Với sự ra đời của phân tâm học, nhân loại nhận thức được một thế giới khác tồn tại bí mật nhưng vô cùng phức tạp, hấp dẫn. Cho phép con người thám hiểm chiều sâu bản thể, từ đó bổ sung những góc nhìn mới về hiện thực đời sống. Tương tác với nhu cầu đổi mới của nhà văn hiện đại, phân tâm học trong văn học Việt Nam đã phát huy hiệu ứng thẩm mỹ thông qua các phương diện nghệ thuật. Trong dòng chảy tiểu thuyết đương đại, Nguyễn Bình Phương được coi là một trong những nhà văn thành công khi vận dụng phân tâm học để xây dựng nhân vật, tạo ra những chiều kích mới.
Phân tâm học do S. Freud (1856 - 1939), một bác sĩ chữa bệnh tâm thần người Áo, gốc Do Thái sáng lập, là một trào lưu tư tưởng xuất hiện đầu TK XX, nhanh chóng trở thành hiện tượng có tính thời sự. S. Freud được biết đến như vị triết gia đầu tiên phân tích sự hiện hữu của tâm linh vô thức trong đời sống con người một cách hệ thống, khoa học. Sự ra đời của phân tâm học đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc nhận thức những góc khuất vi diệu của tâm hồn con người. Học thuyết này đem lại một cách nhìn con người với tư cách cá nhân, rọi chiếu vào thế giới nội tâm, giúp hiểu sâu được những vỉa quặng vô giá trong tâm hồn mỗi con người.
Độc giả Việt Nam biết đến phân tâm học hơn nửa thế kỷ nay qua sáng tác của Vũ Trọng Phụng với Số đỏ, Làm đĩ, Giông tố, các bài phê bình của Trương Tửu, Nguyễn Văn Hanh. Đến thời kỳ đổi mới, nhất là sau năm 1990, cùng với quá trình dân chủ hóa mọi mặt của đời sống, phân tâm học được giới thiệu một cách khách quan, hệ thống, có tác động, ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống xã hội, văn học nghệ thuật. Lý thuyết phân tâm học được đón nhận cởi mở hơn, góp phần làm thay đổi tư duy sáng tạo ở nghệ sĩ, đồng thời mở ra chủ đề, bút pháp mới. Tiểu thuyết gia Việt Nam giờ đây đã không ngần ngại miêu tả yếu tố sắc dục, tình yêu nhục thể, những cái thuộc về đời sống bản năng, thế giới tâm linh bí ẩn của con người. Họ ý thức được rằng: đời sống bản năng, tâm linh là lĩnh vực khiến cho con người có khả năng “vượt ra ngoài giới hạn của toàn bộ cái hiện hữu” (1). Chính quan niệm về tính phức tạp, bí ẩn của con người đã dẫn dắt các nhà văn đi tìm con người bên trong con người. Đó là nguyên nhân ra đời hàng loạt tác phẩm: Thiên thần sám hối (Tạ Duy Anh), Cõi người rung chuông tận thế, Người đàn bà trên đảo, Mảnh vỡ của đàn ông (Hồ Anh Thái), Thiên sứ (Phạm Thị Hoài), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Tấm ván phóng dao (Mạc Can), Thoạt kỳ thủy, Ngồi, Người đi vắng (Nguyễn Bình Phương)…
Thời kỳ đổi mới với quá trình dân chủ hóa đời sống đã tạo điều kiện cho các luồng văn hóa khác nhau từ phương Tây du nhập vào Việt Nam, trong đó có phân tâm học. Là một nhà văn thuộc thế hệ hậu chiến, với tư duy đổi mới, Nguyễn Bình Phương ít nhiều cũng tiếp thu tư tưởng này. Song những luận thuyết của phân tâm học khi đến với Nguyễn Bình Phương đã được khúc xạ nhiều qua lăng kính chủ quan của nhà văn. Đối với Nguyễn Bình Phương, viết như một sự giải tỏa, không đơn thuần là giải tỏa những ẩn ức tình dục mà còn giải phóng khát vọng được cất lên tiếng nói riêng, bộc lộ quan điểm về cuộc đời, con người.
