BẢO TỒN VĂN HÓA SI LA TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY

Dân tộc Si La hiện có 840 người sinh sống tập trung tại bản Seo Hay, bản Sì Thâu Chải, xã Can Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu và bản Nậm Xin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Người Si La cư trú ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, nơi điều kiện địa lý đặc biệt khó khăn, địa hình hiểm trở, chia cắt, giao thông cách trở, cơ sở hạ tầng thiết yếu hết sức sơ khai… Cùng chung mối lo với các dân tộc ít người khác, đồng bào Si La đang đứng trước nguy cơ văn hóa bị mai một, biến dạng, mất đi bản sắc truyền thống...

1. Nguy cơ mai một và biến dạng văn hóa truyền thống

Người Si La có phương thức canh tác lạc hậu, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào thiên nhiên, năng suất lao động thấp. Điều đó làm cho đời sống người dân khó khăn: tỷ lệ đói nghèo cao nhất cả nước (trên 70%); trình độ dân trí thấp, số người mù chữ, tái mù chữ, thất học chiếm tỷ lệ cao; đời sống văn hóa tinh thần chậm cải thiện, thông tin báo chí đến với người dân chưa nhiều, chưa kịp thời; nhận thức xã hội còn rất hạn chế, tâm lý tự ti, mặc cảm. Bên cạnh đó, tộc người này đang có nguy cơ suy thoái giống nòi do quan hệ hôn nhân cận huyết thống, chất lượng dân số thấp, sức khỏe yếu và bệnh tật nhiều (12 năm qua, dân số tăng 135 người; tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng trên 50%, trẻ sơ sinh bị tử vong chiếm tới 10%)... Nhiều giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu đang bị đồng hóa, biến dạng, như: nhà cửa, trang phục, ẩm thực, dân ca, dân vũ, lễ hội, nghề truyền thống…

Trước đây, người Si La sống quây quần thành bản nhỏ, kín đáo, ở nhà trệt, hai gian, hai chái nhỏ, có hiên phía trước, chỉ có một cửa ra vào, cửa ra vào và bàn thờ không bao giờ chung một gian. Hiện nay, bản tái định cư Sì Thau Chải hay Nậm Xin được xây dựng giống một tiểu khu phố, làm mất đi các yếu tố truyền thống liên quan đến tập quán cư trú và tín ngưỡng cổ truyền. Các gia đình thuê thợ từ miền xuôi lên làm nhà khiến cho kiểu dáng ngôi nhà ít nhiều mang dáng dấp nhà của người Kinh, người Thái.

Trong văn hóa ẩm thực, nhiều món ăn và ứng xử trong ăn uống của người Si La không còn nét riêng mà bị đồng hóa với người Kinh, Thái, Hà Nhì.

Về trang phục, nam giới mặc quần chân què lá tọa, áo khuy vải có hai túi lớn ở hai vạt trước, quấn khăn trên đầu. Phụ nữ mặc váy chàm, áo ngắn cài cúc bên nách phải, phía trước áo được thêu đính nhiều xu bạc, vấn khăn có tết sợi chỉ màu sắc. Áo của phụ nữ thường được may bằng vải đen, cổ áo rời, xung quanh cổ áo được viền hai dải vải xanh, đỏ. Đường khâu ghép giữa cổ và thân áo bằng chỉ màu, khâu nổi để trang trí. Ở thân áo phía trước, dọc theo tà áo có táp thêm một mảnh vải hình tam giác tạo cho chiếc áo có hình dáng như xẻ nách. Mỗi chiếc áo thường đính 3 cúc bạc để cài 2 thân trước với nhau. Trên hình tam giác có đính từ 20 - 30 đồng xu bằng bạc hoặc kim loại để trang trí. Phần tay, gấu áo thường được ghép các đường vải màu xanh, đỏ hay trắng. Việc ghép vải nơi cổ, gấu, tay áo và trang trí đồng xu bạc trước ngực tạo cho áo phụ nữ Si La nét đặc trưng khá nổi bật. Phụ nữ có gia đình thường dùng yếm. Yếm được trang trí các đồng xu bạc bên viền nẹp. Khi sử dụng, người ta vòng 2 dây ra sau lưng và buộc lại sao cho phần đuôi to bản của dây buông xuống. Váy thường được may bằng vải đen, cạp váy có thêu hoa văn hình răng cưa bằng chỉ màu vàng, xanh.

