Tượng đài xuất hiện ở Việt Nam với nhiều ý nghĩa và có giá trị văn hóa trong từng giai đoạn lịch sử. Trong diễn trình phát triển, tượng đài ở Việt Nam đã được định hình với rất nhiều chủ đề và được biểu đạt với nhiều ngôn ngữ tạo hình khác nhau. Bài viết là một trình bày khái quát về tượng đài, sự xuất hiện và phát triển của tượng đài ở Việt Nam.
Khái niệm tượng đài ở Việt Nam
Trong nền điêu khắc hiện đại Việt Nam, có một dạng công trình điêu khắc được gọi là tượng đài, thuộc dòng điêu khắc ngoài trời, nhằm đánh dấu một sự kiện lịch sử - văn hóa đồng thời có những dấu hiệu nhận biết riêng biệt về dáng vẻ bên ngoài như quy mô, tính chất và sự tương tác đối với không gian đặt tượng. Có thể nói, tượng đài cần phải hội tụ những yếu tố: một công trình điêu khắc kết hợp với kiến trúc; đặt ngoài trời, ở nơi công cộng; kỷ niệm một sự kiện hay ghi nhận người có công hoặc có ảnh hưởng trong diễn trình lịch sử của một quốc gia hay cả nhân loại.
Điều này phù hợp với tên gọi tượng đài bởi khái niệm này được chuyển nghĩa từ tiếng Anh monument, nguyên gốc tiếng Latin là moneo, có nghĩa là nhắc nhở. Yếu tố này có vị trí quan trọng để xác định khái niệm tượng đài với các khái niệm khác như tượng ngoài trời (nói đến không gian đặt tượng, trong đó bao gồm cả tượng đài, tượng vườn, tượng thờ ngoài trời); tượng vườn (nói đến thể loại tượng tròn được đặt trong không gian công cộng như công viên, vườn hoa hay trong vườn nhà riêng, với mục đích trang trí hoặc tưởng niệm); tượng thờ ngoài trời (khái niệm về dạng tượng tròn liên quan đến việc thờ phụng của người dân đối với các nhân vật trong lịch sử như vua, chúa, người có công hay những thần, phật, thánh, vật thiêng… trong tín ngưỡng, tôn giáo). Tượng thờ ngoài trời chỉ trở thành tượng đài khi hội tụ được những yếu tố về tượng đài như đã kể trên và trở thành một biểu tượng văn hóa của cộng đồng.
Những yếu tố về tượng đài vừa phân tích ở trên cũng không khác biệt với khái niệm về tượng đài được quy định trong Quy chế quản lý xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng: “Tượng đài, tranh hoành tráng là công trình văn hóa nghệ thuật biểu hiện nội dung tư tưởng và tinh thần thời đại, mang hình thái xã hội đương thời, được thể hiện bằng chất liệu bền vững, là bộ phận cấu thành của không gian kiến trúc đô thị và cảnh quan thiên nhiên, có quy mô và hình thức nghệ thuật hoành tráng, tác động đến nhận thức của xã hội” (2).
Yếu tố quy mô, kích thước của tượng đài phụ thuộc vào vị trí cảnh quan không gian đặt tượng. Trong những không gian nhỏ hẹp, tượng đài không thể có kích thước quá to lớn.
Sự phát triển của tượng đài Việt Nam
Bối cảnh xã hội
Tượng đài xuất hiện ở Việt Nam cùng với sự du nhập của kiến trúc đô thị. Trước TK XIX, ở Việt Nam cũng đã xuất hiện nhiều đô thị tiêu biểu như Cổ Loa (TK III tr. CN), Luy Lâu (TK I), Óc Eo (TK II), Tống Bình-Đại La-Thăng Long-Hà Nội (TK V đến XIX), Hoa Lư (TK X), Tây Đô (cuối TK XIVđầu TK XV), Hội An (TK XVI-XVIII), Phố Hiến (TK XVII-XVIII), Phú Xuân - Huế (TK XVII-XIX), Sài Gòn (TK XVII-XIX)… Tuy nhiên, ranh giới giữa đô thị và nông thôn trong kiến trúc ở Việt Nam còn khá mờ nhạt bởi khác với các nước phương Tây, đô thị ở Việt Nam có chức năng hành chính - chính trị là chủ yếu chứ không phải chức năng kinh tế. Chính vì vậy, giữa đô thị và nông thôn có mối quan hệ chặt chẽ và đô thị luôn đứng trước nguy cơ bị nông thôn hóa.
