Trong 20 năm (giai đoạn 2000 - 2020), phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được triển khai thực hiện sâu rộng, thực sự trở thành một phong trào lớn, có tác động tích cực, sâu sắc đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, tạo ra hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng phát triển kinh tế, văn hoá xã hội, giữ vững an ninh chính trị và đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Buổi tập của CLB Dân ca ví, giặm của xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An (Nguồn: Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nghi Lộc)
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (sau đây viết tắt phong trào TDĐKXDĐSVH) là một chủ trương lớn của Đảng, là một trong các giải pháp trọng tâm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (Khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Sau khi Ban Chỉ đạo Trung ương phong trào TDĐKXDĐSVH được thành lập và chính thức tổ chức Lễ Phát động triển khai thực hiện trên toàn quốc tại tỉnh Quảng Nam vào tháng 4 năm 2000, Nghệ An cũng đã tổ chức Lễ Phát động thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH trên phạm vi toàn tỉnh.
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương tới tận cơ sở thông qua các hình thức tổ chức các lớp học tập nghị quyết, tập huấn triển khai các văn bản quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao, gia đình; lồng ghép trong các cuộc họp, tổ chức tuyên truyền trên panô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, viết sách, triển lãm và qua các phương tiện thông tin đại chúng, cụ thể: Học tập quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 14/12/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An khóa XVIII về “Xây dựng con người văn hóa, gia đình văn hóa Nghệ An đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển”… Các ngành, các cấp đã mở gần 500 đợt tập huấn các chuyên đề về quản lý nhà nước về văn hoá cơ sở, các nội dung phong trào; đưa hàng trăm tin bài và hình ảnh về những điển hình trong phong trào TDĐKXDĐSVH và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đã xây dựng và nhân rộng hàng nghìn mô hình, điển hình của phong trào, xuất bản và in ấn hàng trăm cuốn tài liệu liên quan đến phong trào, phổ biến đến tận cơ sở như: “Nghệ An di tích danh thắng”, “Địa chỉ lễ hội”, “Địa chỉ làng văn hóa Nghệ An” (5 tập), “Việc cưới, việc tang ở Nghệ An”, “Hương ước Nghệ An”, “Những điển hình tiên tiến trong phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh Nghệ An”, “Vấn đề gia đình và xây dựng gia đình văn hóa ở Nghệ An”, tài liệu tập huấn về phương pháp tổ chức lễ hội, tài liệu giới thiệu các mô hình điển hình, bộ tài liệu “Hỏi - đáp và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phong trào TDĐKXDĐSVH”...
Toàn tỉnh đã thành lập hệ thống Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH, gồm: Ban Chỉ đạo của tỉnh; 21 Ban Chỉ đạo cấp huyện; 460 Ban Chỉ đạo cấp xã và 3804 Ban vận động phong trào TDĐKXDĐSVH ở khu dân cư. Các Ban Chỉ đạo, Ban Vận động đều có quy chế, kế hoạch thực hiện phong trào, phân công chỉ đạo điểm. So với các tỉnh trong cả nước thì Nghệ An có tổ chức bộ máy thực hiện phong trào thành lập sớm, có hệ thống chặt chẽ và hoạt động khá hiệu quả. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố, thị xã cũng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, đề án, cơ chế chính sách và đưa các chỉ tiêu xây dựng gia đình văn hóa, làng, bản, thôn, khối, xóm văn hóa; thiết chế văn hóa, thể thao đạt tiêu chí quy định của Bộ VHTTDL vào nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nghị quyết HĐND, kế hoạch nhà nước hằng năm để thực hiện, như: Anh Sơn, Nam Đàn, Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương... và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, như:
Thông qua phong trào, đã xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực và có sức lan toả rất lớn, tác động tích cực đến phong trào chung trong toàn tỉnh. Qua các kỳ tổng kết, liên hoan điển hình tiên tiến trong phong trào TDĐKXDĐSVH, đã tôn vinh hơn 23.520 Gia đình văn hóa (GĐVH) tiêu biểu xuất sắc cấp xã, hơn 1.965 GĐVH tiêu biểu xuất sắc cấp huyện, 250 GĐVH tiêu biểu xuất sắc cấp tỉnh, 28 đại biểu GĐVH tiêu biểu xuất sắc được Bộ VHTTDL tặng Bằng khen; có 103 điển hình làng, bản, khối phố tiêu biểu xuất sắc cấp tỉnh, 3 điển hình làng, bản, xã tiêu biểu cấp toàn quốc; hàng nghìn điển hình cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc đã được tuyên dương ở các cấp trong thực hiện phong trào giai đoạn 2000-2020.