Độc đáo trong trang phục nữ dân tộc Si La còn phải kể đến khăn đội đầu. Cách vấn khăn biểu thị tình trạng hôn nhân. Thiếu nữ thì buộc tóc sau gáy rồi quấn khăn trắng khâu bằng chỉ đỏ, xanh quanh bím tóc; phụ nữ có con đội khăn màu đen, được làm bằng vải xanh, đen; nếu sinh con gái hay trai đều có cách đội khăn khác nhau. Phụ nữ thường đeo túi đan bằng dây gai rừng, được trang trí bằng nhiều tua chỉ đỏ sặc sỡ. Hiện nay, trang phục truyền thống thường chỉ được phụ nữ Si La mặc trong các ngày lễ, tết còn ngày thường họ mặc áo sơ mi, váy theo kiểu người Thái.

Về tín ngưỡng, nghi lễ, theo những người cao tuổi và các nguồn tư liệu, người Si La có vốn văn hóa phong phú. Tiêu biểu là các nghi lễ liên quan đến gia đình, cộng đồng, lễ hội, tín ngưỡng và nghi lễ nông nghiệp như: thu hoạch, tra hạt xuống giống, mừng cơm mới, lên lão, cúng bệnh, tang ma, cưới hỏi, lên nhà mới, cúng bản, tết… Tuy nhiên, hiện nay người Si La chỉ còn duy trì được lễ cúng bản, mừng cơm mới và tết.

Những quan niệm, nghi lễ truyền thống dân tộc Si La có ý nghĩa tích cực, khích lệ con người phấn đấu vươn tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Các lễ thức trong nghi lễ cúng tế, tạ ơn rất phong phú, đa dạng mang tính cộng đồng cao, có ý nghĩa giáo dục, giá trị nhân văn sâu sắc và trao truyền qua nhiều thế hệ. Nhưng đến nay, nhiều lễ tổ chức đơn giản hóa chỉ mang tính chất thủ tục. Như lễ cúng bản, trước kia được tổ chức và cấm bản trong 3 ngày 3 đêm, hiện nay chỉ tổ chức trong một buổi và cấm bản 1 ngày, 1 đêm.

Về văn học dân gian, tuy dân tộc Si La không có chữ viết riêng, nhưng họ đã sáng tạo ra nền văn học dân gian phong phú với ca dao, tục ngữ, lời khấn, truyện cổ tích, thần thoại… Người Si La có nhiều truyện cổ. Sử ca gồm những bài hát kể về sự tích ngày xưa của dân tộc, có nhiều bài hát khá dài thường được người già hát trong những ngày lễ, tết.

Đặc biệt, trong diễn xướng dân gian, trước đây đồng bào có nhiều điệu hát khá phong phú như: hát dân ca, hát đối, giao duyên, hát ru, đám cưới, đám ma, chúc mừng, hát vào mùa cầu mùa, hát về huyền thoại đá thần, hát nguồn gốc dân tộc Si La… Người Si La thường hát giao duyên, đối đáp giữa nam nữ thanh niên trong lao động sản xuất, trong lúc hội hè hay trong đêm khuya thanh vắng với lời ca mộc mạc, lối ví von giản dị, dễ hiểu nhưng giàu sự biểu cảm, dễ rung động lòng người. Tuy nhiên, lớp trẻ hiện nay chỉ còn biết hát những điệu hát cầu mùa, vào mùa, ngợi ca trang phục dân tộc…