Năm 1861, ngay sau khi chiếm được Sài Gòn, người Pháp đã tiến hành đưa yếu tố kiến trúc đô thị phương Tây đương thời vào quy hoạch các tuyến đường, phố. Điều này tạo nên sự thay đổi trong bộ mặt đô thị như xuất hiện các tuyến phố, dinh, tòa biệt thự, công trình công cộng… được xây dựng theo phong cách kiến trúc Pháp. Nhiều tuyến phố được mở rộng với mặt đường nhựa, hai bên đường có vỉa hè và hệ thống thoát nước. Trên vỉa hè có lắp đặt cột điện và trồng cây xanh. Mỗi tuyến phố đều có công trình được xây dựng làm điểm nhấn cho cả tuyến phố. Ở Hà Nội, đầu TK XX, người Pháp tiến hành cải tạo và xây dựng khu vực nội đô theo bốn trục đường chính là đường Paul Bert, Rollandes, Carreau và Gambetta (3). Bốn con đường này được thi công theo phương pháp như ở châu Âu: làm đường nhựa trước rồi mới xây dinh thự, xây nhà. Từ bốn trục chính này tỏa đi rất nhiều phố nhỏ. Những công trình kiến trúc nằm trên các trục chính đều là những dinh thự, nhà ở làm theo phong cách kiến trúc cổ điển (4). Cùng với đó là sự xuất hiện của các công trình công cộng như Nhà hát Lớn là điểm nhấn của tuyến đường Paul Bert, hay ga Hàng Cỏ (nay là ga Hà Nội), điểm cuối của tuyến đường Gambetta… Ngoài ra còn có đài phun nước, tượng ngoài trời.
Cơ sở nghệ thuật của điêu khắc tượng đài ở Việt Nam
Những công trình được gọi là tượng đài, đã xuất hiện ở Việt Nam từ cuối TK XIX, nằm trong một chỉnh thể kiến trúc đô thị, góp phần tạo nên diện mạo mới cho cảnh quan, không gian nơi công cộng. Những tượng đài đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam có thể kể đến tượng đài Nữ thần Tự do (5), năm 1886, Paul Bert (6), năm 1890… Tạo hình của loại tượng đài này mang đậm phong cách cổ điển, thể hiện tinh tế với những chuẩn mực đã được xác lập từ thời phục hưng. Thời kỳ này còn có một số tượng đài khác như Jean Dupuis (đài tử sĩ), Ferdinand Foch (7).
Năm 1896, phía đối diện bên kia hồ Hoàn Kiếm, tượng đài vua Lê Thái tổ được khởi công xây dựng. Nằm trong quần thể đền thờ vua Lê, tượng đài được làm bằng đồng cao 1,2m, đặt trên một cột đá và chia làm ba phần. Phần thứ nhất là chân tượng đài gồm 5 cấp đá tròn. Cấp dưới cùng có đường kính gần 7m, cao 0,2m, rộng 0,35m. Cấp thứ hai và ba được làm tương tự, bán kính thu nhỏ dần. Riêng cấp thứ tư tạo hình theo kiểu lượn sóng. Phần thứ hai được kết theo kiểu nón trụ cao 1,1m với ba lớp đá. Các viên đá được tạo kiểu hình thang ghép so le với nhau, giữa lớp nọ với lớp kia. Sát mép phía trên cũng được tạo nhô ra thành một vành khăn cao 0,3m, bốn phía có bốn mấu lớn hình chữ nhật (chiều dài 0,3m, rộng 0,2m). Phần thứ ba là phần thân trụ được tạo bởi một khối đá tròn liền từ trên xuống dưới. Các rãnh soi lớn đặt song hành chạy dọc xuống cả phần dưới và trên thân trụ. Phần thân còn lại khoảng trên 2m được tạo thân trụ tròn để trơn. Đỉnh trụ được làm loe ra một hình bát giác để đỡ bức tượng đồng. Pho tượng có tư thế đứng, tay trái chống hông, tay phải cầm thanh kiếm, mũi kiếm chúc về phía mặt hồ, nét mặt quắc thước nhưng vẫn đậm chất đôn hậu. Trang phục pho tượng được thể hiện là loại áo long bào có đai thắt ở lưng. Thân áo có nhiều nếp lượn mềm mại, chảy xuôi theo vạt mép… Tượng đài vua Lê được xem là sự kết hợp giữa nghệ thuật phương Tây với điêu khắc phương Đông. Về tổng thể, tượng mang phong cách của nghệ thuật Hy Lạp trong cách thể hiện cột, bệ tượng và diễn tả nhân vật. Dấu ấn của nghệ thuật tạo hình truyền thống được thể hiện cụ thể trong từng chi tiết, từ họa tiết trên trang phục, mũ đến việc thể hiện chân dung đều mang đặc trưng của tượng thờ TK XVIII, XIX… Điều quan trọng, tượng đài vua Lê Thái Tổ không chỉ là sự kết nối không gian đặt tượng đài với cảnh quan thiên nhiên, không gian linh thiêng với không gian bên ngoài một cách hài hòa mà còn là đổi mới trong nhận thức lúc bấy giờ khi tạo tượng nhân vật lịch sử ở nơi công cộng cho mọi người cùng chiêm ngưỡng.
