Tháng 8-2016, thị trường điện ảnh Việt Nam dậy sóng bởi bộ phim Tấm Cám : chuyện chưa kể. Trước khi trình chiếu, qua trailer giới thiệu, khán giả tỏ ra hào hứng với bộ phim này bởi đây là truyện cổ tích quen thuộc nên có lý do để chờ đợi sự làm mới của ê kíp làm phim; đây là bộ phim đầu tay của đạo diễn Ngô Thanh Vân, đả nữ tài năng của làng điện ảnh Việt Nam. Chỉ cần gõ cụm từ Tấm Cám: chuyện chưa kể lên google đã thu được những con số bất ngờ: khoảng 1.670.000 kết quả chỉ trong 0,40 giây; hàng loạt đường link dẫn đến các tìm kiếm liên quan đến bộ phim này; nằm trong top 10 phim tình cảm Việt Nam hay nhất năm 2016; nhiều bài cảm nhận về bộ phim này…
1. Những tín hiệu vui…
Sau khi được công chiếu, nhiều bài viết đã điểm lại những thành công của bộ phim, phần lớn các ý kiến là khen nhiều hơn chê. Có thể tổng kết về một số tín hiệu vui từ bộ phim này:
Đạo diễn Ngô Thanh Vân đã quy tụ được dàn diễn viên vừa trẻ trung, xinh đẹp như Hạ Vi, Isaac, Thanh Vân,… vừa giàu kinh nghiệm như Thành Lộc, Hữu Châu, Ngọc Giàu,… sở hữu lực lượng fan hùng hậu của nhóm 365. Diễn viên có lạ, có quen nhưng nhìn chung, họ đã diễn xuất khá đạt.
Đạo diễn Ngô Thanh Vân và ê kíp đã chọn được những hình ảnh chỉn chu, có phần vượt trội so với mặt bằng chung của phim Việt. Những đại cảnh về thiên nhiên hùng vĩ và ấn tượng, trong khi đó, các phân đoạn có sự tác động của kỹ xảo cũng được làm tốt.
Lần đầu tiên khán giả nhìn thấy một bộ phim Việt có ba quân tướng sĩ trang phục áo giáp sắt chỉn chu, đẹp đến từng chi tiết và còn đông đảo, hùng hậu không thua kém gì phim nước ngoài.
Về trang phục cổ trang có sự đầu tư hoàn chỉnh, là điểm nhấn lớn nhất trong bộ phim này. Có thể nói, Ngô Thanh Vân đã quyết tâm nhào nặn đứa con tinh thần thật xinh đẹp từ nội dung đến hình thức, cô thể hiện mình không hời hợt trong bất kỳ chi tiết nào.
Sau cùng, cũng phải nói về doanh thu tuy chưa được công chiếu tại CGV (cụm rạp chiếm đến 40% thị phần tại Việt Nam hiện nay) nhưng chỉ sau hơn một tháng công chiếu, bộ phim đã tạo nên cơn sốt ở các phòng vé, có doanh thu đạt 66 tỷ, với hơn một triệu lượt xem. Đây quả là con số ấn tượng trong thị trường phim ảnh vốn được xem là ảm đạm của làng điện ảnh Việt Nam.
Bên cạnh những tín hiệu vui đó, chúng tôi nhận thấy, bộ phim còn nhiều hạt sạn trong việc xây dựng kịch bản và thiếu các ý kiến mang tính định hướng của những nhà chuyên môn nghiên cứu về văn hóa, văn học...
2. Những cắt xén đáng tiếc…
So với truyện cổ tích Tấm Cám, kịch bản của bộ phim đã cắt đi nhiều chi tiết được coi là đắt giá, cụ thể:
Lược đi hoặc nhẹ hóa các chi tiết thể hiện sự mâu thuẫn giữa hai chị em Tấm - Cám: cốt truyện phim cho thấy mối quan hệ Tấm - Cám là quan hệ có tính chất đối kháng, một mất một còn, liên tục từ đầu đến cuối. Còn trong kịch bản phim vẫn chưa khắc họa rõ nét mâu thuẫn giữa hai nhân vật này đến mức kịch tính. Chẳng hạn như chi tiết đánh tráo cá của Cám, Cám bắt chước dội nước sôi để được xinh đẹp như Tấm… cũng không thấy nhắc đến. Đôi khi, sự mâu thuẫn này còn được giảm nhẹ bằng cách quy tội cho một nhân vật khác. Chẳng hạn, hành động mẹ con dì ghẻ giết Tấm khi trèo cau được cho là âm mưu khởi đầu từ viên thừa tướng.
