Tuyên Quang là một tỉnh trung du - miền núi cách Thủ đô Hà Nội 165 km về phía Bắc. Đây là tỉnh có tiềm năng du lịch lớn vì có một nền văn hóa đa dạng, phong phú, với nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị, con người đôn hậu và phong tục tập quán độc đáo; một hệ sinh thái rừng, trung du đặc trưng kết hợp giữa sông hồ, núi đồi tạo ra nhiều cảnh quan đẹp. Tuy nhiên, du lịch Tuyên Quang mới chỉ bắt đầu được quan tâm trong 10 năm gần đây, vì vậy cho dù đã có những khởi sắc nhưng du lịch Tuyên Quang chưa thực sự đáp ứng được mong mỏi của chính quyền và nhân dân, chưa tận dụng được các khả năng, tiềm năng cung ứng và tài nguyên du lịch của tỉnh. Để tìm ra nguyên nhân và một số bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị du lịch của tỉnh, bài viết tập trung xem xét các sản phẩm, tài nguyên có trong chuỗi cung ứng và việc sử dụng chúng để xây dựng chuỗi giá trị cho du lịch tại tỉnh Tuyên Quang. Trên cơ sở đó rút ra một số kinh nghiệm phát triển du lịch địa phương.
1. Khái quát về chuỗi cung ứng du lịch và chuỗi giá trị du lịch
Theo GS,TS Nguyễn Văn Đính, chuỗi cung ứng du lịch được coi là: một mạng lưới các tổ chức du lịch tham gia vào các hoạt động khác nhau, từ cung cấp các thành phần khác nhau của các sản phẩm/ dịch vụ du lịch như các chuyến bay và chỗ ở cho đến việc phân phối và tiếp thị sản phẩm du lịch cuối cùng tại một điểm đến cụ thể, có sự tham gia của nhiều cá nhân hoặc tổ chức trong lĩnh vực tư nhân và công cộng. Như vậy, chuỗi cung ứng du lịch về thực chất là một tập hợp các đơn vị, sản xuất, kinh doanh tham gia vào việc cung ứng các sản phẩm, dịch vụ cần thiết cho hoạt động du lịch và quảng bá, bán các sản phẩm du lịch được tạo ra. Nhưng đó không phải là một tập hợp riêng rẽ mà giữa chúng có sự gắn bó thông qua các mối liên kết ngang, dọc phức tạp để tạo thành một hệ thống. Các chuỗi cung ứng du lịch thông thường bao gồm: Cung ứng các dịch vụ giao thông (các công ty và các cơ sở kinh doanh dịch vụ vận tải, cho thuê phương tiện giao thông đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách); Cung ứng dịch vụ lưu trú, ăn ở (các nhà hàng, khách sạn, quán ăn phục vụ nhu cầu ăn uống, lưu trú, mua đồ lưu niệm); Cung ứng các dịch vụ thăm quan, trải nghiệm thỏa mãn nhu cầu của du khách...; Cung ứng các chuỗi dịch vụ tổng thể bao gồm đi lại, lưu trú, tham quan, trải nghiệm cho du khách, quảng bá và tiếp thị các sản phẩm đó (các công ty du lịch, lữ hành). Tất cả các cơ sở, tổ chức, đơn vị kinh doanh có thể hoạt động độc lập để cung cấp dịch vụ cho cư dân địa phương, nhưng khi tham gia vào chuỗi cung ứng du lịch, họ luôn chịu sự ảnh hưởng, tác động qua lại, bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Bản thân các doanh nghiệp du lịch không đứng riêng rẽ, hoạt động hoàn toàn độc lập với nhau mà luôn có mối liên hệ ràng buộc và là điều kiện hoạt động của nhau ở phạm vi quốc gia, có thể ở phạm vi quốc tế. Chính vì vậy, chuỗi cung ứng du lịch là chuỗi cung ứng mở rộng, thậm chí là chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cũng theo GS,TS Nguyễn Văn Đính, chuỗi giá trị du lịch có hai cách hiểu là rộng và hẹp. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết, chúng tôi quan tâm chủ yếu đến chuỗi giá trị du lịch mở rộng. Thông thường, chuỗi giá trị du lịch mở rộng bao gồm: Các giá trị do Nhà nước, chính quyền địa phương tạo ra (giá trị nhờ các hoạt động như quảng bá, xúc tiến du lịch, chính sách phát triển kinh tế địa phương, quy hoạch tổng thể và các hoạt động khác liên quan đến du lịch trên phạm vi địa phương, quốc gia và quốc tế); Các giá trị do các công ty du lịch tạo ra trong các hoạt động của họ (nghiên cứu thị trường, xúc tiến quảng bá du lịch, thiết kế xây dựng chương trình du lịch, tổ chức thực hiện chương trình); Các giá trị do các khách sạn, nhà hàng… tạo ra do hoạt động cung cấp dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ khác; Các giá trị do các điểm tham quan, vui chơi giải trí, trải nghiệm của du khách do các hoạt động của lao động ở những nơi này cung cấp kể cả cộng đồng dân cư.