Như vậy, tượng đài Việt Nam được xem là sự kết hợp của lối tạo hình truyền thống, đề cao tính biểu trưng, coi trọng việc diễn tả nội dung tư tưởng, giản lược về mặt hình thức, với nghệ thuật tạo hình phương Tây chú trọng đến yếu tố tái hiện hiện thực một cách chính xác theo những phong cách đã được xác lập trong quá khứ. Điều này càng được khẳng định và có cơ sở cùng với sự xuất hiện của các trường dạy nghề, cao đẳng mỹ thuật ở Việt Nam vào đầu TK XX. Lúc này, bên cạnh nền tảng nghệ thuật tạo hình truyền thống, các sinh viên mỹ thuật được tiếp xúc với nhiều trường phái, phong cách nghệ thuật trên thế giới qua những bài học được các giáo sư mỹ thuật người Pháp truyền thụ. Từ hai nguồn đó, họ đã có bước chuyển quan trọng trong tư duy thẩm mỹ, hình thức biểu đạt, chất liệu thể hiện...
Sau gần 70 năm, kể từ khi tượng đài vua Lê Thái Tổ được dựng, nghệ thuật tượng đài ở Việt Nam mới thực sự phát triển với những công trình mang tính biểu tượng thực sự với đời sống thực của nó. Tượng đài được phác thảo, xây dựng trong không gian thực, không chỉ còn là những mô hình, phác thảo theo tỷ lệ tượng trưng. Ở miền Bắc, có tượng đài Nam Ngạn - Hàm Rồng chiến thắng của nhà điêu khắc Quang Bửu, do nhà điêu khắc Nguyễn Phước Sanh chỉ đạo thi công vào năm 1965, ở gần cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa. Do không gian đặt tượng đài là cửa ngõ tập kết nguồn lực chi viện cho chiến trường miền Nam nên tượng đài càng mang ý nghĩa đặc biệt về sức mạnh đoàn kết của quân dân miền Bắc trước sự tàn phá của đế quốc Mỹ. Tượng đài có bố cục gồm ba nhân vật, một nam hai nữ, được diễn tả theo phong cách hiện thực xã hội chủ nghĩa. Các nhân vật thể hiện rõ nét phẩm chất cách mạng. Nhân vật bộ đội nam với gương mặt quả cảm, mặc quân phục ở tư thế quỳ, ôm súng hướng lên trời. Nhân vật người nông dân nữ tay ôm bó lúa, chân bước đi, đầu ngẩng cao theo hướng súng. Nhân vật kết nối giữa quân và dân là hình tượng cô dân quân trong tư thế đứng thẳng, tay hướng dứt khoát lên trời theo hướng nòng súng. Cả ba dáng người đều chung một hướng biểu thị sự đồng lòng, quyết tâm, kiên cường của quân dân trong việc đấu tranh bảo vệ tuyến lưu thông Bắc-Nam, kịp thời chi viện cho tiền tuyến.
Sự kết hợp giữa nghệ thuật tạo hình phương Tây với lối tạo hình truyền thống còn được thể hiện rõ nét trong tượng đài Chiến thắng Kép của nhà điêu khắc Nguyễn Hải, thực hiện năm 1968. Chiến thắng Kép có lối tạo hình ước lệ, khái quát, đơn giản hóa, thể hiện dáng vóc người nữ dân quân giơ cao súng trên đỉnh cột trụ. Những phù điêu trang trí trên bề mặt cột trụ khắc họa cuộc sống lao động sản xuất hàng ngày của người dân theo lối tạo hình trong chạm khắc đình làng. Ý nghĩa của tượng là mọi người sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ sự bình yên của cuộc sống. Chính ý nghĩa và hình thức biểu đạt của tượng đài này giúp trở nên gần gũi với người dân ở nơi đặt tượng.
Trong giai đoạn này, năm 1966, ở miền Nam có tượng đài Tiếc thương (8) của nhà điêu khắc Nguyễn Thanh Thu. Tượng được đặt ở cổng nghĩa trang quân đội Biên Hòa. Tạo hình của tượng theo phong cách hiện thực, lấy hình mẫu của một người lính cộng hòa ngồi buồn một mình. Tinh thần của tượng kết hợp với không gian đặt tượng cho người xem cảm giác nhớ nhung, tiếc thương, đúng với chủ đề mà tượng muốn diễn tả.
