Hé lộ những góc khuất gia đình

Khán giả màn ảnh nhỏ vừa dõi theo những câu chuyện gia đình hài hước trong Gia đình mình vui bất thình lình lại có thêm Nơi giấc mơ tìm về - một bộ phim dành cho cả gia đình, lên sóng VTV1. Đạo diễn Trịnh Lê Phong khẳng định sở trường của mình với những bộ phim về đề tài tình yêu, hôn nhân và gia đình. Khai thác một góc khuất ít được bộc lộ trong những mối quan hệ gia đình, anh cho thấy sự tinh tế và sâu sắc của mình với một đề tài tưởng như đã cũ nhưng sẽ luôn mới mẻ trong nhiều cung bậc cảm xúc.

“Đề tài gia đình có nhiều cách khai thác khác nhau, giống như tình yêu thật!”

Sau bộ phim Thông gia ngõ hẹp, đạo diễn Trịnh Lê Phong vừa trở lại màn ảnh nhỏ với bộ phim Nơi giấc mơ tìm về. Một lần nữa, anh cho thấy sở trường của mình với đề tài hôn nhân gia đình. Nhưng khác với những phim truyền hình cùng đề tài, Nơi giấc mơ tìm về lại khai thác góc khuất ít người biết đến trong mối quan hệ gia đình. Từng có nhiều bộ phim truyền hình Hàn Quốc, Trung Quốc khai thác đề tài này, bởi vậy khán giả Việt sẽ có những soi chiếu thú vị khi xem phim Việt cùng đề tài và hẳn nhiều người sẽ thích thú bởi sự gần gũi hay rút ra những bài học cho riêng mình. 

Khoảng cách thế hệ từng được đề cập trong nhiều bộ phim truyền hình Việt nhưng thường được khai thác trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Nơi giấc mơ tìm về lại khai thác một góc khác biệt: khoảng cách thế hệ và mối quan hệ giữa bà và cháu. Khác biệt đến từ tuổi tác và môi trường sống đã dẫn đến suy nghĩ, quan niệm sống khác nhau gây xung đột. Điều làm nên hấp dẫn nằm ở hành trình hóa giải, từ chỗ mâu thuẫn, hiểu lầm rồi chữa lành và gắn kết để thấu hiểu nhau.

Là người rất có duyên với những bộ phim gia đình và không ngại khai phá đề tài này ở nhiều góc độ, đạo diễn Trịnh Lê Phong cho rằng: “Đề tài gia đình có nhiều cách khai thác khác nhau, giống như tình yêu vậy! Các mối quan hệ trong gia đình rất phức tạp, đặc biệt người Á Đông thường không “chẻ hoe” như người phương Tây. Cách họ cư xử với nhau, độ lắt léo về tâm lý của những mối quan hệ gia đình luôn là điều khiến tôi rất thú vị. Khoảng cách giữa các thế hệ có cái khó là có những chuyện người nhà không nói ra được với nhau. Đây chính là chỗ để phim ảnh cất tiếng, đi sâu vào những góc khuất tâm lý, nhiều cung bậc cảm xúc khó nói thành lời, phim tâm lý hơn nhau ở chỗ ấy. Mỗi gia đình sẽ có một câu chuyện khác biệt, một cách cư xử khác nhau, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” - đấy là điều thú vị của dòng phim gia đình!”.

Đạo diễn Trịnh Lê Phong (thứ 2 từ trái sang) và dàn diễn viên phim Nơi giấc mơ tìm về

Là người kỹ tính trong lựa chọn kịch bản, Trịnh Lê Phong rất thích thú khi được khai phá góc khuất tâm lý trong mối quan hệ còn khá mới mẻ trong phim Việt này. Trong gia đình Việt, nếu bà ngoại thường quấn quýt, gần gũi như người mẹ thứ hai thì với đứa cháu nhỏ, bà nội có thể vừa thân thiết như mẹ lại vừa uy quyền như người cha. Mối quan hệ giữa bà Lan và cháu nội Gia An trong Nơi giấc mơ tìm về cũng vậy. Bà muốn thu xếp tương lai cho cháu theo cách của bà nhưng cũng muốn áp đặt những giá trị sống cho đứa cháu. Còn cháu nội Gia An thì vừa muốn báo đáp tình cảm của bà, lại vừa muốn vượt thoát khỏi những ràng buộc để sống như mình mong muốn. 

Câu chuyện càng trở nên gay cấn khi bà Lan không thể đưa ra những lý giải rõ ràng cho cái chết còn nhiều uẩn khúc của cha mẹ Gia An, khiến anh mắc kẹt giữa sự thù hận và lòng biết ơn với người anh vẫn gọi là bà nội.

 Trịnh Lê Phong cho rằng những câu chuyện nhỏ xoay quanh cách hành xử giữa người trong một nhà cũng có thể mang đến những hấp dẫn thú vị đến từ những mảng đối lập. Đó là khi sự chăm sóc của người này lại trở thành phiền toái với người kia, hoặc cũng có khi, hiểu lầm đã biến những người thân trở thành thù địch. Cách hành xử của mỗi người có thể đúng hoặc sai nhưng sẽ luôn là những tình huống mà khán giả có thể soi vào đó để suy ngẫm và rút ra bài học. Và tình cảm gia đình đến từ những thương yêu, chăm sóc, hy sinh nhường nhịn cho nhau được đắp bồi theo năm tháng, khiến cho ngay cả những hiểu lầm động trời cũng không thể làm rạn nứt. Tình cảm ấy cũng gắn kết những con người tuy không phải ruột thịt máu mủ nhưng vẫn trở nên không thể tách rời. Đây chính là giá trị của gia đình - dù ở thời điểm nào cũng luôn là rường cột của xã hội. 