Số lần biến hóa của Tấm cũng bị cắt giảm: từ 4 lần trong truyện Tấm Cám xuống còn ba lần trong phim, lược đi lần biến hóa thứ 3, Tấm biến thành khung cửi. Thực tế cho thấy, số lần biến hóa không phải là sự tăng tiến về số học bình thường, mà đằng sau nó là biểu hiện về sự xung đột ngày càng gia tăng. Do vậy, việc cắt giảm số lần biến hóa, thêm một lần nữa đã làm cho sự xung đột giữa hai chị em Tấm Cám giảm thiểu đi nhiều.
Cắt xén các chi tiết thể hiện dân tộc tính: truyện cổ tích Tấm Cám là một kiểu truyện thuộc loại phổ biến trên thế giới. Bên cạnh một số môtip chung, kiểu truyện này còn nhiều tình tiết thể hiện dân tộc tính như: hình ảnh hội làng, cảnh mò cua bắt ốc, cái yếm đào, cây thị đầu làng... mà một trong số đó phải kể đến là hình ảnh bà già hàng nước (bản của Vũ Ngọc Phan và Nguyễn Đổng Chi) và miếng trầu hình cánh phượng. Trong truyện cổ tích Tấm Cám có một chi tiết ngắn thể hiện rõ nét về truyền thống ăn trầu của người Kinh, đó là cảnh nhà vua nghỉ chân ở hàng nước bà lão, nhìn miếng trầu têm cánh phượng rất khéo biết ngay là của vợ mình têm. Miếng trầu quen thuộc đã nối lại nhân duyên, chi tiết này chỉ có ở trong truyện cổ tích nước ta. Theo tác giả Đinh Gia Khánh: đây là chủ đề có tính dân tộc, và ông lưu ý “khi viết lại truyện Tấm Cám hoặc cải biên, phỏng tác thành kịch bản chèo, múa rối,… thiết tưởng phải chú ý đến chủ đề về miếng trầu giao duyên” (1). Trong khi đó, bộ phim Tấm Cám: chuyện chưa kể lại biến bà già hàng nước thành bà lão người dân tộc lạ lẫm, lạc điệu. Không những thế, bà còn lên mặt răn dạy cả thái tử bằng những lời nói đầy chất triết lý. Còn miếng trầu chỉ được ống kính lướt qua, chỉ khoảng 1% giây. Ở đây, việc gán ghép hình ảnh bà già người dân tộc với miếng trầu cũng là điều trái khoáy, chông chênh… Vì vậy, khi xây dựng một bộ phim, đạo diễn cần hạn chế đến mức tối đa việc cắt giảm các chi tiết thể hiện dân tộc tính.
Cái kết của mẹ con Cám: đây là vấn đề khá nhạy cảm, đã được báo chí đưa ra tranh luận nhiều lần. Có lẽ, để tránh tâm bão, nhóm biên kịch đã chọn giải pháp an toàn bằng cách nhẹ hóa đi. Trong phim: Tấm ra lệnh bắt giam Cám vào ngục tối, không có chi tiết Cám chết do dội nước sôi và muối thành mắm gửi cho dì ghẻ ăn. Tuy nhiên, cuối phim vẫn có hình ảnh Tấm đưa cơm mời dì ăn (ý nói ăn mắm được làm từ xác của Cám). Chi tiết này khá gượng gạo, bởi các bản kể đều nói rằng Tấm gửi cho mụ dì ghẻ và mụ tưởng thật, bữa nào cũng nức nở khen ngon, rồi sau đó lăn ra chết chứ không phải vẻ mặt thất thần và nước mắt ngắn dài như trong phim. Ở đây, để làm tốt hơn, theo tôi nhóm biên kịch có thể tham khảo các bản kể mới sưu tầm được ở Bạc Liêu. Theo tác giả Nguyễn Tấn Đắc, trong 14 bản truyện Tấm Cám mới sưu tầm được ở Bạc Liêu, có bản không có cái chết của mẹ con Cám; có 4 bản nói mẹ con Cám bị sét đánh chết. Phải chăng, cái kết Cám và mụ dì ghẻ chết do bị sét đánh là một lối thoát hợp lý nhất để giải oan cho nàng Tấm của Việt Nam.
