Thời gian gần đây, thơ nữ Việt Nam xuất hiện nhiều gương mặt mới mà phong cách sáng tác là sự phá vỡ quan niệm nghệ thuật truyền thống với lối tư duy khác biệt. Trong sáng tạo nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng, thế hệ các nhà thơ nữ trẻ giai đoạn từ 1986 đến nay đã mang đến cho đời sống văn học một tiếng nói mới mẻ, đầy đam mê và nhiệt huyết. Khi thân phận, vai trò, vị trí của người phụ nữ là điều ám ảnh đối với các cây bút nữ thì ý thức cá nhân và khát vọng tự do trở thành đặc điểm của tư duy thơ nữ như một lẽ đương nhiên. Ở sáng tác của họ, có thể nhận thấy ý thức về cái tôi, ý thức tự do, khát vọng sống được đề cập tới một cách khá trực diện và phong phú. Sống trong thời kỳ hội nhập, các nhà thơ nữ được đón nhận nhiều luồng văn hóa phong phú của thế giới, cho nên tác phẩm của họ đa phần bộc lộ lối tư duy mới, cách suy nghĩ, diễn giải khá hiện đại.
Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam thường được thể hiện qua các giá trị tinh thần như yêu nước, nhân ái, đoàn kết, cần cù, chịu thương chịu khó. Bên cạnh đó, truyền thống văn hóa Việt Nam còn thể hiện trong quan niệm về cuộc sống, về con người, về thiên nhiên… Một trong những truyền thống quan trọng đó là khát vọng tự do, hạnh phúc. Khát vọng tự do, hạnh phúc thể hiện xuyên suốt trong dòng chảy của văn học dân tộc, góp phần xây dựng nhân cách con người Việt Nam hiện đại hôm nay.
Trong xã hội Việt Nam thời phong kiến, bởi những ràng buộc khắt khe về giáo lý, về đạo đức, cái tôi cá nhân không có điều kiện và không thể bộc lộ trực tiếp. Thơ văn hiện đại xem cái tôi cá nhân như một giá trị, một cách để nhìn đời. Các nhà văn nửa đầu TK XX sẵn sàng bộc lộ khao khát giải phóng tình cảm, phát huy bản ngã và tự do cá nhân. Điều mà các nhà văn như Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo đề cao là quyền tự do lựa chọn của con người, để con người trở thành một cá nhân đích thực. Đến phong trào Thơ mới (1932 - 1945), con người đã dám nói lên những cảm xúc yêu ghét, những niềm vui nỗi buồn mang tính cá nhân. TK XX xuất hiện con người cá nhân, con người tự do. Cái tôi cá nhân với đặc trưng cá thể hóa rõ rệt đem đến một tư duy mới, góc nhìn mới: quan niệm cá nhân. Ý thức tự do chính là sự thức tỉnh của từng cá nhân về quyền sống, thể hiện đời sống riêng tư phong phú của con người cá thể đang khát khao giải phóng bản ngã.
Cùng với nền văn minh công nghiệp, tiếp nối một phần của thơ ca truyền thống, thời kỳ hiện đại nảy sinh một đối tượng thẩm mỹ mới đa dạng và phức tạp, là sản phẩm của văn hóa hiện đại – cái tôi cá nhân. Khi vấn đề tự do cá nhân ngày càng trở nên thúc bách trong văn học nói chung và trong thơ ca nói riêng, cái tôi thi sĩ trong Thơ mới dần trở thành trung tâm của toàn bộ nền thơ. Thế hệ các nhà Thơ mới sẵn sàng thoát khỏi những đạo đức luân lý vốn đã ăn sâu, bén rễ hàng ngàn năm trong tâm thức người Việt, thoát khỏi khuôn khổ ước lệ có tính hệ thống để sống cuộc đời tự do đích thực. Lực lượng sáng tác trong phong trào Thơ mới lúc này chủ yếu là tầng lớp trí thức Tây học, tuổi đời rất trẻ, sống ở thành thị. Hàn Mặc Tử làm thơ từ năm 14, 15 tuổi với các bút danh Minh Duệ Thị, Phong Trần, Lệ Thanh. Các cây bút khác cũng nổi danh khi tuổi đời còn rất trẻ: Hồ Dzếnh, Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương, Thanh Tịnh, Huy Cận, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên, Anh Thơ... Ở giai đoạn này, cá tính con người được giải phóng, và chính sự giải phóng này đem đến tự do cho nhà thơ. Nhà phê bình Hoài Thanh khẳng định: “Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ào não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kỳ dị như Chế Lan Viên... và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu” (1).
