Đề tài, cốt truyện và môtip phổ biến trong truyện cổ tích thần kỳ của người Chăm

1. Vài nét về truyện cổ tích của người Chăm

Truyện cổ tích của người Chăm là một trong những thể loại văn học dân gian phong phú về số lượng tác phẩm, đa dạng về nội dung phản ánh và hấp dẫn về nghệ thuật kể chuyện. Truyện chủ yếu “biểu hiện cách nhìn hiện thực của nhân dân Chăm đối với thực tại, nói lên quan điểm đạo đức, niềm tin và mơ ước của mình” (1). Trong truyện, tác giả dân gian Chăm sử dụng nhiều yếu tố “tưởng tượng thần kỳ hay có những nhân vật thần thoại xuất hiện, đó chỉ là những nét rất thứ yếu, những khuôn mặt rất mờ nhạt như một chất liệu cần thiết phải vay mượn để nói về người thực, việc thực trong xã hội họ đang sống” (2).

Nội dung phản ánh trong truyện cổ tích của người Chăm phong phú “từ sự vật trong thiên nhiên đến con người trong xã hội, từ phong tục tập quán với những lễ nghi phiền toái đến sinh hoạt cộng đồng với những tính tốt, tật xấu của con người, từ nhân vật lịch sử đến những hiện tượng văn hóa, tất cả đều được phản ánh trong kho tàng truyện cổ tích Chăm” (3).

Qua những câu chuyện cổ tích, người Chăm có những giải thích về hiện tượng thiên nhiên rất thú vị. Chẳng hạn, giải thích hiện tượng lốm đốm cầu kỳ của da con dông, màu đen thui của con quạ (Quạ và dông), vì sao trái bầu có eo ở giữa và lá chuối có rãnh; tại sao người Chăm   Bàlamôn kiêng thịt bò (Sự tích bò thần Kapin), người Chăm Bani không được uống rượu, thánh đường Hồi giáo không có cột ở chính giữa, không được giết vịt để cúng (Sự tích con gà gáy sáng)

Truyện cổ tích của người Chăm dành nhiều tình cảm, sự tôn kính đối với những vị thần như Thần Núi (Atơw Cơk), Thần Biển (Atơw         Tathik), Thần Tháp (Yang Kalan), đấng thánh Allah, cây thiêng (cây Jaraih) và những người tài giỏi, thông minh, có nhiều công trạng hay thể hiện sự tài trí, láu lĩnh, nói dối hài hước (Trạng con)

Truyện đồng thời phản ánh khá nhiều nghề truyền thống cũng như tài hoa của người Chăm như dệt thổ cẩm, làm các loại bánh cúng trong các nghi lễ, làm đồ gốm (Nàng Cadiéng); phản ánh nhiều mối quan hệ như anh em, chị em. Truyện thường kết thúc có hậu dành cho những người thua thiệt, chịu nhiều thử thách, một môtip quen thuộc trong truyện cổ tích của người Chăm. Điều thú vị khác là truyện cổ tích của người Chăm thể hiện mối quan hệ vua - tôi khá đậm nét. Hình ảnh nhà vua thường là những người rất bình dân, trọng người hiền tài, cuối đời nhường tài sản, ngôi vị lại cho con rể - nàng út. Đây có thể là mơ ước của người dân Chăm xưa về hình ảnh vị vua của họ (Chàng Sọ Dừa...).

Truyện cổ tích của người Chăm bao gồm các loại cổ tích loài vật, cổ tích thần kỳ và cổ tích thế sự, mang đặc tính “nói về sự sinh hoạt của loài vật, mối quan hệ giữa các loài, xem loài vật là đối tượng thẩm mỹ trực tiếp, đối tượng chủ yếu của sự nhận thức và lý giải” (4). Các truyện tiêu biểu như truyện: Quạ và dông (Ak saong Ajaj), Trâu và ngựa (Kabaw saong Asaih), Thỏ và ốc (Tapay saong Abao), Bò và sói (Limaow saong Asau thing)…

Ở truyện cổ tích thần kỳ, “nhân vật chính vẫn là con người trong thực tại, nhưng các lực lượng thần kỳ, siêu nhiên có một vai trò rất quan trọng” (5). Thể loại truyện này có đặc điểm: người đội lốt vật và nhân vật xấu xí: Chàng Sọ Dừa, mối quan hệ chị em, anh em: Chàng Dalim Bal Lak, người mồ côi tội nghiệp: Chàng Mồ Côi, người nghèo trở nên giàu có: Chàng nghèo, người nghèo yêu công chúa: Chàng lười, mối quan hệ vua - tôi: Vua Tbai và Nàng Ngà, giải thích về một số sự tích: Chàng chăn trâu

