Jataka (hay Kinh bổn sinh), những câu chuyện kể về tiền thân của Phật, vốn có nguồn gốc từ Ấn Độ, ra đời vào TK II - III trước CN gồm 547 truyện. Do sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kinh điển Phật giáo với kho tàng văn học dân gian phong phú nên nó là một trong số ít tác phẩm được đông đảo độc giả, không chỉ ở lục địa Ấn mà nhiều nơi trên thế giới đón nhận, đặc biệt là một số nước Đông Nam Á. Từ cội nguồn văn minh nông nghiệp trồng lúa nước, các quốc gia này đã tiếp biến tập truyện Jataka của Ấn Độ, tạo ra các văn phẩm bản địa hóa để làm giàu có hơn cho nền văn hóa dân tộc mình. Trong bài này, tác giả bước đầu tìm hiểu quá trình bản địa hóa của Jataka tại một số nước Đông Nam Á thông qua trường hợp cụ thể là Jataka 316 trong Kinh bổn sinh.
Một số vấn đề về bản địa hóa trong truyện cổ dân gian
Bất cứ quốc gia nào, trong tiến trình phát triển văn học dân tộc, đều có kho tàng truyện kể dân gian vô cùng phong phú, sinh động. Thể loại này lúc đầu có thể chỉ là câu chuyện đơn giản với một vài môtip nhưng cùng với thời gian, không gian, rất nhiều truyện không còn giữ được dáng vẻ ban đầu của nó nữa. Nhiều nhân tố mới được thêm vào, làm nảy sinh những dị bản khác nhau, mang dấu ấn của hiện thực lịch sử, những đặc điểm sáng tạo nghệ thuật của các cộng đồng dân tộc thuộc nhiều vùng miền khác nhau. Đây chính là quá trình bản địa hóa văn học dân tộc.
Thuật ngữ bản địa hóa chỉ quá trình tiếp nhận văn hóa ngoại sinh từ một cái gốc vững chắc rồi biến thành văn hóa nội sinh, mang sắc thái khu vực, phong cách độc đáo của quốc gia, dân tộc mình. Khởi nguồn cho quá trình bản địa hóa là sự giao lưu, tiếp xúc, tương tác giữa các thành tố/nền văn hóa, kết quả của quá trình ấy là các sản phẩm mới được tạo ra mang đậm hơi thở tâm lý, tính cách dân tộc. Đó không phải quá trình sao chép, mô phỏng một cách cơ học mà là sự tiếp thu có sáng tạo, chọn lọc, dựa trên hồn cốt bản sắc dân tộc, sau đó có biến đổi đi ít nhiều từ cái yếu tố gốc ban đầu để tạo nên một sản phẩm mới mang dấu ấn vùng miền, địa phương, dân tộc, quốc gia.
Đối với các văn phẩm truyện kể dân gian, quá trình bản địa hóa được coi là sự tồn tại nhiều văn bản khác nhau của cùng một tác phẩm trong những không gian, thời gian không giống nhau. Trong văn học dân gian nói chung, các truyện kể dân gian nói riêng, quá trình bản địa hóa một văn phẩm để tạo ra nhiều dị bản mang tính phổ quát. Từ khi ngành folklore học ra đời, việc nghiên cứu những dị bản dân gian thu hút rất nhiều nhà nghiên cứu quốc tế cũng như trong nước. Căn cứ vào các dị bản, người ta sẽ đánh giá được mức độ bản địa hóa, dần bóc tách nhiều vấn đề còn lẩn khuất đằng sau những tác phẩm ấy.
Khác với văn học viết, văn học dân gian phần lớn là những sáng tác tập thể, truyền miệng của nhân dân lao động, ra đời từ giai đoạn công xã nguyên thủy, trải qua các thời kỳ phát triển lâu dài trong các chế độ xã hội có giai cấp, tồn tại đến ngày nay. Với nội hàm này, chúng ta thấy, những tác phẩm văn học dân gian (trong đó có truyện kể) là sản phẩm của nhiều người, lưu hành bằng hình thức truyền miệng nên sự ra đời của nó luôn gắn với không gian, thời gian nhất định. Vì thế, các tác phẩm luôn được tái tạo, sáng tạo (hoặc thêm thắt vào, hoặc lược bớt đi một số yếu tố thuộc về nội dung, hình thức tác phẩm) sao cho phù hợp với hoàn cảnh diễn xướng hay môi trường văn hóa, lịch sử của vùng, miền, dân tộc.
