Trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, phim Việt ngày một khẳng định vị thế trong lòng khán giả và bạn bè quốc tế. Số lượng phim phát hành hằng năm luôn tăng, thể loại phong phú và đa dạng, nội dung chủ yếu đề cập đến cuộc sống xã hội đương đại, những vấn đề mang tính thời sự nóng bỏng được các nhà làm phim phản ánh một cách kịp thời và trực diện. Song, bên cạnh đó, cũng có một số nhà sản xuất chạy theo lợi nhuận đầu tư vào phim chất lượng kém (chủ yếu là các phim hài nhảm, phim về giới tính thứ 3...). Chính điều này dẫn đến một số ý kiến của các nhà chuyên môn cho rằng phim Việt Nam đang quay lại thời kỳ mì ăn liền của những năm 90 TK XX. Trong khuôn khổ bài viết, tác giả xin đưa ra một số nhận định về đặc điểm của phim Việt trong những năm gần đây để thấy sự đồng nhất và khác biệt với giai đoạn trước đó.
Thứ nhất, thay vì việc các nhân vật luôn tắm trong phim như trước thì hiện nay nhà làm phim đã có những phân đoạn dài, hình ảnh chau chuốt cho cảnh nóng nhằm mục đích câu khách, phục vụ cho ý đồ của nhà sản xuất… Cảnh nóng dùng để đánh bóng tên tuổi hay câu khán giả đến rạp là cách mà một số đạo diễn, diễn viên và các nhà sản xuất yếu tay nghề sử dụng, để đạt được hiệu quả nhất thời trước mắt. Ví dụ như các phim: Đẻ mướn (2005), Mùa hè lạnh (2012), Ngôi nhà trong hẻm (2012), Lấy chồng người ta (2012), Cát nóng (2012), Đam mê (2012)... Hầu hết các cảnh nóng trong phim bị phản cảm, dư thừa là do yếu tố kịch bản thiếu logic (thậm chí một số bộ phim tình tiết đẩy đến cảnh lột đồ, cảnh nude lại không hợp lý), hay diễn xuất của diễn viên còn non kém… đã phần nào khiến cảnh nóng trở nên nguội lạnh trong mắt khán giả.
Thứ hai, đề tài lịch sử trước đây đã tạo nên doanh thu lớn thì bây giờ các nhà sản xuất không còn mặn mà nữa, ngoài một số bộ phim như: Thiên mệnh anh hùng (2011), Tây Sơn hào kiệt (2010), Khát vọng Thăng Long (2010)… Khi xã hội phát triển, khán giả không dễ dàng chấp nhận những câu chuyện đơn giản về cốt truyện mang tính minh họa lịch sử, hình ảnh sơ sài. Hơn nữa, những bộ phim dã sử luôn đòi hỏi các cảnh quay đại cảnh với kinh phí lớn, vốn bỏ ra nhiều nhưng cơ hội thu hồi lại rất mong manh... Ngoài ra, khán giả Việt đã phần nào bội thực với dòng phim siêu anh hùng của Mỹ có hình ảnh và âm thanh mãn nhãn hay những phim dã sử của Hàn Quốc, Trung Quốc với cốt chuyện chặt chẽ, hình ảnh đẹp và diễn xuất tốt của diễn viên… nên không còn hào hứng với câu chuyện lịch sử khô khan, những màn đánh đấm vụng về của phim Việt. Đó chính là những lý do khiến số lượng phim dã sử trong giai đoạn này không nhiều.
Thứ ba, để đảm bảo về mặt doanh thu, các nhà sản xuất phim và đạo diễn không ngần ngại mời những người nổi tiếng đóng phim nhằm mục đích lôi kéo người hâm mộ đến rạp xem phim của thần tượng. Từ hiện tượng này đã xuất hiện những khái niệm như: bình hoa di động (để miêu tả những người đẹp chỉ có hình thức không có khả năng diễn xuất), ông hoàng phòng vé (để chỉ những ngôi sao có khả năng sinh lợi nhuận cao nhờ vào số lượng người hâm mộ), nữ hoàng giải trí và hàng loạt danh hiệu tự phong khác.
Thứ tư, đề tài đồng tính trên phim Việt vốn được khai thác từ đạo diễn Lê Hoàng trong Trai nhảy - một bộ phim lợi dụng sức nóng của quan hệ cùng giới để câu khách và kiếm tiền. Từ sau thành công về mặt thương mại của bộ phim này, đề tài đồng tính đã được các đạo diễn thay nhau khai thác như: Lạc giới (Phi Tiến Sơn), Cầu vồng không sắc (Nguyễn Quang Tuyến), Cảm hứng hoàn hảo (Nguyễn Lê Dũng), Hot boy nổi loạn 1 + 2 (Vũ Ngọc Đãng)… hoặc một số phim có những nhân vật đồng tính, nhiều phân đoạn miêu tả về cuộc sống của người đồng tính. Điều gây ra cái nhìn phản cảm đó là đồng tính bị khai thác quá đà và quá sai khiến người ta có những mặc định cố hữu: nhắc đến đồng tính là nhắc tới tình dục đồng giới. Với cách thể hiện trần trụi và phô diễn như vậy, phim đồng tính do các hãng phim tư nhân sản xuất chỉ dừng lại ở mức kích thích sự tò mò của dư luận chứ chưa đạt đến mức độ khơi gợi được sự cảm thông, trân trọng của khán giả đối với những câu chuyện phim về đề tài đồng tính.