Theo thời gian, tượng đài ở Việt Nam đã được thể hiện với nhiều chủ đề hơn, cách thức thể hiện và chất liệu đa dạng, tạo nên sự phong phú cho loại hình điêu khắc ngoài trời với ý nghĩa và tính chất đặc thù. Tượng đài về chủ đề ca ngợi chiến thắng, sự kiện chính trị cách mạng tiếp tục là những chủ đề được các nhà điêu khắc khai thác, tiêu biểu như Du kích làng Nguyễn ở Thái Bình của Võ Văn Tấn, Chiến thắng sông Lô ở Phú Thọ của Tạ Quang Bạo, Chiến thắng núi Thành ở Quảng Nam của Lê Công Thành, Cảm tử cho tổ quốc quyết sinh ở Hà Nội của Kim Giao, Tượng đài liệt sĩ Côn Đảo của Lưu Danh Thanh…
Một dạng chủ đề được nhiều nhà điêu khắc khai thác là tôn vinh nhân vật lịch sử văn hóa như tượng đài Bác Hồ ở Cần Thơ của Song Văn, Bác Hồ ở đảo Cô Tô của Nguyễn Phước Sanh, Bác Hồ với các cháu thiếu nhi ở Bình Thuận của Lê Thược, Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân ở Tiền Giang của Nguyễn Hải, Quang Trung ở Quy Nhơn của Lưu Danh Thanh, Lê Quý Đôn ở Thái Bình của Hà Trí Dũng… Dạng chủ đề này cũng đã xuất hiện ở Sài Gòn trước năm 1975 như các tượng đài Trần Hưng Đạo (cuối đường Hai Bà Trưng), Phù Đổng Thiên Vương (đặt ở ngã sáu Phù Đổng), Trần Nguyên Hãn (trước chợ Bến Thành), Lê Lợi (bùng binh Cây Gõ), Phan Đình Phùng (trước Bưu điện Chợ Lớn), Quang Trung - Nguyễn Huệ (trước chợ Nguyễn Tri Phương), An Dương Vương (giao giữa đường Nguyễn Tri Phương - Ngô Gia Tự)…
Dạng chủ đề tưởng niệm những người hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc cũng được nhiều nhà điêu khắc quan tâm, sáng tác, trong đó có nhiều tượng đài đẹp, có quy mô với nhiều hình thức biểu hiện khác nhau nhằm ghi nhận những đóng góp âm thầm của các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Có thể kể đến tượng đài Mẹ dũng sĩ ở Đà Nẵng của Phạm Văn Hạng, Mẹ Tổ quốc ở TPHCM của Nguyễn Hải, Mẹ Suốt ở Quảng Bình của Phan Đình Tiến, Mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam của Đinh Gia Thắng…
Dạng tượng đài mang tính biểu tượng văn hóa của địa phương cũng đã xuất hiện và có dấu ấn riêng như Biểu tượng văn hóa của Pleiku-Gia Lai ở Gia Lai của Khúc Quốc Ân, Hồn thiêng đất nước ở TP.HCM của Phan Gia Hương, Đoàn kết ở Sóc Trăng của Hà Trí Dũng, Biểu tượng thành phố Uông Bí ở Quảng Ninh cũng như một số tượng đài được thiết kế ca ngợi người công nhân, nông dân, thợ mỏ.
Mỗi tượng đài đều mang ý nghĩa văn hóa - lịch sử khác nhau và sự xuất hiện của nó trong không gian công cộng được xem như một biểu tượng văn hóa của cả cộng đồng. Chính vì lẽ đó, việc tạo hình, thiết kế và đưa tượng đài vào trong đời sống xã hội cần có sự cân nhắc, lựa chọn một cách cẩn trọng để tượng đài phát huy được đúng thế mạnh của loại hình nghệ thuật giàu tính biểu cảm này.
_______________
1. Theowww.thefreedictionary.com.
2. Ban hành kèm theo Quyết định số 05/2000/QĐ-BVHTT ngày 29-3-2000 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL).
3. Nay lần lượt là các phố Tràng Tiền, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo.
4. Khu vực này được gọi là khu phố Tây, để phân biệt với khu cũ gồm 36 phố phường.
5. Người Hà Nội còn gọi là tượng Bà đầm xòe.
6. Thống sứ An Nam và Bắc Kỳ năm 1886.
7. Những tượng đài của Pháp đã bị tháo dỡ theo sắc lệnh ký ngày 31-7-1945 của thị trưởng Hà Nội Trần Văn Lai.
8. Tượng đài này đã được dỡ bỏ sau năm 1975.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 383, tháng 5-2016
Tác giả : ĐINH GIA LÊ