Victor Tardieu trong trái tim học trò

Vào ngày 27/10/1924, Trường Mỹ thuật Đông Dương - tiền thân của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam - đã ra đời tại Hà Nội theo một Nghị định của Toàn quyền Đông Dương. Đây là sự kiện vô cùng quan trọng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, mà như nhà sử học Đào Duy Anh từng nhận định: “...Trong nghệ thuật sử nước ta, Trường ấy có cái địa vị rất trọng yếu là làm trung tâm cho một cuộc cải tạo lớn.” (Việt Nam văn hóa sử cương,1938). Nhân dịp hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Trường mỹ thuật đông dương (1924 - 2024) Tạp chí văn hóa nghệ thuật sẽ cung cấp tới quý độc giả về “Hồ sơ Mỹ thuật Đông Dương” với các nội dung liên quan đến cả một giai đoạn hình thành và phát triển của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại, từ cuối thế kỷ XIX cho đến ngày hôm nay, ngõ hầu mang đến cho bạn đọc những thông tin bổ ích và tươi mới về văn hóa nghệ thuật nước nhà trong bối cảnh quan hệ lịch sử Pháp - Việt và sự giao thoa của hai nền văn hóa.

Một buổi tiệc giữa Thầy Victor Tardieu và các sinh viên khóa 1 Trường Mỹ thuật Đông Dương, tháng 8/1930. @manhhai

1. Đôi lời thưa trước 

Ngày 7/4/1988, trong buổi khai mạc triển lãm cá nhân của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc tại nhà triển lãm số 16 phố Ngô Quyền, Hà Nội, giới mỹ thuật và công chúng Thủ đô ngỡ ngàng trước một cảnh tượng “vô tiền khoáng hậu”: một pho tượng chân dung của họa sư Victor Tardieu - người sáng lập và Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương (MTĐD) - được bày trang trọng trên một chiếc kỷ gỗ; bên trên tường là một bức ảnh của họa sư Nam Sơn Nguyễn Văn Thọ - người học trò Việt Nam đầu tiên của Thầy Tardieu, cũng là người thầy của nhiều thế hệ sinh viên Trường MTĐD; và trên cùng là một bức ảnh chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nói về nguyên do thiết lập ban thờ này tại triển lãm cá nhân đầu tiên của mình, họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc giải thích: “Tôi thành họa sĩ là nhờ hai thầy Tardieu và Nam Sơn, còn Cụ Hồ là người chấp nhận tôi là họa sĩ.” [1]

Không chỉ riêng họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc, sinh viên Trường MTĐ D khóa 1933-1938, trong ký ức của nhiều thế hệ sinh viên Trường MTĐD, từ người học trò đầu tiên là Nam Sơn Nguyễn Văn Thọ cho đến những lớp sau như Nguyễn Tường Tam, Lê Phổ, Nguyễn Đỗ Cung… hay Tô Ngọc Vân (người kế tục Thầy mình để trở thành hiệu trưởng của Trường Mỹ thuật Việt Nam sau 1945), Thầy Victor Tardieu luôn là người cha vô cùng nghiêm khắc mà cũng rất gần gũi, thân thiết. Hiếm có “ông Đốc tây” nào như thầy Victor Tardieu ngày đó lại được học trò bản xứ dành cho nhiều tình cảm đực biệt sâu nặng. Họ nhớ nhung bịn rịn Thầy mỗi lần chia tay và mở tiệc đón mừng mỗi khi Thầy đi xa trở về.

Tin về buổi tiệc của sinh viên đón mừng Thầy Victor Tardieu sau chuyến đi công tác xa trờ về. @hathanhngobao, 8/1932

Niềm tin yêu tuyệt đối của học trò dành cho Victor Tardieu trước hết bởi lý tưởng cao đẹp về giáo dục bằng tình yêu thương con người của Thầy - người vẫn hằng mong đào tạo học trò “thành những nhà thực hành xuất sắc; có học thức, tâm hồn, ý tưởng tốt; hiểu được sứ mệnh cao cả của người nghệ sĩ trong xã hội.” [2]

Một trang thư viết ngày 02/8/1935 của sinh viên Trịnh Hữu Ngọc gửi Thầy Victor Tardieu. [1]