Truyện cổ tích sinh hoạt (hay cổ tích thế sự) “không có hoặc có rất ít yếu tố thần kỳ… Những yếu tố thần kỳ nếu có cũng không giữ vai trò quan trọng và nhiều khi chỉ là đường viền câu chuyện thêm vẻ ly kỳ, hấp dẫn mà thôi” (6). Thể loại truyện này của người Chăm “phong phú, đa dạng, chủ yếu là chế giễu vua quan, lên án những thói hư tật xấu trong xã hội và gia đình, có tác dụng giáo dục thâm thúy” (7) được thể hiện trong các truyện như Chàng Kadek đi làm rể, Tìm Trạng nhỏ

Truyện cổ tích của người Chăm cơ bản được khái quát và phân loại trên cơ sở những đặc trưng, đặc điểm, nội dung và cách biểu hiện. Tất nhiên, về mặt thể loại, ranh giới giữa chúng không phải lúc nào cũng rõ. Trong số ba tiểu thể loại của truyện cổ tích của người Chăm thì thể loại truyện cổ tích thần kỳ vẫn tiêu biểu nhất.

2. Đề tài, cốt truyện và môtip phổ biến trong truyện cổ tích thần kỳ của người Chăm

 Đề tài, cốt truyện người đội lốt vật, nhân vật xấu xí mà có tài

Môtip thụ thai và sinh đẻ kỳ lạ

Đây là môtip có trong truyền thuyết, được phát triển ở cổ tích. Nhân vật chính thường được đầu thai vào những gia đình hiếm muộn và việc thụ thai diễn ra thần kỳ, chẳng hạn trong Cái ná chín rãnh, bà mẹ giẫm phải quả bí dưới chân… rồi đẻ ra một quả bí đỏ”. Những nhân vật thụ thai thần kỳ được mẹ mang thai đủ ngày tháng hoặc dài hơn, có khi đến ba năm mới ra đời. Môtip thụ thai thần kỳ có nguồn gốc thần thoại, liên quan đến đời sống, cách tiếp nhận hiện thực, cách tư duy, những quan niệm, tục lệ và tín ngưỡng của người nguyên thủy, được thần thánh hóa. Nhân vật có nguồn gốc xuất thân thần kỳ này như báo trước khả năng khác thường và thần hóa nhân vật. Nhân vật có cống hiến, đóng góp lớn, được sống hạnh phúc hoặc được làm vua. Kiểu nhân nhân vật này được xây dựng có nguồn gốc xuất thân từ thần nên gắn với phong phú các nghi lễ văn hóa của người Chăm.

Môtip người mang lốt

Cái lốt được thể hiện ở hai dạng: lốt có hình thức xấu xí, dị dạng, khác thường: nhỏ bằng ngón tay (Nàng Candiéng); lốt các con vật: ếch (Chàng Ếch và con út vua), rắn (Chàng Rắn), trăn (Nàng út lấy chồng trăn), bê (Sự tích bò thần Kapin)... Tuy nhiên, bên trong những hình đạng xấu xí ấy lại ẩn chứa tài năng khác thường. Chàng Sọ Dừa chăn cả một đàn trâu “ba mươi người chăn không xuể”; chàng Bí “ăn khỏe, lớn nhanh, chàng làm một cái ná chín rãnh bắn một phát được chín mũi tên...”. Nhiều nhân vật chính là nữ tuy nhỏ bé, dị dạng nhưng tài giỏi, nữ tính, biết trau chuốt, làm đẹp…, chẳng hạn: nàng Candiéng bé tí hon có tài làm rẫy, may vá, thêu thùa, nuôi con khéo, làm bánh ngon; nàng Bàn Tay “có giọng hát hay”, thu hút cả con trai nhà vua... Bên cạnh đó, nhờ vào tài năng cùng sự giúp đỡ của thần linh, sau khi trải qua vô vàn những thử thách khó khăn, cuối cùng, họ đã chiến thắng những thế lực đen tối cố tình hắt hủi, khinh rẻ, không chịu công nhận quyền làm người của họ. Họ lấy vợ, lấy chồng, sống sung sướng, hạnh phúc, được truyền ngôi làm vua, làm hoàng hậu.

