Đặt tên đường, phố có ý nghĩa quan trọng trong quản lý đô thị. Trong quá trình đô thị hóa, các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc nói chung, tỉnh Lai Châu nói riêng đã và đang thực hiện đặt tên đường, phố tại các đô thị. Thực trạng đặt tên đường tại 3 thị trấn của tỉnh Lai Châu bao gồm: Phong Thổ, Tam Đường và Nậm Nhùn đã đặt ra một số vấn đề trong công tác quản lý nhà nước, đây cũng là nội dung của bài viết này.
Quy trình đặt tên đường
Theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP của Chính phủ, đô thị bao gồm thành phố, thị xã, thị trấn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập. Đô thị được phân thành 6 loại, bao gồm: đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I, đô thị loại II, đô thị loại III, đô thị loại IV và đô thị loại V. Các thị trấn Phong Thổ (huyện Phong Thổ), thị trấn Tam Đường (huyện Tam Đường) và thị trấn Nậm Nhùn (huyện Nậm Nhùn) là đô thị loại V. Căn cứ Nghị định số 91 và Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL), tỉnh Lai Châu đã ban hành quy chế và triển khai đặt tên đường, phố trên các địa bàn đô thị. Phòng, ban chuyên môn của huyện hoặc UBND thị trấn xây dựng đề án đặt tên đường, phố trên địa bàn, tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các cơ quan chuyên môn, tổ chức Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp, nhà nghiên cứu và công bố công khai dự kiến đặt tên đường, phố. Nội dung đề án làm rõ các nội dung về sự cần thiết, mục tiêu, căn cứ pháp lý; điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và thực trạng mạng lưới giao thông trên địa bàn đô thị; phương án đặt tên trên địa bàn đô thị bao gồm cơ sở dữ liệu ngân hàng tên đường, phố và dự kiến đặt tên các đường, phố.
UBND cấp huyện xem xét, thẩm định hồ sơ đặt tên đường trên địa bàn đô thị, tổ chức xin ý kiến thành viên UBND cấp huyện, Ban Thường vụ huyện ủy. Hội đồng tư vấn tỉnh tổ chức thẩm định, khảo sát thực địa hồ sơ theo đề nghị của UBND cấp huyện. Cơ quan thường trực Hội đồng tư vấn tỉnh (Sở VHTTDL) hoàn thiện hồ sơ dự thảo và xây dựng Nghị quyết trình Hội đồng nhân dân tỉnh.
Tên đường
Trên địa bàn 3 thị trấn đã thực hiện đặt tên cho 40 tuyến đường, trong đó Phong Thổ 5 tuyến đường, Tam Đường 17 tuyến đường và Nậm Nhùn 18 tuyến đường. Tên đường được lựa chọn là tên các danh nhân, sự kiện lịch sử, phong trào cách mạng, địa danh, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, tên danh từ có ý nghĩa tiêu biểu về lịch sử, chính trị, văn hóa, xã hội. Trong đó, các tuyến đường được đặt tên danh nhân chiếm tỷ lệ lớn: Phong Thổ là 3/5, Tam Đường là 14/17, Nậm Nhùn là 15/18 và tổng hợp 3 thị trấn là 32/40.
Đường Chu Văn An, thị trấn Phong Thổ, Lai Châu - Ảnh tác giả cung cấp
Một số tuyến đường trên địa bàn 3 thị trấn có cùng tên. 3 tuyến đường trên địa bàn 3 thị trấn Phong Thổ, Tam Đường và Nậm Nhùn được đặt tên Võ Nguyên Giáp; 8 tuyến đường có cùng tên bao gồm Trần Phú, Trường Chinh, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Linh, Vừ A Dính, Bế Văn Đàn, Nguyễn Hữu Thọ, Lò Văn Hặc tại 2 thị trấn Tam Đường và Nậm Nhùn. 2 tuyến đường tại 2 thị trấn Phong Thổ và Tam Đường có tên gọi đường Thanh niên.
Quy mô các tuyến đường
Trên địa bàn thị trấn Phong Thổ, tuyến đường dài nhất là Điện Biên Phủ (2.855m) và tuyến đường ngắn nhất là Nguyễn Chí Thanh (621m). Tuyến đường rộng nhất là Điện Biên Phủ (36m) và các tuyến đường hẹp nhất là Chu Văn An (9,5m), Nguyễn Chí Thanh (9,5m). Tại thị trấn Tam Đường, tuyến đường dài nhất là Võ Nguyên Giáp (3.920m) và tuyến đường ngắn nhất là Lương Định Của (300m). Các tuyến đường rộng nhất là Võ Nguyên Giáp (36m), 21/9 (36m) và tuyến đường hẹp nhất là Phan Đình Giót (6m). Ở thị trấn Nậm Nhùn, tuyến đường dài nhất là Sông Đà (3.285m) và tuyến đường ngắn nhất là Lê Hồng Phong (234m). Các tuyến đường rộng nhất là Lê Thái Tổ (36m), Võ Nguyên Giáp (36m), Thống Nhất (36m), 7/5 (36 m) và tuyến đường hẹp nhất là Bế Văn Đàn (5m).
