Dự án Sản xuất phim tài liệu sinh thái do Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) và Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã nước Việt (Four Paws Việt) phối hợp các nhà làm phim tài liệu vừa được khởi động với chủ đề tập trung vào Bảo tồn đa dạng sinh học và Phúc lợi động vật. Dự án này sẽ được triển khai trong hai năm 2021-2022.
Chủ đề của dự án sản xuất phim tài liệu năm nay tập trung vào Bảo tồn đa dạng sinh học và Phúc lợi động vật
Sản xuất phim tài liệu sinh thái là một dự án có lợi đa phương giữa các tổ chức xã hội đang đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu bền vững toàn cầu như Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD), Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Nước Việt (Four Paws Việt) và các nhà làm phim tài liệu.
Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và Phát triển (CCD) là một tổ chức phi chính phủ của Việt Nam hoạt động độc lập trong lĩnh vực nghiên cứu và bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý rừng bền vững và thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển nhằm hài hòa giữa các vấn đề bảo tồn thiên nhiên và phát triển cộng đồng, giữa con người và sinh quyển ở Việt Nam.
Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Nước Việt (FOUR PAWS Viet) là một tổ chức phi lợi nhuận, được thành vào năm 2014 tại tỉnh Ninh Bình. Với sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của tổ chức FOUR PAWS quốc tế, Trung tâm đã xây dựng cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình vào năm 2016 tại bản Xăm, xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam. Mục tiêu của cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình là cứu hộ và chăm sóc các cá thể gấu từ các trại nuôi tư nhân tự nguyện chuyển giao hoặc bị tịch thu từ các vụ buôn bán động vật hoang dã trái phép, hướng đến mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn nạn nuôi nhốt gấu tại Việt Nam.
Hai tổ chức phi chính phủ tham gia dự án lần này đang tìm kiếm đội ngũ làm phim để cung cấp những câu chuyện, cảnh quay thú vị và nhân vật để kể những câu chuyện hấp dẫn với kỳ vọng những câu chuyện này sẽ góp phần quảng bá cho các hoạt động của mình thông qua các bộ phim tài liệu.
Chủ đề của dự án sản xuất phim tài liệu năm nay tập trung vào Bảo tồn đa dạng sinh học và Phúc lợi động vật. Tại sự kiện khởi động dự án do Viện Goethe tổ chức, đại diện hai tổ chức xã hội này chia sẻ về những hoạt động cộng đồng mà họ đã và đang thực hiện cũng như câu chuyện cụ thể là đề bài và cảm hứng cho những nhà làm phim quan tâm. Chị Nguyễn Lê Thùy Linh, Quản lý truyền thông của Four Paws Việt cho biết: “Trong suốt nhiều năm làm công tác cứu hộ và bảo vệ phúc lợi cho gấu và động vật hoang dã nói chung, chúng tôi nhận thấy hoạt động truyền thông và nâng cao nhận thức cộng đồng là vô cùng quan trọng trong quá trình xóa bỏ nạn nuôi nhốt gấu lấy mật tại Việt Nam. Ý thức tốt mới dẫn tới hành động tốt. Để truyền thông trở nên thuyết phục và hiệu quả, hình thức truyền thông đóng vai trò quyết định. Nghệ thuật nói chung và phim tài liệu nói riêng có sức mạnh trong việc lan tỏa tri thức và thông điệp về bảo vệ phúc lợi động vật. Chính vì vậy, thông qua việc kể câu chuyện của mình bằng phim tài liệu, chúng tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều khán giả có thể tiếp cận đến vùng kiến thức tưởng chừng như khô khan này và có những bước chuyển mình trong nhận thức về bảo tồn động vật hoang dã”.
Những người làm phim được xem là những người mang đến những góc nhìn mới mẻ trong cách kể chuyện cho một tác phẩm chung đầy hứa hen
Nhận định về tầm quan trọng của việc các nhà làm phim tham gia dự án cùng các tổ chức, ông Tạ Quốc Trường, Quản lý Dự án CCD nhấn mạnh: “Trong các hoạt động của mình, chúng tôi thường thiên về học thuật hơn, cụ thể là bảo tồn thiên nhiên và phục hồi các khu vực cảnh quan bị suy thoái. Chúng tôi thiếu các hình thức truyền thông đa dạng và chuyên nghiệp. Còn những người làm phim có thể được xem là những người mang đến những góc nhìn mới mẻ trong cách kể chuyện. Vì vậy, đây là cơ hội tốt để đội ngũ truyền thông của CCD học hỏi từ các nhà làm phim cách kể chuyện mới mẻ để tiếp cận đối tượng mục tiêu tốt hơn. Điều đó cũng giúp xây dựng và phát triển năng lực của họ”.
Các nhà làm phim được khuyến khích sử dụng những kiến thức, kỹ năng tốt nhất của mình và tận dụng những tài liệu do các tổ chức xã hội cung cấp để tạo ra những tác phẩm góp phần thúc đẩy xã hội thực hiện các mục tiêu bền vững toàn cầu.
Nhà tổ chức cũng bày tỏ kỳ vọng những bộ phim có thể thu hút sự chú ý của quốc tế trong các liên hoan phim tài liệu hoặc các liên hoan phim về môi trường dành cho những hoạt động cộng đồng bền vững được thực hiện ở Việt Nam. Có thể nói, đây là nỗ lực chung để đóng góp vào Mục tiêu phát triển bền vững 15 (tài nguyên và môi trường trên đất liền) và Mục tiêu 17 (quan hệ đối tác vì các mục tiêu).
Nhà tổ chức cũng bày tỏ kỳ vọng những bộ phim có thể thu hút sự chú ý của quốc tế trong các liên hoan phim tài liệu hoặc các liên hoan phim về môi trường dành cho những hoạt động cộng đồng bền vững
Trong dự án Sản xuất phim Tài liệu Sinh thái lần này, Viện Goethe sẽ hỗ trợ sản xuất phim và tổ chức hai hội thảo với các nhà làm phim tài liệu của Đức để trao đổi kinh nghiệm và nâng cao năng lực về cách kể chuyện sáng tạo và cách làm phim bền vững. Vốn có truyền thống trong việc thúc đẩy làm phim tài liệu khoa học, Viện Goethe từng thúc đẩy đào tạo cho các nhà làm phim bằng cách hỗ trợ nhóm làm phim độc lập DocLab từ năm 2008 đến năm 2017. Đặc biệt vào năm 2004, lần đầu tiên Việt Nam trở thành thành viên Liên hoan phim Khoa học quốc tế do viện Goethe tổ chức.
Ban giám khảo của dự án là những đạo diễn và các nhà sản xuất phim giàu kinh nghiệm như đạo diễn, NSND Nguyễn Như Vũ (nguyên Quyền Tổng giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương), đạo diễn Phan Đăng Di (Đồng sáng lập chương trình Autumn Meeting) và đạo diễn Nguyễn Lê Hoàng Việt (Đồng sáng lập công ty Ever rolling films). Với bề dày kinh nghiệm làm phim tài liệu, phim độc lập, họ sẽ góp phần mang đến cái nhìn đa chiều hơn về việc sản xuất phim tài liệu khoa học trong lĩnh vực phát triển bền vững ở Việt Nam.
PHƯƠNG HOÀNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 481, tháng 11-2021