Diễn Lâm xây dựng Nông thôn mới

Diễn Lâm là xã miền núi của huyện Diễn Châu (Nghệ An), với số dân gần 14.000 người. Từ 28 xóm trước đây, sau khi thực hiện đề án sát nhập xóm của UBND tỉnh Nghệ An, nay xã chỉ còn 11 xóm, trong đó có họ giáo Đồng Ầm với hơn 100 hộ theo Công giáo. Toàn xã có hơn 2.500 ha rừng và đồi núi, 530 ha đất nông nghiệp, trong đó có 400 ha trồng lúa, hơn 100 ha đất màu, 30 ha ao đầm, mặt nước. Hai hồ đập Mả Tổ, Bàu Da có trữ lượng 20 triệu m3 nước. Con đường xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), xã đạt chuẩn văn hóa Nông thôn mới ở xã miền núi Diễn Lâm là ngoài việc thâm canh tăng vụ, gieo trồng mỗi năm 3 vụ để đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời phát triển kinh tế đồi, rừng, thương mại dịch vụ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho nhân dân.

Đội ngũ cán bộ Diễn Lâm được chuẩn hóa về trình độ và được đầu tư trang thiết bị làm việc đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao

 

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới của Thủ tướng Chính phủ, thông tư số 17/2011/TTBVHTTDL ngày 12/12/2011 của Bộ VHTTDL quy định chi tiết về xã đạt chuẩn văn hóa NTM, xã Diễn Lâm thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới và văn hóa NTM, do Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, Trưởng các đoàn thể quần chúng làm thành viên. Để đạt hai danh hiệu này, các xóm đăng ký với xã, xã đăng ký với huyện phấn đấu trong vòng 8 - 9 năm đạt cả hai danh hiệu này. Ngay sau khi đăng ký, Đảng ủy, UBND, MTTQ xã và các ban ngành đoàn thể đã tập trung chỉ đạo, triển khai tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, kêu gọi mọi nhà, mọi người chung tay, đồng lòng, góp sức hoàn thành các mục tiêu kế hoạch đề ra. Tăng cường quảng bá, giới thiệu tiềm năng lợi thế của địa phương, kêu gọi con em Diễn Lâm làm việc ở các cơ quan nhà nước, làm ăn ở ngoài đầu tư trồng rừng, làm kinh tế trang trại, xây dựng các công trình. Chỉ đạo, hướng dẫn các đoàn thể quần chúng đứng ra tín chấp, thế chấp vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội 30 tỷ đồng, giúp hội viên trồng rừng, làm thương mại, dịch vụ, liên kết với các cơ quan chức năng của huyện để giao đất, giao rừng cho dân sử dụng lâu dài, dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng mô hình cho thu nhập cao. Ban quản lý 2 HTX Nông nghiệp Nam Lâm và Bắc Lâm được chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã Việt Nam năm 2012, theo hướng tinh gọn hiệu quả, đảm bảo cung ứng vật tư, phân bón, thóc giống, nước tưới cho bà con nông dân. Xã phát động toàn dân ra quân làm giao thông, thủy lợi, xây dựng kênh mương nội đồng, trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ tài nguyên rừng. Hai hồ đập Mả Tổ, Bàu Da của xã được tu bổ, nạo vét, nâng cao thân đập, trồng cây chống sạt lở đất, đảm bảo có trữ lượng 20 triệu m3 nước tưới cho 530 ha lúa, màu.