Thứ năm, khi khoa học công nghệ phát triển, điện ảnh cũng như các lĩnh vực khác đạt được những thành tựu đáng kể nhờ việc áp dụng kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh dòng phim hành động được đầu tư kỹ lưỡng và bài bản thì dòng phim kinh dị cũng được các hãng phim tư nhân cho ra đời những tác phẩm chỉn chu, công phu về mặt hình ảnh, âm thanh. Đây có thể coi là một hướng đi mới của các hãng phim tư nhân bởi trong giai đoạn trước không nhiều phim kinh dị ra đời và hầu như không được khán giả nhớ tới. Sự đa dạng về đề tài này đã góp phần làm phong phú thêm khẩu vị của khán giả và thị trường phim Việt.
Thứ sáu, thời kỳ này các hãng phim tư nhân sản xuất còn thu hút một lực lượng lớn các nhà đầu tư, đạo diễn, diễn viên Việt kiều tham gia vào quá trình làm phim. Những đạo diễn, diễn viên hải ngoại về nước làm việc đã mang lại nhiều thứ cho một nền điện ảnh vẫn còn thiếu và yếu như Việt Nam. Do có thời gian làm việc ở các nền điện ảnh phát triển như Pháp, Mỹ trong một thời gian dài, nên họ đã mang đến phong cách làm phim quốc tế cho nền điện ảnh nước nhà. Khi về Việt Nam, ngoài việc làm nghề ở trong nước, họ còn truyền cho ê kíp làm phim của mình phong cách làm việc chuyên nghiệp. Có thể nhận rõ điều này qua video hậu trường của các bộ phim chuẩn bị được công chiếu (những cái mà ít thấy ở các bộ phim Việt Nam trước đó). Với kinh nghiệm và kiến thức học hỏi từ nước ngoài, các đạo diễn thuộc nhóm đạo diễn Việt kiều đã mang đến những công nghệ mới, cách làm phim mới trong việc tổ chức sản xuất phim. Tạo điều kiện cho những người tham gia hoạt động điện ảnh có cơ hội tiếp cận, cọ sát với cách tổ chức sản xuất phim chuyên nghiệp. Nhưng cũng chính việc không lớn lên tại quê hương đã khiến họ xa lạ với văn hóa Việt, con người Việt. Đôi khi họ làm phim theo công thức được học và rập khuôn một cách máy móc vào trong tác phẩm mà thiếu sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố dân tộc và hiện đại, dẫn đến những thất bại về mặt doanh thu của phim.
Cảnh trong phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - Ảnh: internet
Thứ bảy, trong môi trường mở cửa tự do nhập khẩu phim cùng với sự tiếp nhận một lực lượng lớn các Việt kiều về nước làm phim nên ở giai đoạn này phim Việt có sự giao thoa và ảnh hưởng của một số nền điện ảnh tiên tiến trên thế giới. Có nhiều ý kiến cho rằng phim hành động Việt ảnh hưởng phim hành động Mỹ và phim tình cảm ảnh hưởng phim Hàn Quốc... Điều này cũng dễ hiểu bởi đây là những nước có nền điện ảnh phát triển nhất toàn cầu, việc học hỏi kinh nghiệm là hết sức cần thiết nhưng cũng không tránh khỏi ảnh hưởng về mặt tư duy nghề nghiệp. Nguyên nhân là do một số lượng khá nhiều những người làm công việc sáng tác được đào tạo, sinh sống, làm việc tại Mỹ nên tư duy làm nghề của họ có dấu ấn văn hóa của vùng miền họ sinh sống. Bên cạnh đó, trào lưu Hallyu của Hàn Quốc đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn hóa Việt và các nước lân cận. Phim truyền hình, phim điện ảnh Hàn Quốc đã tạo lên làn sóng về thời trang, mỹ phẩm, ẩm thực trong giới trẻ Việt Nam, vô hình chung nó cũng ảnh hưởng đến tư duy làm nghề của những nhà làm phim Việt.
Điện ảnh Việt Nam trong những năm gần đây đã ghi nhận những cố gắng và nỗ lực của một số nhà làm phim trẻ trong việc mang đến cho khán giả những tác phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa Việt, dùng chất liệu Việt để làm nên thương hiệu như Ngô Thanh Vân với Tấm Cám - chuyện chưa kể, Cô Ba Sài Gòn, Song Lang...; hay Phan Gia Nhật Linh, Victo Vũ với việc chuyển thể những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh thành phim (Cô gái đến từ hôm qua, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh...). Đó là những tác phẩm được đầu tư nghiêm túc và cũng là điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh của điện ảnh Việt. Hy vọng, với khát vọng cống hiến nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cho khán giả và tư duy làm nghề nghiêm túc, xu hướng này sẽ được lan tỏa và mang lại cho điện ảnh Việt Nam những giá trị đích thực trong tương lai.
Tác giả: Bùi Thị Hồng Gấm
Nguồn: Tạp chí VHNT số 428, tháng 2-2020