Oe Kenzaburo sinh ra, lớn lên trong thời đại nước Nhật sau chiến tranh đầy biến động, đã ảnh hưởng sâu sắc đến tâm trí ông. Nó hằn lên thành những vết thương, những nỗi đau đầy sức ám ảnh trong tác phẩm của ông. Chính sự kiện này đã khơi nguồn cảm hứng để ông viết nên tác phẩm Một nỗi đau riêng. Mặt khác, Oe đặc biệt yêu thích Sartre, ông đã thừa nhận rằng tác phẩm của Sartre, Norman Mailer cùng với những nhà văn Nhật nổi lên ngay sau chiến tranh là ba nguồn ảnh hưởng lớn tới việc sáng tạo nghệ thuật của mình. Chịu nhiều ảnh hưởng từ tinh thần hiện sinh, quan niệm nghệ thuật, phong cách viết tiểu thuyết hiện đại, độc đáo của Sartre, Một nỗi đau riêng đã thể hiện tư tưởng của Oe Kenzaburo với những phạm trù như: cô đơn với tha hóa, lo âu với sợ hãi…
Tha hóa như một kiểu thức của hiện sinh
Tha hóa về nhân hình
Nếu như Kawabata Yasunari, người lữ khách muôn đời đi tìm cái đẹp, đã miêu tả chân dung những nhân vật nữ trong các sáng tác của ông với vẻ đẹp ngoại hình tuyệt đỉnh nhất; thì dưới ngòi bút của Oe Kenzaburo, mọi nhân vật, kể cả nhân vật nữ đều mang những nét nghịch dị, biến dạng, kệch cỡm. Con người ở đây mang những đường nét của loài vật mà đôi khi ranh giới giữa nhân hình với vật hình trở nên thật mong manh. Ngoại hình các nhân vật của ông thường được so sánh với các loài vật: gà lôi, chồn, kỳ nhông, gấu, đười ươi, lạc đà, rùa, mèo... Vợ Điểu khi ở trên bàn chờ sinh được miêu tả rất kệch cỡm, không hề gây chút thiện cảm nào (1). Cả vợ Điểu, mẹ vợ Điểu, tất cả dường như đều đi ngược lại với vẻ đẹp truyền thống của phụ nữ Nhật Bản vốn được nhiều nhà văn miêu tả trước đó. Nếu như giọng nói của cô gái Yoko trong Xứ tuyết của Kawabata Yasunari nghe tuyệt diệu, có một vẻ quyến rũ cảm động đến nỗi làm cho trái tim người ta man mác buồn, một giọng nói có âm sắc trong, đẹp đến não lòng, thì ở Một nỗi đau riêng, Oe miêu tả giọng nói của bà mẹ vợ Điểu hoàn toàn đối ngược. Giọng nói của bà nghe qua điện thoại giống như tiếng kêu vo ve vô vọng của một con muỗi. Rồi đến cả cô gái bán hàng khi Điểu vào cửa hàng mua bản đồ, với đôi tay gầy, vấy bẩn, như những ngón tay kỳ nhông bám trên cành cây. Ngay cả Himiko, người bạn gái cũ xinh đẹp của Điểu thời trai trẻ cũng trở nên méo mó về nhân hình (2).