Trên văn đàn Việt Nam đương đại, tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương được ghi nhận là có nhiều cách tân, khai thác lục địa của những tiềm ẩn, chôn vùi, giấu kín. Vô thức đã trở thành đối tượng trung tâm của miêu tả nghệ thuật. Nội tâm con người đương đại được nhà văn khai phá, thể hiện một cách sâu sắc, tinh tế. Thế giới vô thức của nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương đưa lại những cảm nhận thấm thía về nỗi đau thân phận con người. Ghi nhận con người là thực thể đa chiều, với ba chiều kích cơ bản: bản chất sinh học, bản chất xã hội và bản chất tâm linh, phân tâm học đi sâu nghiên cứu phần vô thức, tâm lý bản năng của con người. Trong các tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương có sự dung hợp ba góc độ tiếp cận con người: đời sống hiện thực phồn tạp, đời sống tự nhiên bản năng và đời sống tâm linh vô thức. Điều này đã tạo nên bảng hòa sắc dị kỳ giữa các gam màu, ảo và thực, trong sáng và đen tối. Với luận thuyết phân tâm học, Nguyễn Bình Phương chỉ tiếp nhận cái lõi cơ bản nhất, đó là vai trò, ý nghĩa của vô thức trong cấu trúc nhân cách con người. Sáng tác của nhà văn không phải là sự minh họa xơ cứng cho luận thuyết này mà mang một quan niệm độc đáo về nhân sinh. Nhà văn không đồng tình với tư tưởng vô thức bao hàm yếu tố có tính dục. Tái hiện cõi vô thức, các tiểu thuyết bộc lộ cái nhìn riêng: vô thức còn bao gồm nhiều thành phần xúc cảm, những trải nghiệm cá nhân trong thời kỳ phát triển tâm sinh lý cộng đồng.
Trong tiểu thuyết, Nguyễn Bình Phương đã chứng tỏ bản lĩnh, khả năng thâm nhập, tái hiện lại lớp trầm tích trong tâm hồn nhân vật. Thông thường, các nhà văn trước đây chỉ dừng lại ở việc diễn tả những biểu hiện, những hành vi phát tác bên ngoài của nhân vật do sự chi phối của tâm lý. Còn Nguyễn Bình Phương đã thực sự thành công trong sự phiêu du vào cõi thâm cung bí ẩn, phức tạp của tâm hồn con người. Vượt qua được giải tần mờ ngăn cách bên ngoài, không gian tâm lý bên trong, nhà văn khám phá mặt sau của hành tinh con người. Do vậy, kiến trúc tinh vi vốn được che giấu của tâm hồn dần hiện ra trước ánh sáng. Nhờ đó, nhà văn biểu hiện được cái siêu hiện thực trong cái hiện thực nhàm chán của thế giới. Nhân vật có cơ hội được nói tiếng nói chân thật tự đáy lòng, độc giả có cơ hội hiểu đời, hiểu người, hiểu thêm chính mình.
Cấu trúc tâm lý nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương gồm ba lớp: ý thức, tiềm thức, vô thức. Trong đó, thượng tầng là ý thức, trung tầng là tiềm thức và nền móng là vô thức. Ba tầng được kiến thiết không phải bằng vật chất hữu hình mà bằng sự kết hợp linh hoạt của nhiều chất liệu theo phong cách hiện đại. Nhờ đó, người đọc có thể cảm nhận được các mảng màu, hình khối, biến thái phong phú của thế giới nội tâm nhân vật. Ý thức có lúc chìm khuất thành vô thức, vô thức có lúc trỗi dậy chi phối ý thức, điều khiển hành động con người. Tiềm thức đóng vai trò là lớp trung chuyển. Sự tồn tại, chuyển hóa của các thành tố trong cấu trúc tâm lý nhân vật được tái hiện không hề lộ liễu, thô vụng mà sinh động, tinh tế.