Những cái lốt này thể hiện hình dạng xấu xí ban đầu của nhân vật, làm nên đặc điểm nổi bật của nhân vật. Cái lốt là hình thức tạm thời để nhân vật ẩn mình. Có thể là sự ẩn mình chủ động khi nhân vật được kể là hậu thân của các thần hoặc là người của thế giới thần thánh, muốn đầu thai vào các gia đình hiếm muộn, có khi là sự ẩn mình bắt buộc. Ở khía cạnh khác, cái lốt thể hiện cách nhìn nhận, đánh giá của giai cấp đối kháng. Bởi vậy, cái lốt mang ý nghĩa thử thách để khẳng định tư cách con người trong hình thức những con vật xấu xí, mang ý nghĩa đấu tranh cho sự tồn tại của một loại người. Trong tình yêu hôn nhân, cái lốt như một sự thách thức khi con người đó muốn được sống với đồng loại và muốn bảo vệ tình yêu chính đáng của mình…

Môtip thử thách

Là môtip tạo những tình huống ly kỳ, kịch tính, gắn với một hoặc vài biến cố liên quan trực tiếp tới nhân vật chính, có khi là thử thách cuối cùng để nhân vật chính cởi bỏ lốt của mình. Đây là một trong những tình tiết chính, góp phần phát triển cốt truyện. Mặt khác cũng là những điểm mấu chốt, là cơ hội để nhân vật bộc lộ tài năng, phẩm chất và tính cách tốt đẹp của mình, vốn đang phải ẩn giấu trong cái lốt nào đó. Nàng Út trong ống tre, nàng Candiéng phải thi tài nấu nướng, may vá và đọ sắc đẹp; chàng Lựu phải chống chọi với ý định thả bè trôi sông, chôn sống cháu của người cậu; chàng Rắn phải đối phó với những âm mưu của hai cô công chúa (chị của vợ mình), chàng phải ăn cơm có hạt bông, có mảnh sành, kim gãy, bước qua một cái bẫy; chàng Sọ Dừa phải thực hiện những công việc rất khó như chăn cả đàn trâu lên tới “ba trăm vạn con”, khi vua nhờ chặt rào thì kết quả nhận được là phải “tìm xe trâu khắp trong xứ mới đủ một trăm chiếc để chở rào về”… Loại thử thách ở môtip này là loại thử thách mà nhân vật chính, muốn vượt qua, phải có tài ứng biến nhanh nhẹn, tự tin vào khả năng của mình, tin tưởng có thần linh giúp đỡ; nhân vật nữ, ngoài những tài năng và sự phù trợ trên, còn phải đảm đang, tháo vát, xinh đẹp, giỏi một số nghề truyền thống.

Môtip xung đột anh em cùng huyết thống

Loại mâu thuẫn này có nguồn gốc từ những quy định về quyền của con cái dưới chế độ mẫu hệ Chăm. Nhân vật bị ghen ghét, hãm hại là con út bởi theo phong tục Chăm, con gái lấy chồng tuy tách riêng ra khỏi căn nhà của bố mẹ nhưng vẫn nằm trong khuôn viên của gia đình, chỉ có người con gái út là ở lại trong nhà của bố mẹ và hưởng phần lớn gia tài ấy. Người con gái út sẽ toàn quyền quản lý tài sản và phụng sự tổ tiên. Có lẽ cũng chính vì vậy, các anh chị đi trước thường nảy sinh tâm lý ghen ghét với người em út, dẫn đến xung đột giữa anh chị em cùng huyết thống với nhau, như trong truyện: Chàng Sọ Dừa, Chàng Rắn, Chàng Ếch và con út vua