Từ phân tích trên cho thấy, chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị du lịch có mối quan hệ mật thiết và tỷ lệ thuận với nhau. Chuỗi cung ứng hoạt động tốt là điều kiện cần thiết để xây dựng các chuỗi giá trị tốt và ngược lại. Tuy nhiên, đây không chỉ là mối quan hệ tương tác một chiều mà là hai chiều. Nếu chuỗi giá trị du lịch được xây dựng tốt sẽ mang lại nhiều lợi ích cho công ty du lịch và cho cả địa phương, quốc gia và nó tác động tích cực lên chuỗi cung ứng.
2. Chuỗi cung ứng du lịch - tiềm năng du lịch Tuyên Quang
Mạng lưới cung ứng các tài nguyên, dịch vụ phục vụ cho phát triển du lịch ở Tuyên Quang tập trung tại một số chuỗi cung ứng cơ bản:
Tiềm năng cung ứng dịch vụ vận chuyển
Tuyên Quang có hàng chục công ty vận tải hành khách và hàng trăm cơ sở, tổ chức kinh doanh vận tải nhỏ lẻ, có thể đáp ứng nhu cầu đi lại của cư dân địa phương và khách du lịch. Do nhu cầu đi lại của cư dân và du khách rất đa dạng, có thể là khách lẻ, khách nhóm nhỏ (2-7 người), khách nhóm trung bình (8-15 người) và khách nhóm lớn (16-50 người), các công ty, cơ sở, đơn vị kinh doanh phải liên kết, phối hợp với nhau để đáp ứng nhu cầu của du khách và đảm bảo tiết kiệm nguồn lực, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Trong những ngày thường, nhiều cơ sở, đơn vị kinh doanh còn vắng khách, chưa phát huy hết khả năng cung ứng của mình. Tuy nhiên, vào một số dịp như lễ hội trăng rằm, các cơ sở, đơn vị kinh doanh lại thiếu phương tiện để đáp ứng nhu cầu, buộc phải sử dụng mối liên kết với các công ty vận tải của các tỉnh khác để hỗ trợ nhu cầu di chuyển của cư dân và du khách.
Tiềm năng cung ứng dịch vụ lưu trú
Tại thành phố Tuyên Quang có 5 khách sạn được xếp hạng ba sao trở lên đó là Mường Thanh (4 sao), Mai Sơn, Royal Palace 1, Royal Palace 2 (3 sao) và rất nhiều nhà nghỉ, nhà khách, có thể đáp ứng nhu cầu lưu trú của khoảng 3.000-3.500 khách/đêm. Bên cạnh đó tại các huyện như Sơn Dương, Yên Sơn, Na Hang, Lâm Bình có một lượng nhà nghỉ, homestay, khách sạn nhỏ đáp ứng nhu cầu lưu trú của 500-1.500 khách/ đêm. Với khả năng này, các đơn vị cung ứng nêu trên hiện nay vẫn chưa sử dụng hết công suất, chỉ duy nhất thành phố Tuyên Quang và dịp lễ hội trăng rằm (trung thu) các năm 2012-2018 là bị thiếu nơi lưu trú cho khách du lịch, buộc khách phải lưu trú tại các huyện.