Được biết, trước khi khởi quay, Ngô Thanh Vân cùng 5 biên kịch đã dành ra 3 tháng để cùng viết, chỉnh sửa, thêm thắt, dựng nên một nội dung mang phong cách mới trên nền câu chuyện quen thuộc. Điều này cho thấy Ngô Thanh Vân cùng nhóm cộng sự đã có quá trình làm việc nghiêm túc, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thêm bớt các chi tiết trong kịch bản. Nhưng có lẽ do không có một cố vấn chuyên môn về lĩnh vực văn hóa, văn học nên nhóm biên kịch đã cắt giảm đi nhiều chi tiết có giá trị về mặt nghệ thuật. Điều này ít nhiều làm giảm đi tính nghệ thuật của bộ phim.
3. Những sáng tạo… lệch pha
Tên gọi của bộ phim cũng phần nào cho biết bộ phim sẽ sáng tạo thêm nhiều chi tiết mới trên nền truyện mà chúng ta đã từng nghe biết lâu nay. Quả vậy, kịch bản của bộ phim cho thấy, bên cạnh việc bảo lưu các chi tiết của truyện Tấm Cám như: Tấm bị mất con cá bống, ông Bụt hiện ra giúp sức mỗi khi Tấm khóc, lễ hội thử giày, Tấm trèo cây cau ngã chết, Tấm hết biến thành chim vàng anh, cây xoan đào rồi tới trái thị… kịch bản còn lồng ghép câu chuyện tình yêu đôi lứa, thêm nội dung về tình yêu quê hương đất nước. Trong phim, nhóm biên kịch đã sáng tạo thêm các nhân vật, tình tiết như:
Bộ phim bổ sung, sáng tạo thêm nhiều nhân vật như thượng hoàng, tể tướng, đặc biệt là bộ tứ sát thủ Thạch Biền giết người không gớm tay, võ tướng Trần Bằng và Nguyễn Lực - hai người bạn thân của thái tử, thái giám Thuận Nô,… và câu chuyện xung quanh các nhân vật này. Theo đạo diễn Ngô Thanh Vân, các nhân vật này được sáng tạo vì yêu thích thông điệp nhân văn ở hiền gặp lành, ác giả ác báo của câu chuyện và muốn bộ tứ Isacc, ST, Will, Jun Phạm của nhóm 365 có cơ hội thử sức diễn xuất. “Các nhân vật trong truyện cổ tích Tấm Cám đã rõ ràng nên khó nhất là làm sao “nhét” bốn anh em 365 vào mà vẫn thuyết phục người xem. Ê kíp quyết định viết thêm các tình tiết để giải quyết những điểm mấu chốt đã quen thuộc”(2). Lý do nêu ra xem chừng không thuyết phục, bởi các nhân vật này chỉ phù hợp với những phim truyện về đề tài lịch sử, thuộc thể loại truyền thuyết - mà nếu truyện kể về lịch sử thì phim đã rẽ lối khác.
