Máy ảnh và nhiếp ảnh du nhập vào Việt Nam giữa sau thế kỷ XIX. Các nhà thám hiểm, các nhà nghiên cứu, nhà nhiếp ảnh người Pháp cũng đã chụp nhiều bức ảnh về con người, kiến trúc và phong cảnh Việt Nam thời kỳ đầu pháp thuộc, trong đó có nhiều bức ảnh, bộ ảnh tư liệu quý hiếm về di tích kiến trúc Champa. Những hình ảnh tư liệu sống động minh chứng cho các giá trị rực rỡ của nền văn minh Champa từng một thời vàng son ở miền Trung Việt Nam.
Di tích kiến trúc Champa qua ảnh tư liệu
Đầu thế kỉ XX, Charles Carpeaux cùng với Henri Parmentier (kiến trúc sư kiêm nhà khảo cổ) - cả hai là nhân viên của Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) - được giao nhiệm vụ nghiên cứu về kiến trúc và nghệ thuật Champa. Henri Parmentier là người chủ trì khai quật hai di tích quan trọng của Champa ở Quảng Nam: đầu tiên ở Đồng Dương, từ tháng 3 - 10/1902, và sau đó ở Mỹ Sơn từ tháng 3/1903 - 2/1904. Charles Carpeaux (nhà nhiếp ảnh kiêm nhà điêu khắc) đã chụp lại toàn bộ tiến trình khai quật di tích Đồng Dương và Mỹ Sơn. Những bức ảnh của Carpeaux chụp đã được tuyển chọn để in thành tập sách ảnh có tên: “Les Ruines d’Angkor de Dong - Duong et My Son” (Những phế tích Angkor, Đồng Dương, và Mỹ Sơn) tại Paris năm 1908. Bộ ảnh này cũng đã được Bảo tàng Guimet tái bản vào năm 2005 trong cuốn “Missions archéologiques françaises au Vietnam - Les monuments du Champa - Photographies et itinéraires 1902-1904”.
Bức ảnh của Charles Lemire chụp khu vườn tập hợp bộ sưu tập của ông chuẩn bị cho Cổ viện Chàm sau này
Jean-Yves Claeys (1896-1979) là một nhà khảo cổ học của viện Viễn Đông Bác cổ đã tham gia khảo cổ di chỉ Trà Kiệu năm 1927 và tháp Mắm năm 1934. Như cách làm việc ở Mỹ Sơn, các nhà khảo cổ này cũng đã chụp ảnh toàn bộ tiến trình khảo cổ, không bỏ sót việc ghi hình từng hiện vật. Camille Paris (1856 - 1908) - người phát hiện di sản Mỹ Sơn vào năm 1889, cùng với Henri Parmentier và Charles Carpeaux, những người tiên phong đặt nền móng cho công cuộc nghiên cứu nghệ thuật Champa. Ông đưa vào ống kính của mình các ngôi tháp và các bức tượng Champa ở Quảng Nam. Năm 1938, Louis Bezacier, kiến trúc sư người Pháp cùng cùng công nhân người Việt tiến hành trùng tu nhóm tháp A Mỹ Sơn gồm 13 ngôi tháp (từ A1-A13). Một bức ảnh ghi lại quang cảnh trùng tu di tích với mặt tiền phía tây của các đền tháp A1, A10, A12 và A13. Tháp Chăm ở xứ Quảng cũng được in trên bưu thiếp, tiêu biểu như bức ảnh tháp Bằng An (Điện An, Điện Bàn, Quảng Nam) vào năm 1930.
Tháp Chăm ở Bình Định cũng được các nhà nghiên cứu, các nhà khảo cổ, nhà nhiếp ảnh đưa vào ống kính khá sớm. Tháp Bánh Ít, người gọi là Tours D’Argent (Tháp Bạc). Nhiều nhà khảo cổ người Pháp đều chụp về ngôi tháp này như Lemire chụp năm 1888, André Sallet chụp năm 1889 và năm 1910, Parmentier chụp năm 1909. Đặc biệt, Charles Lemire còn là người chụp nhiều ngôi tháp khác ở Bình Định như tháp Dương Long, tháp Bình Lâm, tháp Đôi, tháp Cánh Tiên, tháp Phú Thiện, tượng voi đá thành Đồ Bàn. Tháp Đôi ở Qui Nhơn được Charles Lemire chụp vào những năm 1880-1889, được xem là bức ảnh xưa nhất chụp về kiến trúc Chăm. Charles Lemire là người đưa các tác phẩm điêu khắc Chăm về tập trung tại khu vườn, gọi là Công viên Tourane, tiền thân của Cổ viện Chàm (Bảo tàng Điêu khắc Chăm) và cũng là người chụp các bức ảnh điêu khắc Chăm ở khu vườn này.
