nhân là người Việt ở nước ngoài, hoặc Việt kiều đầu tư, sáng tác, sản xuất và phát hành. Trong khuynh hướng sáng tác, dạng thức phim này ngoài việc sở hữu/ hướng tới các yếu tố của phim tư nhân còn khai thác nhiều đề tài, thể loại của điện ảnh đương đại; áp dụng nhiều cách làm phim, thủ pháp nghệ thuật của điện ảnh Mỹ hoặc Châu Âu; áp dụng kỹ xảo, công nghệ điện ảnh hiện đại…
Dạng thức phim độc lập: là dạng thức phim khu biệt bởi các đặc điểm chung của phim độc lập trên thế giới. Ở Việt Nam, dạng thức phim này thường do một hoặc một nhóm người tự sản xuất và phát hành không vì lợi nhuận, không có công ty chủ quản, với chi phí vừa phải, công nghệ đơn giản; có tính độc lập về nội dung tư tưởng, tiêu chí nghệ thuật và độc lập về tài chính.
Trong khuynh hướng sáng tác, dạng thức phim độc lập còn được gọi là phim tác giả hoặc phim vị nghệ thuật bởi đạo diễn làm phim đa phần chỉ để thỏa mãn ý chí cá nhân, bất chấp đám đông khán giả, người trong giới có tán thành hay phản đối và có đến rạp xem hay không. Vì vậy, đạo diễn có thể tự do hoàn toàn trong sáng tạo để bộc lộ quan điểm thuần khiết nhất của mình đối với nghệ thuật. Dạng thức phim này thường giúp bộc lộ cảm quan nghệ sĩ cao nhất. Qua đó, nhà làm phim có thể khám phá hiện thực một cách mạnh mẽ nhất để làm nên những tác phẩm mang tinh thần thời đại. Kinh nghiệm và thực tế sáng tác cho thấy, nếu nghĩ suy và biểu đạt rập khuôn, ngại tìm tòi khám phá, hoặc e dè thái quá, nhất là đi theo lối mòn… có thể là những nguyên nhân triệt tiêu sáng tạo nghệ thuật.
Ở nước ngoài, nhất là phương Tây, người ta gọi loại hình, dạng thức phim này là phim độc lập, bao gồm cả phim ngắn, phim tài liệu… Dạng thức phim độc lập thường tách biệt khỏi dòng phim đại chúng, tức dòng phim thương mại. Về đối tượng khán giá hướng tới, khác với Việt Nam, ở Mỹ, Châu Âu và nhiều quốc gia khác, phim độc lập thường được chiếu trong những rạp riêng, chỉ dành cho một bộ phận khán giả nhất định.
2. Giải pháp đối với dạng thức phim do Nhà nước đặt hàng
Một là, xây dựng và ban hành quy chế với các tiêu chí, tiêu chuẩn phim được đặt hàng theo ba hạng mục chính (với tiêu chí cụ thể của từng hạng mục).
Phim phục vụ nhiệm vụ chính trị thể hiện chiến lược phát triển quốc gia, tiến bộ xã hội; tôn vinh và phát huy giá trị văn hóa - truyền thống tốt đẹp; hun đúc tinh thần dân tộc, nhân cách, tâm hồn Việt Nam…; phản ánh các vấn đề toàn cầu trong mối quan hệ “lưỡng quan” (được quan tâm và liên quan đến quốc gia) như dân sinh, thoát nghèo, tham nhũng, môi trường, biến đổi khí hậu, chống khủng bố...
Phim nghệ thuật, phim tác giả, phim thể nghiệm (như phim Song Lang và nhiều phim khác).
Phim nghệ thuật, thương mại, giải trí: kết hợp các giá trị, tiêu chí, tiêu chuẩn như nghệ thuật, thương mại, giải trí (như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Chàng vợ của em, Hai Phượng,... hoặc phim Ký sinh trùng của Hàn Quốc).
Hai là, không đặt hàng các phim thương mại, giải trí mà không có khả năng đạt doanh thu phòng vé (có xem xét tới sự thiếu hiệu quả kinh tế của nhiều phim nghệ thuật hoặc thương mại, giải trí đã được đặt hàng).