Mỗi dáng vẻ bề ngoài nhân vật của Oe đều được gắn với một loài vật nhất định. Không chỉ là phụ nữ, cả đàn ông cũng thế. Vị bác sĩ, giám đốc bệnh viện nơi vợ Điểu sinh có dáng người lùn, mập tròn như hột mít, chiếc áo blu vấy bẩn banh ngực để lộ ra một chòm lông giống như lưng con lạc đà. Viên bác sĩ trẻ cùng ca trực thì có đôi mắt không cân xứng với khuôn mặt. Đặc biệt, đứa bé, con Điểu, vốn sinh ra đã bị chứng thoát vị não được miêu tả giống như con quái vật hai đầu: “Một đứa bé xấu xí với cái mặt nhỏ thó, đỏ au phủ đầy vết nhăn, lem luốc chất nhờn (3). Qua đôi mắt nhìn của Điểu, tất cả những người mà anh gặp ở bệnh viện dường như đều bị biến dạng về nhân hình. Người đàn ông có đứa con không có gan thì có tấm thân gầy nhom lại mặc chiếc áo quá rộng, trông giống như một miếng vải tạm bọc xác chết khô; đôi cánh tay trần, cổ ông ta đen cháy, đôi mắt lờ đờ, đôi môi nhỏ, khuôn mặt mất cân đối… Viên bác sĩ tại bệnh viện mới, nơi con anh được chuyển đến thì nhìn Điểu với cặp mắt giống như một con rùa háu ăn. Trong con mắt của Điểu, mọi người mà anh gặp đều có những hình thù kỳ quái, giống vật hơn là giống người.
Bản thân anh cũng nhận thức được những đường nét quái gở của mình. Điểu, nhân vật chính trong tác phẩm, được khắc họa rõ nét nhất với sự biến dạng về ngoại hình suốt theo chiều dài tác phẩm. Thêm một lần nữa chúng ta thấy có sự đối thoại giữa bút pháp mô tả ngoại hình của Oe Kenzaburo với mỹ học truyền thống Nhật Bản. Điểu nhìn mình qua ô cửa kính gian hàng thật gầy gò, ốm yếu, chỉ toàn xương với da (4) . Oe dùng thủ pháp tấm gương để phơi bày tất cả diện mạo lố bịch, xấu xí của nhân vật. Qua tấm gương soi ở bệnh viện, Điểu thấy khuôn mặt mình thảm hại ê chề. Nó đúng là khuôn mặt của một kẻ đồi trụy. Ngay từ khi sinh ra đến khi lớn lên anh đều có tướng mạo giống y một con chim. Cái mũi nâu sạm, bóng mượt nhô ra khỏi gương mặt giống như mỏ chim, quặp thẳng xuống đất. Đôi mắt không hồn mờ đục màu keo dán, hầu như chẳng có lúc nào biểu lộ chút tình cảm (5). Những phép so sánh dày đặc khiến cho người đọc có cảm giác dường như bị ngột ngạt khi hình dung ra một thân hình người mang nhiều nét chim thú của Điểu. Không chỉ tự nhìn mình méo mó qua những tấm gương, diện mạo của Điểu còn được soi chiếu qua cái nhìn của người bạn tình Himiko (6).
Dường như với Oe, các nhân vật, dù là nam hay nữ, từ trẻ nhỏ đến người già đều mang những đường nét ngoại hình xấu xí, xù xì, thô nhám, khi mà nhà văn phải chứng kiến những thảm cảnh của đất nước Nhật Bản bại trận, kiệt quệ. Ngòi bút của Oe đã khắc họa một cách nghiệt ngã nhưng đầy chân thực cái hiện thực đau buồn ấy. Sự tha hóa bắt đầu ngay từ chính hình dạng bên ngoài như thế.