Hệ thống các quán ăn, nhà hàng ở thành phố Tuyên Quang và ở các thị trấn một số huyện cũng khá phát triển, có khả năng cung cấp dịch vụ ăn uống cho một lượng khách hàng lớn. Tuy nhiên, cũng như dịch vụ lưu trú, chỉ duy nhất dịp tuần lễ hội trăng rằm (trung thu) là hệ thống nhà hàng, quán ăn mới bị quá tải, còn lại đều chưa phát huy hết năng lực thực tế.
Tiềm năng cung ứng dịch vụ du lịch văn hóa - lịch sử
Tuyên Quang là tỉnh đa sắc tộc, cư dân địa phương bên cạnh người Kinh còn có 21 dân tộc ít người như: Tày, Nùng, Cao Lan, Dao, Mông... Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa riêng biệt và đặc sắc như: tục cấp sắc của người Dao, chơi nhạc cụ của người Mông,... nhiều lễ hội dân gian truyền thống như lễ hội lồng tồng (xuống đồng) của người Tày, lễ hội nhảy lửa của người Dao; những làn điệu dân ca riêng độc đáo như hát then của người Tày, hát nghi lễ của người Dao, hát giao duyên của người Mông...; hệ thống các đình, đền, chùa có niên đại cổ và kiến trúc độc đáo đáp ứng nhu cầu du lịch tâm linh của du khách trong cả nước... Những tài nguyên này được giữ gìn trong cộng đồng người dân địa phương và hoàn toàn có khả năng cung ứng nếu cần. Bên cạnh đó, Tuyên Quang còn là mảnh đất lịch sử, lưu giữ nhiều di tích lịch sử như khu di tích thành nhà Mạc, khu di tích Tân trào, An toàn Khu Tân Trào... Đây là những khu du lịch lịch sử văn hóa có nhiều tiềm năng thu hút khách du lịch về tham quan, ôn lại truyền thống anh hùng của dân tộc.
Tiềm năng cung ứng dịch vụ du lịch sinh thái
Với hệ sinh thái trung du - miền núi, Tuyên Quang có tiềm năng lớn về du lịch sinh thái. Trước hết, phải kể đến Khu Bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình, có hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động, thực vật quý hiếm, nhiều hang động kỳ thú, đặc biệt là những thác nước tự nhiên như: Nặm Me, Khuổi Súng, Khuổi Nhi, thác Pác Ban (còn gọi là thác Mơ), Pác Hẩu (thác quả Bứa), Sinh Long... Ngoài ra, Tuyên Quang cũng nổi danh với hệ thống hồ sinh thái, độc đáo như lòng hồ thủy điện Na Hang và hồ sinh thái Lâm Bình. Những hồ lớn, nước trong vắt, nằm giữa các rặng núi, tạo nên một cảnh quan vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng. Những đảo đá nổi lên giữa lòng hồ gắn liền với các truyền thuyết của cư dân, như đảo Cọc Vài (nơi buộc trâu trời), các đền thờ (đền Pác Tạ…) làm cho du lịch lòng hồ không chỉ hưởng không khí trong lành mà còn đắm mình vào không gian cổ tích đầy huyền bí.
Với sinh kế chính là nghề trồng lúa nước, lúa nương và chè, cộng đồng cư dân nơi đây đã tạo ra một cảnh quan sinh thái đẹp, đó là các ruộng bậc thang, các cánh đồng lúa chín vàng dưới thung lũng xung quanh là núi đồi, sương mù bao bọc; đó là các đồi chè xanh mướt chạy xa tít tắp tới chân các ngọn núi mờ sương. Bên cạnh đó, những năm gần đây tại một số huyện như Na Hang, Lâm Bình đã phát triển một số loại cây ăn quả phục vụ cho nhu cầu du lịch. Thành công nhất là cây lê ở huyện Lâm Bình.
Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái
Tuyên Quang có nhiều cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ như: danh thắng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, Khu du lịch sinh thái Na Hang - Lâm Bình, thác Pắc Ban, Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung (Na Hang), thác Bản Ba, xã Trung Hà (Huyện Chiêm Hóa); Quần thể động Tiên (huyện Hàm Yên)… Một thế mạnh quan trọng cho du lịch sinh thái của Tuyên Quang chính là dịch vụ tắm và chữa bệnh bằng suối khoáng. Khu du lịch sinh thái suối khoáng Mỹ Lâm cách thành phố Tuyên Quang 14km, là khu du lịch sinh thái có tiềm năng lớn. Suối khoáng ở đây là dạng suối khoáng lưu huỳnh có khả năng chữa trị các bệnh về xương khớp và bệnh ngoài da rất tốt. Cảnh quan nơi đây cũng đẹp, hiện Vingroup đang xây dựng lại khu này thành một khu nghỉ dưỡng cao cấp.
Nhìn chung, chuỗi cung ứng các dịch vụ du lịch ở Tuyên Quang khá lớn, có thể khai thác du lịch phát triển bền vững và mang lại nhiều kết quả tốt cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong tương lai.
3. Thực trạng xây dựng chuỗi giá trị du lịch tại Tuyên Quang
Chuỗi giá trị du lịch Tuyên Quang hiện nay bao gồm:
Các giá trị do chính quyền địa phương tạo ra
Về xúc tiến, quảng bá du lịch, Sở VHTTDL Tuyên Quang đã xây dựng một trang web để xúc tiến quảng bá du lịch cho tỉnh. Trang web đã giới thiệu đặc trưng về tiềm năng du lịch của tỉnh, tập trung vào các tour du lịch văn hóa, lịch sử và du lịch sinh thái, trải nghiệm; trang web cũng hỗ trợ du khách các thông tin về nhà nghỉ, nhà hàng khách sạn, nơi vui chơi, giải trí, mua sắm, số điện thoại đường dây nóng, thông tin về hỗ trợ làm visa du lịch, địa điểm các ngân hàng và cây ATM, bệnh viện, trạm y tế, các hãng taxi, hãng xe khách. Đồng thời, cung cấp những tin tức về tình hình kinh tế - xã hội trong tỉnh, trong nước và quốc tế phục vụ cho du lịch.
Về chính sách kinh tế xã hội hỗ trợ cho du lịch, Tỉnh đã đề ra chủ trương du lịch gắn liền đẩy mạnh phát triển nông thôn. Theo chủ trương này, tỉnh tập trung xây dựng các cơ sở hạ tầng như đường xá, cảnh quan để có thể khai thác điểm du lịch sinh thái và du lịch văn hóa lịch sử. Hàng ngàn ki lô mét đường liên xã, liên huyện đến các nơi có danh thắng, có di tích lịch sử được xây dựng, như đường vào khu di tích lịch sử Tân Trào, vào thôn Tân Lập xã Tân trào, vào xã Kim Phú (huyện Yên Sơn), vào các xã có trồng lê, chè phục vụ cho du lịch huyện Na Hang, huyện Lâm Bình. Nhờ vậy, các tour có thể kết nối các điểm du lịch mới vào chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, tỉnh còn thực hiện thiết kế và thực hiện các dự án làng du lịch để tăng chuỗi cung ứng cho du lịch, như làng văn hóa Tân Lập (huyện Sơn Dương), làng văn hóa Kim Phú (huyện Yên Sơn)...