Với những tính chất trên, việc nghiên cứu quá trình bản địa hóa thông qua các dị bản của truyện kể có một vai trò vô cùng quan trọng. Thông qua việc khảo luận các dị bản, người tiếp cận có thể khám phá, giải mã nhiều câu chuyện văn hóa tiềm ẩn phía sau những khác biệt. Dị bản văn học, do vậy, trong chừng mực nhất định, ít nhiều liên quan đến cả vấn đề tiếp nhận văn học: ai tiếp nhận, tiếp nhận cái gì, tiếp nhận như thế nào, tại sao lại tiếp nhận? Điều đó có nghĩa, một tác phẩm văn học dân gian từ dạng thức ban đầu mà có sự lan tỏa tới các vùng, miền, quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau do nhiều yếu tố. Ngoài yếu tố địa lý, bối cảnh văn hóa, lịch sử, đặc điểm tâm lý, tính cách dân tộc là những căn cứ chúng ta có thể dựa vào để lý giải mức độ đậm nhạt cũng như sự tương đồng, khác biệt trong khi cùng tiếp nhận một tác phẩm văn học ở những quốc gia khác nhau, như trường hợp tác phẩm Jataka của Ấn Độ.
Bản địa hóa Jataka 316 trong truyện cổ dân gian Đông Nam Á lục địa
Tập đại thành Jataka của Ấn Độ gồm 547 truyện. Khi kiệt tác văn học này được truyền bá sang các nước Đông Nam Á, số lượng truyện giảm đi rất nhiều. Vốn dĩ là những cư dân nông nghiệp trồng lúa nước nên người dân nơi đây chỉ yêu thích một số truyện nhất định, phù hợp với mình, trong đó có Jataka 316 (chuyện con thỏ, tiền thân Sasa).
Truyện nguyên gốc có nội dung như sau:
Câu chuyện hiện tại: Đức Phật thuyết pháp cho các tỳ kheo về hạnh bố thí.
Câu chuyện quá khứ: Một trong những tiền kiếp của Đức Phật là con thỏ. Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba la nại, Bồ tát sinh ra là một con thỏ sống trong một khu rừng. Thỏ có ba bạn: Khỉ, Chó rừng, Rái cá. Bốn con vật khôn ngoan này sống với nhau, mỗi con săn tìm thức ăn của mình trong một khu riêng biệt, đến chiều tối, chúng đến họp lại với nhau. Thỏ rất thông tuệ, có tài khuyến dụ, thường thuyết về chân lý cho ba bạn kia, dạy các bạn ấy nên bố thí, nên tuân hành luật đạo đức, giữ gìn ngày trai giới. Chúng đều tiếp thu lời khuyến dụ ấy, mỗi con đến trú ở chỗ riêng của mình trong khu rừng ấy. Để thử lòng của thỏ thông tuệ, đức hạnh, Thiên chủ Đế Thích từ cõi trời giả dạng làm Bà la môn đến ăn xin. Lúc đó, Bồ tát ngoài tấm thân ra thì chẳng có gì, thỏ liền nói với thiên chủ: “Này Bà la môn, ngài đến với tôi để kiếm đồ ăn thì thật là đúng lắm. Hôm nay, tôi muốn trao tặng một thứ mà trước đây tôi chưa bao giờ trao tặng, ngài sẽ không phải phạm giới sát sinh. Này bằng hữu, khi ngài chất củi, nhóm lên một ngọn lửa xong thì hãy đến báo cho tôi biết, tôi sẽ hiến mạng sống của tôi, nhảy vào trong lửa. Khi thân tôi đã được nướng chín, ngài hãy ăn thịt tôi rồi hoàn thành các bổn phận tu sĩ của ngài”. Cảm động trước phẩm hạnh của thỏ, Đế Thích muốn phẩm hạnh này của ngài được tỏa sáng muôn đời nên ép một trái núi, lấy nước tinh từ đó ra mà vẽ hình một con thỏ lên mặt trăng. Sau khi đặt thỏ vào chỗ nằm bằng cỏ non kusa, Thiên chủ quay về cung điện của mình ở trên trời. Bồ Tát nhận diện tiền thân. Con thỏ ấy là một hiện thân trong kiếp trước của Ngài. Đức Phật đọc một bài kệ (1).
