Người Việt xưa có những nỗi sợ hãi tâm linh, mà trong thế giới tâm linh thì phải là sợ ma hãi quỷ. Hổ phù là hình ảnh kinh khủng nhất trong số đó. Triều đại nhà Nguyễn là triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam, cũng là giai đoạn đồ án hổ phù phát triển lên tới cực đỉnh. Hình ảnh hổ phù được phổ biến trên tất cả các không gian tín ngưỡng từ đình, đền, miếu, trên vô số các đồ lễ khí như ngai kiệu, hương án, sập đá, bia đá. Nó xuất hiện từ không gian cung đình cho đến nhà dân. Thậm chí ở đầu hồi của tòa nhà Đông Dương học xá ở Paris được xây đầu thế kỷ XX cũng đắp nổi hình tượng này. Cho đến nay, tên gọi, công năng của tòa nhà này đã thay đổi nhiều sau nhiều lần trùng tu, nhưng hình ảnh hổ phù vẫn ngự trị trên bầu trời Paris. Vậy, thực chất hổ phù là loại ma quỷ nào, vì sao ít được nói đến trong các công trình nghiên cứu về mỹ thuật cổ truyền Việt Nam. Bài viết này sẽ tập trung vào nguồn gốc danh xưng, lai lịch, hình tướng và ý nghĩa biểu tượng của đồ án vẫn quen được gọi là hổ phù.
Vài nét về ngôi nhà Việt Nam tại Pháp
Trong thời gian ngắn ngủi ở Paris, tháng 9 năm 2012, tôi đến được ngôi nhà dành cho sinh viên Đông Dương được xây từ đầu thế kỷ XX. Qua tài liệu sách báo, tôi đã từng biết có một ngôi nhà đậm dấu ấn kiến trúc Việt ở Paris. Sau gần 100 năm, tòa nhà trải qua bao biến cố lịch sử vẫn kiêu hãnh một góc trời ở thủ đô nước Pháp.
Hình đầu rồng hàm thọ trên nóc tòa nhà Đông Dương ở Paris
Từ đầu thế kỷ XX, đã có nhiều sinh viên của xứ thuộc địa từ khắp các châu lục đến Pháp học tập. Năm 1926, Hiệp hội Tương tế Đông Dương (l’Association mutuelle des Indochinois) đã thông báo cho Bộ trưởng Bộ Công chính về mong muốn được xây dựng một ngôi nhà dành cho các lưu học sinh đến từ xứ Đông Dương. Vào ngày 8/12/1926 và ngày 12/4/1927, André Honnorat, Chủ tịch Thành phố, đã thông báo với Toàn quyền Đông Dương về dự định xây dựng các ký túc xá cho sinh viên từ xứ thuộc địa ở Viện Hải ngoại Pháp tại Cité universitaire (thành phố đại học). Với nỗ lực đào tạo tầng lớp ưu tú cho các dân tộc ở Viễn đông, Chính phủ Pháp đã nhanh chóng tiến hành dự án này, kết quả là một nguồn lực tài chính hùng hậu, ngày 14/10/1927, hành động dưới danh nghĩa cá nhân của mình và nhân danh nhóm các nhà tư bản Pháp, Raphaël Fontaine đã tặng cho Đại học Paris một ngôi nhà trị giá 4 triệu franc.
Vào đầu tháng 9 năm 1927, Ủy ban sáng kiến đã giao việc vẽ các kế hoạch và chỉ đạo công trình cho các kiến trúc sư Pierre Martin và Maurice Vieu. Vào ngày 6 tháng 3 năm 1928, các kiến trúc sư đã gửi cho Tổ chức Quốc gia bản dự thảo sơ bộ của họ.
Ảnh tòa nhà ngay sau khi hoàn thành
Mặc dù là tòa nhà Đông Dương, nhưng phong cách kiến trúc mang dấu ấn kiến trúc Việt Nam - chứ không phải của người Khmer hay người Lào. Bois de Vincennes. Pierre Martin và Maurice Vieu đã lấy tham chiếu của họ từ những mẫu vật kiến trúc bác học, giữ lại những chi tiết kiến trúc đặc trưng nhất (mái cong, vòm cuốn, họa tiết trang trí) của kiến trúc Bắc Bộ. Hai kiến trúc này cũng nắm bắt được phong cách Kiến trúc Đông Dương do Ernest Hébrard khởi xướng. Đó là ý tưởng tái hiện những bất biến của kiến trúc châu Á trong một từ vựng kết hợp giữa cảm hứng truyền thống và hiện đại. Do đó, Nhà Sinh viên Đông Dương đang cố gắng tạo ra một hình thức giao thoa, nơi các yếu tố trang trí của cảm hứng An Nam được tích hợp vào một tập và một bố cục phương Tây.