Ý thức sáng tạo của Thơ mới là ý thức về tự do, thoát khỏi sự ràng buộc của tư tưởng và lễ giáo phong kiến, đồng thời khẳng định vị trí của cái tôi cá nhân, góp thêm tiếng nói cho cuộc tìm kiếm bản chất con người. Thơ mới là tiếng nói của cá nhân con người hiện đại, chủ yếu là trí thức sống ở thành thị. Cuộc sống nơi thành thị ngày càng hiện đại dã kích thích cá nhân phát huy vai trò của chính mình. Ý thức về cái tôi đem đến sự đa dạng phong phú trong cách biểu hiện. Như một tất yếu văn học, cái tôi với tư cách là một bản thể, một đối tượng nhận thức và phản ánh của thơ ca đã xuất hiện. Đó là con người cá tính, bản năng, chứ không phải con người ý thức nghĩa vụ, giờ đây đàng hoàng bước ra “trình làng” (chữ dùng của Phan Khôi). Xuân Diệu - “nhà thơ mới nhất trong các nhà Thơ mới” (Hoài Thanh) lên tiếng trước: “Tôi là con chim đến từ núi lạ/ Ngứa cổ hót chơi” (Lời thơ vào tập Gửi hương). Trong phong trào Thơ mới, cái tôi ra đời đòi được giải phóng cá nhân, thoát khỏi luân lý lễ giáo phong kiến chính là sự tiếp nối và đề cao bản ngã. Đó là sự lựa chọn khuynh hướng thẩm mỹ và tư duy nghệ thuật mới của các nhà Thơ mới.
Khát vọng tự do như là một tiền đề để sản sinh ra Thơ mới. Ngược lại, Thơ mới đã nói lên được một nhu cầu lớn của con người về tự do. Cái tôi trong Thơ mới với ý nghĩa nhân văn tiến bộ đã góp phần thúc đẩy thơ ca Việt Nam phát triển theo chiều hướng hiện đại. Ý thức tự do chính là cội nguồn sáng tạo ra những thành tựu rực rỡ của văn học Việt Nam theo hướng hiện đại hóa. Đây chính là một trong những đóng góp quan trọng của Thơ mới trong tiến trình văn học dân tộc.
Khi con người bắt đầu có ý thức về bản thể tồn tại của chính mình, độc lập và khác biệt so với các cá thể khác, là khi cái tôi cá nhân được định hình. Cái tôi cá nhân đi vào thơ mang những dấu ấn riêng của chính cá nhân người nghệ sĩ sáng tác. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Thành, “lịch sử phát triển của thơ ca Việt Nam là lịch sử phát triển của thơ trữ tình”, và “thơ trữ tình là những bản tốc ký nội tâm, nghĩa là sự tuôn trào hình ảnh và từ ngữ trong một trạng thái cảm xúc mạnh mẽ của người sáng tạo. Chính vì vậy, về bản chất, mọi nhân vật trữ tình trong thơ chỉ là những biểu hiện đa dạng của cái tôi trữ tình” (2).
Đặc điểm quan trọng nhất của tư duy thơ là sự biểu hiện của cái tôi trữ tình, cái tôi cảm xúc. “Cái tôi trữ tình trong thơ được biểu hiện dưới hai dạng thức chủ yếu, đó là cái tôi trữ tình trực tiếp và cái tôi trữ tình gián tiếp. Thơ trữ tình coi trọng sự biểu hiện cái tôi chủ thể đến mức như là nhân vật chủ yếu số một trong mọi bài thơ” (3). Nhà nghiên cứu Hà Minh Đức cho rằng: “Khi cái tôi trữ tình được biểu hiện dưới dạng gián tiếp, nhà thơ bộc lộ cảm xúc như một kiểu sáng tác về những nhân vật, những sự kiện mà nhà thơ được chứng kiến hoặc trải qua. Lúc này, cái tôi trữ tình là cái tôi của tác giả được nghệ thuật hóa thành nhân vật trữ tình trong tác phẩm” (4).
