Đền Hạ Lam Cầu - cội nguồn và tâm linh

Đền Hạ Lam Cầu (xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng, nằm ở vị trí trung tâm của làng trên một vùng đất rộng lớn, có cảnh quan đẹp, là công trình kiến trúc tín ngưỡng, linh thiêng để thờ Từ vị Thánh nương và hợp tự, phối thờ các vị thần linh như Sát hải Đại vương Hoàng Tá Thốn, Cao Sơn Cao Các, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, Đế Thích, Tân kiều Hầu Trần Nhân Dũng, Diên Quận công Trần Hậu Hoa,... và các vị Hậu thần trong làng đã có công khai cơ, lập ấp xây dựng nền tảng cơ sở vật chất cho làng, nhất là xây dựng quần thể di tích đình, đền, chùa, miếu mạo như Đặng Viết Hiển, Đặng Ngọc Dần, Nguyễn Trung Thực, Nguyễn Phấn Phát... Những nhân vật này, dù là nhân thần hay nhiên thần đều có những ảnh hưởng nhất định trong đời sống xã hội đương thời, được nhân dân tôn thờ và nhà nước quân chủ ghi nhận. Thông qua các nhân vật này, hậu thế không chỉ biết về thân thế và hành trạng của họ mà còn hiểu thêm về đời sống vật chất, tinh thần của làng Lam Cầu xưa, về những sự kiện suốt chiều dài lịch sử từ thời Lý, Trần, Lê...

Bà Trần Thị Mỹ Hạnh – Phó Giám đốc Sở  VHTT Nghệ An trao Bằng công nhận Đền Hạ Lam Cầu là di tích lịch sử cấp tỉnh
 

Đền Hạ nhìn về hướng Đông Bắc, trước mặt đền là cánh đồng Biền rộng lớn làm Minh đường, đem lại sự thoáng mát cho di tích; xa hơn, có động Nghè Ngoài là một trong bảy ngọn núi thuộc dãy Thất Tinh làm tiền án. Đứng tại di tích, du khách có thể phóng tầm mắt quan sát được cả một làng quê trù phú, sơn thủy, hữu tình. Đền Hạ nằm trong quần thể các di tích như: đình Thạch Động, nhà thờ họ Nguyễn Bá, đền Cờn, đền Vưu,… đều là những di tích đã được xếp hạng. Như vậy, có thể nói rằng, đền Hạ nằm ở một vị trí vừa có phong cảnh đẹp vừa có bề dày truyền thống văn hóa, là một địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách thăm viếng, thưởng ngoạn.

Xưa kia, đền Hạ được xây dựng gồm nhà Hạ, Trung, Thượng điện, Tả vu, Hữu vu - phía trước có tam quan, hai bên có ngựa chầu, voi phục rất uy nghi. Hiện nay, khuôn viên của đền có tổng diện tích 3.179m2, bao gồm các hạng mục công trình chính như sau: Nghi môn, sân, Bái đường, Sân lộ thiên, Tả vu, Hữu vu và Hậu cung.

Quỳnh Thạch là vùng đất cổ có lịch sử tồn tại và phát triển hơn 700 năm, gắn với di chỉ khảo cổ học Quỳnh Văn. Xã Quỳnh Thạch hiện lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc trong đó phải kể đến hệ thống di tích lịch sử như đền Thượng thờ Cao Sơn Cao Các, đền Hạ thờ Tứ vị Thánh Nương, đền Đế Thích, miếu Nghè Ngoài, đình Thạch Động, nhà thờ họ Nguyễn Bá... Trong đó, nổi tiếng linh thiêng và có giá trị lịch sử - văn hóa phải kể đến Đền Hạ Lam Cầu.

Tín ngưỡng thờ Tứ vị Thánh nương là một tín ngưỡng tương đối phổ biến trên cả nước, đặc biệt là đối với cư dân vùng ven biển, vùng sông nước. Riêng ở Nghệ An, hiện đã thống kê được trên 30 ngôi đền thờ Tứ vị Thánh nương, trong đó đền Cờn, xã Quỳnh Phương (nay là phường Quỳnh Phương) là nơi phát tích.

 Truyền ngôn ở vùng Quỳnh Thạch cho biết: Lam Cầu xưa là vùng đất thường xuyên bị ngập mặn, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Hơn nữa, nơi đây lại có hệ thống núi non trùng điệp bao quanh, rất nhiều thú dữ thường vào làng phá hoại mùa màng, quấy nhiễu cuộc sống của người dân. Với sự linh thiêng của Tứ vị thánh nương, nhân dân làng Lam Cầu đã đến đền Cờn làm lễ xin rước chân hương của các vị thần về đây thờ tự. Đền rất linh thiêng, mỗi khi dân làng gặp tai ương, ốm đau, bệnh tật vào đền làm lễ xin thần giúp đỡ thường được linh ứng.

Về sự tích Tứ vị thánh nương được nhiều tài liệu khác nhau chép lại. Sách Tục thờ thần và thần tích Nghệ An đã khái quát lại như sau:

Năm 1279, tướng quân Mông Cổ là Trương Hoàng Phạm đem quân đi đánh ở Nhai Sơn. Quân Tống bị quân Nguyên đánh tan, binh sĩ bị dồn xuống biển chết hơn 10 vạn. Vua Tống đem gia quyến cùng hơn 800 quân lính, bề tôi lên thuyền trốn ra biển. Nhưng kẻ địch quyết dùng thuyền lớn đuổi sát, lại gặp lúc sóng to gió lớn, Đế Bính cùng các bề tôi và quân lính chết sạch. Chỉ còn Hoàng hậu và hai công chúa may sao ôm lấy một mảnh ván lênh đênh trên biển rồi trôi dạt vào Cửa Cờn ở Quỳnh Lưu. Một nhà sư trụ trì ở ngôi chùa gần đó đã cứu vớt và nuôi dưỡng.