Tháp Bằng An, Điện Bàn, Quảng Nam
Tháp cổ Hòa Lai ở thôn Ba Tháp, xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận), do André Salles chụp vào năm 1898. Tháp Nhạn nằm trên ngọn núi Nhạn, trong lưu vực con sông Ba, tỉnh Phú Yên và được xây dựng vào thế kỷ IX -X. Ngôi tháp này cũng được lọt vào ống kính của Jacques Dournes. Nhà nhân học nổi tiếng này còn chụp ảnh tháp Pô Klaong Girai, tháp Pô Romer ở tỉnh Ninh Thuận, tháp Pô Nagar ở Nha Trang vào những năm 1904
-1924. Tháp Pô Klaong Girai (thế kỷ 13-14), được chụp những năm 1902-1904, xuất hiện trong bộ bưu thiếp An Nam của P. Dieulefils. Raymond Cauchetier chụp cụm tháp Pô Nagar (tháp Bà) vào năm 1950 với góc độ từ trên cao tuyệt đẹp. Trong những năm thập kỷ 1960s, tháp Bà Nha Trang (Pô Naga) cũng lọt vào ống kính của nhiều nhà nhiếp ảnh như: Rodz & Conez, Jim woodward & Garth Breckort, Kennt...và công bố bộ ảnh đen trắng và màu khá ấn tượng. Trước năm 1975, phi công trực thăng Mỹ có nhiều bức chụp không ảnh khu vực tháp Chăm ở tỉnh Bình Định như tháp Cánh Tiên ở xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, tháp Đôi ở thành phố Quy Nhơn.
Dấu ấn văn hóa Chăm qua ảnh tư liệu
Ngoài ảnh tư liệu về di tích, kiến trúc Champa, các nhà nghiên cứu, các nhà nhiếp ảnh còn đưa vào ống kính những khuôn hình độc đáo, phục dựng lại bức tranh, sắc màu văn hóa của người Chăm. Nhiều ảnh chụp về cảnh sinh hoạt của người Chăm vào đầu thế kỷ XX, được in trong cuốn sách của Philippe Le Failer. Nội dung ảnh khá độc đáo, tiêu biểu như bức ảnh người phụ nữ Chăm ở Phan Rang đội trên đầu những sản phẩm gốm vừa ra lò, ảnh chân dung cụ già, ảnh ba thiếu nữ Chăm xinh đẹp trong bộ trang phục truyền thống, ảnh phụ nữ Chăm đội nước, ảnh một làng Chăm toàn nếp nhà tranh vách đất… Đặc biệt là những bức ảnh chụp hai phụ nữ Chăm trên đường phố Sài Gòn (góc đường Lê Lợi- Pasteur). Ảnh có rất nhiều thông tin tư liệu về dân tộc học. Nhìn vào ảnh ta thấy người phụ nữ đi trước vận váy khan akak, cách dệt ra loại váy này đã bị thất truyền. Hai người phụ nữ này đều vận bộ áo dài truyền thống Chăm may bằn lụa Lãnh Mỹ Á của vùng Tân Châu, loại lụa này cũng bị mất hẳn và không sản xuất nữa. Áo người phụ nữ phía trước mặc được gọi là “Aw Atah” hoặc “Aw Kurung” chứ không gọi là Aw Kamei như vùng Ninh Thuận, Bình Thuận. Các chi tiết trên chiếc áo của hai người phụ nữ này đang mặc cũng có nhiều điểm khác với áo Aw Kamei hiện nay.