Tổng hợp các tuyến đường của 3 thị trấn cho thấy, tuyến đường dài nhất là Võ Nguyên Giáp, thị trấn Tam Đường (3.920m). Tuyến đường hẹp nhất là Lê Hồng Phong, thị trấn Nậm Nhùn (234m). 7 tuyến đường có chiều rộng lớn nhất (36m), bao gồm: Điện Biên Phủ thị trấn Phong Thổ; Võ Nguyên Giáp, 21/9, thị trấn Tam Đường; Lê Thái Tổ, Võ Nguyên Giáp, Thống Nhất, 7/5, thị trấn Nậm Nhùn. Tuyến đường hẹp nhất là Bế Văn Đàn thị trấn Nậm Nhùn (5m).
Một số vấn đề đặt ra
Nhìn một cách tổng thể, quy trình đặt tên đường được thực hiện khá chặt chẽ ở các cấp, từ lấy ý kiến cộng đồng dân cư, với sự tham gia của các chủ thể bao gồm người dân đến cá nhân, tổ chức cơ quan đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các nhà khoa học và quyết định cuối cùng là Hội đồng nhân dân tỉnh. Tuy nhiên, có một thực tế, sau khi các tuyến đường được đặt tên, không chỉ ở Lai Châu mà ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM… việc ghi nhớ tên đường cũng như hiểu đầy đủ ý nghĩa của tên đường trong nhân dân còn những hạn chế, từ đó ảnh hưởng đến việc “… góp phần thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các hoạt động giao dịch kinh tế, văn hóa - xã hội; đồng thời góp phần giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa dân tộc, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, tình hữu nghị đoàn kết quốc tế” theo tinh thần Nghị định 91 của Chính phủ. Do đó, công tác truyền thông một cách hệ thống cần tiếp tục được quan tâm hơn nữa trong quá trình triển khai cũng như sau khi đặt tên đường, nhất là với các tỉnh ở trung du và miền núi phía Bắc, do tiếp cận thông tin của nhân dân còn gặp những trở ngại bởi địa hình, giao thông, trình độ dân trí…
Về tên đường, các tuyến đường của tỉnh Lai Châu được đặt tên theo Nghị định 91 (Điều 10), bao gồm tên các danh nhân, sự kiện lịch sử, phong trào cách mạng, địa danh, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam - thắng cảnh, tên các danh từ… trong đó tập trung chủ yếu là tên gọi của các danh nhân. Điều này có thể là vì tên danh nhân phong phú, phù hợp với ý nghĩa của các tuyến đường, nhưng nếu xem xét trên phạm vi 3 thị trấn, một tên đường xuất hiện tại các thị trấn khác nhau, nhất là tên danh nhân phần nào phản ánh việc tìm kiếm các tên gọi khác, ngoài tên danh nhân để đặt tên cho các tuyến đường là không dễ dàng. Cũng theo Nghị định 91 của Chính phủ (Điều 7) là: “… ưu tiên lấy địa danh nổi tiếng, sự kiện lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, danh nhân tiêu biểu của địa phương mình để đặt tên đường…”, nhưng thực tế, một số tên gọi của các tuyến đường không được lựa chọn theo ưu tiên này. Lai Châu đang trong quá trình đô thị hóa, vì vậy trong tương lai việc tiếp tục bổ sung cho ngân hàng tên đường, phố là rất cần thiết nhằm chủ động trong việc đặt tên cho các tuyến đường mới.
Trong mối quan hệ với các đô thị loại đặc biệt, theo Nghị định 91 của Chính phủ (Điều 7), đô thị loại đặc biệt cần lựa chọn tên các địa danh, tên các sự kiện lịch sử trọng đại, các danh nhân tiêu biểu của cả nước hoặc của thế giới trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, nghệ thuật, khoa học, an ninh, quốc phòng… để đặt tên cho đường, phố và công trình công cộng. Các đô thị còn lại, căn cứ vào phân loại cấp đô thị để lựa chọn sự kiện lịch sử - văn hóa, danh nhân đặt tên cho đường, phố và công trình công cộng cho phù hợp. Hiện nay, Hà Nội và TP.HCM là các đô thị đặc biệt đã lựa chọn tên đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp (danh nhân tiêu biểu của cả nước), nhưng các tỉnh khác (không phải đô thị loại đặc biệt) như các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Bình, Hậu Giang, Lào Cai, Hà Tĩnh, thành phố Cần Thơ, Đà Nẵng… và tỉnh Lai Châu cũng có những con đường mang tên Võ Nguyên Giáp. Như vậy, vấn đề đặt ra là cần có những quy định rõ ràng, cụ thể hơn về tiêu chí “danh nhân tiêu biểu của cả nước” nhằm hạn chế sự trùng lặp tên đường giữa các đô thị loại đặc biệt và các đô thị loại khác.
