VAI TRÒ CỦA SƯ TRỤ TRÌ TRONG BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA PHẬT GIÁO

Quan điểm về sự tham gia của các bên liên quan

Theo Luật di sản văn hóa thì di sản văn hóa là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Theo Abraham Moles, di sản văn hóa là cái hiện đại được truyền lại từ trong quá khứ như một mã di truyền xã hội, một ký ức tập thể được tái sinh, nhớ về quá khứ trên trục thời gian, tạo nên tính liền mạch của nền văn hóa dân tộc. Federico Mayor lại quan niệm di sản văn hóa là hiện thân của một hệ thống giá trị hình thành nên bản sắc văn hóa của dân tộc.

Trong bối cảnh hiện nay, những giá trị di sản văn hóa được nhìn nhận như một nguồn lực phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương, nhận được sự quan tâm của chính quyền các cấp. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, công tác quản lý, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa theo phương pháp truyền thống với cách tiếp cận từ trên xuống đang không đạt được hiệu quả như tiềm năng vốn có. Điều này đặt ra yêu cầu trong việc cần thay đổi những cơ chế trong việc quản lý nhằm tối ưu hóa những nguồn lực, phục vụ đắc lực cho mục tiêu đề ra. Một trong những phương pháp được đưa ra là kêu gọi sự tham gia của các bên liên quan (được xác định là có quyền lợi, trách nhiệm đến di sản) vào công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Tại Việt Nam, trong những năm qua, phương pháp tiếp cận về sự tham gia đã được các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách đưa ra, áp dụng trên nhiều lĩnh vực như quy hoạch đô thị, vấn đề môi trường, an sinh xã hội… Theo các nghiên cứu này, cộng đồng được đánh giá vai trò quan trọng đối với việc tham gia vào các hoạt động cụ thể, được tham vấn ý kiến, xây dựng kế hoạch, vận hành dự án… nhằm phục vụ hiệu quả cho các kế hoạch cũng như cuộc sống của người dân. Ngoài ra, sự tham gia của người dân trong quản lý xã hội là một hợp phần của quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội, phản ánh trình độ dân chủ của mỗi quốc gia, cộng đồng, tổ chức, thiết chế xã hội…

Theo tổ chức Ngân hàng Thế giới (ADB): “Sự tham gia là các quy trình mà qua đó các bên liên quan có thể tác động hoặc đóng góp vào việc thiết kế, thực hiện, theo dõi hoạt động phát triển. Sự tham gia, không chỉ là một mục đích tự thân, góp phần cải thiện các kết quả phát triển. Bằng cách làm cho các bên liên quan hiểu rõ hơn, tham gia vào các quyết định, phân bổ nguồn lực, các hoạt động có ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, sự tham gia còn đảm bảo người tham gia đạt được lợi ích từ sự tham gia này” (1).

Nhằm đánh giá mức độ thực tế tham gia của các bên liên quan, trong nghiên cứu của mình, S.R.Arnstein đã xây dựng, đưa ra 8 nấc thang cơ bản sau: mức độ trao quyền cho công dân: quyền kiểm soát, ủy quyền, cộng tác; mức độ có dấu hiệu của sự tham gia: xoa dịu, tham vấn, cung cấp thông tin; mức độ không tham gia: trị liệu, tâm lý, vận động, lôi kéo.

Trong bối cảnh đô thị hóa hiện nay, lĩnh vực di sản văn hóa đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển, nhưng cũng không ít những thách thức. Nhiều mô hình quản lý nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản một cách tốt nhất được đưa ra, thể hiện sự quan tâm của chính quyền cũng như cộng đồng, nhà khoa học. Tuy nhiên, để lựa chọn một mô hình phù hợp đối với từng điểm di sản là một vấn đề không đơn giản, cần căn cứ vào đặc điểm, thực trạng của di sản, phân tích, đánh giá vai trò của các bên liên quan nhằm tạo ra một sự tối ưu trong việc huy động các nguồn lực xã hội vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Jia Wen, trong nghiên cứu của mình, đã chỉ ra các bên tham gia trong quản lý di sản văn hóa bao gồm: các cơ quan chính phủ, người dân, cộng đồng địa phương, các tổ chức phi chính phủ, khách du lịch, các đơn vị tư nhân, các nhà nghiên cứu. Quan điểm này khá tương đồng với Nguyễn Hồng Nhung. Thật ra, về bản chất, xác định được các bên liên quan tham gia vào các dự án nói chung, nhiệm vụ bảo tồn phát huy giá trị di sản nói riêng chính là việc lấy ý kiến, tri thức… của các nhóm về nội dung được đề cập đến, thông qua quá trình điều hòa lợi ích giữa các bên.

Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ đơn giản ở việc xác định thành phần liên quan mà còn nhằm hướng tới xác định được vai trò, quyền hạn của mỗi bên đối với di sản văn hóa. Không phải thành phần nào cũng có trách nhiệm, vai trò, cùng với đó là quyền lợi như nhau. Theo Nguyễn Đạt Thức, “việc xác định được đối tượng sáng tạo, sở hữu di sản văn hóa là điều đặc biệt quan trọng nhằm đảm bảo quyền sáng tạo, quyền định đoạt, quyền thừa kế cũng như vai trò, nghĩa vụ, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, cộng đồng, Nhà nước đối với từng di sản văn hóa cụ thể” (2).

Tương tự, đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo, ngoài các bên liên quan, còn cần kể đến vai trò của sư trụ trì quản lý ngôi chùa, là đại diện của tôn giáo hay tổ chức tôn giáo. Vấn đề đặt ra ở đây là cần xác định được vai trò cụ thể của sư trụ trì đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo, đặt trong mối tương quan với các bên liên quan khác, đối với từng thành tố của di sản văn hóa Phật giáo. Ví dụ trên góc nhìn từ việc phân biệt chủ sở hữu thực sự của các ngôi chùa, Đặng Văn Bài cho rằng: “Chùa thờ phật thuộc sở hữu của toàn dân, sau nữa là của cộng đồng cư dân địa phương; nhà sư trụ trì là người được cộng đồng trao cho coi sóc ngôi chùa mà không phải chủ sở hữu” (3). Vấn đề này liên quan trực tiếp đến trách nhiệm trong việc chủ động tham gia vào công tác tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo của nhà chùa… Tuy nhiên, cũng nên có một góc nhìn khác cần giải đáp xung quanh câu chuyện sở hữu của sư trụ trì về ngôi chùa làng. Bên cạnh một số ngôi chùa do làng xã xây dựng, mời tăng, ni về trụ trì, quản lý, phụ trách về mặt tôn giáo, còn có kiểu chùa do tổ chức tôn giáo hoặc vị chức sắc tôn giáo xây dựng, được truyền lại qua các đời sư trụ trì tu hành. Với hình thức này, khó để xác định chùa thuộc sở hữu của cộng đồng, nhưng cũng cần mềm dẻo trong việc điều hòa trách nhiệm, tâm thức với cộng đồng làng xã, bởi quá trình làng xã hóa hay cộng đồng hóa theo thời gian.

Di sản văn hóa Phật giáo      

Phật giáo là một tôn giáo lớn, có vị trí đặc biệt đối với lịch sử dân tộc cũng như đời sống văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam. Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, qua con đường hòa bình. Tư tưởng của Phật giáo có nhiều nét phù hợp với hệ tư tưởng, đời sống văn hóa dân gian của người Việt. Bên cạnh đó, Phật giáo Việt Nam gắn bó sâu sắc với lịch sử dân tộc, các nhà thiền sư có vai trò quan trọng cho việc sáng lập vương triều Lý. Phật giáo cũng phát triển tới đỉnh cao, trở thành bệ đỡ tư tưởng xã hội vào thời đại Lý - Trần. Các tăng, ni, phật tử đóng vai trò to lớn đối với sự nghiệp đấu tranh chống giặc ngoại xâm, đặc biệt hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Chính vì vậy, tôn giáo này đã tạo được sự thiện cảm, xây dựng chỗ đứng vững chắc trong đời sống văn hóa Việt.

Tuy nhiên, theo khách quan, Phật giáo khi vào xã hội Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng của văn hóa bản địa, biến đổi một số mô thức nhằm phù hợp với đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt. Điều này, đã làm cho Phật giáo càng tạo ra được sợi dây gắn kết, gần gũi với văn hóa Việt Nam, trở thành một bộ phận quan trọng của di sản văn hóa dân tộc.