Trong Một nỗi đau riêng, các nhân vật còn bị mờ hóa về nhân thân, tên họ. Nhân vật chính trong tác phẩm là Điểu. Đó không phải là tên thật của anh ta, mà chỉ là cái biệt danh anh được đặt từ năm 15 tuổi, bởi ngoại hình của anh rất giống một con chim. Ngoại trừ Điểu, cô bạn gái Himiko, người bạn ấu thơ Kikuhiko, tùy viên công sứ Delchef, tất cả các nhân vật còn lại trong tác phẩm đều không có tên. Họ đều chỉ được nhận diện thông qua nghề nghiệp, chức vụ hay theo quan hệ với người khác: cô bán hàng, vị giám đốc bệnh viện, tay bác sĩ có con mắt giả, người tài xế, một chuyên viên gây mê, người thợ hớt tóc, chàng sinh viên, 3 thày phụ giảng trẻ tuổi, bạn Điểu, vợ Điểu, bố vợ, mẹ vợ, bà chủ nhà, chồng Himiko, cha chồng, bạn Himiko… Đặc điểm này trong bút pháp của Oe có nhiều nét tương đồng với Abe Kobo. Đó chính là một trong những biểu hiện của sự chệch hướng khỏi truyền thống văn xuôi Nhật Bản ở cả hai nhà văn hậu chiến này. Để cho nhân vật không có tên họ cũng chính là muốn nói rằng sự hiện hữu của họ trong thế giới này dường như đã bị gạt bỏ. Oe đã miêu tả một thế giới nhân vật mà sự tha hóa về nhân hình, sự xóa mờ tên họ như là điểm tựa cho những tha hóa về nhân tính sẽ xảy ra như một điều tất yếu.
Không chỉ có vậy, ngay cả độ tuổi của các nhân vật cũng bị biến dạng theo chiều hướng già trước tuổi. Trong lúc lang thang một mình chờ vợ đẻ, Điểu đã thử sức với một trò chơi bằng sắt mà bọn trẻ con đang chơi, kết quả là Điểu hai mươi bảy tuổi bốn tháng mà kẹp, kéo không hơn một người bốn mươi tuổi. Chính sự già nua, yếu đuối ấy đã làm trò cười cho lũ trẻ. Anh chẳng khác nào một ông già còm cõi khi nhìn mình qua ô kính của gian hàng. Kikuhiko, người bạn ấu thơ của Điểu lại mang trong mình sự pha trộn tuổi già, tuổi trẻ một cách quái gở, cậu ta trông giống như một con vật lưỡng cư ở hai độ tuổi khác nhau. Ranh giới tuổi tác khắc nghiệt ấy còn hằn lên trên gương mặt những đứa trẻ sơ sinh trong bệnh viện, vừa sinh xong mà đã có cái nét già nua, điềm tĩnh, vô hại. Các nhân vật Himiko, cô bạn cũ của Himiko tuy đang ở tuổi thanh xuân nhưng những nỗi nhọc nhằn của cuộc sống đã in hằn thành những nếp nhăn già nua trên gương mặt hay khóe mắt của họ.
Con người trong thời hậu chiến trải qua bao nhiêu đau thương, mất mát, cùng với sự biến đổi chóng mặt của nền công nghiệp hóa, của thời đại kỹ trị, dần phải đối mặt với sự biến dạng về nhân hình. Nhân vật trong Một nỗi đau riêng nhận thức được sự tha hóa, biến dạng của mình cũng như những người xung quanh. Qua điểm nhìn của Điểu, không tìm thấy bất cứ vẻ đẹp nào từ ngoại diện của các nhân vật, kể cả từ những đứa trẻ ngây thơ. Tất cả đều mang chứa những đường nét nghịch dị, kệch cỡm, đáng cười nhưng cũng thật đáng thương. Đứa bé không có gan, đứa trẻ hai đầu… đó chính là những di chứng đau đớn, nghiệt ngã của hai quả bom nguyên tử, của cuộc đại chiến thế giới sẽ vẫn còn đè nặng lên đôi vai nhiều thế hệ người Nhật. Oe đã khắc sâu vào cái hiện hữu của con người đang tiếp diễn nhưng dần bị biến dạng, tha hóa. Đó là những thực thể hiện hữu mang đầy vết thương, từ nhân hình đến nhân tính.