Về quy mô tuyến đường, theo Nghị định 91 của Chính phủ (Điều 3), “Đường là lối đi lại được xác định trong quy hoạch đô thị có quy mô lớn về chiều dài, chiều rộng, gồm các trục chính trên địa bàn đô thị, các tuyến vành đai, liên tỉnh”, nhưng có thể do không có tiêu chí cụ thể về “quy mô lớn về chiều dài, chiều rộng…” và những lý do khác nên thực tế có những tuyến đường với chiều dài chỉ có 234m (đường Lê Hồng Phong, thị trấn Nậm Nhùn), 300m (đường Lương Định Của, thị trấn Tam Đường).
Về mối quan hệ giữa quy mô tuyến đường và tên gọi, theo Nghị định 91 của Chính phủ (Điều 9), căn cứ vào vị trí, cấp độ, quy mô của đường để đặt tên tương xứng với ý nghĩa của địa danh, tầm quan trọng của sự kiện lịch sử và công lao của danh nhân. Trong các tiêu chí về vị trí, cấp độ, quy mô, tiêu chí về quy mô tuyến đường là tương đối cụ thể, rõ ràng. Trên địa bàn thị trấn Phong Thổ, tuyến đường Điện Biên Phủ có chiều dài nhất là 2.855m và chiều rộng nhất là 36m và trên địa bàn thị trấn Tam Đường, tuyến đường Võ Nguyên Giáp có chiều dài nhất là 3.920m và chiều rộng nhất là 36m. Như vậy có sự tương đồng về quy mô lớn nhất của chiều dài và chiều rộng của các tuyến đường này, từ đó tương đối thuận lợi cho việc lựa chọn tên gọi tương xứng với ý nghĩa của địa danh, tầm quan trọng của sự kiện lịch sử và công lao của danh nhân. Tuy nhiên, trên địa bàn thị trấn Nậm Nhùn, tuyến đường có chiều dài lớn nhất là Sông Đà (3.285m) nhưng chiều rộng là 13,5m, nghĩa là không có sự tương đồng về quy mô chiều dài, chiều rộng (nhiều tuyến đường khác có chiều rộng là 36m). Có những tuyến đường chỉ có chiều dài lớn, có tuyến đường chỉ có chiều rộng lớn thì chọn theo tiêu chí quy mô lớn là chiều dài hay là chiều rộng để lựa chọn tên đường cho tương xứng. Và căn cứ vào vị trí, cấp độ, quy mô của đường… để lựa chọn tên gọi tương xứng thì có thể ưu tiên đối với tên địa danh, sự kiện lịch sử hay danh nhân nếu trong trường hợp cả 3 tên gọi này tương xứng với ý nghĩa tuyến đường đó.
Kết luận
Thực hiện đặt tên đường trên địa bàn 3 thị trấn Phong Thổ, Tam Đường và Nậm Nhùn của tỉnh Lai Châu về cơ bản tuân thủ các quy định của Nhà nước. Quy trình được thực hiện lấy ý kiến của cơ sở với sự tham gia của các đối tượng liên quan và được phê duyệt của Hội đồng nhân dân tỉnh. Tên đường được sử dụng đa dạng bao gồm tên các danh nhân, tên các sự kiện lịch sử, tên các địa danh, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam - thắng cảnh… trong đó tập trung chủ yếu là tên gọi của các danh nhân. Các tuyến đường được đặt tên dựa trên căn cứ vị trí, cấp độ và quy mô về chiều dài và chiều rộng. Bên cạnh đó, công tác truyền thông về tên đường một cách hệ thống cần tiếp tục được quan tâm hơn nữa; bổ sung ngân hàng tên đường nhằm chủ động đặt tên cho những tuyến đường mới theo yêu cầu phát triển đô thị; cần có tiêu chí cụ thể, rõ ràng hơn về tuyến đường có quy mô lớn về chiều dài, chiều rộng; quy định rõ hơn việc lựa chọn tên đường tương xứng dựa trên ưu tiên về quy mô chiều dài hay chiều rộng, ưu tiên đối với tên địa danh, sự kiện lịch sử hay danh nhân nếu trong trường hợp cả ba tên gọi này tương xứng với ý nghĩa tuyến đường và sự khác biệt về đặt tên đường giữa các đô thị loại đặc biệt và các đô thị loại khác.
_____________
Tài liệu tham khảo
1. Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nghị định số 91/2005/NĐ - CP Về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng, ngày 11-7-2005.
2. Bộ Văn hóa - Thông tin, Thông tư số 36/2006/TTBVHTT về Hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP, ngày 20-3-2006.
3. Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu, Nghị quyết số 24/2017/NQ-HĐND Thông qua Chương trình phát triển đô thị tỉnh Lai Châu giai đoạn 2017-2030, ngày 8-12-2017.
4. Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu, Nghị quyết số 13/2020/NQ-HĐND Đặt tên đường, phố, công trình công cộng trên địa bàn Thành phố Lai Châu và thị trấn các huyện: Phong Thổ, Tam Đường, Nậm Nhùn, ngày 10-7-2020.
5. UBND tỉnh Lai Châu, Quyết định số 35/2021/QĐUBND ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Lai Châu, ngày 11-10-2021.
TS TRẦN LÊ THANH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 518, tháng 12-2022