Ngay từ lối lên cầu thang, chúng ta đã bắt gặp hình thức quen thuộc của rồng chầu thành bậc do nhà điêu khắc A. Soleau thực hiện. Theo thiết kế ban đầu, có một bức phù điêu rồng khàm sành như thường thấy ở Huế. Nhưng sau đó, các kiến trúc sư đã chọn đồ án đầu rồng hàm chữ thọ (cũng gọi là hổ phù) cho vị trí này. Bên trong tòa nhà từ màu sắc thiết kế cho tới các đồ án đều mang đậm phong cách kiến trúc người Việt. Ta cũng bắt gặp ở đây hình ảnh con nghê, đặc biệt ở đây có bức tranh sơn dầu rất lớn của danh họa Lê Phổ.
Về biểu tượng đầu rộng hàm thọ
Hình ảnh đầu rồng hàm thọ cũng được Cha L. Caddièr gọi là mặt nả. Trong bộ tranh khắc của Henri Oger, đồ án này gọi là hổ phù. Cách gọi này mang màu sắc dân gian Bắc Bộ. Trong các nhà nghiên cứu Mỹ thuật Việt Nam, cho tới nay, Nguyễn Du Chi là người đầu tiên khẳng định hổ phù xuất phát từ thần thoại Ấn Độ: “Hổ phù (Rahu) là một con quỷ nuốt mặt trời, gây ra nhật thực. Người Ấn Độ gọi Katimukha, ở Đông Nam Á gọi là Kala, vừa là sư tử vừa là quái vật biển, mình rắn"1. Tuy vậy, Rahu và Katimukha hay Kala là những ác thần khác nhau.
Trong những bản kinh tối cổ Puranas đã mô tả khá kỹ Rahu và Ketu. Khi các chư thần đang khuấy sữa trường sinh, con quỷ Rahu trà trộn vào thế giới thần linh để uống trộm thứ nước thần này. Mặt trời và mặt trăng nhìn thấy liền báo với thần Vishnu. Thần Vishnu nổi giận. Ông ngay lập tức cắt đầu của Rahu từ cơ thể của nó với sự trợ giúp của vũ khí Sudershan Chakra của mình. Nhưng vì Rahu đã kịp nuốt sữa trường sinh vào trong miệng nên nó thoát chết, mặc dù đã mất một phần cơ thể. Kể từ đó, nó không bao giờ tha thứ cho mặt trời và mặt trăng, nên thỉnh thoảng lại nuốt chửng chúng, tạo nên nhật thực và nguyệt thực. Nhưng vì đã bị chặt mất nửa thân nên Rahu không thể giữ được mặt trời và mặt trăng trong người mình. Do vậy, không bao lâu sau, chúng (mặt trời, mặt trăng) lại thoát ra được2. Nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh cũng đã mô tả sự kiện này trong công trình nghiên cứu về thần thoại Ấn Độ của ông3.
Hình ảnh quỷ La Hầu trên cung điện Huế
Đó là những điều giải thích thân thể chỉ còn đầu và hai chi trước của Rahu.
Mặc dù là hung thần, ác thần, của Hindu giáo, nhưng về sau được thu nạp vào Phật giáo ngụ ý ác thần đã quy thuận Phật pháp. Hiện tượng này cũng khá phổ biến, dẫn đến hiện tượng quỷ Dạ xoa, chim thần Garuda xuất hiện trong nghệ thuật Phật giáo mang một ý niệm khác với Hindu giáo.
Ý nghĩa biểu tượng và hình tướng
Rahu là một biểu tượng kép, trước hết nó liên quan đến sự lừa dối, tham lam, giận dữ. Nhưng vì uống trộm thuốc trường sinh bất tử nên Rahu cũng được coi là thần của may mắn, tiếng tăm, uy tín và quyền lực, sự thịnh vượng và tri thức tối thượng. Trong quan niệm của Phật giáo ở Thái Lan, Phra Rahu Rahu được thờ phụng như một sức mạnh siêu nhiên tiêu trừ ác độ, bảo vệ Phật pháp. Tín ngưỡng này liên quan đến một nội dung kinh Phật trong tiếng Pali, khi Rahu tấn công Chandra - thần Mặt trăng và Suriya - thần Mặt trời, đức Phật xuất hiện buộc Rahu phải nhả họ ra.