Trong Thoạt kỳ thủy, các tầng trong cấu trúc tâm lý nhân vật, đặc biệt là Tính, nhân vật trung tâm, được thể hiện khá sắc nét. Tính mang dáng dấp con người sống trong thời đại hỗn mang nguyên thủy. Ý thức của hắn được nhà văn vẽ bằng những nét gai góc, xô lệch. Tiềm thức bị ẩn đi làm nền cho vô thức nổi bật lên. Với những màu sắc vừa rực rỡ, vừa dữ dội của máu, lửa được khúc xạ qua luồng sáng mờ nhòe của ánh trăng, tính lập thể của các hình khối, Nguyễn Bình Phương tạo ra một cảm giác hoang dại, ma quái tràn ngập không gian tác phẩm. Nhạc tính của ngôn từ được gia tăng chất siêu thực, để vô thức của người điên được bộc lộ một cách ám ảnh. Bằng con mắt của tâm thức, tác giả đã giải phóng triệt để trận đồ của vô thức qua sự huyền bí của màu sắc, tính ảo mộng của ngôn ngữ, khả năng ngắt quãng của dòng thanh âm. Những vết tích của đời sống, những ký ức, ấn tượng mà Tính đã trải qua như: chọc tiết lợn, đốt nhà, sắc vàng của ánh trăng, hình ảnh người bố gặm chén… đã quy chuyển thành khao khát chém giết, đốt phá và lắng xuống tầng vô thức. Khi bị dồn xuống vô thức, những hình ảnh đó bị biến dạng, xáo trộn, chồng chéo lên nhau trong trạng thái mộng mị. Gặp hoàn cảnh cụ thể, khao khát hủy diệt ẩn trong vô thức của Tính tìm cách len qua tiềm thức và trở thành động cơ cho những hành vi hung hãn, giết người, đốt nhà.
Người đi vắng giống như một bản hợp âm của tiềm thức và vô thức. Nhân vật không sống trong sự ý thức. Mỗi người đều có niềm đam mê riêng, chỉ biết sống với sự cô đơn, khóa mình trước hiện tại. Vì thế, nội tâm mỗi cá nhân là một thế giới biệt lập, khép kín. Nhân vật tự cảm nhận mình, chôn chặt những tâm sự, hoài nghi, dục vọng… Cõi người sâu thẳm hiện lên ảm đạm với gam màu xám chủ đạo, cung trầm buồn xao xác, pha tạp. Hoàn sống trong nỗi niềm cô độc, đi trong cõi mơ, trôi dạt trong im lặng của thời gian chết, trong “không thời gian, không mùa, không cả bầu trời”, bỏ lại sau lưng cuộc sống gia đình tồn đọng, bế tắc.
Ngồi lại thể hiện khá rõ ranh giới ngăn cách giữa vùng ý thức và vô thức qua nội tâm Khẩn. Ý thức của Khẩn được nhà văn diễn tả bằng những vệt màu hỗn độn trên một phông nền thô nhám. Câu chuyện như một thước phim chậm, điểm vào những âm thanh ồn ã, ngắt quãng của đời thường. Cõi vô thức của Khẩn như một bức vẽ lập thể, bị cắt rời thành hai cực đối lập. Ẩn giấu đâu đó trong đáy sâu tâm hồn là những ham muốn, dục vọng bản năng, khao khát thánh thiện. Những ham muốn thúc đẩy anh sống theo tiếng gọi của khoái lạc, sa vào những cám dỗ, tệ nạn. Những khao khát nhân bản về người con gái trong mối tình đầu trở thành yếu tố giúp nhân vật sống, giữ tính thiện trong dòng đời hỗn loạn.
Điểm chung nhất và quan trọng nhất trong việc biểu hiện cấu trúc tâm lý con người trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương là việc thể hiện kiểu cấu trúc độc thoại, hướng nội. Hầu hết các nhân vật của Nguyễn Bình Phương (Tính, bà Liên, ông Phước, Hiền trong Thoạt kỳ thủy, Thắng, Cương, Hoàn, Kỷ, Yến trong Người đi vắng, Khẩn, Nhung, Minh, Thúy, Hùng, Nghĩa trong Ngồi) đều có xu hướng không đối thoại với thế giới bên ngoài. Mỗi cá nhân là một nhân cách khép kín, thường chỉ sống với quá khứ, những ẩn ức tinh thần, ám ảnh mộng mị cùng với nỗi đau, sự mặc cảm. Các nhân vật giao tiếp rời rạc, đứt quãng, không tìm được mối dây đồng cảm. Ít người trong số họ chống lại được sự đưa đẩy của số phận, những cám dỗ của xã hội, ham muốn tính dục, mặc dù họ ít nhiều ý thức được tình thế của mình cũng như thực tế.
