Trong xu thế thời đại 4.0, nhiều loại hình âm nhạc hiện đại đã du nhập và phát triển trong đất nước ta. Bên cạnh những người yêu thích sự mới mẻ, hiện đại, cũng có không ít bạn trẻ vẫn say mê với âm nhạc truyền thống. Họ chính là những người giữ sứ mệnh trong công việc tiếp tục bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị tinh hoa của âm nhạc truyền thống.
Nằm trong số các bạn trẻ say mê với âm nhạc truyền thống có bạn Ngô Văn Hảo sinh năm 1996 là người hoạt động tự do về hát xẩm. Hảo cũng là học trò của nghệ nhân Bá Linh (Đào Bạch Linh) - người sáng lập câu lạc bộ Xẩm Hà Thành tại Hải Phòng. Hảo biết đến Xẩm vào năm 2010, trong một lần vô tình nghe được bài xẩm Công cha nghĩa mẹ sinh thành của nghệ nhân Hà Thị Cầu.
Ngô Văn Hảo với một tiết mục hát Xẩm
“Khi nghe bài xẩm, tôi thấy lời thơ rất ý nghĩa, lời hát trong xẩm của cụ đầy chất dân gian và mộc mạc. Lúc đó, tôi cảm thấy rất thích thú và đã đi tìm hiểu thể loại âm nhạc dân tộc này. Vừa nghe, vừa học hỏi, dần dần Xẩm đã đi sâu vào trái tim của tôi” – Ngô Văn Hảo chia sẻ.
Từ năm 2016 đến nay, Ngô Văn Hảo tích cực hỗ trợ các bạn sinh viên và những người yêu thích muốn tìm hiểu, học hỏi về hát Xẩm tại câu lạc bộ 48h (Hà Nội). Lớp Xẩm do Ngô Văn Hảo “đứng lớp” đã truyền dạy nhiều khóa học, cho những yêu mến nghệ thuật hát Xẩm, đồng thời giới thiệu môn nghệ thuật này trong các chương trình ở các tỉnh, thành phố trong cả nước cùng nhiều chương trình văn nghệ học đường khác. Lớp học Xẩm của Ngô Văn Hảo với đa dạng độ tuổi từ các em nhỏ, thanh thiếu niên, sinh viên đến những người lớn tuổi không chỉ được “đắm chìm” trong không gian nghệ thuật của các làn điệu âm nhạc dân tộc mà còn được học hỏi miễn phí.
Nói về việc bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống của dân tộc, Nguyễn Văn Hảo cho biết: “Với Xẩm là sự yêu thích của tôi và thỏa niềm đam mê của bản thân. Đồng thời, tôi cũng mong muốn lưu giữ những gì mà các cụ đã đúc kết từ xa xưa để lan tỏa cho thế hệ trẻ hôm nay. Bởi vì, nếu ít người biết bộ môn nghệ thuật mà bị mai một, mất đi thì sẽ phụ công của những thế hệ đi trước. Để các bạn trẻ biết đến và yêu Xẩm, thì cần phải cho các bạn nghe, tiếp cận với nhiều hình thức, trong đó có việc đưa vào học đường, sau đó tìm hiểu. Vì thế, trong mỗi buổi học về Xẩm trong lớp của tôi thường có ba công đoạn: hát, đàn và những câu chuyện xung quanh về Xẩm…”.