Nhân dân ba nước Campuchia, Myanmar, Lào rất yêu thích câu chuyện này; họ vay mượn cốt truyện trong Kinh bổn sinh để truyền tải những thông điệp của riêng mình. Jataka 316 khi gia nhập vào kho tàng truyện cổ dân gian Myanmar có tên mới là Ông lão trên cung trăng; sang Campuchia, nó là Hình thỏ trên mặt trăng; ở Lào, nó được đặt tên tương tự là Sự tích hình thỏ trên mặt trăng. Đặc điểm chung của truyện kể dân gian các quốc gia này là thường giản lược về mặt nội dung, hình thức, sau khi vay mượn Ấn Độ. Trong bản gốc, dung lượng truyện dài, nhiều tình tiết, sự kiện. Kết cấu gồm 4 phần: câu chuyện hiện tại, câu chuyện quá khứ, nhận diện tiền thân, sự xuất hiện của bài kệ ở cuối mỗi câu chuyện. Ấy thế nhưng hòa nhập vào môi trường bản địa, câu chuyện được kể lại với ngôn ngữ tự nhiên, gần gũi với lời ăn tiếng nói của nhân dân nên đượm sắc màu folklore hơn là sắc màu tôn giáo. Ví dụ như ở truyện của Myanmar, tác giả vào đầu câu chuyện khá dung dị ; nội dung câu chuyện bắt đầu bằng cụm từ: “Ngày xửa ngày xưa, trong một làng nọ, có một ông lão chuyên làm nghề giã gạo mướn…” (2).
Thông điệp mà tác giả muốn truyền tải cũng như mục đích của quá trình vay mượn truyện Ấn Độ đều nhằm giải thích hiện tượng tự nhiên chứ không phải là mục đích tôn giáo. Điều này được thể hiện rõ trong truyện kể Myanmar khi ở phần kết, tác giả dân gian nhấn mạnh: “Vì thế, đến bây giờ mỗi độ trăng tròn, nếu nhìn kỹ mặt trăng, các bạn sẽ thấy hình ông lão đang giã gạo, con thỏ già đang ngồi ăn cám bên cạnh” (3). Chúng tôi đồng tình với ý kiến của nhà nghiên cứu Lưu Đức Trung rằng: “Trong buổi bình minh lịch sử, con người còn quá ngỡ ngàng trước những hiện tượng thiên nhiên xung quanh mình. Vì sao có mặt trời, mặt trăng, có mây mưa sấm chớp? Con người thuở thơ ấu đó luôn tìm cách giải thích. Cách giải thích của họ bao giờ cũng dựa vào cảm quan của mình, tưởng tượng ra nhiều hình ảnh khác nhau. Dân tộc nào cũng có ít hay nhiều thần thoại về vũ trụ, thiên nhiên. Dân tộc Myanmar cũng vậy, Ông lão trên cung trăng, Nguyệt thực, Cậu ngón cái, Nguồn gốc thế giới chúng ta… đều giải thích các hiện tượng tự nhiên” (4). Rõ ràng, nhà nghiên cứu có lý khi xếp truyện này vào số những truyện dân gian kể về nguồn gốc hình thành vũ trụ của đất nước Myanmar. Truyện của Lào thì nhấn mạnh rằng Ngọc hoàng hết sức kính phục thỏ. Người bồng thỏ lên nâng niu trìu mến. Người hiện nguyên hình, đưa chú thỏ trở lên thiên cung. Để nhớ chú thỏ trung thành với lời hứa, Ngọc hoàng lấy một hòn đá trên một quả núi khắc hình thỏ đem đặt lên trên hình mặt trăng. Từ đó, người ta nhìn lên trên mặt trăng thấy hình chú thỏ rất rõ, chính là dấu hiệu của sự tốt đẹp không bao giờ phai mờ.
Về hình tượng nhân vật từ Jataka 316 đến truyện kể dân gian Myanmar, Campuchia, Lào cũng có nhiều nét được biến đổi đi cho phù hợp với tâm lý tộc người. Nếu trong Kinh bổn sinh, hình tượng Đức Phật là nhân vật chính, truyện nào cũng xuất hiện thì sang truyện của các quốc gia Đông Nam Á lục địa, hình tượng này không còn. Ở phương diện khác, nếu nhân vật phù trợ trong truyện của Ấn Độ được định danh Đế Thích thì truyện của Lào là Ngọc hoàng, truyện của Campuchia là Hoàng đế. Điều này cho thấy, quá trình bản địa hóa có sự đan xen của nhiều yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau chứ không đơn thuần chịu ảnh hưởng của Phật giáo.
Về nghệ thuật miêu tả, trong Jataka, con thỏ là hiện thân của Đức Phật, các câu chuyện được kể nhằm mục đích thuyết pháp nên được tập trung miêu tả, có đối thoại, độc thoại nội tâm. Ngược lại, trong bản kể của Campuchia, Lào, Myanmar, không có các hình thức truyện này. Toàn bộ câu chuyện chỉ được tường thuật lại theo đúng chức năng kể, tả của thể loại cổ tích.
