Nguyễn Thiện Đức - Một năng lượng nghệ thuật xứ Huế

Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức sinh năm 1964 tại Thành phố Huế. Theo đuổi ngôn ngữ biểu hiện và trừu tượng. Tác phẩm của Nguyễn Thiện Đức luôn ẩn chứa một năng lượng nghệ thuật, sức sáng tạo không ngừng nghỉ, với kỹ thuật tạo hình tạo chât phong phú, giàu có, đầy đam mê.

Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức

Từ một học sinh con nhà nghèo phải nghỉ học giữa chừng để phụ giúp gia đình, đến khi trở thành tiến sĩ - giảng viên - nguyên Trưởng khoa Mỹ thuật Ứng dụng Trường Đại học Nghệ thuật - Đại học Huế, đó là một hành trình đầy nỗ lực, đầy cảm xúc của họa sĩ Nguyễn Thiện Đức. 

Theo học chuyên ngành sơn mài, ngay từ tác phẩm tốt nghiệp đại học, Nguyễn Thiện Đức đã đoạt giải A Giải thưởng công nhân Mỹ thuật Toàn quốc năm 1993. Thời điểm đó, giải thưởng thật quá bất ngờ đối với chàng sinh viên mới ra trường. Song, Nguyễn Thiện Đức hiểu rằng chặng được trước mặt còn lắm gian nan, dấu ấn bước đầu chưa thể nói lên điều gì. Muốn làm được một việc thành công, muốn theo đuổi một đam mê nào cần phải cố gắng hết mình.

 Vì điều kiện công tác vừa giảng dạy, nghiên cứu, vừa sáng tác, lại đảm nhiệm thêm công việc quản lý, nên Nguyễn Thiện Đức không có thời gian nhiều dành cho sơn mài. Để thỏa mãn khao khát sáng tạo, thỏa mãn nhu cầu được vẽ, ông mở rộng tới các chất liệu khác như như sơn dầu, acrylic, chất liệu tổng hợp và làm đồ họa. Ông vẽ hằng ngày, vẽ mọi nơi mọi lúc, như một cách ghi nhật ký, vẽ như thở vậy, để lưu lại những cảm xúc, những ý nghĩ ùa đến bất chợt. Khi ông vẽ trên toan, khi vẽ trên vóc, khi vẽ trên giấy, khi vẽ trên điện thoại hay máy tính. Ông coi đó là một cách để đối thoại với cuộc sống, với cái tôi của chính mình. 

Nguyễn Thiện Đức, Sonate Nắng vàng, sơn dầu tổng hợp

“Tôi chỉ cần thời gian”. Đó không phải là câu nói chơi của Nguyễn Thiện Đức. Có cảm giác như ông tận dụng mọi thời gian để vẽ, để được độc hành trong thế giới nghệ thuật. Thế giới ấy có thể cô đơn, nhưng là nỗi cô đơn dịu ngọt. Nỗi cô đơn ngân lên niềm hạnh phúc. Mỗi khi được đắm chìm vào thế giới ấy, ông lại nhận về một nguồn năng lượng quý giá. 

Vì thế, nếu lần đầu bước vào không gian nghệ thuật của Nguyễn Thiện Đức, người xem sẽ không khỏi choáng ngợp. Căn nhà rộng rãi của vợ chồng ông ở đường Phan Bội Châu - thành phố Huế và xưởng vẽ của ông cũng tràn ngập tranh. Những bức tranh với các kích cỡ khác nhau, các tạo hình khác nhau, bút pháp khỏe khoắn, phóng khoáng trong một cấu trúc chặt chẽ, gợi mở về không gian. Trên bề mặt tranh đó, Nguyễn Thiện Đức lại tạo các điểm nhấn thị giác, khi là những đường gồ ghề thô ráp, khi là những vết rạch, vết cào xước. Với gam màu trầm ấm, tác phẩm của Nguyễn Thiện Đức thiên về gợi mở, để người xem đối thoại với tác phẩm, cảm nhận nỗi trầm buồn, niềm hân hoan, những suy tư về cuộc sống, sự mất mát, sự sinh tồn. Nhân hậu và ấm áp - đó có ấn tượng chung của người xem khi rời đi. Năng lượng từ Nguyễn Thiện Đức, qua tác phẩm đã truyền đến người xem như vậy. Cả khi ông đặt người xem buộc phải giải mã những mối quan hệ không đồng nhất thì sự ấm áp vẫn là mấu chốt, vẫn là chìa khóa cảm xúc để khi rời đi vẫn đọng lại niềm lưu luyến hân hoan, bởi quy luật tồn tại và hồi sinh kỳ diệu của sự sống. 