Theo UNESCO, di sản văn hóa là các di tích, các công trình kiến trúc, điêu khắc hoặc hội họa hoành tráng, yếu tố hay kết cấu có tính chất khảo cổ, văn bản, các hang động, nhóm yếu tố có giá trị quốc tế đặc biệt về phương diện lịch sử, nghệ thuật hay khoa học. Luật Di sản văn hóa Việt Nam đã khẳng định di sản văn hóa là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Căn cứ theo các định nghĩa nêu ra, chúng ta có thể xác định được những giá trị di sản văn hóa Phật giáo của Việt Nam bao gồm những yếu tố: về giá trị văn hóa vật thể (ngôi chùa, hệ thống tượng phật, cổ vật của ngôi chùa, cơ sở thờ tự...); về giá trị văn hóa phi vật thể (hệ thống tư tưởng nhà Phật, tri thức được lưu truyền qua nhiều đời, lễ hội, âm nhạc, nghệ thuật…).

Một số yếu tố thuộc di sản văn hóa Phật giáo:

Hệ tư tưởng: Phật giáo luôn hướng con người đến tính khoan dung, tinh thần dân chủ, bình đẳng. Với tư tưởng nhập thế, phật pháp bất ly thế gian giác, đại hùng, đại lực, đại từ bi, giáo lý đạo Phật đã hòa quyện với tín ngưỡng văn hóa bản địa, là cơ sở, động lực để Phật giáo gắn bó, đồng hành với dân tộc, có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam. Phật giáo với hệ thống giáo lý tứ diệu đế, lục hòa, bát nhã, luôn hướng con người đến tính chân, thiện, mỹ.

Lễ hội Phật giáo: Có khá nhiều các lễ hội tồn tại, gắn bó với văn hóa Việt Nam mang đậm tinh thần cũng như nằm trong hệ thống văn hóa Phật giáo như: rằm thượng nguyên, lễ Phật đản, lễ an cư kiết hạ, lễ vu lan… Bên cạnh đó, tại một số làng quê, địa phương có tổ chức hội chùa, nổi tiếng như: lễ hội chùa Hương, lễ hội Yên Tử, chùa Keo, chùa Thày, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà…

 
 
 
 
  Ảnh internet
 

Ngôi chùa, hệ thống tượng phật: Ngôi chùa thờ Phật trở thành một bộ phận quan trọng trong cấu trúc văn hóa của làng quê Việt Nam. Bên cạnh chức năng phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân, ngôi chùa Việt còn là một sản phẩm thuộc về tâm thức, tình cảm của người dân làng xã. Đặc biệt, nhiều ngôi chùa được xây dựng ở những vị trí có cảnh quan đẹp, tạo sự hấp dẫn về mặt không gian, phục vụ nhu cầu thăm quan, thưởng lãm. Trong ngôi chùa có hệ thống tượng phật với những giá trị ý nghĩa văn hóa khác nhau.

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể chỉ ra một số di sản văn hóa thuộc về Phật giáo khác, như: âm nhạc Phật giáo, kiến trúc nghệ thuật, hệ thống tri thức của nhà Phật, giá trị về cổ vật… Tất cả những yếu tố di sản văn hóa Phật giáo này đều có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo của làng xã, các tín đồ. Cùng với đó, hệ thống di sản văn hóa Phật giáo có thể trở thành một nguồn lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương nếu chúng ta có kế hoạch, xây dựng chính sách bảo tồn, phát huy một cách hiệu quả.

Vai trò của sư trụ trì trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo

Ngôi chùa làng là biểu tượng vật chất của Phật giáo tại các cộng đồng làng xã. Tại mỗi ngôi chùa đều có tăng, ni cư trú, được Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh bổ nhiệm trụ trì. Trụ trì là người thay mặt giáo hội quản lý, điều hành các hoạt động của cơ sở tự viện theo đúng hiến chương giáo hội, pháp luật Nhà nước. Về mặt luật pháp, trụ trì chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động Phật sự tại cơ sở tự viện. Theo quy định quản lý của Nhà nước, chức sắc, nhà tu hành được thực hiện lễ nghi tôn giáo trong phạm vi phụ trách, được giảng đạo, truyền đạo tại các cơ sở tôn giáo.