Phần sáng tạo, thay đổi rõ nhất nằm ở chỗ nhân vật trung tâm của phim không phải là Tấm, Cám mà là thái tử. Chàng thái tử trong phim vừa phải giữ vững biên cương bờ cõi, vừa phải đối đầu với thế lực thù địch bên trong triều đình. Để làm đầy đặn và kịch tính cho phần cải biên này, các nhân vật trong bộ tứ và viên thừa tướng - kẻ muốn chiếm ngôi vua của thái tử, xuất hiện. Trong phim, thời lượng và các cảnh quay về nhân vật thái tử nhiều hơn cảnh quay về chị em Tấm, Cám. Đây là sự điều tiết có chủ đích, dụng ý nghệ thuật. Trên báo Thanh niên, số ra ngày 18-8-2016, Ngô Thanh Vân bộc bạch “tất cả chúng tôi muốn tạo ra hình ảnh người hùng đứng lên bảo vệ đất nước để người trẻ ngày nay quan tâm, tìm hiểu nhiều hơn truyện cổ tích, truyện của người Việt Nam bên cạnh những tác phẩm nước ngoài”(3). Song cần phải biết rằng: về đặc trưng thể loại hình ảnh người anh hùng, hình ảnh các ông vua không phải là nhân vật quen thuộc với thể loại truyện cổ tích (nếu có cũng chủ yếu là nhân vật phụ). Hoặc giả, nhóm biên kịch có ý tưởng truyền thuyết hóa một truyện cổ tích thì có vẻ cũng chưa đúng thể thức cốt truyện truyền thuyết thường gặp là: hoàn cảnh ra đời với những đặc điểm khác thường đến chặng trung tâm là kể về hành trạng và chiến công của nhân vật và cuối cùng là chuyện hóa thân âm phù. Thực tế cho thấy đây đó, nhóm biên kịch có những lúng túng vì có lúc kết cấu phim còn vương vấn cốt truyện cổ tích (kể về nhân vật thấp hèn, vượt qua thử thách và được thưởng công), lúc khác lại sa vào việc xây dựng một hình ảnh người hùng nơi trận mạc.
Các bản khác nhau của truyện cổ tích Tấm Cám ở Việt Nam hay truyện Lọ lem ở nhiều nước trên thế giới đều có chi tiết đôi giày xinh xắn và nhỏ nhắn đến mức không một bàn chân của cô gái nào có thể mang vừa, chỉ có thể vừa vặn với đôi bàn chân nhỏ xinh. Chính vì chiếc giày nhỏ xinh một cách kỳ lạ mới khiến hoàng tử tò mò và quyết tìm cho ra người con gái sở hữu chiếc giày đó. Thế nên trong các bản kể của Việt Nam và các nước Đông Nam Á luôn có chi tiết thử giày của những cô gái. Dân gian nói về đôi giày chính là để nói về đôi chân đẹp, con người đẹp. Ở đây, Tấm đã sở hữu vật báu là đôi chân nhỏ bé - cái duy nhất chỉ một mình Tấm được sở hữu, không ai có thể tranh đoạt được. Theo tác giả Nguyễn Tấn Đắc, môtip bàn chân nhỏ này chắc chắn có ảnh hưởng đến tục bó chân đã từng tồn tại một thời gian dài trong văn hóa Trung Hoa. Ở Việt Nam, khi nói về bàn chân của nàng Kiều, Nguyễn Du cũng viết rằng: Gót sen lãng đãng như gần như xa (Truyện Kiều). Như vậy, theo quan niệm dân gian đôi bàn chân nhỏ nhắn là biểu tượng của một người con gái đẹp - cả hình dáng lẫn phẩm hạnh. Tuy nhiên trong Tấm Cám: chuyện chưa kể của Ngô Thanh Vân có chi tiết khá lạ: đôi chân của Cám còn nhỏ hơn cả chiếc giày đó. Nhỏ đến nỗi, thái giám phải thêm một lóng tay nữa mới vừa. Như vậy, ở đây nếu giải biểu tượng đôi chân thì rõ ràng nàng Cám xinh đẹp hơn, xứng đáng được làm vợ hoàng tử hơn là cô Tấm. Chi tiết này cho thấy nhóm biên kịch đã không am hiểu về văn hóa nên có những sáng tạo lệch pha.
