Tốt nghiệp khóa đầu tiên của trường Mỹ thuật Đông Dương, Mai Trung Thứ được đánh giá là “một trong những họa sĩ đầu tiên đưa hội họa Việt Nam hội nhập với xu thế hiện đại”. Các tác phẩm của ông là một tổng hòa hoàn hảo giữa truyền thống phương Đông và nét hiện đại phương Tây.
Hồn Việt trong tranh lụa
Cùng với Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu và Lê Phổ, Mai Trung Thứ được mệnh danh là một trong “tứ kiệt trời Âu” của hội họa Việt Nam. Mai Trung Thứ đã tạo ra một phong cách giao thoa giữa hai nền hội họa Á - Âu, tranh của ông vừa mang đậm bản sắc phương Đông vừa cuốn hút công chúng phương Tây.
Chân dung Madam Phương - tranh sơn dầu năm 1930.135,5x80cm. Phiên đấu giá “Beyond Legends Modern Art Evening Sale” tại Sotheby’s ngày 2042021, đạt mức 3,1 triệu USD (~71 tỷ đồng)
Mai Trung Thứ hay còn gọi là Mai Thứ sinh năm 1906, quê ở làng Do Nha (Ro Nha), huyện An Dương, tỉnh Kiến An (cũ) nay là xã Tân Tiến, huyện An Dương, Hải Phòng trong một gia đình quan lại. Ông là sinh viên khóa I Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cùng lứa với Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ, Lê Phổ, Nguyễn Cao Luyện... Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, những năm đầu Mai Trung Thứ theo đuổi chất liệu tranh sơn dầu, vẽ cảnh sinh hoạt của nông thôn Việt Nam thời đó. Về sau ông chuyển sang vẽ tranh lụa và đây là chất liệu tranh đã giúp ông tạo dựng tên tuổi. Sau này, họa sĩ Lê Phổ - người bạn đồng niên đồng khóa của Mai Trung Thứ từng cho rằng: “Người vẽ đẹp nhất ở khóa chúng tôi, đó là họa sĩ Mai Trung Thứ”.
Năm 1930, sau khi tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương, Mai Trung Thứ được bổ nhiệm dạy vẽ tại Trường Quốc học Huế. Tại đây, tài năng vẽ tranh lụa của ông đã nở rộ với hàng loạt các tác phẩm mang đậm nét cô đô. Nhân vật trong tác phẩm của ông giai đoạn này là những cô gái Huế dịu dàng, mái nhà cong của khu đền đài lăng tẩm hay khung cảnh hữu tình bên dòng sông Hương... Sáu năm sống và làm việc ở kinh đô Huế đã để lại trong ông những ký ức đậm sâu về quê hương xứ sở để rồi sau này, trong những năm tháng sống và sáng tác ở Pháp, đề tài chủ yếu của ông vẫn là hình ảnh và con người Việt Nam - một quê nhà luôn trong trái tim. Những bức tranh ở giai đoạn này cũng đã tạo cho ông chỗ đứng vững chắc trong nền hội họa hiện đại Việt Nam.
Bức Cô gái làm thơ đấu giá tại Sotheby’s Hong Kong ngày 18/4/2021 đạt mức 6.225.000 HKD tương đương khoảng 18,5 tỷ đồng
Tranh của Mai Trung Thứ nổi bật với những gam màu tươi sáng, con người và cảnh vật mềm mại hiền hòa giống như tranh của Tô Ngọc Vân sau này. Tên tuổi ông trong hội họa gắn liền với những tác phẩm tranh lụa về đề tài phụ nữ, trẻ em, cuộc sống thường ngày mang đậm màu sắc dân gian và bản sắc văn hóa truyền thống của Việt Nam.