Người Si La có nền âm nhạc truyền thống rất phong phú, mang tính đặc trưng với các đạo cụ như: đàn tứ phề, đàn bầu cán dài, đàn bầu cán ngắn, đàn môi, đàn nhị, đàn ba dây, các loại sáo, trống, chiêng, xập xọe… chủ yếu làm từ tre, nứa, gỗ rừng. Tuy chế tác thủ công, đơn giản nhưng khi tiếng nhạc cụ cất lên cùng giai điệu dân ca sẽ có âm hưởng riêng, tạo ấn tượng lạ cho người nghe. Việc sử dụng những nhạc cụ cũng có luật lệ riêng, phù hợp với thời gian sản xuất nên không phải lúc nào cũng có thể cất tiếng được. Tuy nhiên, trong quá trình di cư cùng với cuộc sống khó khăn, lạc hậu, kỹ thuật chế tác và sử dụng nhạc cụ không được lưu truyền.

Các điệu múa thường được biểu diễn vào các ngày hội, lễ, tết, thường kèm theo các nhạc cụ như: sáo, đàn bầu, đàn môi, đàn nhị. Người Si La còn có một số điệu múa xòe, múa sạp, múa vào mùa, múa cầu mùa, múa trình diễn trang phục, múa trong đám ma, các động tác múa được nâng cao mô phỏng từ các hiện tượng trong thiên nhiên, trong lao động, sản xuất.

Hiện nay, đồng bào ít có điều kiện để tổ chức sinh hoạt vui chơi, giải trí, văn nghệ nên các làn điệu dân ca, dân vũ còn lại rất ít; các màn múa hát, giao duyên, trò chơi tập thể đang dần bị thay thế bởi âm nhạc hiện đại.

Không chỉ riêng trang phục, ngôn ngữ của đồng bào Si La đang bị đồng hóa khi tiếng nói lai căng với một số dân tộc khác nói chung ngôn ngữ Tạng - Miến như Hà Nhì, La Hú, Mông, Cống.

Sự biến đổi còn thể hiện trong cả tín ngưỡng dân gian và các nghi lễ gia đình, nghi lễ nông nghiệp. Lễ cưới, lễ tang ít nhiều chịu ảnh hưởng của người Kinh. Các nghi lễ tín ngưỡng trong sinh đẻ ngày càng ít được tổ chức. Trong canh tác nương rẫy, người Si La ngày nay sử dụng kỹ thuật cày lật đất, chăm sóc, bảo vệ cây trồng bằng hóa chất thay cho các phương pháp canh tác cổ truyền thân thiện với môi trường. Các nghi lễ tín ngưỡng trong nông nghiệp để cầu xin thần linh cho mưa thuận gió hòa với tư cách là một mắt xích trong chuỗi kỹ thuật canh tác nông nghiệp dân gian biến mất từ nửa cuối TK XX. Trong tâm thức của người Si La, vẫn còn đó những vị thần ấy nhưng niềm tin, sự tôn kính, nể sợ của người dân trước thần linh đã suy giảm đáng kể.

Đến 2 bản Si La ở xã Can Hồ, chúng tôi ngạc nhiên khi nhiều người không biết về văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Chỉ có ông Hù Chà Khao nhớ và tỏ ra nuối tiếc: “Trước đây, bà con Si La thường dùng lời ca, tiếng hát để gửi gắm cảm xúc của mình. Đồng bào hát mừng các cháu thêm tuổi, dựng vợ gả chồng, hát giao duyên giữa các đôi trai gái đang tìm hiểu nhau, hát thay tiếng khóc trong tang ma, hát khi lên nương, xuống suối... Vào các dịp lễ tết, dân bản tổ chức hát múa vui vẻ. Nhạc cụ được người Si La sử dụng nhiều là sáo, đàn, lạc. Những câu ca mượt mà, cuốn hút, điệu múa cũng rộn ràng, mê mải lòng người. Cuộc sống của đồng bào Si La gắn bó với cây lúa, cây ngô trên nương, cho nên những nghi lễ liên quan đến nông nghiệp từng được bà con rất chú ý. Nhưng ngày nay, những lễ nghi mang tính tượng trưng này cũng mờ nhạt dần. Lũ trẻ trong bản không biết nhiều về phong tục tập quán của cha ông mình”.