Là tấm gương mẫu mực của một nhà sư phạm chân chính và tài năng, Thầy đã gieo mầm và lan tỏa tinh thần cống hiến và phụng sự nghệ thuật, phụng sự đất nước và người cần lao cho các học trò bản xứ. Rất rất nhiều học trò của Thầy Victor Tardieu và Trường Mỹ thuật Đông Dương đã trở thành những nhà danh họa, kiến trúc sư tài danh hay những trí thức hoạt động trên nhiều lĩnh vực văn hóa xã hội khác nhau, có nhiều đóng góp cho nền văn hóa nghệ thuật Việt và/hoặc xây dựng đất nước. 

Ngày trước, cứ vào dịp tháng 6 hằng năm, vào dịp giỗ Thầy, các lứa học trò của Victor Tardieu hoặc của Trường Mỹ thuật Đông Dương lại họp mặt để cùng ôn lại những kỷ niệm xưa cũ với người Thầy kính yêu và/hoặc để “báo cáo” với Người những gì họ đã làm được, những gì còn phải phấn đấu theo di nguyện Thầy hằng gửi gắm vào những thế hệ thanh niên Việt Nam.

Để tiếp nối truyền thống tốt đẹp này, chúng tôi xin chia sẻ những dòng thư, trang báo hay bài viết cũ in dấu sâu đậm tình cảm của các học trò đối với Thầy Victor Tardieu - người đặt nền móng cho mỹ thuật Việt Nam thời hiện đại.

2. Học trò nhớ về người thầy 

- Nam Sơn Nguyễn Văn Thọ: Diễn văn đọc tại liên hoan chia tay Victor Tardieu, 27/12/1930: 

“Với cương vị trưởng bối đối với các sinh viên của trường, xin gửi đến Thầy lời chúc thượng lộ bình an. Quả nhiên, tôi hân hạnh được là người học trò đầu tiên mà Thầy đã hướng dẫn trên mảnh đất An Nam này, trước khi trường được thành lập. Với tư cánh ấy, nhân danh tất cả các bạn sinh viên, xin kính chào người Thầy tận tụy, người sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương. Tôi không bao giờ quên tất cả những gì Thầy đã dành cho tôi, trước khi làm cho người khác, một người Thầy tuyệt vời đã giữ trọn thời gian, sự vất vả và lòng vị tha, chỉ riêng cho sự nghiệp giáo dục của nghệ thuật tôi. 

Trong lễ tang Thầy Victor Tardieu ngày 15/6/1937 tại Hà Nội, sinh viên Trịnh Hữu Ngọc đã chít khăn tang theo phong tục Việt Nam như một người con để tang Cha. @Ngokimkhoi / Nguồn: họa sĩ Trịnh Lữ

Chính Thầy là người có ý tưởng thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, Thầy là người bạn khai sáng vì Thầy muốn tốt cho người ở Đông Dương, muốn họ được tiến bộ. Thầy hiểu rằng một đất nước không thể chỉ hài lòng với việc sản sinh những nhân viên công chức, mà phải đào tạo ra các nghệ nhân và nghệ sĩ. Với kinh nghiệm tràn đầy, Thầy hiểu rằng muốn một đất nước sống còn, phải có ngành nghề cũng như công nghiệp nghệ thuật. Thầy mong muốn sự thịnh vượng cho đất nước Đông Dương mà thầy đã thăm viếng khắp nơi, đã chiêm ngưỡng và ghi lại những phong cảnh có nét đẹp như tranh. Trong khoảng thời gian dài ở nơi đây, Thầy đã thương mến và cảm thông đất Đông Dương này hơn.” [3]

- Trịnh Hữu Ngọc, trong "thư gửi Thầy", 2/8/1935: 

“[…] Còn về cuộc đời của chúng tôi - đã từng man dại - năm năm học này sẽ thành một kỷ niệm không thể nào quên, sẽ thành như cả một cuộc đời. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên những giờ phút làm việc say sưa được thầy tận tụy hướng dẫn như một người cha. Chúng tôi cũng sẽ không bao giờ quên lời khuyên của thầy rằng nên tránh ảnh hưởng của nghệ thuật Địa Trung Hải...[1]