Hay các bạn trẻ thuộc dự án Nhã Âm với mong muốn bảo tồn, phát huy và đưa âm nhạc truyền thống đến gần hơn với các bạn trẻ. Tháng 8-2022, dự án Nhã Âm đã tổ chức thành công đêm nhạc Ấn Cổ với sự trình diễn của các bạn trẻ với các tác phẩm có sự kết hợp giữa nhạc cụ truyền thống và âm nhạc hiện đại. Các tiết mục đã mang đến bầu không khí sôi động, trẻ trung, cuốn hút và được các bạn trẻ đón nhận nồng nhiệt. Sự thành công của liveshow Ấn Cổ là sự khích lệ để Ban Tổ chức Nhã Âm tiếp tục trên con đường đưa âm nhạc truyền thống đến gần hơn với giới trẻ. Được biết, sắp tới dự án Nhã Âm sẽ có những sự kiện: dạy nhạc cụ truyền thống miễn phí cho các em học sinh; tổ chức một số buổi talkshow cho các bạn trẻ được gặp gỡ, giao lưu, tìm hiểu với các nghệ sĩ tên tuổi trong làng nghệ thuật truyền thống. Đồng thời, giúp các bạn trẻ thêm hiểu về tầm quan trọng của việc bảo tồn giá trị dân tộc; đăng tải các video âm nhạc, múa dân gian, mở bán những món đồ chơi hiện đại như UNO, mèo nổ có kết hợp chất truyền thống…
Tiết mục hòa tấu âm nhạc dân tộc của các bạn trẻ trong đêm nhạc Ấn Cổ
Chia sẻ về việc làm ý nghĩa trong thời gian tới, cô gái sinh năm 2005 - Trưởng ban Tổ chức dự án Nhã Âm - Trần Trâm Anh cho biết: “Là một người trẻ, em nhận thấy hiện nay, khi các loại hình âm nhạc hiện đại dần trở nên thịnh hành thì âm nhạc truyền thống dường như khó chiếm được vị trí trong lòng các bạn trẻ. Trong khi đó, âm nhạc truyền thống lại là “quốc hồn, quốc túy”, là đặc trưng riêng của dân tộc. Chính vì vậy, em thấy bản thân nói riêng và thế hệ trẻ nói chung cần có trách nhiệm tìm hiểu, lắng nghe để thêm yêu, thêm trân trọng giá trị của loại hình âm nhạc này. Ngoài ra, em nghĩ rằng việc tìm tòi và biết chơi thêm một loại nhạc cụ dân tộc cũng là một trong những cách để bảo vệ và lan tỏa tình yêu với âm nhạc truyền thống tới mọi người”.
Bùi Thị Ngọc Thoa là một trong gần 100 thành viên của câu lạc bộ Nhạc cụ truyền thống thuộc Trường Đại học FPT cơ sở TP Hồ Chí Minh - FPT Traditional Instruments (FTI). Đến với ngôi trường FPT, Ngọc Thoa đã không ngần ngại mà lựa chọn đàn tranh vì bị thuyết phục bởi “tiếng đàn tranh trong trẻo, bay bổng, khi chơi những bài nhạc cổ, nhạc dân ca lại da diết, thổn thức; nhưng khi kết hợp với các bài nhạc hiện đại lại đem đến những giai điệu hết sức thú vị. Khi được tiếp xúc nhiều với các loại nhạc cụ, em dần có niềm yêu thích với âm nhạc truyền thống. Em cảm thấy phấn khích trong việc tìm hiểu một loại nhạc cụ, hay việc học và chơi nó bằng cả trái tim…” - cô cho biết.
Bùi Thị Ngọc Thoa đã chọn đàn tranh là nhạc cụ mà cô yêu thích
Được học tập dưới mái trường nổi tiếng về đào tạo công nghệ hiện đại, nhưng cũng là nơi đưa âm nhạc truyền thống vào giảng dạy chính thức. Vì thế, Ngọc Thoa cũng thấu hiểu âm nhạc truyền thống là một nét riêng, nét đặc trưng của dân tộc Việt Nam, thế nhưng, bởi sự phát triển của công nghệ và sự giao thoa văn hóa giữa các nước mà âm nhạc truyền thống nước ta đang dần “biến sắc”. Với sự không ngừng du nhập âm nhạc hiện đại, làm thân thuộc hóa hình ảnh âm nhạc dân tộc nhưng lại đang dần đánh mất ý nghĩa, vẻ đẹp cơ bản của nó. Ngọc Thoa cho rằng: “Em nghĩ, việc bảo tồn các nét đẹp dân tộc trong âm nhạc là một điều hết sức cần thiết. Từ đó có thể lan truyền và phát triển tinh thần dân tộc cho các thế hệ sau và các bạn bè cường quốc năm châu. Bởi âm nhạc dân tộc chính là một trong những linh hồn của cha ông, là bản sắc của dân tộc và là niềm tự hào của người dân Việt Nam. Là thành viên của thế hệ trẻ, em nhận thấy giới trẻ chúng em nên chủ động tìm hiểu các kiến thức liên quan đến âm nhạc truyền thống để ít nhất có thể biết và phân biệt được các loại nhạc cụ dân tộc. Thêm vào đó, chúng em có thể tuyên truyền bằng cách sử dụng sáng tạo, tươi trẻ thực hiện các dự án, các sự kiện giúp bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống, giúp những bạn trẻ khác được tiếp cận và truyền thêm niềm yêu thích nhạc cụ truyền thống”.