Trước thực tại đó, có thể chỉ ra những nguyên nhân khiến văn hóa truyền thống Si La dần mai một trong đời sống cộng đồng: điều kiện giao lưu văn hóa giữa các vùng miền còn hạn chế, hoạt động thông tin, văn hóa, nghệ thuật ít đến được các vùng sâu vùng xa nên đời sống tinh thần trong cộng đồng hết sức nghèo nàn, chủ yếu mang tính tự phát; trình độ dân trí thấp nên ý thức giữ gìn, bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của người dân còn hạn chế; đồng bào Si La thường xuyên chịu ảnh hưởng của giao thoa văn hóa giữa các vùng miền, các dân tộc láng giềng và ảnh hưởng từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, nhưng chưa biết cách tiếp thu có chọn lọc để bảo tồn và phát huy vốn văn hóa quý báu của dân tộc; các cấp, các ngành chưa kịp thời, chú trọng đến công tác định hướng, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho đồng bào về vấn đề giữ gìn, bảo vệ, bảo tồn vốn văn hóa cổ truyền của dân tộc; thiết chế, phương tiện, nguồn nhân lực về văn hóa, thông tin trong cộng đồng dân tộc Si La thiếu và yếu khiến bản sắc văn hóa bản địa ngày càng bị bào mòn, mai một, thất truyền; việc bảo tồn và phát triển của người Si La thời gian qua chỉ mới dừng lại ở mặt nâng cao đời sống vật chất, còn về yếu tố văn hóa thì diễn ra chậm và chưa hiệu quả; quá trình thực hiện các chính sách còn nhiều khó khăn vướng mắc, nhất là nguồn kinh phí thực hiện cho các đề án, dự án, chương trình mục tiêu quốc gia nói chung, nguồn kinh phí được cấp cho hoạt động bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa nói riêng còn hạn hẹp, chậm…

2. Một số giải pháp cấp bách bảo tồn văn hóa Si La

Khi các chính sách phát triển kinh tế, xã hội của Đảng và Nhà nước đến với các bản người Si La, cuộc sống của bà con đã vơi bớt khó khăn, thiếu thốn. Nhất là từ khi Chính phủ đã có dự án bảo tồn và phát triển 5 dân tộc ít người (giai đoạn 2006 - 2010), trong đó có dân tộc Si La.

Các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cùng sự quyết tâm bảo tồn bản sắc văn hóa của người Si La ở Lai Châu, Điện Biên đã giúp cho một số sắc thái văn hóa cổ truyền của dân tộc này được gìn giữ và phát huy khá tốt. Đó là các dự án: Truyền dạy chế tác và sử dụng nhạc cụ truyền thống và truyền dạy ca, vũ, nhạc dân gian dân tộc Si La bản Seo Hai (2010) từ nguồn tài trợ của Quỹ trao đổi và phát triển văn hóa Đan Mạch - Việt Nam; Sưu tầm, biên soạn giới thiệu ấn phẩm Dân tộc Si La tỉnh Lai Châu (2013) và hỗ trợ tổ chức, bảo tồn lễ cúng bản của người Si La bản Sì Thau Chải (2014) từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa...

Tiếp sức cho các chương trình dự án trên, ngày 31-10-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2086/QĐ-TTg về Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội các dân tộc thiểu số ít người giai đoạn 2016 - 2025, được thực hiện tại 194 thôn, bản sinh sống tập trung các dân tộc thiểu số ít người, trong đó có cộng đồng dân tộc Si La tại 2 tỉnh Lai Châu, Điện Biên. Với mục tiêu, chỉ tiêu và các giải pháp cụ thể, đề án sẽ xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng các thôn, bản phấn đấu theo định hướng tiêu chí nông thôn mới, hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào. Để hoàn thành mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Si La, các cấp, các ngành 2 tỉnh Điện Biên, Lai Châu cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Quán triệt tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, nâng cao hiệu quả chỉ đạo và tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp, các đoàn thể quần chúng, các tổ chức, cá nhân đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc Si La.