- Nguyễn Cao Luyện, kiến trúc sư, Phó Chủ tịch Hội Chấn hưng Mỹ thuật và Kỹ nghệ An Nam, Điếu văn, 15/6/1937: 

“Khi Người đến đây, xứ sở này lạc hậu về nhiều mặt, dù có lực lượng trẻ tuổi thông minh, cởi mở với những khát vọng mới nhưng lại quá nghiêng về bộ máy quan liêu, một lực lượng lao động thủ công rất khéo léo và kiên nhẫn, song đang trong quá trình sao chép các sản phẩm nhập khẩu tồi tàn, và từ bỏ các kiểu dáng truyền thống cũ. Trí thông minh sáng tạo của Người gợi ý cho Người dự án này: giải cứu những người thợ thủ công khỏi cảnh khốn cùng; tổ chức họ, cung cấp cho họ một định hướng nghệ thuật hợp lý, hướng họ theo kỹ thuật mới, đồng thời bảo vệ phẩm cách của họ.” [4]

- Nguyễn Ngọc Ngoạn, sinh viên ban kiến trúc Trường Mỹ thuật Đông Dương, "Điếu văn", 15/6/1937: 

“… Một con người không khoa trương, mà khiêm nhường, chính trực, người say mê tìm hiểu mọi điều và biết cách gần gũi với những tâm hồn dung dị nhất: vòng tay người luôn mở rộng và giọng nói của người luôn hồ hởi chào đón. Lời người khi cất với chúng con là lời mà chúng con bắt gặp trên môi một người cha. Chẳng bao giờ chúng con có thể trách móc người mỗi khi người gọi “Các con của ta” bởi nếu chức trách của người là Hiệu trưởng, thì tình cảm của người là tình cảm của một người cha dành cho những đứa con.” [4]

Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc trước ban thờ tại triển lãm cá nhân năm 1988. @ Tư liệu gia đình/Nguồn: họa sĩ Trịnh Lữ

- Tô Ngọc Vân, “Ông Victor Tardieu - Người sáng lập ra Trường Mỹ thuật Đông Dương”, 17/6/1939: 

“[…] ai ai cũng như chung một lòng nhớ đến ông, người đã hoàn sinh cho mỹ thuật nước nhà. Người ân nhân ấy để lại cho chúng ta một sự nghiệp to tát, nguy nga, gây nên không phải dễ dàng. Những trở lực, những sự kiềm chế ông đã gặp khi ông mở trường Mỹ thuật nhiều người còn nhớ. Không có một năm nào, trong tám chín năm đầu của trường mỹ thuật, ở Đại hội nghị Đông dương, người ta không kêu gào đóng cửa trường ấy. Người ta cứ phá. Ông cứ xây. Xây bằng sự khéo léo, sự nhiệt thành, sự kiên nhẫn. Ông đã thắng. Nên mới có chúng ta ngày nay: những người biết yêu mỹ-thuật, nhận mỹ thuật là cần cho sự sống, biết lo bồi đắp mỹ thuật Việt Nam. Ông mến học trò. Ông làm cho học trò tin ở mình, ở tương lai. Ông săn sóc ân cần đến họ, như một người cha trông nom âu yếm các con.” [5]

- Nguyễn Đỗ Cung, “Những hy vọng …”, 23/12/1939: 

“Mỗi năm, ngày mở phòng Triển lãm của hội Việt Nam Mỹ thuật Kỹ nghệ của cụ Tardieu sáng lập là một ngày hội họp đông đủ của các họa sĩ. Những tranh ở khắp các nơi trong xứ rủ nhau cùng ra mắt những người yêu Đẹp. Những cảnh vẽ ở Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Lào và Cao mên đều có mặt. […] Phong trào phục hưng nền mỹ thuật Việt Nam của cụ đốc Tardieu gây dựng ở đây càng ngày càng bành trướng và làng Hội Họa muôn sắc càng ngày càng đông đảo nên bên cạnh các họa sĩ đã từng gặp mặt trong các phòng triển lãm cũ ta lại thây thêm một vài tài nghệ mới xuất hiện còn rụt rè. […] Nhưng tương lai còn rộng và ta tin ở tấm lòng chân thành và quả quyết của các họa sĩ không hề nao núng đang hăng hái gây dựng cho ta một nền tư tưởng và cảm giác phong phú thật thích hợp.” [6]