Cùng với việc xây dựng GĐVH, làng, bản, khối phố văn hóa, nhiều địa phương trong tỉnh đã xây dựng, nhân rộng và phát huy tốt mô hình dòng họ văn hóa, làng văn hóa đa dân tộc, bản văn hóa thuần dân tộc thiểu số, điểm sáng văn hóa vùng biên, mô hình các cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước xây dựng đơn vị văn hóa, huyện điểm văn hóa. Năm 2000, toàn tỉnh có 349.333/620.484 gia đình được công nhận GĐVH, đạt tỷ lệ 56,3%; đến năm 2020 có khoảng 686.937/815.839 GĐVH, đạt tỷ lệ 84,2% (đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII)... Năm 2000, toàn tỉnh có 386/5859 khu dân cư được công nhận Khu dân cư văn hóa, đạt tỷ lệ 6,5%; đến năm 2020 có khoảng 2.365/3804 Khu dân cư văn hóa, đạt 62,1% (đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XVIII). Năm 2020, có 1.784 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được UBND cấp huyện công nhận Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 788 dòng họ được công nhận Dòng họ văn hóa; 125 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; có 30 xã được UBND tỉnh công nhận xã có thành tích xuất sắc trong phong trào TDĐKXDĐSVH; 5 huyện: Nam Đàn, Quỳnh Lưu, Anh Sơn, Quỳ Hợp, thị xã Cửa Lò tiếp tục chủ động triển khai đề án xây dựng và phát triển đời sống văn hóa trên địa bàn huyện. Nhiều làng, xã, cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa đã trở thành điểm sáng văn hóa tiêu biểu trong phong trào.
Phong trào thể dục thể thao quần chúng ở xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An (Nguồn: Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nghi Lộc)
Phong trào cũng huy động được hàng trăm nghìn tỷ đồng thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo hỗ trợ đầu tư cho các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, hỗ trợ người cận nghèo, miền giảm học phí cho học sinh nghèo. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” đã thực sự đã đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân ở cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn toàn tỉnh, với hơn 263,047 tỷ đồng, tặng hơn 31.706 số tiết kiệm cho người có công, hỗ trợ xây mới 3.724 nhà, sửa chữa 8.128 nhà tình nghĩa; chăm sóc và chi trả trợ cấp ưu đãi thường xuyên cho 73.985 người có công với cách mạng (số tiền chi trả gần 126 tỷ đồng/tháng); quản lý, chăm sóc các phần mộ liệt sĩ, thăm hỏi, tặng quà các đơn vị, người có công 30.000 lượt người/năm; 424/460 xã đạt tiêu chuẩn xã phường phù hợp với trẻ em...
Phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT ở cơ sở phát triển mạnh mẽ, đã thu hút một lượng lớn các diễn viên không chuyên là những hạt nhân cho phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở; các câu lạc bộ (CLB) được tổ chức theo sở thích đa dạng và phong phú như: CLB thơ, văn; CLB đàn hát dân ca, các đội văn nghệ quần chúng; CLB khiêu vũ, CLB thể dục dưỡng sinh được người dân hưởng ứng tham gia tích cực, phát triển mạnh mẽ làm phong phú thêm nội dung của phong trào. Đến nay, toàn tỉnh có 4.025 đội văn nghệ quần chúng. Các mô hình tiêu biểu như: CLB dân ca Thái bản Cằng, xã Môn Sơn, CLB dân ca Thái và đánh cồng chiêng bản Khe Rạn, xã Bồng Khê, Con Cuông; CLB đàn hát dân ca tại xã Diễn Lâm, Diễn Lợi, Diễn Thái; CLB hát Ca trù Diễn Yên, Diễn Hoa; Tuồng ở Diễn Hoàng, Diễn Mỹ (Diễn Châu), CLB Bảo tồn văn hóa Thái huyện Quỳ Châu, 14 CLB Tuồng, CLB Chèo, CLB dân ca Ví Giặm các xã của huyện Yên Thành; CLB dân ca Ví Giặm các xã của huyện Đô Lương...
Phong trào Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại đã trở thành nhu cầu thường xuyên của nhiều người, ở nhiều cộng đồng dân cư và phát triển mạnh mẽ cả về quy mô lẫn chất lượng. Đến nay, phong trào đã thu hút được 33,5% số người luyện tập thể thao thường xuyên, có 905 câu lạc bộ thể thao các loại, 100% trường học thực hiện chương trình giáo dục thể chất, số gia đình thể thao đạt 23%, chỉ đạo xây dựng các xã điểm về TDTT. Đặc biệt, Nghệ An đã tổ chức được 4 kỳ Đại hội Thể dục Thể thao toàn tỉnh lần thứ V (năm 2005), lần thứ VI (năm 2010), lần thứ VII (năm 2015), lần thứ VIII (năm 2018) thành công, tạo được nhiều dấu ấn tốt đẹp trong các tầng lớp nhân dân, tiếp tục đề ra những chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để phong trào ngày càng phát triển.
