Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 xây dựng thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) cơ bản đạt đô thị loại 3 theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc... thời gian qua, Nghĩa Lộ đã lập quy hoạch chung triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và kêu gọi đầu tư các dự án trên địa bàn, đưa thị xã sớm trở thành trung tâm động lực phát triển kinh tế - xã hội phía Tây của tỉnh Yên Bái.
Nổi bật, Nghĩa Lộ đã tập trung thu hút các nhà đầu tư lớn phát triển một số khu đô thị, thương mại; các điểm du lịch hiện đại gắn với bảo tồn không gian, bản sắc văn hóa dân tộc như: Dự án Apec Golden Vallly Mường Lò – Khu đô thị thương mại du lịch điển hình của Tây Bắc với quy mô 16 ha tọa lạc tại trung tâm thị xã, gần những điểm du lịch tiêu biểu như: khu Di tích Căng và Đồn, chợ Mường Lò, cánh đồng Mường Lò… và nằm trên trục đường lên điểm du lịch nổi tiếng Mù Cang Chải. Khu đô thị Tân An với diện tích 9,86 ha bao gồm các khu dân cư đô thị hiện đại, dịch vụ, thương mại; khu du lịch cao cấp Dragonfly Nghĩa Lộ, nơi thưởng thức, ngắm trọn cánh đồng Mường Lò. Bà Trần Thị Phương - Tổ 15, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ - phấn khởi cho biết: “Là một người dân của thị xã Nghĩa Lộ tôi thấy Nghĩa Lộ hôm nay thay đổi rất nhiều, các công trình được đầu tư xây mới khang trang, hiện đại; điện thắp sáng đến từng thôn bản, tổ dân phố. Đặc biệt, là từ khi có sân vận động mới, hệ thống máy thể dục, thể thao được quan tâm đầu tư, sức khỏe của người dân được nâng cao, tinh thần lạc quan, vui vẻ”.
Truyền nghề thêu thổ cẩm nhằm phát triển du lịch tại thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái. (Ảnh: Thanh Sơn)
Thị xã Nghĩa Lộ cũng đặc biệt quan tâm đầu tư hạ tầng, kỹ thuật, chỉnh trang đô thị; xây dựng hạ tầng xã hội, các dịch vụ tiện ích chất lượng cao đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, đời sống, sinh hoạt của nhân dân trong vùng. Thị xã đã đưa vào sử dụng sân vận động đạt chuẩn quốc gia tại phường Pú Trạng với quy mô 10.000 người. Xây dựng công trình Trung tâm Văn hóa - Thể thao thị xã Nghĩa Lộ có tổng mức đầu tư 30 tỷ đồng. Năm 2022, dự án Chợ Mường Lò Khu C đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất gần 2,7ha, tổng mức vốn đầu tư trên 275 tỷ đồng; đáp ứng nhu cầu kinh doanh ổn định thường xuyên cho khoảng 600 hộ kinh doanh. Bà Trịnh Mai Liên - hộ kinh doanh chợ Mường Lò chia sẻ: “Khi chưa xây dựng chợ Mường Lò khu C, các hộ kinh doanh cũng thấy băn khoăn lắm! Tuy nhiên, khi chợ được đầu tư xây dựng khang trang, các khu buôn bán được phân rất rõ ràng thì chúng tôi rất yên tâm. Giờ hoạt động kinh doanh dần vào ổn định rồi, chúng tôi cảm ơn Đảng và Nhà nước lắm”.
Thị xã cũng hình thành các tuyến phố văn hóa thương mại - dịch vụ; tuyến phố văn hóa ẩm thực; xây dựng các tuyến đường kiểu mẫu sáng - xanh -sạch - đẹp. Cảnh quan môi trường được bảo vệ, hệ thống cây xanh phát triển với việc bảo tồn các cây trồng bản địa như: ban trắng, bảo vệ rừng sinh thái, trồng rừng kinh tế. Đến nay, thị xã có 4/4 xã, phường đạt Phường văn minh đô thị; 10/10 xã đạt Xã nông thôn mới.
Phát triển kiến trúc cảnh quan vừa hiện đại nhưng không ngừng phát triển theo hướng đô thị sinh thái, văn hóa và du lịch giàu bản sắc, thị xã Nghĩa Lộ đã quy hoạch bảo vệ không gian cánh đồng Mường Lò; bảo tồn và xây dựng 2 bản văn hóa truyền thống gắn với du lịch cộng đồng, bảo tồn kiến trúc nhà truyền thống, ngôn ngữ, ẩm thực, trang phục tập quán tốt đẹp; gìn giữ, phát huy các nét đẹp văn hóa đặc sắc như: Xòe Thái; khu di tích lịch sử, danh thắng cấp tỉnh... để thu hút khách du lịch. Nhờ đó, thị xã đón và phục vụ hàng trăm nghìn lượt khách du lịch, trong đó có trên 20% là du khách quốc tế. Đặc biệt, du lịch cộng đồng trở thành động lực thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo ra sản phẩm tiêu biểu, đem lại thu nhập cho người dân.
Qua rà soát, đánh giá theo 5 tiêu chí, 63 tiêu chuẩn đô thị loại III được quy định tại Nghị quyết 1210/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII về phân loại đô thị, đến nay, thị xã Nghĩa Lộ có 55/63 tiêu chuẩn đã đạt như: cân đối thu chi ngân sách, mức tăng trưởng kinh tế trung bình, về quy hoạch các loại đất, các công trình công cộng, xử lý rác thải... Còn 8 tiêu chuẩn chưa đạt đó là: thu nhập bình quân đầu người; cơ sở giáo dục đào tạo cấp đô thị; nhà tang lễ công trình cây xanh... Đối với các tiêu chí chưa đạt, thị xã đã xây dựng các giải pháp cụ thể tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp - dịch vụ - xây dựng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Thường xuyên kiểm tra, cải tạo và duy trì hệ thống cung cấp điện trên địa bàn, hệ thống đường dây, trạm biến áp, lưới điện hiện hữu. Huy động nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện xây dựng hệ thống thu gom, thoát nước thải riêng trên địa bàn thị xã cũng như xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Trồng mới hệ thống cây xanh trên các tuyến phố chính, khu đô thị, khu dân cư, tạo cảnh quan cho đô thị; xây dựng công viên trung tâm thị xã, công viên cây xanh 4 khu vực, phát triển đô thị mới, quảng trường...
Có thể thấy, thị xã Nghĩa Lộ hôm nay đã “thay da đổi thịt” với diện mạo mới, khang trang hơn, đời sống của người dân được nâng cao, nếp sống văn minh dần hiện hữu. Đây sẽ là động lực để thị xã Nghĩa Lộ tiếp tục tập trung các nguồn lực đầu tư lớn để hoàn thiện quy hoạch, xây dựng nâng cấp các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với các tiêu chí đô thị thông minh, phát triển hài hòa, bản sắc và hạnh phúc.
THÙY HƯƠNG - XUÂN TỈNH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 501, tháng 6-2022