Với lịch sử cộng cư lâu đời người dân xã Thạch Đạn có một nền văn hóa phong phú và đa dạng, một trong số đó là văn hóa lễ tết. Hầu như tháng nào người Tày, Nùng ở đây cũng có tết: tết nguyên đán (tháng giêng), thanh minh (mùng 3-3 âm lịch), tết đoan ngọ (mùng 5-5 âm lịch), tết so lộc (mùng 6-6 âm lịch), tết slíp slí (ngày 14-7 âm lịch), tết trung thu (ngày 15-8 âm lịch), tết trùng dương (mùng 9-9 âm lịch), tết đông chí. Trong đó tết nguyên đán là tết lớn nhất, bắt đầu từ chiều 30 tháng chạp đến hết ngày 15 tháng giêng.
Tết nguyên đán tiếng Tày, Nùng gọi là nèn bươn chiêng hoặc bươn chiêng pi mấư. Nèn nghĩa là tết, bươn chiêng nghĩa là tháng giêng, nèn bươn chiêng nghĩa là tết diễn ra vào tháng giêng. Bươn nghĩa là tháng, bươn chiêng nghĩa là tháng giêng, pi là năm, mấư nghĩa là mới, pi mấư là năm mới, bươn chiêng pi mấư nghĩa là tháng giêng là khởi đầu của năm mới. Thời gian diễn ra tết Nguyên đán trùng với tiết lập xuân, đây là một trong hai mươi tư tiết khí của lịch thiên văn. Theo lịch này tiết khí lập xuân nhằm vào ngày 04 hoặc 05 tháng 02 dương lịch, tính theo âm lịch chính là tiết tháng giêng. Người Tày, Nùng ăn tết cùng thời gian với người Kinh. Mặc dù thời gian và nguồn gốc tết giống nhau nhưng trải qua quá trình lịch sử, tết nguyên đán của người Tày, Nùng đã tạo lập và giữ được bản sắc riêng thể hiện qua từng nghi lễ và lễ vật thờ cúng.
Trước tết từ 1 đến 2 tháng người dân tất bật chuẩn bị gạo, mộc nhĩ, măng khô, fúng xoòng (lạp xườn), thịt lợn… để làm cỗ tết. Nhưng có lẽ quan trọng và sinh động nhất trong văn hóa tết của người Tày, Nùng là công việc fừn nèn (chuẩn bị củi tết). Nhà văn Y Phương đã dành riêng một bài viết để miêu tả về công việc này: “Hồi xưa vào những ngày gần tết, quê tôi hầu như nhà nào cũng chuẩn bị củi đun. Củi lấy về chất thành đống. Trông khối nguyên liệu lù lù to đùng hiện lên như kho thóc, làm chủ nhà yên lòng. Khi lữ khách đi ngang qua, cứ thấy ai, nhà nào có nhiều củi, dân làng lại mừng ro ro ra mặt”(1).
Các công việc chuẩn bị cho ngày tết được phân công đều cho mọi người: đàn ông làm những việc như thịt lợn, fúng xoòng, sửa sang và quét dọn nhà cửa… Đàn bà thì làm bánh khảo, khẩu sli, chuẩn bị lá dong và gạo nếp để gói bánh chưng, sắm sửa áo mới cho gia đình, chuẩn bị hoa quả, bánh kẹo, giấy và vàng mã… Những ngày giáp tết nhà nhà bộn rộn, người người háo hức chuẩn bị, ai nấy đều lo sắm sửa để có được một cái tết trọn vẹn nhất.
Chiều ba mươi tết, nhà ai cũng lo quét dọn bàn thờ, trang hoàng nhà cửa, làm cơm tất niên cúng tổ tiên. Sau khi trang hoàng nhà cửa đồng bào lấy giấy đỏ dán vào những đồ dùng, cây cối, cửa nhà và chuồng gia súc, gia cầm… để gặp nhiều may mắn trong năm mới. Mỗi gia đình đều cắm cây nêu trước cửa với mong muốn xua đuổi tà ma không đến quấy nhiễu.
Sau khi đã xong các công việc, cả nhà quây quần bên mâm cơm tất niên, ông bà răn dạy con cái điều hay lẽ phải, con cái kể cho ông bà, cha mẹ những dự định trong năm mới. Tiếng cười nói quanh mâm cơm chiều cuối năm luôn là hình ảnh đẹp in sâu trong tâm trí mỗi người.