Những sáng tạo độc đáo 

 Một điểm độc đáo trong phim của Phong chính là nét duyên hài dí dỏm tạo nên cá tính sáng tạo của riêng anh. Nơi giấc mơ tìm về ít yếu tố hài hước hơn những phim anh từng làm. Nhưng nếu Bản di chúc bí ẩn hay Chiều ngang qua phố cũ là phim tâm lý “đặc sệt” thì ở phim này, yếu tố hài hước được gia giảm vừa đủ để khán giả giải tỏa tâm lý. Đó chính là những cảnh trong trại dưỡng lão, khi khán giả được gặp lại những “tài tử” lão làng như đạo diễn - NSƯT Tất Bình hay NSƯT Trọng Trinh trong vai các cụ ông với những màn tung hứng hài hước gây cười cùng “bà nội” Lê Khanh.

Những cụ ông hài hước ở trại dưỡng lão

Đã 5 năm không đóng phim truyền hình nhưng lại tỏa sáng ở mảng điện ảnh với giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất với vai Lý Lệ Hà trong phim Gái già lắm chiêu V: Những cuộc đời vương giả, sự trở lại của NSND Lê Khanh lần này nhận được nhiều kỳ vọng.

Nhận xét về diễn xuất của Lê Khanh trong Nơi giấc mơ tìm về, đạo diễn Trinh Lê Phong cho rằng: “Lê Khanh là một diễn viên giỏi đến mức nhiều khi khiến tôi ngạc nhiên vì có những nét diễn rất khác biệt, thoạt nhìn thì có vẻ không ổn nhưng nghĩ ra, ngẫm lại thì thấy chị xử lý như thế rất hợp lý. Chỉ có những diễn viên giỏi mới có sáng tạo ngoài sức tưởng tượng của người khác, kể cả đạo diễn. Làm việc với những diễn viên như vậy, đạo diễn sẽ học thêm được rất nhiều thứ. Rất bất ngờ và đầy tinh tế trong diễn xuất, chị ấy còn có hình thức sang trọng phù hợp với nhân vật bà Lan. Cũng như trong sân khấu, chị ấy quá nổi tiếng về chuyện xử lý đài từ, thoại nhấn nhá đem lại hiệu quả khác biệt”. 

Một người phụ nữ độc lập, nhiều năm tự mình chèo lái gây dựng cơ nghiệp, điều hành công ty gia đình và một mình bươn chải nuôi cháu lớn khôn không phải là một vai diễn lạ và khó với NSND Lê Khanh. Bà Lan là nhân vật trung tâm của phim, hầu như là nguồn cơn của mọi mâu thuẫn và cũng là mấu chốt trong mọi xung đột. 

Nơi giấc mơ tìm về khai thác một góc khác biệt khoảng cách thế hệ và mối quan hệ giữa bà và cháu

Đạo diễn khẳng định, trong một bộ phim gia đình, diễn xuất của các diễn viên rất quan trọng trong việc chuyển tải các cung bậc của cảm xúc mang đến sự hấp dẫn. Bởi vậy, ngoài sự xuất hiện đặc biệt của NSND Lê Khanh, anh còn chủ trương kiếm tìm những điểm sáng cho các nhân vật khác trong những vai diễn hoàn toàn khác biệt với những vai họ từng đóng. Đó là Lãnh Thanh - từng được biết đến sau phim điện ảnh Thưa mẹ con đi những vẫn còn rất lạ với khán giả truyền hình. Anh mang đến một làn gió mới cho tuýp nhân vật “soái ca của màn ảnh nhỏ” với hình ảnh một Gia An vừa phong trần lãng tử, vừa gai góc cá tính. Đó là NSƯT Đỗ Kỷ trong vai ông Kình - một vai diễn rất khác với “chất” vai mà anh từng đóng. Cơ mưu quyền biến, kín đáo đáng tin nhưng cũng nhiều bí mật muốn giấu kín, ông Kình là trợ thủ đắc lực của bà Lan. Đặc biệt diễn viên Linh Huệ trong một vai diễn nhỏ là mẹ của Mai Anh - người yêu cũ Gia An, hẳn sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên thích thú. Lần đầu tiên Linh Huệ thủ vai một “xã hội đen”, không còn bóng dáng của những nhân vật cũ từng làm nên hình ảnh quen thuộc của chị lâu nay. Đạo diễn khẳng định “chưa có một ai nhìn thấy “màu” ấy từ Linh Huệ cả, bởi hình thức của chị thường khiến người ta nghĩ đến những nhân vật phụ nữ truyền thống hiền lành, nhẫn nhịn hay quê mùa chất phác. Ở phim này chị Huệ sẽ khác hoàn toàn và chị rất hào hứng khi nhận được một vai như vậy”.

MINH VŨ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 535, tháng 5-2023

;