Tha hóa về nhân tính
Oe đã khắc họa những bức chân dung nhân vật mang màu sắc nghịch dị, kệch cỡm từ ngoại hình đến tính cách. Nhóm bác sĩ đỡ đẻ cho vợ Điểu đã cư xử một cách bất thường khi chứng kiến cảnh con Điểu ra đời bị dị dạng; họ nhìn anh bằng ánh mắt của quan tòa, làm cho anh cảm thấy mình bị đe dọa. Viên bác sĩ giám đốc bệnh viện đã không đi thẳng vào vấn đề mà nói với Điểu về đứa bé là giống quái vật chưa được phân loại, là con quái vật hai đầu… Tệ hơn nữa, Điểu còn phát hiện ra rằng, khi vợ anh sinh ra đứa bé dị dạng, vị bác sĩ này đã ngay lập tức cất lên tiếng cười rúc rích, khiến cho vợ anh dù bị gây mê cũng nghe rõ. Hành động của ông không ăn nhập gì với thiên chức của một giám đốc bệnh viện, bác sĩ sản khoa đầy kinh nghiệm mà nó chính là một trò hề của một ông lang vườn trên sân khấu hài. Ngoài giám đốc bệnh viện, tay bác sĩ có đôi mắt giả cũng bày tỏ ngay ý nghĩ của mình với Điểu rằng đứa bé chết càng nhanh càng tốt cho tất cả những người liên quan, anh ta nghĩ cho dù đứa bé còn sống thì cũng chỉ là một đời sống thực vật, không thể biết đến sự đau đớn là gì. Anh ta khuyên Điểu rằng hãy để cho đứa bé yếu đi, chết trước khi họ có thể giải phẫu. Trước một tình huống bất ngờ mà họ gặp lần đầu tiên trong đời, tất thảy đều không nghĩ là nên để đứa bé sống hay nên nghĩ cách cứu sống đứa bé. Rồi viên bác sĩ ở bệnh viện quốc gia nơi đứa bé mới được chuyển đến, thì thầm với Điểu về việc điều chỉnh sữa của đứa bé cho ít đi, thay thế bằng nước đường, để chờ đứa bé yếu dần đi sau vài ngày. Ngay cả mẹ vợ của Điểu khi nhìn thấy đứa bé được sinh ra, trong lòng bà cũng nảy sinh ý định để cho đứa bé chết đi còn hơn. Hầu như tất cả những nhân vật có liên quan hoặc biết đến sự ra đời của đứa bé hai đầu đều có chung ý định là làm cách nào cho nó nhanh chết đi, bởi nó sống chỉ là nỗi khổ, là gánh nặng cho bố mẹ nó suốt đời. Nhân tâm, nhân tính của con người đã trở nên suy đồi, tha hóa đến hết mức có thể. Duy chỉ có vợ Điểu, bởi chưa biết cụ thể đứa bé bị dị dạng thế nào nên đã nhất quyết đòi Điểu phải cứu bằng được con mình, nếu không sẽ ly dị Điểu.
Trong tác phẩm, chúng ta chứng kiến từ đầu đến cuối tâm trạng dằn vặt, giằng xé, đau khổ tột cùng của Điểu khi tham gia vào cái âm mưu đen tối đó. Chính bản thân anh đã nhận thức được quá trình trượt dốc đi đến sự suy đồi về nhân cách của mình. Khi lần đầu tiên nhìn thấy con mình với cái đầu băng kín, đỏ au, thấm máu, Điểu đã liên tưởng đến cái đầu quấn băng của nhà thơ Apollinaire. Ý nghĩ của tay bác sĩ một mắt đã khiến cho tâm trí anh bắt đầu rối bời, sợ hãi, nhưng đi kèm lại là cảm giác khuây khỏa một cách tội lỗi, rằng nếu đứa bé chết đi thì chẳng mấy chốc anh cũng sẽ quên ngay nó, bởi tiếng khóc yếu ớt, sự tồn tại của nó có vẻ tầm thường hơn một hạt cát. Điểu nghĩ một cách chắc chắn rằng nếu ngày mai anh trở lại bệnh viện, có lẽ đứa bé đã chết rồi, dường như anh hằng mong chờ điều tệ hại đó sẽ xảy ra. Anh suy nghĩ về cái chết của đứa bé, về tội lỗi của chính bản thân mình. Nỗi sợ hãi dâng trào trong anh. Điểu uống rượu say, nôn thốc nôn tháo. Trong thâm tâm của Điểu, anh nhận thức được rằng cái âm mưu mà anh đang hùa vào ấy chính là tội lỗi xấu xa, vô liêm sỉ, thế nhưng anh vẫn tiếp tục trượt dài trên sự xấu xa đó. Dẫu cảm thấy tội lỗi, anh vẫn mong chờ cái chết của đứa bé, trong tận cùng tâm tưởng anh tin chắc con mình đã chết. Ý nghĩ đen tối ấy thấm sâu vào trong anh, đến nỗi khi nhìn mình qua chiếc gương soi ở bệnh viện, anh phải thốt lên rằng: đúng là khuôn mặt của một kẻ đồi trụy.