 Đề tài, cốt truyện người nghèo hoặc xấu xí gặp may mắn

Là loại đề tài khá phổ biến trong truyện cổ dân gian của người Chăm, nhân vật chính là người nghèo khổ, chịu nhiều thiệt thòi, bị áp bức trong xã hội. Những truyện cùng đề tài này đều nói về người nghèo khổ có phẩm chất tốt đẹp, nhân từ, biết hy sinh bản thân, quyền lợi của mình vì người khác hoặc biết khổ luyện và cuối cùng, có cuộc sống hạnh phúc ấm êm. Qua các nhân vật nghèo hoặc xấu xí, ta thấy được quan niệm thẩm mỹ, nhân sinh của người Chăm, luôn coi trọng những giá trị tinh thần tốt đẹp, những phẩm chất cao quý như: lòng trung thực, lòng nhân ái với đồng loại, lượng sức mình, không ham danh lợi, ngay thẳng, diệt trừ kẻ gian, diệt trừ chằn tinh, đánh giặc cứu nước, quan niệm triết lý đực - cái đầy tính tạo hình mà tinh tế…Tư tưởng và quan niệm nhân sinh ấy góp phần tạo nên tinh thần chủ đạo trong các câu chuyện.

Văn hóa của người Chăm ảnh hưởng bởi nhiều tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau: Chăm gốc, Chăm Ấn giáo (Bàlamôn), Chăm Hồi giáo. Vì vậy, trong đời sống văn hóa cũng như văn học, tinh thần Phật giáo, Bàlamôn giáo, Hồi giáo rất đậm nét. Các tác giả dân gian đã thể hiện niềm tin của họ vào đấng Allah quyền năng vô biên. Trong phần lớn truyện cổ tích của người Chăm, có đấng Allah xuất hiện và mỗi lần xuất hiện, đều giúp đỡ những số phận đau khổ, thua thiệt. Ví dụ nàng Candiéng, sau khi cầu đấng Allah, đấng ban cho nàng cây đàn caping và căn dặn nàng: “không dùng để gảy chơi… đợi khi giặc đưa nhau đến hoàng cung hãy gảy”; nhân vật nàng Út sau khi gặp hoạn nạn, được chàng Mồ Côi giúp, nàng nói “biết đâu đấng Allah sai khiến anh đến cứu tôi…”. Nhân vật chính đều đứng về lẽ phải, mang đức tính hiền lành, nhân ái, trung thực, chung thủy…

Ở loại đề tài, cốt truyện này, tác giả dân gian Chăm sử dụng chủ yếu môtip thử thách. Nhân vật chính trong các truyện, khi xuất hiện, phải chịu thiệt thòi nào đó của số phận: hoặc rất nghèo, hoặc mồ côi không nơi nương tựa, hoặc có dị tật rất xấu xí. Để đạt được kết quả, nhân vật chính thường phải trải qua những thử thách. Vì vậy, môtip này có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển cốt truyện, có ý nghĩa quyết định sự sống còn, quyết định số phận của nhân vật chính. Chẳng hạn thử thách của chàng Khổ là phải hy sinh bản thân, phải lặn lội bao vất vả, khó nhọc đi tìm Thượng đế; chàng Rít phải trả lời đúng ba câu hỏi khó của một tên vua độc ác; chàng Đói bắt được một con hươu béo sắp chết trong khi mình đang đói, chàng phải quyết định nên ăn thịt hay không…

Đề tài, cốt truyện người khỏe

Nhân vật chính trong các truyện cổ tích này là những chàng trai có khả năng kỳ lạ về thể lực: truyện Bảy chàng trai khỏe, nhân vật em bé (sau này có tên là Vác Đá) mới đầy một tuổi “đã cao lớn, khỏe mạnh chẳng ai bằng, và mỗi bữa ăn mấy thúng cơm mới no”, em có thể vác “một tảng đá to” đến nỗi “đè lún em xuống đất”, vác cây gỗ to đến “hai người ôm không xuể”. Chính vì em ăn khỏe, cao lớn, mạnh khỏe chẳng bằng ai nên cha mẹ nghĩ em là “yêu quái”. Cũng trong truyện này, còn có các nhân vật rất khỏe khác như: chàng Bẻ Gỗ có thể dùng tay không “bẻ gỗ cho đều nhau để làm cừ” (làm cọc đắp đập); chàng Đóng Cọc dùng tay đóng “những cây gỗ lún xuống đất đến vài gang”; anh Tay Xẻng một mình “vỡ không biết bao nhiêu ruộng”; anh Hút Nước có thể “há mồm hút nước phun lên những đám ruộng lúa đang khô nẻ.” anh Nhổ Cây dễ dàng bật hai gốc cây to cùng một lúc rồi hai vai “vác cả cây lẫn cành”; anh Chạy Giỏi có thể “đuổi theo phóng lao chết hết” cả một đàn nai hơn mười con. Tuy có khả năng đặc biệt như vậy nhưng các chàng trai đều ở trong tình trạng cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, bị bọn chủ làng, chủ rừng hà hiếp, bóc lột. Bảy chàng trai khỏe đã hợp sức với nhau đi tìm lẽ công bằng. Trên đường đi, các chàng giết được con yêu tinh đang tàn phá một vùng, mang lại sự đông đúc, yên vui cho làng xóm và được “hai mươi mốt cô gái xinh lấy bảy chàng trai khỏe mạnh làm chồng. Họ sống hạnh phúc”.