Nguyễn Thiện Đức, Hợp thể số 3, tổng hợp

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất cố đô, trong cảm xúc, trong ngôn ngữ tạo hình của Nguyễn Thiện Đức đậm chất Huế. Song đó là một chất Huế chìm sâu hơn, tan biến hơn. Ông tâm sự: “Tôi muốn dành một khoảng trống một khoảng nghỉ để người xem thưởng thức, chiêm nghiệm. Đó có thể là một khoảng rêu phong thành quách, có thể là một khoảng mờ sương, một màu tím Huế, một màu áo dài, màu nón lá Huế. Nhưng nó không hữu hình”. Huế luôn sinh động luôn thay đổi - ông nói tiếp: “Tôi thường nhìn vào những cái mà những người khác ít thấy, những góc khuất, những cái mang tính trắc ẩn nhiều hơn, để tìm ra cảm xúc nghệ thuật. Trong tranh của tôi, tôi hay quan tâm về những vấn đề về thiên nhiên và tự nhiên, và một phần nữa là những cái thuộc về thế giới văn hóa con người.” 

Nguyễn Thiện Đức là người yêu cuộc sống đến tận cùng, yêu với tất cả sắc màu dáng vẻ. Đặc biệt, đó là người luôn đam mê tìm kiếm, luôn háo hức trước mọi thử nghiệm. “Những cái mới luôn luôn lôi kéo tôi. Vì thế kỹ thuật tạo hình tạo chất của tôi rất đa dạng phong phú. Tôi cảm thấy vui khi trang bị được cho mình nhiều công cụ trong ngành nghề”.

 Người có ảnh hưởng trực tiếp tới sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Thiện Đức chính là ông ngoại - một nghệ nhân lành nghề xứ Huế. Hình ảnh ông ngoại với bàn tay tài khéo sử dụng các kỹ thuật phong phú trong sơn mài, khảm trai, khảm xà cừ hay cẩn xương đã in đậm trong tâm trí người họa sĩ, giúp ông thêm nỗ lực trong hành trình sáng tạo, mở rộng các biên độ, các giới hạn về kỹ thuật và chất liệu, để tác phẩm có thêm ngôn ngữ mới, sắc độ biểu đạt mới. 

Nguyễn Thiện Đức, Xuân tình, Acrylic

Năm 1999, Nguyễn Thiện Đức tham gia triển lãm tại Thanh Đảo, Trung Quốc. Triển lãm này thu hút các nghệ sĩ từ hơn 60 nước trên thế giới và ông là đại diện duy nhất của nước ta. Năm 2001, ông tham gia triển lãm tại Viện Goeth Hà Nội với cụm đồ họa máy tính, sau đó là năm lần liên tục triển lãm đồ họa máy tính tại Đức. Năm 2006 ông tham gia Festival phim Digital Art ở Chiềng Mai, Thái Lan. Những chi tiết đó cho thấy Nguyễn Thiện Đức đã tiếp cận với công nghệ máy tính, với design từ rất sớm. Ông cũng là người đầu tiên đem công nghệ máy tính về Trường Đại học nghệ thuật Huế để giảng dạy cho sinh viên. Vừa sáng tác tranh tạo hình, vừa sử dụng công nghệ để làm video art, design, vừa nghiên cứu giảng dạy, họa sĩ Nguyễn Thiện Đức hiểu rất rõ ưu điểm và cả giới hạn của công nghệ. Chính vì vậy, sau khi thể nghiệm những dạng digital art, ông vẫn quay về nghệ thuật truyền thống, với hội họa giá vẽ. Đó luôn là phương tiện tốt nhất để diễn tả cảm xúc của con người một cách trực tiếp nhất, nhân bản nhất. 

Qua 30 năm vừa giảng dạy vừa sáng tác và tự học không ngừng, đến nay họa sĩ Nguyễn Thiện Đức đã đoạt hàng chục giải thưởng danh giá về hội họa, đồ họa, tham gia nhiều triển lãm ở quy mô toàn quốc và quốc tế cũng như có những triển lãm cá nhân đầy dấu ấn. Ông quan niệm giải thưởng là sự ghi nhận của giới chuyên môn, là niềm vui hạnh phúc của người làm nghề. “Tôi coi những giải thưởng là những viên gạch lót đường để tôi thấy vững tâm trong công việc, trong sự lựa chọn. Tôi nghĩ sứ mạng của tôi còn ở xa, nghệ thuật của tôi còn ở xa hơn”.

Nguyễn Thiện Đức, Thiên Địa Nhân, tổng hợp

Trong năm nay, Nguyễn Thiện Đức ấp ủ dự định dự định quay về lại sơn mài, vẽ những bức tranh tương đối dài hơi. Ông cho rằng kỹ thuật sơn mài truyền thống của ông cha ta rất phong phú, tinh tế. Song kỹ thuật thì luôn giới hạn, không phải lúc nào cũng nắm bắt kịp dòng chảy cảm xúc chực ào ra, chực bung vỡ. Quay về lại sơn mài, vận dụng những kỹ thuật mới, cách biểu đạt mới để tạo ra các tác phẩm vừa truyền thống vừa mang dấu ấn cảm xúc của dòng chảy nghệ thuật hôm nay - đó là mục đích, cũng là niềm hạnh phúc của Nguyễn Thiện Đức - người nghệ sĩ giàu năng lượng sáng tạo.

NAM  PHƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 535, tháng 5-2023

;