Thế nhưng, ngược lại với mong muốn, niềm tin chắc như đinh đóng cột của anh, đứa bé vẫn chưa chết. Nhà văn đã để cho nhân vật phải trải qua những cuộc thử thách cam go của sự giằng xé tâm trạng, của nỗi đau khổ, sợ hãi, cảm giác tội lỗi bủa vây lấy mình. Tất cả những gì anh làm cho đứa con bé bỏng tội nghiệp của mình là cứ để yên nó ở bệnh viện chờ cho nó yếu dần đi, chết một cách tự nhiên. Anh về nhà cô bạn gái cũ Himiko, chờ điện thoại gọi đến từ bệnh viện. Càng lúc anh càng lấn sâu vào vòng tội lỗi, vào sự trượt dốc, tha hóa về nhân tính. Anh quyết tâm ngăn không cho bác sĩ mổ cho đứa bé, lo sợ cho tương lai của mình khi phải mang theo một đứa con dị tật đến hết đời. Tất cả chỉ là để tìm một lối thoát. Anh đã mang đứa bé ra khỏi bệnh viện để tiếp tục thực hiện cho bằng được cái âm mưu lúc đầu của mình, đem đứa bé đến cho một bác sĩ tư để giải quyết vấn đề. Thế nhưng, cuối cùng, anh đã quyết định mang đứa bé về lại bệnh viện để cho họ mổ. Anh đã quá sức mệt mỏi với sự trốn chạy. Đó là cách để anh đương đầu với thực tại, đương đầu với trách nhiệm của mình. Đúng như tư tưởng hiện sinh tích cực, con người cuối cùng đã lựa chọn nhập cuộc, dấn thân. Cuối cùng thì anh đã có một lựa chọn đúng đắn. Đứa con anh sau phẫu thuật lại hoàn toàn bình thường, bởi nó đơn giản là một khối u lành tính, chứ không phải chứng thoát vị não.
Nỗi cô đơn, sợ hãi, lo âu đeo bám
Sợ hãi, cô đơn ấy chính là những kiểu thức sinh tồn của chủ nghĩa hiện sinh. Từ đầu đến cuối tác phẩm, chúng ta nhận thấy nỗi sợ hãi đeo bám Điểu, giống như một tâm trạng thường trực mà anh không thể nào thoát ra được. Điểu cảm thấy sợ cả lúc tỉnh lẫn lúc mơ, cả khi vợ anh chưa sinh con lẫn sau khi nghe tin vợ anh sinh ra một quái thai. Cùng với cảm giác xấu hổ, day dứt vì mưu đồ đầy tội lỗi của mình, Điểu luôn luôn cảm thấy sợ hãi. Anh sợ rằng đứa bé không chết đi mà trở thành gánh nặng mãi mãi cho vợ chồng anh, nó sẽ giam hãm anh suốt đời, không thể được một phút tự do, không được đi châu Phi như anh ao ước. Ở đây, sợ hãi một lần nữa đã chứng tỏ sự tha hóa sâu xa trong tâm hồn nhân vật.