Chọn cho mình hướng đi khám phá ẩn mật bản ngã tâm hồn con người, Nguyễn Bình Phương đã tự đặt mình vào một cuộc phiêu lưu, thử thách đầy khó khăn. Vượt qua lối tư duy nghệ thuật cũ mòn, Nguyễn Bình Phương sử dụng các thủ pháp của hội họa (điểm nhìn bên trong, luật cận viễn, sáng tối, đậm nhạt…), khai thác triệt để thứ âm nhạc đặc biệt của ngôn từ. Ý thức, vô thức, tiềm thức hiện lên trong sự đan xen, phối kết, được biểu hiện linh hoạt có điểm có diện, khi mờ lúc đậm phù hợp với sự biến đổi nhân cách nhân vật và ý đồ nhà văn.
Theo Freud, vô thức, ý thức, tiềm thức vừa có mối quan hệ biện chứng, chuyển hóa đồng thời xung đột lẫn nhau. Đây chính là quan hệ đối kháng nhằm chọn lọc, bài trừ ba yếu tố: dị ngã, bản ngã và siêu ngã. Trên thực tế, bản thân mỗi con người luôn tồn tại những ước mơ, ham muốn, khao khát bản năng. Do đó, mỗi cá nhân thường xuyên tồn tại mâu thuẫn giữa ham muốn mãnh liệt với giới hạn hành vi có thể thực hiện trong thực tế. Cá nhân phải đấu tranh nội tâm để dung hòa mâu thuẫn, sao cho vừa có thể thỏa mãn những ham muốn, vừa không vi phạm những chuẩn mực đạo đức (tức là tạo sự cân bằng tâm lý). Song không phải lúc nào sự cân bằng đó cũng được đảm bảo. S. Freud đã từng chỉ ra: di ngã, siêu ngã luôn muốn kéo bản ngã về phía nó. Và lương tâm, đạo đức không phải lúc nào cũng chiến thắng ham muốn bản năng. Vì thế vẫn tồn tại những con người tha hóa, không giữ được tính người, tình người.
Trong cấu trúc tâm lý nhân vật của Nguyễn Bình Phương, vô thức chiếm giữ vị trí chủ đạo. Nhà văn hướng đến diễn tả sự áp đảo của vô thức đối với ý thức, lý trí và tính chất quyết định của vô thức đối với hành vi con người. Tác giả đã lựa chọn, xây dựng một số dạng thức nhân vật cơ bản như: tha hóa, hoang tưởng, điên, lưỡng hóa, cô đơn. Đây là kiểu nhân vật mà trong tự thân, phần vô thức mạnh hơn phần nhận thức, lý tưởng. Hệ thống nhân vật này được đặt trong một môi trường hỗn loạn, không có chuẩn giá trị nên ham muốn bản năng, vô thức càng có cơ hội bộc lộ thành hành động một cách tự nhiên. Qua việc tái hiện mối quan hệ giữa vô thức và ý thức, vô thức với đời sống thực tế của nhân vật, Nguyễn Bình Phương thể hiện những mảng tối, mặt trái đầy phức tạp còn ẩn khuất của đời sống xã hội cũng như những tác động của thời cuộc đến cuộc sống, nội tâm con người đương đại.
Nếu Thoạt kỳ thủy là một bài thơ đẫm máu, nước mắt thì Người đi vắng là một bản nhạc trầm buồn, nhiều dấu lặng với nỗi cô đơn bất tận, trạng thái hoảng loạn, bất an của con người; Ngồi lại tập trung thể hiện những tiếng gầm gào đầy mãnh lực của bản năng con người giữa đời sống hiện thực phồn tạp. Đó là bản năng đấu tranh để giành giật địa vị, quyền lực, loại bỏ kẻ đối địch để giữ lấy những gì đạt được.
