Những thời ký để lại dấu ấn sâu sắc trong sáng tác của Trịnh Công Sơn

Có ba thời kỳ tạo dấu ấn sâu sắc trong sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939 -2001). Đó là thời đi học, thời đi dạy và sau ngày đất nước thống nhất.

 

Thời đi học

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh ngày 28/02/1939 tại làng Lạc Giao, nay thuộc thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, nguyên quán của ông ở làng Minh Hương, nay thuộc phường Hương Vinh, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Vào năm 1943, khi mới vừa tròn 4 tuổi, ông đã cùng gia đình trở về Huế sinh sống.

Trịnh Công Sơn học trường tiểu học Nam Giao trên đường Van Vollenhoven, nay là trường tiểu học Trường An trên đường Phan Bội Châu. Sau, ông học ở trường Lycée Français, nay là trường tiểu học Lê Lợi, gần Bưu điện Thừa Thiên - Huế hiện. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cho hay: “Thời kỳ ở Bến Ngự, Trịnh Công Sơn thường ham mê thú vui đi bắt ve với một vài người bạn thân”. Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng thì nhận xét: “Những năm tháng tuổi thơ ở Huế là những năm tháng đẹp nhất trong cuộc đời của Trịnh”.

Sau khi tốt nghiệp tiểu học, Trịnh Công Sơn tiếp tục theo học bậc trung học đệ nhất cấp, tương đương trung học cơ sở bây giờ, tại trường Pellerin kề ga xe lửa Huế (nay là khuôn viên Học viện Âm nhạc Huế).

Năm 1957, Trịnh Công Sơn học trung học đệ nhị cấp, tương đương trung học phổ thông, ở trường Providence (nay là khuôn viên Đại học Khoa học - Đại học Huế). Năm 1958, gia đình gửi ông vào Sài Gòn để học lớp đệ nhất (tương đương lớp 12 bây giờ) ban Triết tại trường Jean Jacques Rousseau (trường Lê Quý Đôn hiện nay).

Năm 1961, Trịnh Công Sơn theo học chuyên ngành Tâm lý giáo dục trẻ em, trường Sư phạm Quy Nhơn tỉnh Bình Định (1962-1964). Thời gian học tại trường Sư phạm Quy Nhơn, “bộ ba” Trương Văn Thanh chơi violon, Thanh Hải chơi ghi-ta điện, Trịnh Công Sơn chơi ghi-ta thùng đã lập nên ban nhạc không chuyên Thanh Sơn Hải. Đây là cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc của Trịnh Công Sơn.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (ngoài cùng bên phải) khi mới tốt nghiệp Trường Sư phạm Quy Nhơn vào năm 1964.  

Thời đi dạy

Sau khi mãn khóa, Trịnh Công Sơn lên B’Lao (nay là thành phố Bảo Lộc – tỉnh Lâm Đồng) dạy tại Trường sơ học Bảo An trong 3 năm (1964-1967). Trong bài viết “Trịnh Công Sơn với cao nguyên bụi đỏ sương mù”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, một người bạn của Trịnh Công Sơn đã mô tả về ngôi trường này như sau: “Trường Bảo An có ba lớp 1, 2, 3, sĩ số mỗi lớp chừng vài mươi em, đa số học sinh là người dân tộc ít người, chỉ có dăm ba em là người Kinh. Cơ sở của trường có hai phòng đứng chơ vơ trên một bãi đất trơ trụi, mái lợp tranh, vách nứa”.

Thầy giáo Trịnh Công Sơn được đào tạo chính quy nên làm trưởng giáo. Những học sinh của thầy giáo Trịnh Công Sơn vì đa số là người dân tộc thiểu số nên phải thường nghỉ học để phụ ba mẹ làm nương rẫy. Thông cảm với sự nghèo khó của các em học sinh, dù phải cuốc bộ trên đường dốc mỗi ngày từ phòng trọ đến trường nhưng thầy giáo Trịnh Công Sơn vẫn dành thời gian dạy âm nhạc cho các em. Trong bài viết “Trịnh Công Sơn với cao nguyên bụi đỏ sương mù”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho hay: “Từ hồi còn học Sư phạm, Trịnh Công Sơn đã sáng tác nhiều bài hát cho thiếu nhi. Lúc lên dạy học ở B’Lao, anh lại sáng tác thêm nhiều bài nữa”.

Sau này, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn dạy nhạc tại trường Đại học Tổng hợp - Đại học Huế (nay là trường Đại học Khoa học - Đại học Huế) trong 2 năm (1973-1974). Trong thời gian này, tín chỉ “nhạc Trịnh Công Sơn” được sinh viên theo học rất đông.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chụp ảnh lưu niệm với các học viên khóa 2 Trường viết văn Nguyễn Du (Khoa Viết văn, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) vào năm 1985

Sau ngày đất nước thống nhất

Ngoài là một nhà giáo, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn là một trí thức đấu tranh tích cực cho phong trào hòa bình tại miền Nam. Năm 1968, ông đã gặp những người lính bộ đội Cụ Hồ trong 26 ngày đêm cách mạng giải phóng Huế. Theo Lê Phong Lan, đạo diễn 12 tập phim tài liệu “Mậu Thân 1968” phát trên VTV1 năm 2013, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho biết quân đội cách mạng vô cùng nghiêm túc, kỷ luật và đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong ông. Bởi thế, vào năm 1970, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã tham gia phong trào Tự quyết với Ngô Kha, Trần Viết Ngạc, Lê Khắc Cầm, Chu Sơn và Thái Ngọc San. Ông Lê Khắc Cầm, một trí thức là cơ sở của Thành ủy Huế, nhớ lại: “Anh Sơn biết tôi là cơ sở của Thành ủy... Chúng tôi, trong đó có Trịnh Công Sơn, đọc rất nhiều sách báo từ chiến khu gửi vào và đặc biệt đêm nào cũng ôm cái radio nghe đài Hà Nội với sự ngưỡng mộ cách mạng”.

