Long Phú là huyện nông thôn của tỉnh Sóc Trăng, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm 28,56%. Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể triển khai thực hiện đồng bộ, sâu rộng gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, phong trào ngày càng phát triển mạnh mẽ, lan tỏa, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại địa phương.
Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer ngày càng được nâng cao
Là xã có tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số đông nhất huyện, chiếm trên 78% dân số, chủ yếu là người Khmer, những năm qua, cùng với công tác chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, xã Long Phú, huyện Long Phú, luôn chú trọng xây dựng đời sống văn hóa. Ông Trần Văn Son, Phó Chủ tịch UBND xã Long Phú, chia sẻ: “Từ khi triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đồng bào Khmer ở xã nói riêng tích cực phát triển kinh tế và xây dựng nếp sống văn hóa mới ở khu dân cư. Nhiều ấp có phong trào văn hóa, văn nghệ và thể thao sôi nổi như: Bưng Thum, Nước Mặn 1, Nước Mặn 2, Tân Lập, Bưng Long … từ đó, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ”. Cũng như đồng bào Khmer ở xã Long Phú, đồng bào Khmer ở xã Tân Hưng, luôn tích cực xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư. Nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc mà hiện nay, ở xã Tân Hưng, số hộ nghèo trong đồng bào Khmer giảm đáng kể, bà con luôn có ý thức lưu giữ những nét văn hóa truyền thống đặc trưng, như bảo tồn tiếng nói, chữ viết, văn hóa, văn nghệ; bà con luôn thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện nếp sống văn minh trong cưới hỏi, lễ tang, quan tâm thăm hỏi, giúp đỡ nhau khi có hoàn cảnh khó khăn và động viên con cháu tích cực học tập, lao động sản xuất, kinh doanh.
Ông Lâm Na, người dân ở ấp Tân Lịch, xã Tân Hưng, huyện Long Phú, bộc bạch: “Gia đình tôi luôn giữ hòa khí, tránh mâu thuẫn. Noi gương cha mẹ, các con tôi đều chăm ngoan, hiếu thuận, giữ nếp gia đình, hiện 2 đứa con của tôi đều tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. Được như vậy một phần là nhờ cán bộ xã thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, vận động chúng tôi xây dựng gia đình hạnh phúc, dạy bảo con cháu thảo hiền, lễ phép”. Về xã Trường Khánh hôm nay, đi giữa những con đường hoa đầy thơ mộng, rực rỡ ánh đèn đêm, uốn lượn quanh những ngôi nhà tường, ngói đỏ khang trang; chứng kiến từng chuyến xe hàng được vận chuyển ra từ cánh đồng mẫu lớn, từ vườn chanh, vườn dừa, vườn bưởi da xanh, rẫy dưa hấu, rẫy ớt, dưa leo, rẫy củ cải … của bà con chạy bon bon trên những con đường nhựa, bê tông… sẽ không còn ai hoài nghi về hiệu quả của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, bởi lợi ích thiết thực mà phong trào này mang lại cho địa phương là rất lớn; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, Trường Khánh đang hướng đến xã nông thôn mới nâng cao.
Long Phú khai mạc Đại hội TDTT năm 2022
Để phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, các ngành chức năng của huyện đẩy mạnh tuyên truyền, trong đó, tập trung vào các nội dung xây dựng đời sống văn hóa và giữ gìn bản sắc dân tộc; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào về việc thực hiện nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang và lễ hội; biểu dương người có uy tính trong đồng bào dân tộc; các điển hình tiên tiến trong xây dựng đời sống văn hóa; tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới… Để vận động đồng bào Khmer tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới, vai trò của các vị sư sãi, Achar, người có uy tín, ban quản trị chùa… là rất quan trọng. Thượng tọa Thạch Thươl, chủ trì chùa Bưng Cro Chắp Thmây, xã Tân Hưng, huyện Long Phú, chia sẻ: “Với trách nhiệm của sư trụ trì, tôi luôn kêu gọi bà con Phật tử chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tôi cũng thường vận động phật tử tham gia xây dựng nông thôn mới bằng các hành động thiết thực, cụ thể như: Trồng cây xanh, đóng góp ngày công cùng chính quyền địa phương thực hiện các công trình nông thôn, tích cực chung tay trong các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ các hộ gia đình nghèo, khó khăn … Qua đó, đồng bào phật tử bổn sóc ngày càng tích cực hơn, có trách nhiệm hơn, tự nguyện đóng góp nhiều hơn vào quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương”. Ông Hồ Quốc Hùng, Phó trưởng Phòng Văn hóa -Thông tin huyện Long Phú, cho biết: Tính đến cuối năm 2021, huyện Long Phú đã công nhận 25.189/26.541 hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, chiếm 94,91%, trong đó hộ đồng bào dân tộc đạt chuẩn Gia đình văn hóa, chiếm hơn 93%; 100% ấp, khu dân cư có đông đồng bào Khmer sinh sống đều đạt chuẩn Ấp văn hóa, trong đó có 19 ấp được công nhận Ấp văn hóa nông thôn mới.
Có thể khẳng định, công tác xây dựng Gia đình văn hóa, ấp, khu dân cư văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Long Phú từng bước nâng cao chất lượng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đề cao các giá trị đạo đức; phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, cộng đồng. Những tập quán lạc hậu như tảo hôn, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi, môi trường văn hóa lành mạnh, cảnh quan sạch, đẹp đang được đồng bào cùng chung sức xây dựng.
Phum, sóc vùng đồng bào Khmer đang phát triển từng ngày
SÓC CA
Nguồn: Tạp chí VHNT số 495, tháng 4-2022