Có thể nói, quá trình tạo ra văn phẩm bản địa hóa Jataka 316 ở Myanmar, Campuchia, Lào là hiện tượng mang tính tất yếu của quá trình giao thoa, tiếp biến văn hóa giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á với Ấn Độ. Cả ba quốc gia đã tiếp thu tinh hoa văn hóa của một trong vài nền văn minh cổ xưa rực rỡ nhất, đồng thời biết sáng tạo để các tác phẩm văn học của mình đậm đà hơn tinh thần dân tộc. Từ những gì trình bày ở trên, có thể rút ra một số nhận xét về quá trình ấy như sau:
Các quốc gia Đông Nam Á lục địa đã không mô phỏng, sao chép, bắt chước hoàn toàn những yếu tố từ bên ngoài mà tiếp thu có chọn lọc, sáng tạo để đứng trên vai một người khổng lồ. Chẳng thế mà các tác giả dân gian Myanmar, Campuchia, Lào tuy kế thừa, chịu ảnh hưởng từ tập truyện Jataka (Ấn Độ) song có nhiều thay đổi, chú ý chọn lựa những yếu tố phù hợp với tâm thức dân tộc mình. Toàn bộ Kinh bổn sinh vốn là tập đại thành gồm 547 truyện nhưng người dân ba nước chỉ tiếp thu một số lượng truyện nhất định. Ban đầu là 50 truyện, sau đó các tác giả dân gian chọn 10 truyện minh họa cho 10 hạnh của Phật pháp. Cuối cùng, chỉ một vài truyện được nhân dân ba nước nồng nhiệt đón nhận. Theo chúng tôi, có hiện tượng này vì trước hết, đây là câu chuyện hay, cảm động; khi lan tỏa, nó có sức hấp dẫn hơn các truyện khác trong toàn bộ hệ thống truyện. Song lý do chính vẫn từ phía các nước tiếp nhận. Trong Jataka, câu chuyện thứ 316 nói đến hạnh bố thí. Trong khi đó, Myanmar, Campuchia, Lào theo Phật giáo tiểu thừa, hạnh bố thí được đặt lên hàng đầu trong 10 hạnh Ba la mật, gồm: bố thí, trì giới, xuất gia, trí tuệ, tinh tấn, kiên nhẫn, chân thật, chí nguyện, từ tâm, xả ly, vậy nên nó được coi trọng.
Ngoài ra, người dân ba nước yêu thích câu chuyện vay mượn từ Jataka 316 vì đó thực sự là văn phẩm cảm động về Đức Phật trong kiếp con thỏ. Nói như tác giả Cao Huy Đỉnh: “Đạo Phật dùng thần thoại này làm Phật thoại, cho rằng con thỏ kia chính là hiện thân của Đức Phật. Mục đích của nhà Phật cốt là để minh họa quan niệm hy sinh, xả thân, lòng từ bi bác ái, quên mình vì đạo” (5). Trong ý nghĩa như vậy, rõ ràng Jataka gốc đã có sự thay đổi (được bản địa hóa) cho phù hợp với các yếu tố dân tộc Myanmar, Campuchia, Lào.
Tóm lại, bằng nhiều con đường khác nhau, Jataka đã du nhập vào Myanmar, Campuchia, Lào. Dẫu không thể phủ nhận sự ảnh hưởng của kinh điển Phật giáo này đối với kho tàng truyện kể dân gian ba quốc gia, hồn cốt mỗi dân tộc vẫn là điều người đọc có thể cảm nhận được trong các văn phẩm đã được bản địa hóa ấy. Điều đó giải thích tại sao đến hôm nay, những câu chuyện có gốc gác từ Ấn Độ vẫn còn nguyên giá trị, được coi là thứ tài sản văn hóa phi vật thể quý báu trong dòng chảy văn hóa ở mỗi nước. Jataka nói chung, Jataka 316 nói riêng, đã thực sự tìm thấy quê hương thứ hai của mình ở các nước Đông Nam Á lục địa.
_______________
1. Thích Minh Châu, Đại Tạng Kinh Việt Nam Nam Truyền, Kinh Tiểu Bộ, tập 4, Nxb Tôn giáo, 2015, tr.318-322.
2. Ngô Văn Doanh, Truyện cổ Lào, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2008, tr.26.
3. Ngô Văn Doanh, Truyện cổ Myanmar, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2008, tr.27.
4. Lưu Đức Trung (chủ biên), Văn học Đông Nam Á, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1999, tr.179.
5. Cao Huy Đỉnh, Tuyển tập tác phẩm, Nxb Lao động, Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2004, tr.50.
Tác giả: Hà Đan
Nguồn : Tạp chí VHNT số 411, tháng 9 - 2018