Khác xa với nền văn học trung đại phi ngã, văn học TK XX đã chuyển mình sang giai đoạn mà người nghệ sĩ định hình cái tôi cá nhân một cách rõ nét. Điều đó được thể hiện rất rõ qua những tác phẩm của các nhà thơ nữ. Trong văn học Việt Nam hiện đại, thế hệ các nhà thơ nữ thời kháng chiến chống Mỹ khá hùng hậu, họ đã cất lên tiếng nói cá nhân, bộc lộ cái tôi riêng bản lĩnh. Những sáng tác của Xuân Quỳnh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Phan Thị Thanh Nhàn tái hiện chân dung các nhà thơ nữ bình dị, giàu nữ tính, nhân hậu và thuần khiết. Những trang thơ của các chị góp phần làm sống lại những năm tháng gian khổ, hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân dân ta. Tình yêu quê hương, đất nước, con người, triết lý nhân sinh, ý thức mạnh mẽ về cái tôi riêng khát khao tự do, khát khao tình yêu cuộc sống được các chắt lọc từ cuộc sống dung dị đời thường làm nên những vần thơ sâu lắng, lấp lánh tình đời, tình người. Theo Trần Đăng Suyền, Nguyễn Văn Long, cái tôi của thơ chống Mỹ còn là “cái tôi thế hệ” - một thế hệ tôi luyện trong chiến tranh, sẵn sàng cống hiến tuổi thanh xuân, tình yêu, chiến đấu và hy sinh vì tổ quốc. Nguyễn Bá Thành nhận xét cách phản ánh hiện thực, sự hình thành của cái tôi hướng nhiều đến và hòa lẫn với cái ta là biểu hiện của “tư duy hướng ngoại trực tiếp” và cho rằng “hình tượng thơ nảy sinh từ sự tác động trực tiếp của những màu sắc và âm thanh của cuộc sống” (5).
Đến thời kỳ sau 1975, cùng với đà phát triển của đất nước, nền văn học nước nhà cũng có những bước chuyển mình, giao lưu, hội nhập với văn học quốc tế, hình thành nên một thế hệ tác giả thơ nữ trẻ đương đại. Họ được sinh ra và lớn lên trong hòa bình với sự đổi thay, phát triển nhanh chóng của đất nước về mọi phương diện kinh tế, xã hội. Đa phần các nhà thơ nữ trẻ có điều kiện tiếp xúc, học hỏi và chịu ảnh hưởng của văn học nước ngoài, đặc biệt là trào lưu nữ quyền luận. Thơ nữ Việt Nam đương đại (từ 1986 đến nay) bộc lộ mong muốn, khát khao thể hiện cái tôi cá nhân của người phụ nữ Á Đông sau hàng ngàn năm buộc phải dồn nén bởi những giáo lý đạo đức phong kiến. Những thay đổi trên mọi mặt đời sống đã tạo nên một thế hệ nhà thơ mới có trình độ học vấn, đa tài, hoạt động đa dạng trong các ngành văn hóa văn nghệ cũng như trong nhiều lĩnh vực xã hội khác. Những cây bút thơ nữ trẻ xuất hiện mang theo sức sống căng tràn, niềm đam mê sáng tạo, là một làn gió mới đem lại sự sinh động cho đời sống văn hóa văn nghệ Việt Nam. Các tác phẩm thời kỳ này bộc lộ rõ cá tính sáng tạo của mỗi tác giả. “Tư duy hướng nội là tư duy tự nhận thức bản thân” (6), các nhà thơ nữ trẻ có nhu cầu thể hiện những trải nghiệm của cá nhân trên mọi lĩnh vực. Họ vừa chịu một phần ảnh hưởng thơ ca truyền thống, đồng thời cũng chịu sự tác động của thời cuộc. Thơ nữ trẻ xuất hiện với hai chiều hướng khá rõ rệt, một là những cây bút tiếp nối truyền thống, hai là những cây bút cách tân thử nghiệm, sắp đặt, hướng tới cái mới. Cả hai chiều hướng đều có những tác giả tiêu biểu. Tuy nhiên, nhìn chung trong số những tác giả thơ trẻ đương đại, chiều hướng tìm đến những cách tân phổ biến hơn.