Nỗi sợ theo anh suốt cuộc hành trình của sự giằng xé tâm trạng, xen lẫn cả nỗi đau, giọt nước mắt, cảm giác xấu hổ, giận dữ. Nhưng cảm giác sợ hãi lớn nhất, sâu xa nhất, có ý nghĩa nhất chính là nỗi sợ anh sẽ chết vì tai nạn xe hơi trước khi kịp cứu đứa bé. Ý nghĩ thoáng qua trong đầu anh nhưng nó lại thể hiện sâu sắc nhất sự trở về của nhân tính trong anh. Điểu, sau khi trượt dốc dài trên con đường tha hóa, đã lần đầu tiên tỉnh ngộ, có một lựa chọn mang tính quyết định là sự dấn thân, nhập cuộc, một ý thức gánh chịu, đương đầu với trách nhiệm của mình chứ không trốn tránh nó nữa. Lúc này, nỗi sợ hãi của anh không phải là nỗi sợ của sự lẩn tránh, mà là nỗi sợ rủi ro của người phải mang trách nhiệm lớn lao là cứu sống đứa con mình. Tính tích cực của tinh thần hiện sinh thể hiện rõ nhất ở quyết định cuối cùng này. Trải qua bao nhiêu trăn trở, dằn vặt, lo âu, sợ hãi, Điểu đã tự mình chọn lựa để gánh lấy trách nhiệm với đứa con tội nghiệp. Sự lựa chọn ấy làm nên bản tính đích thực của con người, khẳng định phần tâm hồn của nhân vật cho dù đã bị trượt dài tha hóa vẫn có thể tự cứu chữa, chỉ bằng một quyết định quan trọng nhất.
Trong Một nỗi đau riêng, không chỉ có Điểu mà nhân vật cô bạn gái của anh, Himiko cũng luôn sống trong sự sợ hãi, cả lúc ngủ lẫn lúc thức, đặc biệt là từ sau khi chồng cô đột nhiên tự tử. Đi liền với nỗi sợ hãi, cô đơn của nhân vật là những âu lo triền miên không dứt. Tâm trạng hoảng loạn, lo âu, sợ hãi ấy chính là tâm thức chung của con người thời hậu chiến, với sự chứng kiến, trải nghiệm những mất mát, đau thương của cá nhân, sự biến động của xã hội.
Chủ nghĩa hiện sinh, tư tưởng hiện sinh của Sartre đã có ảnh hưởng sâu đậm nhất trong Một nỗi đau riêng của Oe Kenzaburo. Ngay cả cái cảm giác buồn nôn mà Điểu thường xuyên cảm thấy trong tác phẩm cũng là do ảnh hưởng cách xây dựng nhân vật Antoine Roquentin trong Buồn nôn của J. P. Sartre. Nếu như nhân vật của Sartre buồn nôn vì ghê sợ sự vật của thế giới xung quanh, thì nhân vật của Oe buồn nôn vì cảm thấy ghê tởm chính bản thân mình.
Trong tác phẩm, nhà văn đã để cho nhân vật nếm trải đủ thứ cảm giác lo âu, sợ hãi, cô đơn, tủi nhục, xấu hổ, tuyệt vọng. Suốt trong quá trình đó, khi phải đối mặt với bi kịch về đứa con sinh ra đã bị quái thai, nhân vật trượt dài trên cái dốc của sự méo mó, tha hóa về nhân hình, nhân tính. Thời hậu chiến đầy mất mát, đau thương đã sản sinh ra một nhà văn có tư tưởng mang tầm nhân loại. Ngòi bút của ông đã chạm đến những vấn đề đau thương nhưng thấm thía nhất của loài người.
____________
1, 2, 3, 4, 5, 6. Oe Kenzaburo, Một nỗi đau riêng, Nxb Văn nghệ, TP.HCM, 1997, tr.5, 8, 9, 88, 114, 235.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 396, tháng 6-2017
Tác giả : TRẦN THỊ THỤC