Thực hiện Nghị quyết số 71/2012/NQ-HĐND ngày 13/12/2012 của HĐND tỉnh về cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng một số thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở, tổng kinh phí đã bố trí để thực hiện Nghị quyết đến năm 2020 là 2.366.364 triệu đồng, trong đó ngân sách Trung ương (Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới) là hơn 449 tỷ đồng; ngân sách tỉnh (nguồn xây dựng tập trung) 52 tỷ đồng; ngân sách huyện 281 tỷ đồng, ngân sách xã 843 tỷ đồng, nguồn kinh phí khác 738 tỷ đồng. Đến nay, tổng số xã được đầu tư hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao theo cơ chế của tỉnh là 290 công trình, trong đó có 182 Nhà văn hóa, 108 sân vận động, cụ thể: 20/21 đơn vị cấp huyện có Trung tâm Văn hóa - Thể thao, 480/480 đơn vị cấp xã đã quy hoạch đất để xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao theo quy định của Bộ VHTTDL gắn với xây dựng nông thôn mới. Số đơn vị cấp xã có thiết chế văn hóa, thể thao năm 2000 là 100/469 xã, đạt tỷ lệ 21,3%, đến năm 2020 có 441/460 xã, đạt 96%... Việc xây dựng, quản lý và phát huy tốt thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đã góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh khai mạc Lễ hội Đền Quả Sơn thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An (Nguồn: Tác giả)
Công tác tuyên truyền thực hiện quy định nếp sống văn minh trong việc cưới đã được Ban chỉ đạo tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã quan tâm với những hình thức như: Tổ chức hội nghị tập huấn, văn nghệ thông tin, phóng sự truyền hình, sinh hoạt câu lạc bộ, tổ chức ký cam kết, xây dựng các mô hình cưới phù hợp với phong tục tập quán của từng dân tộc, từng vùng. Một số địa phương đã tổ chức hình thức cưới tập thể, vui văn nghệ tại hội trường, dâng hoa tại các công trình tưởng niệm, đền, chùa, thực hiện tốt việc cưới theo nếp sống văn minh điển hình như: Hưng Nguyên, Tân Kỳ, Anh Sơn, Đô Lương, Quỳ Hợp, Diễn Châu… Việc tang hiện nay đã có nhiều tiến bộ rõ rệt. Người dân tổ chức đám tang chu đáo, trang nghiêm, gọn nhẹ, tiết kiệm, phù hợp với phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của từng dân tộc và hoàn cảnh gia đình người qua đời; đảm bảo các quy định về đăng ký và quản lý hộ tịch, về vệ sinh môi trường; khắc phục những hủ tục lạc hậu, chi phí tốn kém, tình trạng ăn uống trước, trong và sau đám tang, nhất là đối với các đám tang ở vùng miền núi. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã tập trung chỉ đạo, khôi phục, duy trì và phát huy giá trị lịch sử văn hóa các lễ hội dân gian, lễ hội văn hóa “Uống nước nhớ nguồn” tri ân các anh hùng liệt sỹ, Lễ hội Làng Sen gắn với kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các lễ làng, lễ hội dòng họ, lễ rước bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa, danh hiệu văn hóa, nghi lễ dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với các phong tục tập quán dân tộc được khôi phục và do nhân dân tổ chức đã góp phần phát triển đời sống văn hóa ở cơ sở, văn hóa lễ hội ở Nghệ An.
Những năm qua, tỉnh Nghệ An đã thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ mục tiêu bảo tồn và phát triển. Toàn tỉnh đang lưu giữ hệ thống di sản phong phú, đa dạng với 2602 di tích - danh thắng, 449 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 4 di tích quốc gia đặc biệt, 142 di tích cấp quốc gia, 303 di tích cấp tỉnh, gần 50 nghìn hiện vật, di vật, cổ vật. Có 960 di sản văn hóa phi vật thể với 92 di sản lễ hội, 28 di sản tiếng nói, chữ viết, 93 di sản nghề thủ công truyền thống, 11 di sản nghệ thuật trình diễn dân gian, 122 di sản ngữ văn dân gian, 235 di sản tập quán xã hội, 279 di sản tri thức dân gian. Trong đó, Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, hát ca trù và nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cũng có mặt ở Nghệ An. Một số di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu đã được đồng bào các dân tộc gìn giữ và phát huy tốt trong đời sống cộng đồng như: Dân tộc Kinh có kho tàng văn học dân gian, dân ca Ví Giặm, ca trù, lễ hội, nghề truyền thống; dân tộc Thổ với điệu đu đu điềng điềng, lễ xuống đồng, mừng cơm mới, dân tộc Thái có chữ Thái cổ, kho tàng truyện cổ, các điệu múa Nhuôn, Lăm, Khắp, Xuối, nghề dệt thổ cẩm; dân tộc Khơ mú có hát Tơm, mùa hát hò vó, re ré, nghề đan lát mây tre; dân tộc Mông có hát kể, cự xia, lù tẩu, vàng hủa, nhạc cụ khèn, kèn, đàn môi, sáo, nghề rèn; dân tộc Ơ đu có lễ hội đón tiếng sấm đầu năm, các điệu múa dân gian... đã tạo nên sự đa dạng, phong phú trong đời sống văn hóa cơ sở.