Là thể loại văn học có phạm vi phổ biến rộng và sâu, thơ tác động đến người đọc bằng sự nhận thức cuộc sống, những liên tưởng, tưởng tượng phong phú. Thơ ca là tấm gương phản chiếu tâm hồn, là tiếng nói của tình cảm con người, những rung động của trái tim trước cuộc đời. Sáng tác của hai cây bút nữ Dư Thị Hoàn và Phan Huyền Thư hầu hết là thể thơ tự do với hình thức nhả chữ, ngắt nhịp đặc sắc và ngôn ngữ đa dạng, giàu sắc thái. Đó thực chất là khát vọng tự do trong việc đổi mới chính mình, đổi mới thi ca của người nghệ sĩ. Cả Dư Thị Hoàn và Phan Huyền Thư đều đã tự mình khơi nguồn mạch mới, khai phá những lối đi riêng trên con đường thi ca. Họ chính là những nhà thơ - phụ nữ đã và đang góp phần giữ gìn, phát triển, hiện đại hóa thơ ca Việt Nam đương đại.
Cá tính mạnh mẽ của các nhà thơ nữ trẻ đương đại đã đem đến nét độc đáo riêng biệt cho thơ đương đại Việt Nam nói chung và thơ nữ trẻ nói riêng. Đề tài trong thơ nữ giai đoạn sau đổi mới (1986) rất phong phú, đa dạng về mọi mặt của đời sống, xuất phát từ cách nhìn, cách cảm nhận sự vật, sự việc của mỗi tác giả. Nhưng như một đặc trưng mang nét giới tính, thơ nữ trẻ đương đại, trong bộn bề cảm xúc, vẫn dành phần sâu lắng nhất, mãnh liệt nhất cho khát vọng tình yêu, hạnh phúc. Khát vọng ấy được biểu đạt cụ thể, trực tiếp hoặc gián tiếp phụ thuộc vào nét cá tính riêng của mỗi nhà thơ.
Với cá tính mạnh mẽ của một người con gái muốn “đập nát khuôn khổ cũ kĩ, nhàm chán và cam chịu” cả trong đời thực và trong thơ, Vi Thùy Linh đã tạo nên một lối viết mạnh bạo, thẳng thắn, thậm chí dữ dội và bạo liệt, nhưng cũng rất đỗi dịu dàng nữ tính. Phác họa về người nữ trong thơ của Vi Thùy Linh cho thấy cuộc hành trình trở về với thiên tính nữ mà ở đó người nữ như một thiên sứ của tình yêu: “...trong em, nữ thần Aphrodite/ Đến với mọi người bằng sóng chữ tình yêu...” (Hãy phủ thơ khắp thế giới của em). Tình yêu trong thơ chị là là sự tận hiến hết mình: “Thế giới không bao giờ yên ổn/ Mỗi người là một thế giới nhỏ/ Em dâng anh thế giới của mình! (Không thanh thản). Người đọc cũng tìm thấy trong thơ Vi Thùy Linh những đặc trưng phái tính rất rõ qua nỗi lòng những người đàn bà trẻ nồng nàn thanh xuân: “Những đường cong khỏa vào sóng chữ/ Em say nắng mất rồi, em say thêm nữa nhé/ Mặc cho búp hôn thụ phấn thân người” (Say nắng). Thơ Vi Thùy Linh tràn đầy khát khao hạnh phúc, khát khao bản năng dâng hiến rất đàn bà: “Anh là đỉnh cao khát vọng dâng hiến/ Là hơi thở của em” (Sóng). Hơn thế nữa, đó còn là khát vọng mãnh liệt đòi hỏi được hưởng thụ tình yêu cả tinh thần và thể xác chứ không đơn thuần là tận hiến một chiều:“Em yêu anh cuồng điên/ Yêu đến tan cả em/ Ào tung ký ức/ Tim em rộn lên/ Em đếm từng ngày anh đến” (Người dệt tầm gai). Người đàn bà trong thơ Vi Thùy Linh mang nặng khát vọng tình yêu, khát vọng về một cuộc sống tự do, cũng là người đàn bà nhạy cảm, giàu tình yêu và vô cùng mãnh liệt trong cảm xúc: “Đừng hỏi em điều gì, hãy nhìn em? Người đàn bà đa đoan đến cả dáng nằm, ngồi cũng mang hình dấu hỏi...”(Anh). Có nhiều khi, người đàn bà nồng nàn ấy hướng đến tình yêu, khát khao hạnh phúc từ một mái ấm gia đình, hay cất lên lời hát đợi chờ: “Về đi anh/ cài then tiếng khóc của em bằng đôi môi anh” (Người dệt tầm gai). Có thể nói, không gian nghệ thuật trong thơ Vi Thùy Linh là cõi yêu của một người đàn bà luôn khao khát tình yêu, khát vọng được sống, được có một tình yêu vừa thiêng liêng vừa trần thế (7).