Bên cạnh việc bảo tồn những nét tinh hoa của âm nhạc truyền thống, nhiều ca sĩ trẻ hiện nay còn mang đến cho khán giả những “món ăn” tinh thần khi kết hợp âm nhạc hiện đại với âm nhạc truyền thống. Sau khi phối khí, hòa âm, những tiết tấu nhanh, mạnh mẽ, sôi động, trẻ trung hòa quyện với làn điệu dân tộc tạo nên phong cách mới cho tác phẩm âm nhạc, nhưng không làm mất đi nét đặc trưng của âm nhạc truyền thống Việt Nam, và đã thu hút sự nhiệt tình đón nhận của khán giả. Ví dụ như MV Bống Bống Bang Bang của Only C, với giai điệu vui nhộn “bắt tai” cùng ca từ đơn giản như kể lại câu chuyện cổ tích “Tấm Cám” quen thuộc; hay nữ ca sĩ Hoàng Thùy Linh từng “làm mưa làm gió” Vpop với ca khúc Để Mỵ nói cho mà nghe (Thịnh Kainz, Kata Trần, T-Bass). Ca khúc mang âm hưởng dân gian Tây Bắc, pha chút R&B, cùng nhạc rap, nhạc điện tử sôi động, cộng với phần MV khai thác các tác phẩm văn học Vợ chồng A Phủ. Cùng với giai điệu hiện đại, ca từ vừa mang yếu tố dân gian, vừa mang yếu tố văn học, ca khúc này của Hoàng Thùy Linh nhanh chóng chinh phục giới trẻ; Những ca khúc dân gian: Còn duyên (quan họ Bắc Ninh), Giận mà thương (dân ca Nghệ Tĩnh), Mười thương (dân ca Huế)… của ca sĩ Hồng Duyên được phối khí lại theo nhiều phong cách âm nhạc hiện đại như acoustic, jazz, semi-classic... được giới chuyên môn ví như một làn gió mới đầy tinh tế, trẻ trung bởi những bản phối hiện đại, từ đó tạo ra phiên bản mới cho những bài dân ca quen thuộc…
Ca sĩ Hà Myo đã thành công khi kết hợp giữa Xẩm với rap và nhạc EDM
Và gần đây nhất là các MV của ca sĩ trẻ Hà Myo (Nguyễn Thị Ngọc Hà) với sự kết hợp giữa Xẩm với rap và nhạc EDM. Nhạc rap và EDM có giai điệu trẻ trung, sôi động đã quá quen thuộc với giới trẻ được kết hợp với xẩm tạo thành bản nhạc độc đáo, vừa có chất xẩm dân gian vừa có chất rộn ràng của rap đường phố, vừa có sự cuồng nhiệt của dòng nhạc của EDM. Sau bốn MV Xẩm Hà Nội, Xẩm Xuân xanh, Xẩm Xuân chúc phúc, Xẩm Bốn mùa hoa Hà Nội, Hát Xẩm Công cha ngãi mẹ sinh thành… ca sĩ trẻ Hà Myo đã mang Xẩm đến gần hơn với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.
Bảo tồn và phát huy những nét đặc sắc của âm nhạc truyền thống giờ đây đã được các bạn trẻ đón nhận và tiếp nối. Điều đó sẽ góp phần gìn giữ những giá trị tinh hoa của âm nhạc dân tộc nói riêng, văn hóa nói chung trong thời kỳ hội nhập quốc tế, không bị mai một, “hòa tan”, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
* TS Phạm Minh Hương - Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc: "Việc hiện nay các bạn trẻ yêu thích âm nhạc truyền thống là một xu hướng tốt. Việc yêu thích này như quan sát của tôi hiện có hai dạng, đó là có một bộ phận các bạn trẻ yêu thích, mong muốn được học tập, giữ gìn âm nhạc cổ xưa của cha ông, nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều bạn trẻ tìm về với âm nhạc truyền thống chỉ là để đi tìm “cái lạ”, sự khác biệt so với các loại hình âm nhạc hiện đại phương Tây đang phổ biến, rồi tiếp cận, khai thác chất liệu từ mảnh đất âm nhạc truyền thống màu mỡ, đa dạng đó, đưa vào các sản phẩm âm nhạc của mình nhằm tạo sự mới lạ, gây chú ý và thu hút khán giả. Nhưng dù ở dạng nào thì đây cũng là những tín hiệu đáng mừng, góp phần tích cực cho việc bảo tồn các loại hình âm nhạc truyền thống. Chúng ta nên khuyến khích giới trẻ sử dụng, phát huy các chất liệu âm nhạc truyền thống nhưng vẫn phải giữ được những nhân tố cốt lõi, bản sắc của âm nhạc dân tộc". |
NGỌC BÍCH