Các giá trị do các công ty du lịch tạo ra
Các giá trị được hình thành kết nối trong tour du lịch tâm linh kết hợp tham quan thành phố Tuyên Quang là tour thu hút du khách từ nhiều tỉnh trong cả nước, phổ biến nhất là các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, thường kéo dài 2 ngày, 1 đêm hoặc 3 ngày, 2 đêm. Tiêu điểm của tour này là tham quan, đi lễ tại các đình, đền, chùa trên địa bàn tỉnh như đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La, đền Cảnh Sanh, đền Cấm, đền Mỏ Than, đền Kiếp Bạc, chùa An Vinh, chùa Hang… Vào khoảng từ sau Tết âm lịch đến hết tháng 3 âm lịch, du khách có thể được tham quan nhiều lễ hội đặc sắc như lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La vào tháng 2 âm lịch hằng năm với khung cảnh rước Mẫu rực rỡ; lễ hội chùa Hang vào tháng Giêng với nghi thức rước nước từ sông Lô về thờ cúng… Các điểm tham quan tại thành phố bao gồm Bảo tàng tỉnh, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, Quảng trường Nguyễn Tất Thành, đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, di tích thành nhà Mạc, cầu Tình Húc... là những nơi có cảnh quan đẹp cũng như có ý nghĩa lịch sử.
Các giá trị được kết nối trong tour sinh thái trải nghiệm: thành phố Tuyên Quang - Chiêm Hóa - Na Hang - Lâm Bình (4 ngày 3 đêm). Tour bắt đầu từ các địa điểm ở thành phố Tuyên Quang như thành nhà Mạc, Bảo tàng tỉnh, đền Hạ, chùa Hang, khu sinh thái Mỹ Lâm, sau đó di chuyển đến huyện Chiêm Hóa để khám phá các danh thắng nổi tiếng như thác Bản Ba, xã Trung Hà; khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Bình. Du khách có thể lựa chọn nghỉ ngơi tại nhà sàn truyền thống và ăn các món ăn dân tộc, sau đó đi leo thác để cảm nhận sự hùng vĩ của thiên nhiên. Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Bình, xã Kim Bình là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Rời Chiêm Hóa, du khách tiếp tục đến với huyện Na Hang. Đây là địa phương có một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất Tuyên Quang với tuyến du lịch tham quan vùng lòng hồ sinh thái Na Hang, nơi được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều cảnh đẹp, được ví như “Hạ Long trên cạn”. Du khách được thăm nhiều điểm nổi tiếng như: đền Pắc Tạ, núi Pắc Tạ (Na Hang), tắm thác Khuổi Nhi, chiêm ngưỡng Cọc Vài (Lâm Bình)... Đến điểm cuối cùng, du khách có thể lựa chọn nghỉ ngơi tại Thượng Lâm (Lâm Bình). Nơi đây có nhiều gia đình làm dịch vụ homestay. Điều thú vị nhất mà du khách có thể cảm nhận khi ở đây chính là được sống như người bản xứ, hòa cùng với thiên nhiên, ăn các món ăn vùng cao và học cách nấu những món ăn này. Trở về sau hành trình khám phá Tuyên Quang, du khách có thể lựa chọn nhiều món quà lưu niệm về tặng người thân, bạn bè như: đồ thủ công mây tre đan, các loại măng khô, rau rừng đặc sản, bánh gai Chiêm Hóa, rượu ngô Na Hang...
Các giá trị được kết nối trong tour trải nghiệm lịch sử - văn hóa Sơn Dương - thành phố Tuyên Quang là tour “về nguồn” để ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc. Tour tham quan Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Tân Trào, đình Tân Trào nơi có cuộc họp quốc dân đầu tiên, cây đa Tân Trào, nơi xuất phát của đội tuyên truyền giải phóng quân đầu tiên, đặc biệt có lán Nà Nưa... Điểm tiếp theo của tour là tham quan và trải nghiệm quy trình hái chè, sao chè tại làng văn hóa Tân Lập. Tại đây, du khách có thể tìm hiểu các nếp nhà sàn cổ độc đáo của người Tày, thăm và chụp ảnh tại khu đồi chè đẹp như tranh vẽ và trải nghiệm quy trình sản xuất chè từ khâu hái đến sấy khô. Du khách có thể thưởng thức các món ăn đặc sản như xôi ngũ sắc, măng cuốn thịt hấp, gà nướng than hoa,... Điểm đến tiếp theo là thành phố Tuyên Quang, tham quan một số di tích, sau đó đến khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm. Tour này có thể để khách lưu trú tại làng văn hóa Tân Lập, hoặc tại thành phố Tuyên Quang.
