Phía trước điện Ngưng Hy
Lăng Đồng Khánh (còn gọi là Tư Lăng) tọa lạc tại thôn Thượng Hai, xã Thủy Xuân, thành Phố Huế. Đây là một trong những công trình thuộc quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa thế giới vào năm 1993. Vua Đồng Khánh tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Đường, là con trai của hoàng tử Kiên Thái Vương (tức là Nguyễn Phúc Ưng Cai (1845 -1876) con thứ 26 của vua Thiệu Trị). Tại đây, cả hai khu vực lăng và tẩm có khoảng 20 công trình kiến trúc lớn nhỏ với mật độ tương đối dày, gồm các khu vực như mộ vua, bi đình, trụ biểu, bái đình,... Điện Ngưng Hy cũng nằm trong quần thể này với kiến trúc là một tòa nhà kép làm theo kiểu thức chung của loại cung điện Huế mang dáng xưa với lối kiến trúc “trùng thiềm điệp ốc" quen thuộc.
Đối với điện Ngưng Hy vật liệu trang trí bên ngoài trên các bờ nóc, bờ quyết, cổ diêm, đầu hồi, đều làm bằng pháp lam ngũ sắc hoặc loại đất nung tráng men màu và phân chia các khoảng trong từng ô hộc. Bên trong điện, các nghệ nhân đã tạo nên một không gian lộng lẫy với nội thất vàng son, hàng trăm hình ảnh và câu thơ được chạm khắc hoặc viết vẽ lên các pano và hệ thống liên ban đố bản.
Khu vực lăng Đồng Khánh được trang trí tỉ mỉ, các hoa văn được diễn tả chịu ảnh hưởng của nghệ thuật phương Tây chẳng hạn như ở Bi đình, các tầng sân trên, bửu thành, các nghệ nhân đã đưa những vật liệu mới như xi - măng, gạch ca rô, gạch hoa tráng men màu, hoặc xung quanh điện Ngưng Hy đã sử dụng kính màu để lồng vào hệ thống cửa bảng khoa và cửa sổ. Các nghệ nhân thực hiện công trình này như góp phần một luồng gió vào các mảng trang trí. Giá trị đặc biệt nhất tại điện Ngưng Hy là loại phù điêu đất nung tráng men màu chỉ xuất hiện tại đây, ở các lăng của các thời vua trước chưa thấy xuất hiện chất liệu này, nhưng kể từ sau công trình này được xây dựng, trở về sau cũng rất ít thấy xuất hiện trong trang trí cung điện và hệ thống lăng tẩm thời Nguyễn, vì giai cấp phong kiến cho rằng đó là loại tầm thường xa lạ với nghệ thuật cung đình. Điều đó cũng là một lời giải minh chứng khi thể chế cung đình bớt khắc nghiệt hơn, thì các nghệ nhân dân gian càng có điều kiện truyền tải vào những sáng tạo của giai cấp mình vào nghệ thuật cung đình. Đây cũng là một bước ngoặt thành công trong việc thử nghiệm cái mới đưa yếu tố bình dị vào nơi quyền quý, làm cho những hình ảnh nổi bằng đất nung tráng men trở thành điểm nhấn và phát huy giá trị trang trí ngoại thất, thấy được độ bền chịu đựng nắng mưa, gần gũi, dân giã chung quanh, đặc biệt, trong đó có nhiều hình tượng, điển tích từ Phật giáo ẩn chứa sâu đậm phẩm chất nhân văn, trữ tình.
Đề tài Bát bửu trong trang trí gốm đất nung tại điện Ngưng Hy
Nhìn chung tại điện Ngưng Hy đã tạo ít nhiều dấu ấn lịch sử và văn hóa của Việt Nam thời bấy giờ để mở đầu cho sự trải nghiệm mới với cái nhìn lạc quan hơn, thể hiện sự giao thoa, pha trộn nghệ thuật Âu - Á, tân cổ, là nền móng cho sự phát triển trong sự kế tiếp quá trình kiến tạo lăng Khải Định trở về sau trong dòng chảy mỹ thuật Nguyễn ở Huế.