Chăm lo phát triển kinh tế đồi, rừng, gắn trồng trọt với chăn nuôi hàng hóa, Diễn Lâm đã biến 3.200 ha đồi núi và đất nông nghiệp khô cằn, bạc màu trước đây trở thành những cánh rừng, đồng lúa, vườn cây ăn quả xanh tốt. Đã có hơn 20 loài chim cò, bò sát về trú ngụ, sinh sôi ở những cánh rừng và hai hồ đập Mả Tổ, Bàu Da. Rừng Diễn Lâm đã trở thành vành đai xanh cân bằng sinh thái, bảo vệ cho 530 ha lúa màu bốn mùa cây trái xum xuê. Mười năm qua tuy thời tiết không thuận lợi, hai năm gần đây lại gặp đại dịch COVID - 19 bùng phát trên phạm vi cả nước. Nhưng với khí thế vừa phòng chống thiên tai, dịch bệnh, vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, cán bộ và nhân dân xã Diễn Lâm đã làm nên những "mùa vàng" ấm no. Tổng sản lượng lương thực mỗi năm đạt 6.000 tấn, đàn gia súc, gia cầm đứng thứ hai huyện, bao gồm 5.000 con trâu bò và dê núi, hơn 26.000 con gia cầm. Nguồn lợi mà rừng đem lại như nhựa thông, gỗ củi, kinh tế trang trại, chăn nuôi gia súc mỗi năm hàng trăm tỷ đồng. Giá trị tăng trưởng kinh tế năm 2021 tăng hơn năm 2020 là 4,5%. Từ một xã trắng về thu ngân sách,10 năm qua mỗi năm thu từ 12 tỷ đồng đến 16 tỷ đồng. Đời sống nhân dân được nâng cao, với mức thu nhập bình quân 45 triệu đồng/người/ năm.Hộ giàu và khá thu nhập từ 80 triệu đến 120 triệu đồng hộ/năm, chiếm 60%. Đất lành chim đậu trong 10 năm xây dựng Nông thôn mới (từ năm 2011 – 2021) đã có 8 doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng nhà máy, các công trình phúc lợi. Nổi bật là tập đoàn Mường Thanh đã đầu tư hơn 2000 tỷ đồng, xây dựng khu du lịch sinh thái Mường Thanh – Diễn Lâm, có vườn nuôi thú quý hiếm, sinh vật cảnh rộng 300 ha, tạo việc làm cho 600 lao động địa phương. Công ty may xuất khẩu Phú Linh đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng nhà máy may, có 700 lao động nữ làm việc, thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Với tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, mỗi năm xã đầu tư 20 tỷ đồng đến 25 tỷ đồng để xây dựng đường, trường, Trạm y tế, trụ sở làm việc của UBND xã, chợ nông thôn, trung tâm thương mại. Trong đó có 25 km đường giao thông được tôn cao, mở rộng, trải nhựa, hoặc bê tông nối từ trung tâm các xóm ra tận quốc lộ 48A. Chợ sở được nâng cấp thành chợ nông thôn loại 2, thu hút 150 hộ vào kinh doanh buôn bán, hàng hóa. Xã ưu tiên mặt bằng dọc trục quốc lộ 48A, khuyến khích những hộ có tiềm lực kinh tế, am hiểu thị trường thành lập doanh nghiệp, công ty TNHH, mở cơ sở sản xuất thủ công nghiệp, làm mộc dân dụng, cung ứng xăng dầu, sản xuất vật liệu xây dựng, mua ô tô vận chuyển hàng hóa.