- Lê Phổ, trả lời phỏng vấn của nhà nghiên cứu Thụy Khuê, 3/3/1993:

“Ông Tardieu hồi đó coi tôi như con ông … Tôi đi cùng với ông ấy sang Pháp từ 1931 để dự hội chợ đấu xảo thuộc địa với tư cách phụ tá của Tardieu. Vì vậy mà tôi được gặp nhiều người, trong số đó có Jean Dunand, một nhà sản xuất sơn mài nổi tiếng của Pháp và thế giới lúc bấy giờ. […] Những người thợ thủ công nghệ giỏi nhất hồi đó như cụ Hợp, cụ Mạc … đều làm việc cho Dunand […] Tôi có may mắn được làm việc, được học nghề với những người thợ thủ công nghệ Việt Nam về sơn mài giỏi nhất lúc bấy giờ và cái may mắn ấy đã theo tôi suốt cuộc đời.” [7]

3. Tạm kết 

Qua năm tháng, những hạt mầm chân thiện mỹ được Thầy Victor Tardieu gieo xuống mảnh đất Việt từ một thế kỷ trước đã đâm chồi nảy lộc và đơm hoa kết trái. Đúng như Tô Ngọc Vân từng viết: “Tôi còn nhớ năm 1929, ở phòng triển lãm thứ nhất của người An Nam, lần đầu các nhà mỹ thuật Việt Nam đưa tác phẩm ra trình công chúng. Công chúng chỉ cười, chế. Những người đứng đắn thì bảo đó là việc bôi bác long trọng vô ý thức. Đến năm 1931, kết quả tốt của tác phẩm mỹ thuật Việt Nam bày ở cuộc đấu xảo thuộc địa Pháp, những tin, những bài báo ngoại quốc làm hứng khởi nghệ-sĩ nước ta, có ảnh hưởng là đưa lại cho công chúng An Nam một chút lòng tin ở tương lai mỹ thuật […] Rồi tiếp đến những cuộc trưng bày Việt Nam khác ở phòng triển lãm Paris, đến những sự khuyến khích liền liền ở Pháp đưa lại. Ngày nay khi ta thấy hàng vạn người Annam kéo nhau đến xem một cuộc triển lãm, cái kết quả ấy không phải ngẫu nhiên mà có.” [8]

Lễ khánh thành pho tượng Victor Tardieu do cựu sinh viên Trường MTĐD Georges Khánh tạc ©France-Outre-mer, 6/1938

Ngạn ngữ ta có câu: “Uống nước nhớ nguồn - Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Hy vọng nhân kỷ niệm 86 năm ngày mất của Victor Tardieu (1937-2023) và 100 năm thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương (1924-2024), tại Thủ đô Hà Nội sẽ có những sự kiện văn hóa hoặc công trình tưởng niệm Victor Tardieu trang trọng, xứng tầm với những đóng góp to lớn của Thầy, qua đó, xiển dương những tôn hiệu cao quý của Hà Nội: “Thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO”, “Thành phố vì hòa bình” và “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.

____________________

Tài liệu tham khảo

1. Ghi chép, Trịnh Lữ, Nxb Hồng Đức, 2020

2. Hồ sơ Trường Mỹ thuật Đông Dương: “Chương trình giảng dạy tổng quát” từ năm 1924. Phạm Long & Vũ Thị Minh Hương, Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh, số 8(86), 2019.

3. Mối quan hệ giữa Victor Tardieu và Nguyễn Nam Sơn qua một số tư liệu tiếng Pháp, Ngô Kim Khôi, Tạp chí Mỹ thuật tháng 4/2023.

4. La Volonte Indochinoise, 15/6/1937.

5. Ngày Nay, số 66, 17/6/1939.

6. Ngày Nay, số 193, 23/12/1939.

7. Lê Thi Lựu - Ấn tượng hoàng hôn, Thụy Khuê, Nxb Tổng hợp TP.HCM và Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, 2018.

8. Ngày Nay, số 196, 13/1/1940 & số 197, 20/1/1940.

9. Trang mạng @manhhai.

HÀM PHONG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 538, tháng 6-2023

;