Các giá trị được kết nối trong tour thành phố Tuyên Quang - Na Hang - Lâm Bình (3 ngày 2 đêm) là tour mới kết nối thêm các giá trị của vườn chè và vườn lê Lâm Bình nhưng rất thành công. Chỉ trong mùa hoa lê năm 2019 đã có trung bình 2.000 người/ ngày, du khách tới hái lê trải nghiệm kéo dài trong một tháng cũng thu hút trung bình mỗi ngày trên 1.000 người. Với giá bán vé vào vườn chỉ 10.000 đồng/ người, các chủ vườn lê cũng đã thu được trung bình 20 triệu đồng/ngày. Đây là nguồn thu nhập lớn so với các loại cây trồng và các hoạt động kinh doanh khác. Mùa thu quả, chủ vườn bán vé vào vườn là 15.000 đồng/ người, quả thu được bán theo giá thị trường. Du khách được trải nghiệm hái quả trong vườn, được mua các trái lê sạch, tươi ngon do chính tay mình hái về làm quà, một trải nghiệm thú vị. Du khách có thể nghỉ đêm tại homestay Lâm Bình hoặc nghỉ tại khu nhà sàn thuộc khu du lịch sinh thái Na Hang, thưởng thức các làn điệu dân ca, điệu múa của người Dao, HMông, Nùng địa phương...
Nhìn chung, chuỗi giá trị du lịch tại Tuyên Quang mới được quan tâm trong vòng 10 năm trở lại đây. Mặc dù tiềm năng du lịch của Tuyên Quang phong phú, có nhiều nét độc đáo về văn hóa, lịch sử và sinh thái nhưng do cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng, hoặc do việc đầu tư, nâng cấp để có thể tận dụng được các tiềm năng thành giá trị còn chưa cao nên chuỗi giá trị này hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
4. Bài học kinh nghiệm
Từ việc phân tích các tour nêu trên cho thấy, chuỗi giá trị du lịch Tuyên Quang chưa tận dụng hết các tiềm năng và tài nguyên mà chuỗi cung ứng có thể cung cấp. Còn nhiều điểm du lịch độc đáo nhưng chưa được tận dụng, ví dụ như các điểm cắm trại ven suối, bên sườn đồi ở Na Hang, các hang động ở Chiêm Hóa, Sơn Dương, một số nghề thuộc sinh kế độc đáo, như nghề lặn để bắt cá to trong hồ Na Hang, Lâm Bình. Nghề này có thể giúp người làm du lịch thiết kế một tour trải nghiệm độc đáo và thú vị là lặn xuống làn nước Hồ trong vắt để ngắm đàn cá bơi lượn, hoặc bắt cá nếu thích.
Bên cạnh đó, cần tận dụng và kết nối các giá trị có thể tạo ra từ làng văn hóa các dân tộc Tuyên Quang. Hiện nay, chỉ có làng Tân Lập được khai thác, các làng khác chưa tìm được vị trí trong chuỗi giá trị du lịch hiện tại.
Việc quảng bá các giá trị văn hóa độc đáo chưa kịp thời nên một số lễ hội độc đáo như lễ hội nhảy lửa, lễ hội lồng tồng cũng chưa khai thác được trong chuỗi giá trị du lịch hiện tại.
Việc khai thác giá trị du lịch thành công của cây lê ở Lâm Bình cho thấy hoàn toàn có thể mở rộng mô hình du lịch sinh thái vườn quả với nhiều loại quả khác như đào, cam, bưởi, hồng vốn là các loại cây đặc sản của các huyện ở Tuyên Quang.
Việc chưa khai thác tour du lịch ngắm màu hoa gạo đỏ rực núi rừng cho du khách, cho thấy các công ty du lịch chưa chú ý khai thác giá trị của loại tài nguyên này cho chuỗi du lịch địa phương.