Khó nhận diện thể loại bởi biên kịch đã quá ôm đồm nhiều màu sắc: lãng mạn, ngôn tình, thần thoại, giả tưởng, hành động... nhưng chưa lột tả được màu sắc nào đến cùng nên càng về cuối, mạch phim càng đuối dần… Ngay cả Ngô Thanh Vân trong những phát biểu cũng thể hiện sự lúng túng: có khi đạo diễn cho rằng thông điệp chính của bộ phim là thông điệp nhân văn ở hiền gặp lành, ác giả ác báo (tức thông điệp của một truyện cổ tích), khi khác, lại cho rằng: bộ phim muốn tạo ra hình ảnh người hùng đứng lên bảo vệ đất nước (nhân vật quen thuộc của thể loại truyền thuyết). Việc chọn cốt truyện cổ tích quen thuộc, có sức ảnh hưởng lớn đến tâm thức và văn hóa của người Việt vừa thể hiện sự thông minh của đạo diễn, nhưng mặt khác nó cũng đòi hỏi đạo diễn phải đối mặt với nhiều thách thức phải làm mới, lạ hóa để thuyết phục, thu hút khán giả. Tuy nhiên, việc làm mới cần phải có lập trường rõ ràng, kiên định mới tránh được những nhập nhằng nêu trên.
Trong phim xuất hiện khá nhiều lời thoại theo kiểu hiền triết, hiện đại như của bà lão hàng nước hay như lời tâm sự của Tấm khi trao khăn thêu cho thái tử hoàn toàn xa lạ với các nhân vật của truyện dân gian. Lời thoại của nhiều nhân vật trong phim cũng sáo rỗng. Các hạt sạn lời thoại kiểu như: Tấm đợi cho thái tử nuốt trót lọt viên ngọc thần mới cảnh báo chàng sẽ bị biến thành quái vật, Tấm nức nở bên quái vật nói tiếng người với lời yêu đương ngôn tình... gây phản tác dụng. Các tình tiết đáng lẽ gây xúc động, cao trào lại làm khán giả bật cười.
Đánh giá chung về toàn bộ kịch bản thì các tình tiết trong phim được sắp xếp lỏng lẻo và không thuyết phục. Lúc đầu, câu chuyện xoay quanh cuộc đời của ba mẹ con nhà Tấm, Cám, nhưng đến nửa sau, lại chuyển hướng sang nhân vật thái tử, đẩy lên vai nhân vật này trọng trách giữ vững giang sơn, rồi để cuối phim, lại gượng ép đưa câu chuyện ba mẹ con Tấm Cám vào. Đành rằng, tên phim là Tấm Cám: chuyện chưa kể để ngụ ý rằng phim không chỉ có câu chuyện Tấm và Cám. Nhưng việc chọn ra một nhân vật chính để các hành động, nhân vật bám theo vẫn chưa thuyết phục được người xem.
Nghệ thuật là khung trời của sáng tạo. Điện ảnh nói chung, kịch bản nói riêng cũng là một loại hình nghệ thuật nên việc tác giả kịch bản thêm bớt cũng là chuyện thường tình, có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, ở đây cũng phải chân nhận rằng khi sáng tạo, người nghệ sĩ cũng cần cái đầu lạnh, sự tỉnh táo để biết những vùng trời riêng của từng thể loại, tránh ôm đồm, sáng tạo không hợp lý...
Qua những phân tích trên, có thể thấy kịch bản bộ phim Tấm Cám: chuyện chưa kể đã cắt xén khá nhiều chi tiết, sáng tạo thêm nhiều tình tiết mới nhưng chưa đủ sức thuyết phục. Do vậy theo tôi thành công của bộ phim cũng chỉ mới dừng lại ở một vài tín hiệu vui như đã điểm. Đây có lẽ bài học không riêng cho đạo diễn Ngô Thanh Vân và êkíp viết kịch bản mà cho cả những ai đang có tham vọng làm phim liên quan đến các vấn đề văn hóa, lịch sử của Việt Nam.
_____________
1. Tấn Đắc, Về type, môtip và tiết truyện Tấm Cám, Nxb Thời đại, Hà Nội, 2013, tr.527.
2. phunuonline.com.vn.
3. thanhnien.vn.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 396, tháng 6-2017
Tác giả : ĐẶNG QUỐC MINH DƯƠNG