Tại các cơ sở thờ tự, sư trụ trì có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo, được thể hiện trên một số khía cạnh sau:

Duy trì giá trị di sản Phật giáo: Bản thân mỗi nhà tu hành nói chung, sư trụ trì nói riêng là người lưu giữ những giá trị của di sản văn hóa Phật giáo như các triết lý của nhà Phật, tư tưởng đạo đức Phật giáo, quy tắc… thông qua quá trình tu hành, rèn luyện.

Duy trì nghi lễ, các khuôn mẫu, thực hành văn hóa Phật giáo: Tại mỗi cơ sở thờ tự, sư trụ trì là người đại diện cho tổ chức tôn giáo duy trì sự hiện diện, ảnh hưởng của tôn giáo đối với đời sống xã hội của cộng đồng. Sư trụ trì thường xuyên làm công tác gìn giữ, dọn dẹp không gian ngôi chùa; giữ gìn, bảo vệ hệ thống tượng phật; giữ gìn các nghi lễ Phật giáo, thường xuyên tụng kinh, niệm phật theo quy định của tổ chức tôn giáo…

Tổ chức các lễ hội Phật giáo: Trong hệ thống các lễ, tiết của đời sống văn hóa Việt Nam, các lễ hội Phật giáo chiếm vị trí quan trọng, trong nhiều trường hợp được đánh đồng thành lễ hội văn hóa của cộng đồng, như: rằm tháng giêng, lễ Phật đản, lễ vu lan… Tại các điểm thờ tự cơ sở của cộng đồng, sư trụ trì sẽ trực tiếp tham gia công tác chuẩn bị, tiến hành tổ chức, thực hiện nghi lễ, sự hỗ trợ, nhu cầu về mặt tâm linh, tôn giáo của cộng đồng địa phương. Việc duy trì các lễ hội này, một mặt làm cho tư tưởng Phật giáo thường xuyên được gìn giữ, sống trong cộng đồng; mặt khác, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng làng xã.

Phát triển hệ thống các ngôi chùa hay chính là việc xây dựng chùa thờ Phật: Sư trụ trì giữ vai trò trong việc đào tạo tăng, ni là người làm nhiệm vụ thế tập cho chính họ về sau; đào tạo về kinh kệ, giáo lý, quản trị chùa…

Kết nối cộng đồng: Có thể nói đây là một trong những vai trò hết sức quan trọng của sư trụ trì trong việc gắn kết giữa đạo với đời, theo tinh thần của pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đảng, Nhà nước khuyến khích các hoạt động từ thiện xã hội, phát triển cộng đồng của các tổ chức tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng. Ngoài ra, giáo lý của nhà Phật còn giữ chức năng giáo dục đạo đức làm người, hướng con người đến với các giá trị chân, thiện, mỹ.

Di sản văn hóa Phật giáo là một bộ phận quan trọng của di sản văn hóa dân tộc, gắn liền với đời sống văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo của các cộng đồng dân cư. Ngày nay, bên cạnh những chức năng về mặt tôn giáo, Phật giáo còn đang giữ vai trò quan trọng trong việc phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, thông qua hoạt động trực tiếp của sư trụ trì tại các chùa. Trước những thách thức của thời đại, vấn đề nhận diện, xây dựng phương pháp bảo vệ giá trị di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam là một việc làm cần thiết. Quan điểm nhìn nhận vai trò của sư trụ trì như một bên liên quan quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo là một giải pháp hiệu quả. Vai trò sư trụ trì cần đặt trong mối tương quan với các bên liên quan khác, nhất là cộng đồng, chính quyền địa phương, cũng như cần được tạo điều kiện hoạt động thông qua cơ chế chính sách của Nhà nước, giáo hội.

_____________

1. Asian Development Bank, Tăng cường sự tham gia vì kết quả phát triển, hướng dẫn của ngân hàng phát triển châu Á về sự tham gia, adp.org, 2012.

2. Nguyễn Đạt Thức, Vài suy nghĩ về việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích gắn với hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng ở nước ta hiện nay, Tạp chí Di sản văn hóa, số 4 (41) - 2012, tr.13 - 17.

3. Đặng Văn Bài, Nhận diện để phát huy di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam, Tạp chí Di sản Văn hóa, số 2 (23) - 2008, tr.7 - 12.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 401, tháng 11 - 2017

Tác giả : NGUYỄN THANH BÌNH

;