Tỉnh chưa có quy hoạch tổng thể các nguồn tài nguyên và chuỗi cung ứng du lịch để có kế hoạch khai thác hợp lý.
Tuy còn những bất cập nêu trên, việc xây dựng các chuỗi giá trị du lịch ở Tuyên Quang đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận: có sự kết hợp linh hoạt giữa các loại hình du lịch như du lịch văn hóa lịch sử với du lịch sinh thái, du lịch tâm linh với du lịch sinh thái…; khai thác được các giá trị cơ bản và quan trọng tài nguyên du lịch của tỉnh với ba trọng tâm là Khu di tích quốc gia cấp đặc biệt Tân Trào, hồ thủy điện sinh thái Na Hang - Lâm Bình và hệ thống đền, đình, chùa thành phố Tuyên Quang. Du khách tham gia các tour trên đều có ấn tượng tốt về điều kiện đi lại, ăn ở, sự cuốn hút của các điểm tham quan và nội dung hướng dẫn du lịch.
Để nâng cao chuỗi giá trị du lịch của tỉnh Tuyên Quang, chính quyền địa phương đã có những cố gắng lớn trong việc tạo ra các giá trị mới thông qua chính sách phát triển du lịch địa phương, tạo điều kiện quan trọng cho ngành Du lịch phát triển trong thời gian tới, cụ thể Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Một trong ba khâu đột phá được Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang xác định trong giai đoạn 2020-2025 là: Phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Ngày 16-6-2021, Tỉnh ủy Tuyên Quang ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TU về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Về mục tiêu cụ thể: đến năm 2025, xây dựng Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào cơ bản đáp ứng các tiêu chí khu du lịch quốc gia; Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm là khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp; xây dựng, phát triển lễ hội Thành Tuyên là sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có, mang thương hiệu cấp quốc gia; Danh thắng quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình là trung tâm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá có thương hiệu cấp quốc gia, tiến tới thương hiệu quốc tế. Mỗi huyện, thành phố xây dựng ít nhất 1 làng văn hóa đặc trưng gắn với phát triển du lịch; xây dựng từ 1 đến 2 sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, thu hút khách du lịch; tập trung xây dựng 1 làng văn hóa dân tộc cấp tỉnh đảm bảo đồng bộ, bài bản, có đặc trưng riêng; phấn đấu đón trên 3 triệu lượt khách du lịch; tổng thu xã hội từ du lịch đạt trên 4.800 tỷ đồng, đóng góp cho GRDP từ 6% trở lên, tạo việc làm cho trên 25.000 lao động... Vì vậy, phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Tuyên Quang trong thời gian tới là quyết sách chiến lược, có tính bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Với các giá trị quan trọng mà chính quyền địa phương đã tạo ra, hy vọng ngành Du lịch tỉnh Tuyên Quang sẽ khởi sắc trong thời gian tới. Chuỗi giá trị du lịch mới sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các công ty lữ hành, toàn bộ mạng lưới cung ứng dịch vụ du lịch nói riêng và toàn bộ nền kinh tế xã hội Tuyên Quang nói chung.
_____________
Tài liệu tham khảo
1. Trung tâm Thông tin du lịch, Giải pháp và chính sách liên kết chuỗi giá trị đầu vào của các ngành hình thành sản phẩm du lịch, vietnamtourism.gov.vn, 9-10-2019.
2. Nguyễn Anh, Liên kết chuỗi giá trị hình thành sản phẩm du lịch: Cần những giải pháp đồng bộ, baovanhoa.vn, 11-10-2019.
3. Minh Anh, Ứng dụng chuỗi giá trị trong du lịch, travelmag.vn, 29-8-2020.
4. Trương Thị Thu Hà, Khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang, thanhphotuyenquang.gov.vn, 13-10-2021.
5. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (khóa XVII), Nghị quyết số 29-NQ/TU về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, 16-6-2021.
Ths NGUYỄN THỊ KIM LOAN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 521, tháng 1-2023