Đặt nhân vật trong mối quan hệ với bản thân và hiện thực đời sống, Nguyễn Bình Phương đã thể hiện sắc nét sự chi phối mạnh mẽ của bản năng vô thức đối với hành vi, lối sống con người. Thuận theo tiếng gọi của bản năng, con người dần đánh mất bản chất, nhân tính, tình người. Để cuối cùng, họ chợt nhận ra mình đang là nạn nhân đau đớn của chính mình. Thông qua việc tái hiện bi kịch của những con người bị bản năng chi phối, Nguyễn Bình Phương đã giúp độc giả nhận ra chân giá trị đời sống.
S. Freud trong Nhập môn phân tâm học đã chỉ ra hai hình thức biểu hiện cơ bản của vô thức, đó là: hành vi sai lạc và giấc mơ. Trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, vô thức nhân vật được biểu hiện chủ yếu qua giấc mơ, tồn tại ở hai dạng thức: giấc mơ lúc ngủ và giấc mơ tỉnh thức. Song cần phải xác định rõ: nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương không phải là con bệnh, việc giải mã giấc mơ để khám phá chiều sâu vô thức của nhân vật không hướng đến mục đích chữa bệnh.
Trong công trình nghiên cứu Các bài viết về giấc mơ và giải thích giấc mơ, S. Freud đã chia giấc mơ thành hai phần: nội dung hiển hiện và nội dung tiềm ẩn. Qua các tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương, những giấc mơ của nhân vật chủ yếu liên quan đến tình dục, cái chết và sự trừng phạt. Trong mơ, lửa, máu, người chết, sương khói, không gian ảo mộng là những hình ảnh mang tính biểu tượng, xuất hiện lặp đi lặp lại với tần số cao. Chúng là những tấm áo khoác, cái trên cùng, bề mặt, ký hiệu, ngụy trang cho những ẩn ức sâu kín bên trong, những thương tổn tinh thần của con người.
Tính (Thoạt kỳ thủy) ngay từ giấc mộng đầu tiên lúc lọt lòng đã bị choáng ngợp trong nguồn lửa kỳ dị, hắc ám của ánh trăng. Đó còn là ngọn lửa hủy diệt của chiến tranh mà Hưng đã thắp lên trong lòng qua các câu chuyện kể. Trong các giấc mơ của Tính, lửa giống như một niềm ám ảnh ma quái. Song song với lửa là hình ảnh máu chảy, cái chết. Hình ảnh người chết cũng ám ảnh khôn nguôi giấc ngủ của Hưng (Thoạt kỳ thủy) và Thắng (Người đi vắng).
Chung (Người đi vắng) luôn sống ở trạng thái ám ảnh, sợ sệt. Quá khứ luôn tìm về, qua những giấc mơ lúc tỉnh thức, người đọc hiểu được cuộc đời có nhiều bi kịch của Chung. Anh luôn bị ảo giác thấy mình bị một người đàn ông cầm dao đuổi theo dọa thiến. Mỗi lá thư gửi đến cho Chung đều hàm ẩn bao điều hăm dọa, những bức thư như có hồn và chất chứa ngọn lửa bùng phát. Đó là ngọn lửa ảo mộng, thể hiện nỗi hãi hùng tột độ, sự khủng hoảng tâm lý, Chung vẫn chưa thể vượt qua được sau cú sốc tình yêu đầu đời. Tâm trạng của Chung tiêu biểu cho cái mà phân tâm học gọi là mặc cảm bị hoạn.