Đương thời, Mai Trung Thứ được coi là họa sĩ góp phần quan trọng tạo nên sự phong phú về màu sắc của chất liệu tranh lụa Việt Nam. Các tác phẩm của ông được đánh giá là “mang hòa sắc lung linh huyền ảo của chủ nghĩa ấn tượng nhưng lại tránh sa vào thái độ duy lý thẩm mỹ của chủ nghĩa này”. Những cuộc trưng bày các tác phẩm của ông tại nhiều triển lãm trên thế giới đã góp phần giúp hội họa hiện đại Việt Nam được biết đến nhiều hơn tại phương Tây, trung tâm hình thành nên các trào lưu nghệ thuật trong lịch sử nhân loại.
Dù có những đóng góp xuất sắc cho hội họa Việt Nam hiện đại thời kỳ sơ khai trong những năm đầu thế kỷ 20, nhưng các tác phẩm Mai Trung Thứ chủ yếu được biết đến ở nước ngoài hơn là ở Việt Nam. Ông là một trong số những danh họa Việt Nam có tranh được bán với giá cao tại những nhà đấu giá hàng đầu thế giới.
Người nghệ sĩ luôn hướng về quê hương
Dù hơn nửa đời người sống xa Việt Nam nhưng Mai Trung Thứ luôn làm hết sức mình để đóng góp cho sự phát triển của nền văn hóa nghệ thuật tại quê nhà. Là người đa tài, ngoài tài năng hội họa, ông còn đam mê điện ảnh, từng lập nên hãng phim Tân Việt, tự mình đứng ra sản xuất và quay phim. Ngoài ra, ông còn tham gia diễn xuất trong một số bộ phim ở Pháp.
Mai Trung Thứ ngoài cùng bên phải trong phim Fort du Fou
Ông làm phim từ rất sớm, khi nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam còn chưa ra đời. Năm 1946, ông gửi về nước bộ phim tài liệu do ông tự quay với nhan đề Sức sống của 25.000 Việt kiều tại Pháp do hãng phim Tân Việt của ông sản xuất. Bộ phim sau đó được chiếu rộng rãi tại các rạp ở Hà Nội.
Cũng năm 1946, nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đoàn đại biểu cấp cao sang thăm Cộng hòa Pháp. Khi đó, họa sĩ Mai Trung Thứ là Giám đốc hãng phim Tân Việt đã được cử đi cùng Bác Hồ 4 tháng để quay phim, ghi lại các hoạt động của Hồ Chủ tịch trên đất Pháp. Năm 1975, Mai Trung Thứ đã tặng lại cho Đảng và Nhà nước Việt Nam những thước phim quý giá này. Đó là những thước phim ghi lại chân thực hình ảnh Hồ Chủ tịch sau khi giành được độc lập, tự do cho đất nước được đón chào nồng nhiệt trong vòng tay nhân dân Pháp và hàng chục vạn Việt kiều. Những thước phim đã trở thành tư liệu lịch sử duy nhất về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Pháp. Những bộ phim tài liệu quý giá của ông như Hồ Chủ tịch tại Pháp hay Hội nghị Fontainebleau 1946 đã giúp ích rất nhiều trong việc cung cấp tư liệu lịch sử cho các nhà làm phim tài liệu ở Việt Nam cũng như quốc tế sau này.
Một góc triển lãm Mai Trung Thứ (1906-1980), tiếng vọng của một Việt Nam trong mơ tại Pháp
Năm 1974, Mai Trung Thứ về thăm Việt Nam sau 38 năm xa quê hương theo lời mời của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, Mai Trung Thứ được về thăm quê mẹ. Ông qua đời 6 năm sau đó, vào năm 1980, sau một cơn đau tim.