Trang phục truyền thống phụ nữ Chăm
Loạt ảnh do bà Gabrielle Maud Vassal (1880-1959), quốc tịch Anh, thực hiện trong thời gian sinh sống tại Việt Nam năm 1904- 1907 cùng chồng là bác sĩ quân y Pháp Joseph Jean Vassal. Ảnh chụp nơi bán đồ gốm của người Chăm tại một khu vực ở chợ Nha Trang, ảnh thiếu nữ Chăm múa trong một lễ hội tại Phan Rang, các thành viên gia đình người Chăm, ảnh hai dân chài Chăm kéo lưới tại Nha Trang… Ảnh tư liệu của Pháp về trang phục và nhạc cụ Chăm, ảnh một gia đình Chăm, chân dung thiếu nữ Chăm, vị chức sắc Bà La Môn giáo Chăm, lớp học của người Chăm Hồi giáo tại Tây Ninh, nhóm nữ sinh người Chăm mặc áo Kamei truyền thống... Tập sách ảnh có tựa Pays Jörai (Xứ Jrai ) của Jacques Dournes, ngoài những bức ảnh nhân học về tộc người Jrai còn có ảnh về dân tộc Champa như kiến trúc đền tháp như đã nêu trên, tượng sa thạch, phù điêu, đặc biệt là ảnh về đời sống của người Chăm như kiến trúc nhà gỗ, nghề dệt thủ công, hai người phụ nữ đội gốm sành người nghiên cứu thư pháp cổ (calligraphi), nghệ nhân chơi đàn kni, người hái cây “bông tai” làm thuốc, trang phục của các vị sư cả, xe cộ bò bánh lớn bằng gỗ... Tác giả còn chụp một số ảnh về đời sống của người Chăm ở Campuchia. Trong ảnh tư liệu xưa chụp về người Chăm ở Bình Thuận, có những bức ảnh quí hiếm gợi lại dấu vết về Hoàng tộc Chăm. Trong cuốn sách của Philippe Le Failer vừa nêu trên, đáng chú ý có bức ảnh hai người Chăm trưng bày nhiều vật dụng, di vật của Hoàng tộc Chăm thuộc Vương triều Pandurang thế kỷ XVII-XVIII. Trong một nguồn ảnh tư liệu khác, lại thấy một người đàn ông ở Phan Thiết mặc bộ trang phục cung đình, trang phục của quan lại thuộc triều vua cuối cùng của người Chăm.
Những hình ảnh xưa cũ về di tích, kiến trúc, văn hóa của người Chăm là di sản tư liệu quý giá. Nó đã được sưu tầm, trưng bày ở bảo tàng, in ấn trong sách lịch sử quốc gia, công trình biên khảo, địa chí địa phương và được chia sẻ trên các trang mạng xã hội, các bộ sưu tập của tư nhân. Cùng với kho tàng thư tịch cổ bằng chữ viết trên các bi ký, những hình ảnh tư liệu là nhân chứng sống động về di sản đồ sộ, sáng giá của người Chăm, nhất là trong lĩnh vực kiến trúc, điêu khắc. Nhiều hình ảnh là nguồn sử liệu quan trọng, là vật chứng để có căn cứ xác thực khi gia cố, trùng tu, bảo tồn di tích. Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, Nhà trưng bày di tích Mỹ Sơn, Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm (Ninh Thuận), Phòng trưng bày chuyên đề Điêu khắc Chăm của Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế… đều kế thừa, sử dụng các bức ảnh tư liệu nói trên để truyền thông, thuyết minh, décor, trang trí nhằm đảm bảo tính khoa học, sự hấp dẫn đối với khách tham quan bảo tàng. Với giá trị của loại hình di sản này, các cơ quan, ngành chức năng cần sưu tầm, mua lại những bức ảnh đang lưu trữ hoặc đã xuất bản, công bố ở Bảo tàng, Thư viện (Pháp), sử dụng, phát huy giá trị nguồn ảnh tư liệu liên quan đến văn hóa Chăm, đặc biệt là trong nghiên cứu, trùng tu, trưng bày và quảng bá du lịch.
_____________
1. Tư liệu của Insa Jaya từ trang Incredible Cham
TRẦN TẤN VINH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 475, tháng 9-2021