Nhân vật người khỏe, bên cạnh có sức khỏe, tài năng đặc biệt, họ còn có những biểu hiện lạ, chẳng hạn truyện Năm chàng thất nghiệp có chàng “thở mạnh hơn cả gió bão”, “người có sức khỏe vô địch”, “người có tài nhổ nước miếng thay mưa”, “người chạy nhanh hơn chim bay và người có thể nhìn thấy ba bảy quả núi”. Cả năm chàng hợp tài với nhau giết được một con quỷ dữ, cứu công chúa và lấy hết kho vàng của vua để phân phát cho người nghèo. Những kẻ độc ác chuyên đi hà hiếp dân lành đều bị họ trừng trị thích đáng.

Chàng Bí trong Cái ná chín rãnh sinh ra đã ăn hết cả cơm canh trong bữa ăn của cha mẹ. Cha mẹ không nuôi nổi, Bí tự đi tìm cách sinh sống. Bí làm được một cái ná có chín rãnh, bắn một phát được chín mũi tên, có thể giết chết cả một đàn voi. Chàng diệt được một con chim dữ để cứu dân làng, đánh đuổi giặc ngoại xâm, cứu cả vương quốc. Vì giận nhà vua thấy chàng xấu xí muốn nuốt lời hứa gả công chúa nên chàng “bắn một mũi tên làm đổ cả một góc cung điện” rồi trở về làng sống vui vẻ, yên ấm với vợ, cha mẹ, dân làng.

Nói chung, các nhân vật chính trong cốt truyện này đều có những khả năng phi thường mà người thường không thể có được. Họ là những con người bình thường mà phi thường ở một số công việc, thế mạnh riêng. Bất công ở chỗ các chàng bị dị nghị nên phải bỏ nhà ra đi tìm cách sinh sống nhờ vào sức lực của mình. Có lẽ, khi sáng tạo hình tượng những chàng trai khỏe, các tác giả dân gian Chăm đã thể hiện ước mơ chất phác hay quan niệm thẩm mỹ của mình về một mẫu người anh hùng. Trong quá trình sinh sống, chinh phục thiên nhiên, tạo ra lương thực, thực phẩm để sống và đấu tranh sinh tồn, người dân Chăm đã gặp biết bao nhiêu trở ngại và có rất nhiều điều họ chưa thể khắc phục được. Điều đó khiến họ mơ ước về con người phi thường mà bình thường như họ, chứ không phải là thần thánh.

Truyện cổ tích thần kỳ của người Chăm còn nhiều kiểu cốt truyện, đề tài và môtip khác như: đề tài, cốt truyện thuộc kiểu truyện Tấm Cám của người Kinh và một số các dân tộc khác, trong đó có nhiều môtip như “thử thách”, “hóa kiếp”, “trừng phạt”…’; đề tài, cốt truyện anh cả - em út với những môtip “trả hoặc cho vàng”, “tham lam, bắt chước”; đề tài, cốt truyện về “tình yêu, hôn nhân” với những môtip lạ, hấp dẫn như “người lấy thú vật hoặc quái vật”, “lấy con út vua”, “được vua truyền ngôi báu”… và một số đề tài, cốt truyện thú vị khác mà bản thân chưa có điều kiện tìm hiểu.

Trong số truyện cổ tích sưu tập được, chúng tôi dễ dàng nhận ra những môtip, đề tài, cốt truyện tiêu biểu của folklore khu vực và thế giới. Đó là những môtip suy nguyên về các hiện tượng tự nhiên trong vũ trụ như mặt trời, mặt trăng, các hiện tượng mây, mưa, sấm, chớp. Đó là những môtip thể hiện tín ngưỡng nguyên thủy, tôn giáo, phong tục của người Chăm; những đề tài, cốt truyện, kiểu truyện phổ biến trong khu vực cũng như trên thế giới như “người khỏe”, “người xấu xí mà tài ba”, “người lấy vật”... Trong sự phổ quát này, chúng ta vẫn nhận ra những điểm riêng biệt, độc đáo, đặc trưng của người Chăm.