Thực hiện Nghị định số 62/2014/NĐ-CP, ngày 25-6-2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú đối với các dân tộc tỉnh Lai Châu, Điện Biên trong đó có người Si La.

Tham mưu với các cấp chính quyền xây dựng trường trung học phổ thông tại thôn bản người Si La, có chính sách hỗ trợ toàn phần đối với con em dân tộc Si La để khuyến khích các em đi học và thi tuyển vào các trường chuyên nghiệp, tạo mọi điều kiện để các em trở về phục vụ địa phương sau khi tốt nghiệp.

Tổ chức truyền dạy, sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tuyên truyền quảng bá trang phục truyền thống, túi đan bằng tơ dây sắn rừng có thể trở thành hàng hóa tiêu dùng, hàng lưu niệm cung cấp và tiêu thụ trên thị trường trong nước và quốc tế.

Tăng cường nguồn lực, phương tiện cho hoạt động bảo tồn văn hóa vật thể, phi vật thể, tuyên truyền xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, mở rộng mạng lưới thông tin ở vùng dân tộc thiểu số.

Thực hiện tốt chính sách phát triển kinh tế xã hội ở vùng dân tộc thiểu số, sớm giảm tỉ lệ hộ đói nghèo, ổn định và cải thiện đời sống, xóa mù chữ, nâng cao dân trí; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; vận động nhân dân từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.

Hỗ trợ kinh phí cho đồng bào Si La tham gia các hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao, du lịch giúp bà con phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc.

Trong đó, tăng cường nguồn lực, phương tiện cho các mục tiêu cần hỗ trợ, bảo tồn trong thời gian tới: bảo tồn làng bản, lễ hội, làng nghề truyền thống; hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp nhà văn hóa thôn bản; xây dựng đội văn nghệ, thể thao; tổ chức tập huấn truyền dạy những loại hình di sản độc đáo, hỗ trợ công tác xây dựng nội dung, chương trình, tổ chức truyền dạy cách thức tổ chức các nghi lễ tập quán xã hội, tín ngưỡng, lễ hội tuyền thống; có chính sách hỗ trợ sưu tầm di sản, tư liệu hóa tư liệu các loại hình di sản phụ vụ sản xuất, xuất bản các ấn phẩm, xuất bản phẩm nhằm giới thiệu, quảng bá, tuyên truyền các loại hình di sản văn hóa; hỗ trợ trang thiết bị, trang phục truyền thống cho hoạt động văn hóa, văn nghệ, đầu tư xây dựng bản văn hóa du lịch; hỗ trợ xây dựng tour, tuyến du lịch, quảng bá du lịch cộng đồng, trải nghiệm làng bản; xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc tại địa bàn ổn định dân cư; hỗ trợ biên soạn, dịch thuật, phân loại lưu giữ ngữ văn truyền miệng, tri thức dân gian chế tác nhạc cụ, chế tác công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, may trang trí trang phục truyền thống…; hỗ trợ kinh phí tổ chức truyền dạy, luyện tập các trò chơi dân gian.

Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Si La, trong những năm tới các cấp chính quyền cần quan tâm hơn nữa trong việc tăng mức đầu tư các dự án, chương trình mục tiêu quốc về nghiên cứu, bảo tồn, phục dựng các loại hình văn hóa đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền. Tăng nguồn kinh phí cấp cho các đơn vị sự nghiệp thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Tạo điều kiện thực hiện một số chương trình về phát triển du lịch cộng đồng do Tổng cục Du lịch và Liên minh EU tài trợ và các hoạt động khác trong lĩnh vực du lịch của tỉnh. Đặc biệt, cộng đồng người Si La phải đóng vai trò chủ thể, là nhân tố quan trọng nhất trong quá trình gìn giữ những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc mình, tiếp tục phát triển chúng trong xã hội hiện đại.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 406, tháng 4 - 2018

Tác giả : ĐẶNG KIM THOA - HOÀNG TUẤN LONG

;