Rahu khi phiên âm ra tiếng Hán gọi là La Hầu, Ketu gọi là Kế Đô, đều là những ngôi sao cực xấu trong chiêm tinh học. Nhưng trong văn hóa Phật giáo, ở các ngôi chùa Thái Lan hay Khmer (Rìa hu theo cách gọi ở Sóc Trăng, Việt Nam) ta thường thấy hình ảnh một con quỷ hai tay đang banh mồm như cố nuốt một vật gì đó - đó chính là quỷ Rahu.
Hiện tại, cách gọi phổ biến là Long hàm thọ, Hổ phù, mặt nạ. Đồ án Long hàm thọ là cách gọi bắt nguồn từ hình ảnh đầu một con rồng đang há miệng ngậm lấy chữ Thọ. John Dowson (1870) nhắc cho chúng ta biết hình dạng quái vật đầu rồng có bốn tay và kết thúc bằng một cái đuôi của Rahu. Sau khi bị cắt đứt thân thể, hình ảnh tiêu biểu của nó là một cái đầu rồng (dragon head) với hai tay, phần còn lại sau cơn thịnh nộ của Vishnu [A Classical Dictionary of Hindu Mythology and Religion, Geography, tr.252-253].
Hình ảnh Rahu ở Việt Nam với hình ảnh long hàm chữ thọ là một sáng tạo riêng của người Việt. Trước hết, phải khẳng định ngay rằng, trong mỹ thuật Trung Hoa hay Nhật Bản, Triều Tiên không có kiểu thức rồng (chỉ có hai chi trước) ngậm chữ Thọ, mà chỉ có kiểu rồng vờn chữ Thọ. Và ngay cả trong mỹ thuật Đại Việt, từ Lê Sơ trở về trước cũng không có dạng đồ án này. Trong nghệ thuật Chăm Pa, quỷ Rahu không phải là hình ảnh phổ biến và cũng không có dạng thức này. Với ý nghĩa uống được thuốc trường sinh bất tử nên Rahu trong nghệ thuật Việt đã thêm chữ Thọ đang bị nuốt nửa chừng. Đây là một dấu hiệu bảo đảm cho điềm tốt lành, đồng thời chúc sống lâu.
Dạng đồ án rồng chính diện chỉ có hai chân trước chưa từng xuất hiện trong hệ thống các di tích mỹ thuật cổ truyền của người Việt. Trên tấm bia có niên đại Vĩnh Tộ thứ 3 (1621) in trong sách Tổng tập Thác bản văn khắc Hán Nôm (tập số 4) có khắc hình La Hầu nguyên thể trên trán bia. Đây là hình La Hầu có niên đại cụ thể sớm nhất cho tới nay. Tới thời Nguyễn, đồ án đầu rồng ngậm chữ Thọ đã xuất hiện hầu hết những không gian quan trọng và linh thiêng nhất ở kinh đô Huế.
Hình ảnh đầu rồng ngậm chữ Thọ rất phổ biến trong mỹ thuật người Việt từ cuối thế kỷ XVIII và đặc biệt phát triển ở Thuận Hóa thời Nguyễn. Từ góc nhìn so sánh, bài viết đồng quan điểm với các nhà nghiên cứu tiền bối, khẳng định đồ án hổ phù phổ biến trong nghệ thuật thời Nguyễn chính là quỷ Rahu trong thế giới thần thoại Ấn Độ. Đồ án Ra Hu tạo nên uy lực, khả năng trấn áp, vẻ uy nghi, thay thế cho hình ảnh con rồng thời Nguyễn phần nào đã có phần khô cứng và yếu ớt. Việc lựa chọn hình ảnh đầu rồng ngậm chữ Thọ (biến thể của quỷ Rahu) chứng tỏ sự am hiểu văn hóa, nghệ thuật Việt Nam của các kiến trúc sư Pháp.
_____________
1. Nguyễn Du Chi, Hoa văn VIệt Nam, NXB Mỹ thuật, tr.209.
2. Bhojraj Dwivedi (2002), Hindu-traditions & Beliefs: A Scientific Validity: Question-answers, Diamond Pocket Books (P) Ltd, tr.28.
3. Cao Huy Đỉnh, Tuyển tập tác phẩm, NXB Lao động, 2004, tr.97.
TRẦN HẬU YÊN THẾ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 475, tháng 9-2021