Có thể nói truyện cổ của người Chăm nói chung, truyện cổ tích thần kỳ nói riêng thể hiện màu sắc văn hóa chung của khu vực như: tín ngưỡng đa thần, tín ngưỡng thờ thần mặt trời, thần cây, thần đá, vật linh, vật thiêng, tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng thờ tổ tiên và linh hồn những người đã chết… như nhiều tộc người ở Đông Nam Á, đồng thời thể hiện sinh động và mang bản sắc văn hóa riêng của người Chăm. Chẳng hạn: chế độ mẫu hệ Chăm, nghi thức thờ các thần như Pô Bhum (thần thổ địa), Atơw Chơk (thần núi), Atơw Tathik (thần biển), Yang Kalan (thần tháp)…; tại sao người Chăm Ấn giáo kiêng ăn thịt bò, người Chăm Bàni kiêng ăn thịt heo, thịt dông, kiêng uống rượu và phải dùng gà để cúng tế; truyền thống tôn thờ và sùng bái những người có công với đất nước như Pô Inư Nưgar Thánh Mẫu - vị thần tạo tập ra nước Chiêm Thành, vua Pô Klaung Girai, vua Pô Rôme, vua Pô Bin Thuơ… là những vị vua hóa thần trong lịch sử Chămpa được người Chăm đặc biệt tôn kính.

Truyện cổ Chăm còn chứa đựng những đặc điểm tư tưởng, tình cảm, tính cách của dân tộc mình. Chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người dân Chăm hiền lành, cần cù, chất phác, trung thực. Họ chăm chỉ lao động để tạo dựng cuộc sống của mình. Họ sống nhân ái, biết coi trọng cái đẹp, cái thiện, biết căm giận cái xấu, cái ác. Đó là những con người thông minh, giàu trí tưởng tượng, luôn biết chọn lọc và dung hòa các yếu tố văn hóa ngoại sinh, trong đó, đáng chú ý là sự dung hòa các tôn giáo từ bên ngoài. Bên cạnh những tín ngưỡng bản địa của mình, người Chăm đã tiếp nhận Phật giáo, Bàlamôn giáo, Hồi giáo, Nho giáo và cải các tôn giáo ấy cho phù hợp với nếp sống, văn hóa của mình.

3. Kết luận

Qua một số đề tài, cốt truyện và môtip phổ biến trong truyện cổ tích thần kỳ của người Chăm, chúng ta hiểu rõ hơn về đặc sắc nghệ thuật truyện cổ tích và mơ ước một cuộc sống hạnh phúc, đầy đủ, giản dị của người Chăm. Ngoài ra, chúng ta cũng thấy được khao khát cháy bỏng của con người nơi đây về sự duy trì giống nòi. Cuộc sống đôi khi không như mong đợi, có những con người khi sinh ra phải mang hình dạng xấu xí. Nhưng với người Chăm, bằng tình yêu thương, niềm tin và lòng vị tha, họ mong muốn những con người không may mắn luôn có được sự đánh giá, nhìn nhận đúng về phẩm chất, đạo đức, tính cách và tài năng.

Mỗi tộc người trên đất nước ta đều có những tinh hoa văn hóa được người dân giữ gìn, phát huy giá trị qua bao thời kỳ. Điều đó đã góp phần làm phong phú đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam. Đồng bào người Chăm cũng vậy. Chúng tôi thiết nghĩ, các cấp có thẩm quyền nên chọn và đưa một số truyện dân gian của người Chăm vào giảng dạy trong chương trình phổ thông, để các em học sinh hiểu hơn về văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa của người Chăm nói riêng.

_______________

1, 2, 3 . Inrasara, Văn học Chăm, tập 1, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 1994, tr.43.

4, 6. Trung tâm UNESCO Nghiên cứu văn hóa Chăm, Truyện dân gian của người Chăm, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2017, tr.15.

5, 7. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên), Từ điển thuật ngữ Văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006, tr.368.

 

Tác giả: Hoàng Văn Tý

Nguồn : Tạp chí VHNT số 411, tháng 9 - 2018

;