Nếu như Vi Thùy Linh thể hiện trong thơ tình lối tư duy của một cái tôi tính nữ với những khát khao rất thật được cất lên thành lời trực tiếp, thì Phan Huyền Thư đem đến cho thơ nữ trẻ đương đại một cái tôi đằm, trưởng thành và kiệm lời hơn. Đó là cái tôi phái tính chất chứa những ưu tư trăn trở của một người đàn bà đã chín, từng trải và đa đoan. Nhưng dù kiệm lời, dù trăn trở, thì người đàn bà ấy cũng mang đầy những khát vọng yêu đương. Cái tôi trong thơ Phan Huyền Thư là cái tôi của lý trí, ẩn đằng sau đó là nỗi ám ảnh không nguôi của một tâm hồn vẹn nguyên nét nữ tính yếu mềm: “Dịu dàng nhé anh/ mơ rất dễ tan/ sương rất dễ vỡ/ gió rất dễ đổ/ Tình thường hay tận/ người vẫn thường đau” (Tạ ơn). Và đôi khi người đàn bà trong thơ Phan Huyền Thư trở nên rất lụy tình, cái lụy tình của một người đàn bà yếu đuối: “Tay em không vươn tới những năm hai nghìn/ không chạm được người đàn ông gần nhất” (Van nài).Thế giới trong thơ Phan Huyền Thư nhiều khi tràn ngập nỗi cô đơn với những ám ảnh chia ly, đau đớn, tuyệt vọng đến ngơ ngác: “Rồi hạt mưa hồi xuân/ thất thểu tìm chồi đâm lạc/...Giấc em thánh địa cỏ/ bóng anh đè tim lệch tiết điệu mùa” (Không thường). Khát khao yêu đương đầy chất đàn bà còn ẩn chứa trong nỗi cô đơn khi chìm đắm trong mối tình đầy nước mắt: “Đêm nào lạnh, chàng giả say/ thêu cô đơn dệt truân chuyên/ mua danh bán phẩm/ thiếp lụy tình” (Gửi Thúc Sinh). Và khi người đàn bà khát yêu ấy tự nhận tội mình - tội yêu - chính là lúc cái tôi cá nhân cất lên tiếng nói khát khao tình yêu đích thực: “Em u mê từ thuở/ theo gió đi chăn mây/ Ngồi trên đỉnh ngày/ nhắm mắt gọi không tên tuổi/ thề thốt yêu không lời nói” (Nghĩ lại). Những cảm xúc căng đầy ấy làm hiện lên rõ rệt trong thơ Phan Huyền Thư một người đàn bà khát yêu, lúc nào cũng “xanh xao từ thuở/ không dạy bảo được tim” (8).