Những giấc mơ của Khẩn (Ngồi) khi âm u, rực lửa, khi đen tối, chết chóc; lúc lại nhạt nhòa, thơ mộng với không gian mở. Sự tương phản giữa hai gam màu trong giấc mơ của cùng một cá thể biểu hiện sự tương phản trong cảm xúc, tâm trạng. Giấc mơ với cơn ảo giác khủng khiếp biểu lộ tâm trạng đầy sóng gió của nhân vật khi phải đương đầu với thực tế khắc nghiệt. Giấc mộng đẹp với cảm giác ngọt ngào của tình yêu đầu đời thể hiện khát khao quay về quá khứ, được nép vào một chốn yên bình. Như vậy, giấc mơ chính là nơi các nhân vật gửi gắm những ham muốn và khát vọng. Đó cũng là miền đất con người thể hiện chân thật nhất những tâm sự thầm kín, được sống thật với lòng mình. Con người trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương thường hướng về quá khứ, khao khát sống yên bình và có xu hướng co mình lại, tạo ra một vỏ bọc để tự cách ly với cuộc sống hiện thực đa tạp.
Trong Thoạt kỳ thủy, thẳm sâu tâm hồn một con bệnh điên dại, hoang tưởng như Tính vẫn tồn tại tình yêu đối với Hiền. Chính tình cảm ấy đã trở thành chốt chặn, kìm giữ thói hiếu sát của Tính. Còn trong Ngồi, Khẩn vẫn âm thầm tin tưởng “cuộc đời chẳng bao giờ phù phiếm, mọi thứ đều có nghĩa, cả trong những khoảng thời gian trống rỗng nhất cũng có nghĩa”. Như vậy, dù bản năng chết có lúc áp đảo nhưng trong bản thân mỗi người ít nhiều vẫn tồn tại những yếu tố thúc đẩy lòng ham sống, tinh thần hướng thiện.
Tái hiện các giấc mơ, Nguyễn Bình Phương không chỉ cho thấy bản chất của cõi vô thức là sự giao tranh giữa hai loại bản năng (bản năng sống và bản năng chết) mà nhà văn còn giúp độc giả hiểu thêm về thực chất nguồn gốc, sự hình thành của vô thức. Lớp tâm lý này của con người trước hết được khởi nguồn từ thuở ấu thời (giấc mơ của Hoàn, Chung trong Người đi vắng). Vô thức được bổ sung, tích tụ dần trong quá trình con người trưởng thành (Tính, Thoạt kỳ thủy). Ngoài ra, vô thức có khi chỉ lưu giấu những ẩn ức, mang chở một sự kiện nào đó có ý nghĩa bước ngoặt, tác động lớn đến tinh thần, thể xác con người (Thắng, Người đi vắng; Hưng, Thoạt kỳ thủy). Tóm lại, giấc mơ là điểm tựa nghệ thuật để Nguyễn Bình Phương khắc họa vô thức.
Khám phá, miêu tả đời sống tinh thần của nhân vật từ sự ảnh hưởng của thuyết phân tâm học, tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương giúp người đọc nhận ra thế giới tâm linh con người vô cùng phong phú, giàu ý nghĩa. Trên hành trình khám phá những ẩn mật bản ngã, nhà văn đã nỗ lực đổi mới chủ đề tư tưởng, hình thức nghệ thuật, góp sức vào dòng chảy tiểu thuyết Việt Nam trong xu hướng hội nhập với nền văn chương hiện đại thế giới. Không đóng vai trò một truyền nhân thuyết giáo về tính thiện, Nguyễn Bình Phương đã khơi gợi trong người đọc một cảm nhận thấm thía về giá trị con người, ý nghĩa sự tồn tại của cõi nhân sinh.
Không phải đến Nguyễn Bình Phương, tiểu thuyết Việt Nam mới xuất hiện yếu tố vô thức. Tuy nhiên, đến sáng tác của nhà văn này, những sáng tạo bút pháp, chiều sâu quan niệm nghệ thuật, ý thức về sự chi phối của những học thuyết tư tưởng đối với văn học... đã khiến mỗi tác phẩm trở thành một sự thể nghiệm đầy ý nghĩa, tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuốn độc giả hôm nay.
_______________
1. M. Bakhtin, Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Bộ Văn hóa Thông tin và Thể thao, Trường Viết văn Nguyễn Du, Hà Nội, 1992, tr. 292.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 381, tháng 3-2016
Tác giả : NGUYỄN ĐỨC TOÀN