Sáng mùng một tết mọi người dậy sớm ra suối lấy nước, với quan niệm: “nước suối buổi sáng sớm mùng 1 tết hoàn toàn tinh khiết, lấy nước này về thờ cúng tổ tiên để thể hiện tấm lòng kính trọng đối với những người đã khuất… Nước lấy vào dịp đầu năm còn có tác dụng xua đuổi mọi đen đủi, tà ma, cầu mong năm mới nhiều may mắn. Ngoài ra, tục lệ lấy nước chính là một nghi lễ gắn liền với đời sống nông nghiệp của người dân nơi đây”(2).
Vào ngày mùng một tết, người Tày, Nùng mang lễ vật ra miếu để cúng thần thổ công, gồm gà trống thiến, cặp bánh chưng, bánh khảo, khẩu sli, rượu, vàng hương, hoa quả, bánh kẹo... để thần phù hộ cho năm mới làm ăn thuận lợi, côi cối tốt tươi, mùa màng bội thu, gia đình gặp nhiều may mắn.
Ngày mùng hai tết, người Tày, Nùng đi siêu tết gia đình bên ngoại. Từ mùng hai đến mười năm tháng giêng mỗi dòng họ sẽ lựa chọn ngày để đi siêu tết. Lễ vật siêu tết gồm con gà trống thiến (nếu không có thì thay bằng 3 miếng thịt lợn muối), cặp bánh chưng, chai rượu, hoa quả. Ngoài ra, trong ngày mùng hai tết đội múa sư tử múa khắp bản, đi từng nhà để chúc mừng năm mới.
Hết ngày mùng ba tết người dân thực hiện nghi lễ slau xòng nèn (cất mâm tết), sau lễ này gia đình nào có việc sẽ bắt tay vào làm. Còn nếu không bận việc, người dân sẽ chơi tết đến hết ngày 15 tháng giêng.
Có thể nói, tết nguyên đán là dịp để đồng bào trình diễn những loại hình văn hóa dân gian đặc sắc như: hát sli, hát then, múa sư tử, lảy cỏ, đánh khăng, đánh đáo, đánh diến, đi cà kheo… Hoạt động nổi bật không thể thiếu đó là lễ hội lồng tồng bắt đầu diễn ra từ mùng 3 cho đến hết tháng 2 âm lịch. Trên địa bàn xã Thạch Đạn có 3 lễ hội: hội mùng 10 tháng giêng tổ chức ở thôn Nà Lệnh; hội 15 tháng giêng tổ chức ở thôn Bản Roọc; hội mùng 3 tháng 2 tổ chức ở thôn Nà Sla… Các lễ hội này được tổ chức chính là cách để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trước nguy cơ bị mai một.
Ngày 30 tháng giêng, người Tày, Nùng ăn tết đắp nọi, lễ vật cúng gồm con gà trống, thịt lợn, khẩu sli... Tết đắp nọi là một nghi lễ kéo dài của tết nguyên đán, mang ý nghĩa thờ cúng thổ công, tổ tiên và kết thúc tháng tết.
Tết là dịp để con người cộng mệnh với tổ tiên, để gia đình, họ hàng và hàng xóm cộng cảm với nhau… Ngày tết con cháu dù đi xa cũng trở về nhà đón, chính điều này đã góp phần cố kết mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Dịp tết bà con họ hàng qua nhà thăm hỏi nhau, đó là chất xúc tác để thắt chặt hơn mối quan hệ cố kết dòng họ. Tết nguyên đán còn là phương tiện để gắn kết cộng đồng trong lễ cúng thổ công, qua những bữa ăn cộng cảm, mọi người như gần nhau hơn. Ngoài ra, tết cũng là dịp để những giá trị truyền thống của các tộc người được biểu diễn thông qua giọng sli, tiếng lượn của nam thanh nữ tú, hay sắc màu của trang phục, những điệu múa uyển chuyển của người dân. Có thể nói tết nguyên đán là không gian bảo tồn và cũng là nơi để phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người dân.
____________
1. Y Phương, Fừn nèn - củi tết, Nxb Phụ nữ, 2016, tr.129.
2. Lý Viết Trường, Tục lấy nước tết Nguyên đán của người Tày, Nùng Lạng Sơn, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 368, 2015, tr.13-15.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 404, tháng 2 - 2018
Tác giả : LÝ VIẾT TRƯỞNG