Ba là, phương thức đặt hàng nhà làm phim thông qua ký hợp đồng trọn gói, trong đó có điều khoản nhà làm phim cam kết phim đạt doanh thu phòng vé (đối với phim nghệ thuật, thương mại, giải trí), nếu không phải hoàn trả kinh phí được đầu tư.
Bốn là, thay đổi đặt hàng về đề tài và thể loại, ngoài đề tài truyền thống là các đề tài khác, được đông đảo khán giả, nhất là giới trẻ, ưa thích; ngoài các thể loại tâm lý xã hội, tình cảm lãng mạn… là các thể loại hài, hành động, kinh dị…
Năm là, tiêu chí kịch bản được chọn. Kịch bản đã được thông qua đấu thầu công khai, minh bạch, đúng luật định. Ưu tiên kịch bản chuyển thể, kịch bản được sáng tác tập thể, tác giả kịch bản kiêm đạo diễn, kịch bản phim làm lại (remake)…
Ưu tiên tính hiệu quả kinh tế của kịch bản: trong sáng tác, biên kịch ưu tiên cách phù hợp, đúng mức tính lợi nhuận khả thi của bộ phim tương lai.
Sáu là, cơ chế đầu tư và giao sản xuất phim, chủ đầu tư: ngân sách nhà nước; đề tài: các dạng thức phim khác nhau. Đầu tư theo cơ chế công - tư kết hợp (như trường hợp phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh); ngoài giao làm phim cho các đạo diễn tài năng, hội đủ các tiêu chí, yêu cầu, thuộc các Công ty TNHH Một thành viên hãng phim cổ phần hóa, cần ưu tiên giao phim cho các nhà làm phim thuộc dạng thức phim tư nhân, Việt kiều...
Ưu tiên giao phim cho các đạo diễn thành danh, tài năng, đạo diễn trẻ có tài (đã được khẳng dịnh, kiểm chứng bằng tác phẩm đã phát hành). Qua đó, ưu tiên các đề tài, thể loại chính được ưa thích của bốn dạng thức phim chính hiện nay.
Giao sáng tác, sản xuất, phát hành phim (có kinh phí cụ thể cho truyền thông) cho nhóm tác giả, doanh nghiệp, công ty, hãng phim… trúng thầu theo hợp đồng trọn gói và chịu trách nhiệm toàn bộ theo cơ chế khép kín các công đoạn (sáng tác, sản xuất, phát hành).
Bảy là, nguyên tắc đầu tư, đặt hàng về số lượng, số lượng phim theo mỗi hạng mục 1 phim/ năm (1 năm = 3 phim).
Tám là, cách thức tiến hành, Chính phủ giao Bộ VHTTDL (Cục Điện ảnh, có sự tham gia của Hội Điện ảnh Việt Nam) xây dựng quy chế (sửa đổi hoặc mới) và triển khai thực hiện dạng thức phim được Nhà nước đặt hàng, trong đó có phim truyện điện ảnh.
Chín là lộ trình, sau 5 năm với việc đặt hàng 15 phim, tổng kết tính hiệu quả theo quy chế và các nguyên tắc, tiêu chí, việc thanh lý các hợp đồng, có thể lựa chọn quy chế (sửa đổi hoặc mới) hoặc phương án tiếp theo.
Tiếp tục đặt hàng nếu hiệu quả. Ngược lại, có sự điều chỉnh, thay đổi hoặc căn cứ trên các yếu tố, điều kiện cần và đủ, có thể tính đến phương án chấm dứt hoàn toàn dạng thức phim do Nhà nước đặt hàng.
Mười là sự thay đổi, điều chỉnh chính sách vĩ mô (nếu thấy cần thiết và phù hợp), tham khảo cách làm của đa số các nền điện ảnh tiên tiến trên thế giới, bên cạnh sự giảm thiểu tối đa số lượng phim của dạng thức phim do Nhà nước đặt hàng (hoặc chỉ đặt hàng hạng mục phim phục vụ nhiệm vụ chính trị). Đối với phim truyện điện ảnh, vào thời điểm thích hợp, có thể xem xét tiến tới cơ cấu chỉ có các dạng thức phim theo hướng thị trường hóa, xã hội hóa, tư nhân hóa (được quy định, bị chi phối bởi Luật Điện ảnh sửa đổi; chịu sự điều tiết của thị trường).
Tác giả: Vũ Ngọc Thanh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 429, tháng 3-2020