Tọa lạc tại phường B’Lao, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, đình Kon Hinh là điểm tựa tâm linh của cư dân Việt từ thuở đi mở đất lập làng trên vùng đất B’Lao.
Đình Kon Hinh xưa và nay là Khu tưởng niệm Đền Hùng
Sinh thời, nhà văn Sơn Nam đã rất có lý khi cho rằng: xây đình chính là tạo lập thế đứng cho làng, cũng là cách để gắn kết cá nhân vào cộng đồng dân tộc, gắn kết cộng đồng dân tộc vào càn khôn vũ trụ. Trong công trình biên khảo Đình, miếu và lễ hội dân gian miền Nam, ông chỉ rõ: “Xây dựng đình làng là nhu cầu tinh thần. Có đình thì mới tạo được thế đứng, gắn bó vào cộng đồng dân tộc và càn khôn vũ trụ. Bằng không thì chỉ là lục bình trôi sông, viên gạch rời rạc, một dạng “lưu dân tập thể”, mặc dầu làng lắm gạo, nhiều tiền”.
Tín lý đó hằn sâu trong tâm thức cư dân Việt. Vì thế, ở Bắc Bộ, mỗi làng Việt thường có từ một đến hai ngôi đình, miếu, bên cạnh hệ thống các ngôi chùa. Cùng với việc xây dựng đình, miếu làm nơi thờ tự, mỗi làng còn thành lập một ban quý tế. Ban quý tế này có chức năng bảo vệ, lưu giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của làng. Theo bước chân những người đi khai hoang mở đất lập làng, trải dọc từ Bắc vào Nam, từ miền xuôi lên miền ngược, từ rừng núi ra hải đảo, ở đâu cư dân Việt cũng lập đình, lập miếu để cúng tế, hội họp. Đình, miếu được tạo dựng bằng tiền bạc, công sức của dân làng, trở thành tài sản chung của cả làng, biểu tượng nhắc nhở cho các thế hệ về lòng nhân nghĩa, đạo lý ở đời.
Cũng vậy, đình Kon Hinh ở B’Lao do những lưu dân miền Trung (phần đa là người dân xứ Huế) đi phu thời thuộc Pháp, khai thông sơn lộ Sài Gòn - Đà Lạt, xây nên để làm nơi thờ phụng những bậc tiền nhân, những vị tiền hiền đã có công khai khẩn vùng đất B’Lao cho hậu nhân sinh cơ lập nghiệp, cũng như cầu mong thiên thời, địa lợi, mưa thuận, gió hòa, cuộc sống an lành, làm ăn phát đạt. Về thời điểm xây dựng ngôi đình này, các bậc cao niên ở đây cho biết: “Năm 1900, tỉnh Haut Donnai (tỉnh Đồng Nai Thượng) chính thức được người Pháp thành lập, thủ phủ đặt tại Djring (Di Linh) và B’Lao là đơn vị hành chính trực thuộc. Trong quá trình người Pháp tuyển phu làm đường, nhiều người Kinh từ miền Trung đã đến đất B’Lao định cư, rồi xây dựng đình Kon Hinh, trong khoảng thời gian năm 1912 đến năm 1915”.
Đình Kon Hinh ban đầu chỉ là một ngôi đình nhỏ, khá đơn sơ, với mái lợp lá, vách dựng bằng tre nứa. Đến năm 1949, người dân chung tay, góp sức, tôn tạo, nâng cấp đình Kon Hinh từ mái lợp lá lên mái lợp tôn, từ vách tre nứa thành vách ván. Năm 1970, ông Trần Thuận Thảo đứng ra chủ trì vận động người dân góp tiền, công sức để trùng tu, nâng cấp, xây tường gạch và lợp mái ngói. Năm 1985, Ban quản lý đình Kon Hinh tổ chức thiết kế lại kiến trúc và tiến hành đại trùng tu, đồng thời đổi tên đình Kon Hinh thành Khu tưởng niệm Đền Hùng.
Từ khi hình thành đình Kon Hinh đến nay, cứ vào dịp đầu năm mới (theo lịch âm), Ban quản lý đình Kon Hinh đều tiến hành tổ chức ngày giỗ Tổ tại đây. Và ngày giỗ Tổ đã trở thành ngày lễ hội của người dân địa phương, thể hiện tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Cũng từ đó, nhiều người dân ở Bảo Lộc biết đến đình Kon Hinh, rồi chung tay, góp sức tôn tạo. Nhờ vậy, đình Kon Hinh ngày một đẹp hơn và số lượng người dân tham gia lễ hội hằng năm ngày càng đông. Đặc biệt, sau khi Quốc hội khóa XI thông qua Luật sửa đổi, bổ sung điều 73 của Bộ Luật Lao động về việc người lao động được nghỉ làm việc trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, chính quyền địa phương đã cho phép Ban quản lý đình Kon Hinh sử dụng làm nơi tổ chức các nghi thức Giỗ Tổ Hùng Vương, kết hợp tổ chức tổ chức thờ cúng các bậc tiền nhân, những vị tiền hiền có công khai khẩn vùng đất B’Lao. Ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm, những lưu dân Việt trên đất B’Lao và một số người dân ở vùng lân cận (Bảo Lâm, Di Linh, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên) lại nô nức tìm về, thắp những nén nhang thơm tưởng nhớ công đức của các vua Hùng, để hòa điệu cùng với con dân trăm họ khắp cả nước vọng bái. Sức mạnh nguồn cội, sự trường tồn của dân tộc cũng từ tín lý biết ơn các vua Hùng, những người đã gây dựng nên nước Việt.
Tác giả: Trịnh Chu
Nguồn: Tạp chí VHNT số 471, tháng 8-2021