Có một Hình bộ Thượng thư “ăn lộc của vua nên chết vì nạn của vua”

Ở bài “Từ Hoàng hậu thất thế trở thành liệt phụ”, chúng tôi đã nói về cái chết của vua Lê Tương Dực ở kinh thành Thăng Long đầu mùa hạ năm Bính Tý (1516). Trong cảnh bi thương đó, chính sử nước nhà có ghi chép danh tính hai người đã dám chết theo vua: Khâm Đức Hoàng hậu và Hình bộ Thượng thư Nguyễn Vũ.

Sau khi vua và hoàng hậu chết, “quân sĩ đem hai quan tài về chôn ở lăng Ngự Thiên, giáng phong làm Linh Ẩn vương (nay có điện Quang Hiếu ở huyện Ngự Thiên, xã Mỹ Xá). Hậu họ Nguyễn húy là Đạo, con gái viên quản lĩnh. Nguyễn Vũ người làng Thiên Mỗ, huyện Từ Liêm, do chân thi Hương đỗ tứ trường, viết chữ thảo tốt, trước đây theo quân ứng nghĩa, làm quan đến Binh bộ tả thị lang, vua rất thân yêu, khoa Giáp Tuất thi Hội tuổi đã 58, văn thể lủng củng, đã không được trúng tuyển, vua cho thi lại, đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, không bao lâu làm đến Hình bộ Thượng thư kiêm Bảo Thiên điện Đông các đại học sĩ Hàn lâm viện thừa chỉ nhập thị Kinh diên, ngày đêm uống rượu đánh bạc ở nội điện, bị người bấy giờ coi khinh, đến đây đi theo vua, bảo con rằng “ăn lộc của vua nên chết vì nạn của vua” cũng bị Duy Sản giết chết” (Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Văn học, Hà Nội, 2009, tr. 793-794).

Theo sách Các nhà khoa bảng Việt Nam của nhóm tác giả Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Hữu Mùi (Nxb Văn học, Hà Nội, 2006, tr. 287-288) thì Nguyễn Vũ sinh năm 1457, mất năm 1516. Ông người xã Thiên Mỗ, huyện Từ Liêm - nay là phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội; đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Giáp Tuất niên hiệu Hồng Thuận 6 (1514) đời vua Lê Tương Dực.

Đại Việt sử ký toàn thư có chép về khoa thi này như sau: “Mùa hạ, tháng 4, ngày 27, vua thân ngự thi Điện, đầu đề văn sách hỏi về nhân tài. Sai Tả bình chương quân quốc trọng sự nhập nội kiểm hiệu thượng tướng thái úy Lạng quốc công Lê Phụ, Lại bộ thượng thư tri Chiêu văn quán Tú lâm cục Đàm Thận Huy, Công bộ hữu thị lang Lê Tán Tương, thiếu bảo Lễ bộ thượng thư Do Lễ bá Nguyễn Bá Thuyên, Hộ bộ thượng thư tri Chiêu văn quán Tú lâm cục Cẩn Lễ nam Đoàn Mậu, thiếu bảo Lễ bộ thượng thư Đông các đại học sĩ kiêm Quốc Tử Giám tế tửu tri Kinh diên sự Đôn thư bá Lê Tung, Hộ bộ thượng thư Đông các đại học sĩ nhập thị Kinh diên Đỗ Nhạc, chia nhau trông coi việc thi. Cho bọn Nguyễn Đức Lượng, Nguyễn Chiêu Huấn, Hoàng Minh Tá 3 người đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, bọn Nguyễn Vũ 20 người đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Bỉnh Di 20 người đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân” (Sđd, tr. 790).

Nhìn nhận một cách công bằng thì dù nổi tiếng “viết chữ thảo tốt”, trong tư cách một nhà khoa bảng, Nguyễn Vũ cũng không có gì quá đặc biệt: ông thi Hội lúc tuổi 58, “văn thể lủng củng”, “đã không được trúng tuyển”… nhờ được vua cho thi lại mới đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân. Thời gian làm quan của ông dẫu ngắn, thăng tiến nhanh cũng không phải không có vết nhơ khi “ngày đêm uống rượu đánh bạc ở nội điện, bị người bấy giờ coi khinh”. Ấy thế nhưng, Nguyễn Vũ “từng theo quân ứng nghĩa”, đỗ đạt - trọng dụng gần như theo kiểu đặc cách nên ông hiểu thế nào là “ơn vua lộc nước”… Câu nói của ông với con “ăn lộc của vua nên chết vì nạn của vua” không chỉ “vớt vát” nhân cách của một vị đại quan mà còn cho thấy ánh hồi quang của một con người dám xả thân vì NGHĨA, chết theo NGHĨA - nhất là “nghĩa vua tôi”, “đạo quân thần”, thứ đạo nghĩa cao nhất, thiêng liêng nhất ở Việt Nam cũng như phương Đông thời quân chủ!

 

THANH HÀ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 495, tháng 4-2022

 

;