Bên cạnh những thành tựu đạt được đáng ghi nhận ở trên, phong trào TDĐKXDĐSVH ở tỉnh Nghệ An trong 20 năm qua cũng còn một số hạn chế cần khắc phục như một số nơi phong trào phát triển còn chậm. Chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng, bản, khối phố văn hóa ở một số địa phương còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Một số làng, bản, khối phố được công nhận khu dân cư văn hóa nhưng chưa duy trì và phát huy tốt...
Cơ sở vật chất Nhà văn hóa, trang thiết bị hoạt động, khánh tiết, quy mô chỗ ngồi, công trình phụ trợ - nhất là đối với thôn nói chung và thôn sau khi sáp nhập ở nhiều địa phương đã xuống cấp, lạc hậu, quy mô nhỏ không đáp ứng nhu cầu tổ chức hoạt động. Việc dành quỹ đất cho xây dựng Nhà văn hóa, nhất là sân thể thao của thôn ở miền núi cao, vùng biển, sân vận động các xã, phường (thuộc thành phố, thị xã) đảm bảo theo quy định còn khó khăn.
Ở khu vực thành thị và ở một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên mời khách tràn lan, linh đình, phô trương vẫn còn. Một số ít gia đình ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn vi phạm quy định về thời gian để thi thể người chết quá 48 tiếng, tổ chức ăn uống linh đình trong lễ tang. Việc thực hiện nếp sống văn minh ở một số lễ hội thực hiện chưa tốt, vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, hoạt động dịch vụ trong khu vực còn diễn ra lộn xộn, chưa được bố trí, quy hoạch hợp lý...
Thời gian tới, để tiếp tục phát huy được thành tựu đã đạt được và khắc phục được những hạn chế trong thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, tỉnh Nghệ An cần triển khai một số giải pháp sau:
Đưa mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH vào nghị quyết của các cấp uỷ Đảng, kế hoạch nhà nước của các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Phát huy vai trò, năng lực tham mưu, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo phong trào ở các cấp theo nội dung được phân công.
Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng, phổ biến và nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến giữ vững và phát huy các danh hiệu văn hóa; có cách nghĩ, cách làm tích cực, sáng tạo thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH ở các cấp.
Bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên của Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH các cấp; kinh phí tập huấn nghiệp vụ; kinh phí khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc thực hiện phong trào, kinh phí khen thưởng các danh hiệu văn hóa theo nghị quyết của HĐND tỉnh; hỗ trợ vật chất, trang thiết bị hoạt động văn hóa, thể thao cho hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.
Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa văn hóa: Xây dựng cơ chế huy động các doanh nghiệp tham gia xây dựng đời sống văn hóa; vận động nhân dân tự nguyện đóng góp kinh phí để duy trì hoạt động thường xuyên của thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã; thôn, làng, bản, khối phố. Phát động rộng rãi các mô hình tổ chức, hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT phù hợp với điều kiện sinh hoạt văn hóa và nhu cầu người dân ở các vùng miền, địa bàn dân cư.
Tổ chức tập huấn bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp, kỹ năng triển khai thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH cho đội ngũ cán bộ văn hoá - xã hội cấp huyện, cấp xã và hạt nhân văn hóa cơ sở ở thôn, bản, xóm, khối.
Tổ chức việc nghiên cứu khoa học, tổng kết lý luận và thực tiễn, rút kinh nghiệm, kịp thời bổ sung, sửa đổi về nội dung, giải pháp thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn...
Quang cảnh làng quê nông thôn, Nhà Văn hóa - Khu Thể thao xóm 11, xã Tân Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An (Nguồn: Tác giả)
NGUYỄN TẤT HÀO
Nguồn: Tạp chí VHNT số 498, tháng 5-2022