Sự đóng góp của nghệ thuật Phật giáo trong trang trí tại điện Ngưng Hy, lăng Đồng Khánh là khá nổi bật, với tính hiệu quả thẩm mỹ, tâm linh sâu sắc và thắm đượm tinh thần nhân văn. Tại đây, hệ thống chạm khắc, đắp nổi với những dấu ấn biểu hiện của Phật giáo là khá đậm nét, các motif trang trí một cách tường minh trong không gian chung. Dù bị tác động bởi nắng mưa và thăng trầm lịch sử, từng mảng khối phù điêu ngậm mình trong nước nhưng những hình ảnh họa tiết tạo hình, đường nét và mảng khối ít bị phôi phai. Các bộ đề tài trang trí Phật giáo bằng những hình tượng cụ thể, sinh động, hàm chứa nhiều ý nghĩa và giàu giá trị văn hóa tâm linh trong đó như có những quả hóa thành linh thú: rồng, lân, phượng, kỳ lân (Long mã), hổ phù, sư tử... quả đào biến thể hóa thành đầu rồng, kiểu thức hình chữ Vạn, hoa sen, sóng nước, bát bửu hay bát quả, cá hóa rồng... Ở đây, kiểu thức trang trí hoa lá, cây cỏ, mây, sóng nước cũng rất phong phú. Phù điêu đất nung điện Ngưng Hy là kiểu thức hoa lá đã vượt lên thực tế, chứa đựng những ý niệm linh thiêng của Phật giáo. Ngoài ra đề tài con người cũng được thiêng hóa mà gần gũi, thực tế hơn giữa con người và vũ trụ.“người ta không bao giờ nhấn mạnh được thật đầy đủ nghịch lý mà mọi linh hiển tạo nên, ngay cả cái yếu tố sơ đẳng nhất... Một hòn đá thiêng vẫn là một hòn đá: về bề ngoài (nói đúng hơn là theo cách nhìn phàm tục) chẳng có gì phân biệt nó với tất cả những hòn đá khác. Ngược lại, đối với những ai mà một hòn đá tỏ ra là thiêng, thì hiện thực trực tiếp của nó chuyển thành hiện thực siêu nhiên.”1.
Sự hài hòa của chất liệu trang trí kết hợp trên công trình kiến trúc điện Ngưng Hy
Mặc dù, trên cơ sở phải tuân thủ các quy tắc trong một hệ thống mỹ thuật của triều đình, nhưng kiểu thức trang trí phù điêu đất nung tại điện Ngưng Hy vẫn tạo được một vẻ đẹp đặc biệt, chính là sự khai thác triệt để từ vẻ đẹp tự nhiên của các chất liệu đất nung và chiếm vị trí chủ đạo qua các đề tài Phật giáo, để từ đó thổi linh hồn dân tộc và thắm đượm tính nhân văn vào các tác phẩm. Về điều này, tác giả Trần Lâm Biền cũng đã nhận định trong Một con đường tiếp cận lịch sử: “Rõ ràng Phật giáo Việt đã trở thành một bộ phận cấu thành của lịch sử Việt, nhất là lại được quần chúng ủng hộ tin theo, thì chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng tích cực tới nền tạo hình dân tộc” 2. Trong tính biểu hiện tạo hình của mỹ thuật thời Nguyễn là sự khẳng định một cách rõ ràng mạch lạc về những giá trị tinh thần mà con người muốn vươn đến qua những yếu tố thẩm mỹ Phật giáo. Những biểu tượng, hình ảnh về Phật giáo qua đề tài trang trí bằng đất nung tại điện Ngưng Hy không chỉ làm cao sang, trang nghiêm hơn cho không gian tưởng niệm mà nó mang giá trị tinh thần, nhân văn dành cho chủ nhân của ngôi điện.
Đề tài chim Trĩ trong trang trí gốm đất nung tại điện Ngưng Hy
Với thành tựu nghệ thuật Phật giáo qua các đề tài được trang trí bằng đất nung tại điện Ngưng Hy đã góp phần khẳng định những giá trị kiến trúc thời Nguyễn nói chung, kiến trúc ở Huế nói riêng, góp phần tạo nên sắc diện của một nền mỹ thuật của triều đại nhà Nguyễn trong dòng chảy mỹ thuật phong kiến Việt Nam cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX.
TRẦN THỊ HOÀI DIỄM
Nguồn: Tạp chí VHNT số 484, tháng 12-2021