Nếu Phan Huyền Thư làm thơ với những khoảng trống đầy ám ảnh, thì Ly Hoàng Ly làm thơ với những bức sắp đặt, với tranh trừu tượng, với nghệ thuật trình diễn. Thơ Ly Hoàng Ly mời gọi người đọc – người xem đặt mình vào không gian, thời gian ấy để tự mình cảm nhận, tự mình đối mặt với những day dứt trăn trở ngay cả khi đã tự phơi mở lòng mình: “Soi vào gương/ Bất lực và khóc/ Trong vô vàn những giọt nước mắt/ Một giọt đêm ứa ra từ bầu ngực trắng” (Mở nút đêm). Những ám ảnh chi phối cảm xúc thơ, ám ảnh trộn vào đêm, vào những đêm trắng, đêm xuyên ngày của Ly Hoàng Ly, len lỏi trong tâm thức: “Đêm đã nhuốm màu lên đôi bàn tay em/ Để em không thể nhìn thấy anh/ Bằng xúc giác/ Đêm đã nhuốm màu lên chiếc lưỡi của em/ Để em không thể nhìn thấy anh/ Bằng vị giác” (Đêm và anh). Người đàn bà trong thơ Ly Hoàng Ly là kiểu nhân vật trữ tình có nội tâm chứa nhiều bi kịch. Đó là người đàn bà luôn mang nỗi cô đơn tận cùng, cô độc trong tình yêu, chìm đắm trong thế giới đặc quánh, nguội lạnh và bất lực: “Người đàn bà mặc áo dài trắng bắt chéo chân/ Hút cạn mắt một đêm/ Từ từ rã xác/ Hút cạn mắt nghìn mưa/ Nhà cổ ngập tiếng khóc” (Người đàn bà và căn nhà cổ). Đêm trong thơ của Ly Hoàng Ly choán dần không gian, độc chiếm bầu trời, đêm là chất lỏng, đêm đặc thịt da. Nhưng trong những vùng đêm và vùng đen ấy, người đàn bà vẫn tìm thấy một vùng mộng tuyệt vời: “Vườn co vào lá/ Hoa ôm đêm đến rũ xác/ Em đi nhặt xác hoa/ Bước vào vùng trăng/ Toàn thân lấp lánh dịu dàng/ Cả một ước mơ gửi vào vườn đêm” (Đêm trong vườn). Chính những vùng đen, vùng đêm, vùng trăng ấy trong thơ Ly Hoàng Ly cho thấy những cuộc hành xác và thử nghiệm là cách để con người sống sâu với tâm thức, trở về với bản thể của chính mình. Đồng thời, qua cách sử dụng installation, performance bên cạnh những diễn đạt ngôn từ, người đọc cũng nhận thấy cái tôi phái tính của Ly Hoàng Ly biểu hiện mạnh mẽ trong thơ (9).
Cái tôi cá nhân đậm chất phái tính mà thơ nữ đương đại thể hiện đã tạo nên một dấu ấn mới trong hành trình vận động và phát triển của cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam hiện đại. Đó là kết quả của quá trình tìm tòi sáng tạo, sự thăng hoa cảm xúc, sự thể hiện đời sống tinh thần và tư duy sáng tạo nghệ thuật của những nhà thơ mang đậm thiên tính nữ. Với hệ thống hình ảnh biểu tượng đầy chất nữ tính, cách sử dụng ngôn từ đa dạng, phong phú đặc trưng cho giới nữ, thơ nữ trẻ Việt Nam đương đại đã và đang định hình nên một lối thơ tự do phóng khoáng, không lệ thuộc vào câu chữ, vần điệu, mang đặc điểm của cái tôi phái tính rõ nét. Trong dòng chung này, mỗi nhà thơ nữ lại tạo cho mình một tiếng nói riêng, khẳng định bản lĩnh sáng tạo riêng, góp phần làm phong phú thơ ca Việt Nam đương đại.
_______________
1. Hoài Thanh - Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội, 2005.
2, 3, 5, 6. Nguyễn Bá Thành, Tư duy thơ và tư duy thơ hiện đại Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội, 1996.
4. Hà Minh Đức (chủ biên), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2002.
7, 9. Xem Nguyễn Việt Chiến, Thơ Việt Nam – tìm tòi và cách tân, 1975 - 2005, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2007.
8. Xem Lý Đợi, Phan Huyền Thư - ngọn cây tìm nỗi cô đơn trên trời, Tạp chí Tia sáng, tháng 1-2003; Đào Duy Hiệp, Lao động và nỗi buồn trong tập thơ “Nằm nghiêng” của Phan Huyền Thư, phụ bản Thơ, Báo Văn nghệ, số 6 - 2003.
Tác giả: Trịnh Phương Dung
Nguồn: Tạp chí VHNT số 414, tháng 12 - 2018