Trường Mầm non Diễn Lâm được xây dựng khang trang - Ảnh: Thu Hương

Sản xuất phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao, bà con lương giáo Diễn Lâm hăng hái đóng góp tiền của xây dựng quê hương ngày một ấm no đổi mới, hoàn thành nhanh gọn nghĩa vụ đóng góp cho Nhà nước và tập thể. Xã đã lập được các loại quỹ: “Vì người nghèo”, “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Khuyến học, khuyến tài”, “Nạn nhân chất độc da cam”, “ Phòng chống thiên tai”... có số dư hàng năm từ 60 triệu đến 120 triệu đồng quỹ. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn chung tay xây dựng NTM” thu hút 100% số hộ tham gia đóng góp công sức, tiền của xây dựng đường GTNT, tôn cao, mở rộng đường từ làng ra đồng, xây dựng Nhà văn hóa, bãi tập TDTT, khu vui chơi giải trí. Mặc dù “tấc đất tấc vàng” nhưng CCB Tăng Văn Trường đã tự nguyện hiến 1.124m2 đất vườn để mở rộng đường giao thông. Noi gương CCB Tăng Văn Trường, nhiều xóm phát động nhân dân đầu tư 300.000 đồng/ khẩu để làm đường bê tông, mua sắm cơ sở vật chất cho Nhà văn hóa. Đến nay, 100% tổ dân cư tự quản xây dựng được tuyến đường làng xanh, sạch, sáng treo cờ Tổ quốc, trồng hoa hai bên đường. Hệ thống trường học ngày một khang trang, cả 4 trường học của 3 cấp học được xây dựng cao tầng, đạt chuẩn quốc gia về phổ cập tiểu học, THCS, 100% trẻ trong độ tuổi được đến trường, Trạm y tế được đầu tư xây dựng khang trang. Đội ngũ, y bác sĩ cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân, tỷ lệ tiêm chủng đạt 100%. Diễn Lâm duy trì thường xuyên các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, xây dựng Gia đình văn hóa, Làng văn hóa. Qua phát động có 11 ban chỉ huy xóm, 100% số hộ đăng ký thực hiện 3 tiêu chí: Gia đình văn hóa, bằng 100% tổng số hộ và đã có 2.300 hộ đạt chuẩn Gia đình văn hóa, 90 % số hộ có hàng cây xanh, sạch, đẹp. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa trở thành ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân. Các hộ gia đình đều thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tân gia, lễ hội. Các đám cưới, đám tang đều tổ chức gọn nhẹ, phù hợp với phong tục, tập quán, quy ước, thôn, làng, không kể bên lương hay giáo, khi có người qua đời, ban Công tác mặt trận xóm đến cùng với gia đình thành lập Ban lễ tang, đứng ra lo liệu chu tất, đảm bảo thuần phong mỹ tục của địa phương, 11/11 xóm có Nhà văn hóa khang trang, đảm bảo sinh hoạt chung cho bà con. Diễn Lâm còn là xã xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh môi trường văn hóa nông thôn. Hiện Diễn Lâm có 11/11 tổ ở 11 xóm thu gom rác thải tập trung hằng tuần tổ chức thu gom, xử lý đúng quy cách. Ngoài sân vận động của xã rộng 2500 m, 11/11 xóm đều có sân bãi tập TDTT. Dọc trục giao thông quốc lộ 48A chạy qua địa bàn xã dài 3km, xã đã xây dựng cổng chào, pa nô, kẻ vẽ băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về xây dựng đời sống văn hóa, gắn với xây dựng Nông thôn mới. Đài Truyền thanh xã với 10 cụm loa công cộng và hệ thống đường dây dài hơn 25 km tỏa về 11 xóm để bà con nghe được thông tin 4 cấp. Người dân trong xã cũng tích cực tham gia vào các câu lạc bộ (CLB) văn hóa văn nghệ, CLB thơ Đường, CLB báo chí, CLB thời sự góp phần làm phong phú đời sống tinh thần. Nhà văn hóa cộng đồng, văn phòng UBND xã, 4 trường học có thư viện, với hàng nghìn đầu sách, các báo Nhân Dân, Nghệ An, tạp chí, bản tin các sở, đoàn thể ở tỉnh. Đến nay, Diễn Lâm đã có 18 đơn vị đạt danh hiệu Trường học văn hóa, Trạm y tế văn hóa, Làng văn hóa, Dòng họ văn hóa. Đặc biệt, 11 xóm đều có cổng rào về an ninh trật tự, xã thành lập trung đội dân quân cơ động, các xóm thành lập tiểu đội an ninh nhân dân. Hằng năm tổ chức huấn luyện quân sự sẵn sàng chiến đấu hoàn thành nhanh gọn nghĩa vụ tuyển quân, giao quân, thanh niên trúng tuyển hăng hái lên đường nhập ngũ.

Với những thành tích nổi bật đó, năm 2019 và năm 2022, xã Diễn Lâm vinh dự được UBND tỉnh Nghệ An công nhận xã đạt chuẩn quốc gia về xây dựng NTM. Có thể nói, Diễn Lâm đạt được kết quả nêu trên là nhờ sự đoàn kết của tập thể cán bộ, Đảng viên và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Trên cơ sở các Nghị quyết của Đảng, các kế hoạch của UBND xã về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, đặc biệt là Nghị quyết chuyên đề về xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng Nông thôn mới. Ban Chỉ đạo đã đề ra kế hoạch, phân công các thành viên phụ trách từng địa bàn thôn xóm để phối hợp, triển khai và tuyên truyền vận động nhân dân đồng tình ủng hộ và tổ chức thực hiện hiệu quả. Diễn Lâm xứng đáng là miền quê địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống cách mạng.

Chăm sóc mạ ở xã Diễn Lâm (Diễn Châu) - Ảnh: Thu Hương

 

LÊ HOÀI THUNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 528, tháng 3-2023

 

;