Sau một thời gian, ba mẹ con đã phục hồi sức khỏe, lấy lại dung nhan vốn có của mình. Trước vẻ đẹp tuyệt trần của Hoàng hậu, sư “động lòng trắc ẩn” nên đã liền gieo mình xuống biển tự tử. Hoàng hậu khóc than rằng: “Chúng ta nhờ sư mà được sống, nay sư vì chúng ta mà phải chết, sao nỡ yên tâm”. Nói xong, Hoàng hậu gieo mình xuống biển. Mất mẹ, hai công chúa khóc than thảm thiết, nghĩ rằng sống bơ vơ trên đất khách quê người, không cha mẹ, không họ hàng thân thích nên cũng nhảy xuống biển chết theo. Xác cả bốn người trôi dạt đến Cờn Hải (Cửa Cờn), xã Phương Cần (nay là xã Quỳnh Phương). Thấy bốn thi thể mặt vẫn tươi lại tỏa hương thơm, nhân dân cho là sự lạ bèn vớt lên, tổ chức chôn cất chu đáo, thấy rất hiển linh nên lập đền thờ phụng. Làng Phương Cần xây dựng đền ở Cửa Cờn (nơi xác của ba mẹ con nhà Nam Tống trôi dạt vào), còn làng Phú Lương thì dựng đền thờ ở dưới chân núi Quy Lĩnh (nơi xác của vị sư trôi vào). Cả hai ngôi đền này nổi tiếng linh thiêng nên những vị minh quân dưới các triều đại quân chủ Trần, Lê khi cầm quân đi chinh phạt giặc Phương Nam đều ghé qua đền làm lễ cầu đảo và có sự linh nghiệm. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Năm Hưng Long thứ 20 (1312), vua Trần Anh Tông thân chinh mang quân đi đánh Chiêm Thành, đến cửa biển Cần Hải, gặp sóng to gió lớn phải dừng lại, đêm ấy nhà vua nằm mộng thấy nữ thần khóc và nói rằng: “Thiếp là cung phi nhà Triệu Tống, bị giặc bức bách, lênh đênh sóng gió, trôi dạt vào đây, Thượng đế phong cho làm thần biển ở đây đã lâu. Nay bệ hạ mang quân đi, thiếp xin giúp đỡ lập công”. Tỉnh dậy, vua cho gọi các bậc cao niên ở địa phương dò hỏi sự tình và tiến hành ban tế một tuần rồi mới đi. Trên đường tiến quân, sóng yên biển lặng, quân tiến thẳng đến thành Chà Bàn, bắt được vua Chiêm Thành. Thắng trận trở về, vua Trần ghé lại thăm đền, ban sắc phong cho thần“Quốc gia Nam Hải Đại Càn Thánh nương”. Các triều đại quân chủ đều có sắc phong cho thần và phong đến bậc cao nhất là “Thượng Đẳng thần”.

Cùng với vị thần được thờ trên, đền Hạ Lam Cầu còn phối thờ các vị phúc thần, thành hoàng làng đã có công bảo quốc, hộ dân, giúp làng trong cuộc sống như: Cao Sơn Cao Các, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang và Đông Chinh vương, Dực Thánh vương, Đế Thích Hải Tạng Long Vương, Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn, Tân Kiều hầu Trần Nhân Dũng, Diên Quận công Trần Hậu Hoa, Hậu thần Đặng Viết Hiển, Hậu thần Đặng Ngọc Diễn… cùng nhiều vị thần khác với đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.

Đền Hạ Lam Cầu còn là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; nơi rải truyền đơn chống Pháp, nơi tập kích đánh thực dân Pháp ở cầu Hàng trên quốc lộ 1A đoạn qua địa phận huyện Quỳnh Lưu; địa điểm diễn ra các cuộc họp của chi bộ Hoa Sơn, nơi đóng quân của đơn vị pháo Nguyễn Viết Xuân; nơi khoa Văn, trường Đại học Sư phạm Vinh dựng lán dạy học khi về đây sơ tán .

Hằng năm, tại di tích, diễn ra nhiều kỳ lễ trọng, trong đó lễ lớn nhất được tổ chức vào ngày 15 tháng 3 âm lịch (lễ Kỳ phúc). Nhân dân trong vùng và du khách thập phương hội tụ về đây thắp nén tâm hương tưởng nhớ, tri ân, cầu nguyện cho quốc thái, dân an, ấm no, hạnh phúc. Hiện nay, đền còn lưu giữ một số tài liệu quý như cuốn văn cúng, sách chữ Hán ghi 11 vị Thần, 13 vị Hậu thần và một số đồ tế khí có giá trị.

Với những giá trị về lịch sử - văn hóa, về nhân vật thờ, công trình kiến trúc cổ kính, linh thiêng... Đền Hạ Lam Cầu, xã Quỳnh Thạch đã được UBND tỉnh cấp Bằng xếp hạng di tích lịch sử theo Quyết định số 3804/QĐ-UBND ngày 27/8/2018. Đây là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ và nhân dân xã Quỳnh Thạch nói riêng, của huyện Quỳnh Lưu nói chung và nhắc nhở mọi người có ý thức trong việc bảo tồn, phát huy những di sản văn hóa của dân tộc, tri ân tưởng nhớ các vị thần đã có công bảo quốc, hộ dân để tiếp tục đầu tư, tôn tạo và phát huy tốt giá trị di tích.

 

Tác giả: Thanh Khương

Nguồn: Tạp chí VHNT số 462, tháng 5-2021

;