Tiếng vọng từ một Việt Nam trong mơ
Tuy phần lớn cuộc đời hoạt động ở Pháp, thế nhưng Mai Trung Thứ vẫn được nhiều người biết đến là họa sĩ nổi tiếng của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20. Tác phẩm của ông vẫn thường xuyên xuất hiện trong các triển lãm tranh và các phiên bán đấu giá lớn. Đầu tháng 10/2010, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm ở Hồng Kông (TQ), đại diện của nhà bán đấu giá Sotheby’s đã tổ chức phiên bán đấu giá những tác phẩm hội họa hiện đại và đương đại Đông Nam Á trong đó có các tác phẩm của nhiều họa sĩ Việt Nam. Trong số này có 5 bức tranh của họa sĩ Mai Trung Thứ. Tại đây, một trong những tác phẩm của ông là bức Chân dung Madam Phương trở thành bức tranh trở thành tác phẩm có giá công khai cao nhất của nền mỹ thuật Việt Nam, với giá 3,1 triệu USD.
Bức Mona Lisa đấu giá tại Christie’s Hong Kong ngày 24/5/2021 đạt mức 724.000 USD (khoảng 16,6 tỷ đồng)
Vào ngày 28/5/2021, Bảo tàng Cernuschi chuyên về nghệ thuật châu Á tại Paris đã tổ chức triển lãm trưng bày 140 tác phẩm của Mai Trung Thứ. Sự kiện này được giới chuyên môn mong đợi trong bối cảnh nhiều tranh của ông đạt giá cao trên thị trường quốc tế.
Vào ngày 16/7/2021, Triển lãm Mai Trung Thứ (1906 - 1980), tiếng vọng của một Việt Nam trong mơ đã diễn ra tại bảo tàng Ursulines, thành phố Mâcon - Pháp, thu hút được hơn 10000 lượt khách tham quan. Chính vì sự quan tâm lớn này của công chúng mà ban tổ chức đã quyết định kéo dài thêm thời gian triển lãm thêm hai tháng, tới ngày 2/1/2022, thay vì 24/10/2021 như dự kiến. Được phối hợp tổ chức với bảo tàng Ursulines (Mâcon) và Bảo tàng Cernuschi, Triển lãm đặc biệt này trưng bày 140 tác phẩm, tài liệu và hình ảnh tái hiện hành trình nghệ thuật của họa sĩ Mai Trung Thứ theo trình tự thời gian. Đây đều là những bức họa gốc của họa sĩ, trong đó có nhiều bức chưa từng xuất hiện trước công chúng. Các giám tuyển chuyên nghiệp của bảo tàng Cernuschi, bảo tàng thuộc hệ thống bảo tàng quốc gia Pháp, chuyên trưng bày các hiện vật nghệ thuật châu Á, tham gia tổ chức trưng bày triển lãm, cùng sự giúp đỡ và tư vấn của bà Mai Lan Phương, con gái họa sĩ.
Bức Người phụ nữ đội nón đứng bên sông
Tháng 12/2021, Viện Pháp tại Việt Nam công chiếu bộ phim tài liệu Mai Thứ: Hành trình trở lại của một nghệ sĩ đa tài được thực hiện trong khuôn khổ triển lãm cá nhân của ông mang tên Mai Trung Thứ (1906-1980), tiếng vọng của một Việt Nam trong mơ.
Một điều đặc biệt là họa sĩ thường tự tay làm khung cho các bức họa của mình. Phần khung tranh được làm kỳ công, với phong cách riêng đã giúp tôn lên giá trị của bức tranh. Ngày nay, phần khung tranh cũng là yếu tố giúp các nhà thẩm định xác định các bức tranh thật của họa sĩ. Xem phim, khán giả còn được biết những thông tin quý báu, ví như trong khoảng thời gian từ năm 1950 đến 1961, Mai Trung Thứ đã từng vẽ minh họa Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du.
Bộ phim tài liệu cũng tiết lộ, vào tháng 2/2019, bà Mai Lan Phương, con gái họa sĩ đã đưa hũ tro của họa sĩ từ Pháp về quê Do Nha, Hải Phòng đúng theo ước nguyện sinh thời của cha mình. Hiện tại, ở thành phố Hải Phòng có một con đường mang tên Mai Trung Thứ. Người nghệ sĩ xa quê cuối cùng đã được trở về nơi chôn nhau cắt rốn.
NGUYỄN KIM DUNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 535, tháng 5-2023