Ngày 30/4/1975, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã hát “Nối vòng tay lớn” tại Đài Phát thanh Sài Gòn vừa được cách mạng tiếp quản. Ông xúc động nói: “Tôi, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, rất vui mừng và cảm động gặp và nói chuyện với tất cả các anh em nghệ sĩ ở miền Nam Việt Nam này. Hôm nay là cái ngày mơ ước của tất cả chúng ta đó là ngày mà chúng ta giải phóng hoàn toàn đất nước Việt Nam”.

Vào năm 1981, cùng với các nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Phạm Trọng Cầu, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã đi thực tế đời sống mới ở nông trường Nhị Xuân (huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh), nơi có những Thanh niên xung phong đang ngày đêm đang đóng góp sức trẻ của mình để xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Sau đó, ông đã sáng tác nên ca khúc Em ở nông trường em ra biên giới để ca ngợi những con người xã hội chủ nghĩa: “Từng vai áo phai sẽ xanh thêm đời/ Bàn tay làm nên những mùa vui/ Từ trên đất này, những con người mới mọc lên/ Tựa như nắng giữa chân trời”. Đặc biệt, những nữ Thanh niên xung phong khiến ông vô cùng khâm phục. Đó là những cô gái “có đôi chân đi không ngại ngần”, “quen mưa nắng”, “tóc trên vai vấn vương bụi hồng” và có “trái tim nồng nàn” khiến ông nhớ mãi.

Đầu năm 1984, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thăm Bảo tàng Quảng Bình. Ông rất xúc động khi thấy tấm ảnh mẹ Suốt (1908-1968). Mẹ là người đã kiên cường chèo chiếc đò ngang dưới mưa bom bão đạn, đưa bộ đội qua sông trong những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Sau đó ông đã sáng tác nên ca khúc Huyền thoại Mẹ với những ca từ đầy xúc động: “Đêm chong đèn ngồi nhớ lại/ Từng câu chuyện ngày xưa/ Mẹ về đứng dưới mưa/ Che đàn con nằm ngủ/ Canh từng bước chân thù/ Mẹ ngồi dưới cơn mưa/ Mẹ lội qua con suối/ Dưới mưa bom không ngại/ Mẹ nhẹ nhàng đưa lối/ Tiễn con qua núi đồi”. Ca khúc Huyền thoại Mẹ của ông đã khiến cho người nghe thấy được tượng đài về Mẹ Tổ quốc trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (bên phải) với nhạc sĩ Văn Cao, tác giả ca khúc “Tiến quân ca” (Quốc ca)

Ngoài ra, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã sáng tác nên ca khúc Khăn quàng thắp sáng bình minh với một tình cảm đặc biệt đối với đội viên Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, những chủ nhân tương lai của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: “Kìa các em xinh xinh, chân bước vội đến trường/ Từng chiếc khăn em quàng thắm đỏ bình minh/ Từng cánh tay măng non, đang xây ngày mai hồng/ Đoàn thiếu nhi em là hy vọng Việt Nam”.

Trong lần tới thăm Công viên Chiến thắng trên đồi Poklonnaya (đồi Cánh cung) ở thủ đô Mát-xcơ-va của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết vào tháng 5/1985, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã sáng tác nên bài hát Ngọn lửa vĩnh cửu ở Mát-xcơ-va. Thời điểm này là gần hai tuần sau Lễ kỷ niệm lần thứ 40 chiến thắng của cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại chống phát xít Đức của nhân dân Liên Xô (9/5). Bài hát là những ca từ trầm bổng và hùng tráng: “Từ Mát-xcơ-va có ngọn lửa ngày đêm cháy/ Từ Mát-xcơ-va ngọn lửa ấy đời đời/ Lửa cháy trên nấm mộ thương nhớ/ Lửa thắp trên khăn quàng em bé/ Từ Mát-xcơ-va có ngọn lửa ngày đêm cháy/ Lửa ấy trong tim hòa bình giữa lòng người”.

Có thể nói, sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có những sáng tác đi cùng năm tháng về những con người xã hội chủ nghĩa. Đúng như trong ca khúc Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, ông đã thể hiện sự yêu đời, yêu người của mình với cuộc sống mới: “Và như thế tôi sống vui từng ngày/ Và như thế tôi đến trong cuộc đời/ Đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi”.
 

Tác giả: Nguyễn Văn Toàn

Nguồn: Tạp chí VHNT số 462, tháng 5-2021

 

;