Sinh năm 1941, ở cái tuổi ngoài 80, Ngô Thảo vẫn đọc, vẫn viết, hàng ngày vẫn tham gia làm cố vấn nghệ thuật cho tập đoàn truyền thông BHD của các con ông. Và ông cũng dành nhiều thời gian giao lưu gặp gỡ, tham dự các sự kiện trong văn giới. Với sự phong nhã, hào hiệp và một cuộc đời lao động trí tuệ miệt mài, từng trải, Ngô Thảo dành được sự kính trọng của nhiều bạn bè, đồng nghiệp khắp mọi miền đất nước. Năm 2012, ông được trao tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Cuối năm 2022, sau khi dịch COVID-19 lắng xuống, nhà nghiên cứu phê bình Ngô Thảo mời đồng nghiệp đến dự buổi ra mắt cùng một lúc 4 cuốn sách của ông vừa xuất bản. Địa điểm ông chọn là Tạp chí Văn nghệ quân đội, nơi ông đã có 15 năm gắn bó và từng làm Trưởng Ban lý luận phê bình của tạp chí này trước khi chuyển công tác sang Hội Nghệ sĩ Sân khấu. Trước khi kết thúc cuộc gặp mặt, ông nói với bè bạn trong làng văn: “Tôi đã viết về nhiều tác giả trong kháng chiến chống Mỹ và hậu chiến, đã suy tư về nhiều vấn đề của văn học, sân khấu và văn hóa nói chung. Tất cả đó, gửi gắm trong những tập sách đã in trong mấy chục năm nay.” Lặng đi vài giây, giọng ông chùng xuống, xúc động: “Hay dở, đúng sai thì cũng là tâm huyết của một đời cầm bút và nghĩa tình sâu nặng với những đời văn mà tôi đã gắn bó, đã rung động và muốn ghi lại về họ.”
*
Như một cơ duyên, từ khi còn là một cậu bé cấp 2 tôi đã biết đến cuốn sách Từ cuộc đời chiến sĩ của Ngô Thảo và say mê với nó. Cái tên Ngô Thảo vì thế đã trở nên thân thiết với tôi từ khi chưa gặp mặt. Sau này, trong những tháng năm làm báo, tôi đã nhiều lần được gặp riêng ông và trong các sự kiện của làng văn. Càng ngày tôi càng hiểu hơn uy tín nghề nghiệp, sự tâm huyết, từng trải và đóng góp đáng quý của ông, một con người đã gần 60 năm gắn bó, không ngừng nghỉ trong nghiệp viết.
Có lần, Ngô Thảo tiết lộ về những ký ức tuổi thơ u buồn của mình: “Sinh ra ở một vùng quê heo hút thuộc làng Huỳnh Công Nam, Vĩnh Hoàng, Vĩnh Linh (Quảng Trị), phía bắc vĩ tuyến 17. Thuở đó, cây cối rậm rạp như rừng nguyên sinh. Ông cố tôi, người khai khẩn làng này là một vị cai trong đội quân hộ vệ của Vua Hàm Nghi khi Người xuất cung ra Hà Tĩnh lập căn cứ chống thực dân Pháp. Khi đại thần Tôn Thất Thuyết xuất bôn, Vua Hàm Nghi bị bắt hồi cung năm 1888, ông không trở về làng cũ nên đến đất này khai khẩn.” Sự tích này lý giải vì sao, từ thời ông cha Ngô Thảo về sau, dòng họ Ngô ở đây đều nuôi trong dòng máu một lòng yêu nước nồng nàn và căm thù giặc sâu sắc. “Đến tháng 4 năm 1930, ông nội rồi ba và các chú tôi cùng các đồng chí trong vùng đã lập chi bộ Cộng sản đầu tiên của huyện Vĩnh Linh.”
Nhà văn Ngô Thảo cùng đồng nghiệp
Mới hai mươi tuổi, cha của Ngô Thảo và các đồng chí của mình nhiều lần bị giặc bắt bớ, tra tấn. Năm 1947, sau toàn quốc kháng chiến, khi Ngô Thảo mới 6 tuổi cha Ngô Thảo phải lên chiến khu kháng chiến. Mẹ ông mất trong tình cảnh gieo neo, xa chồng, đang mang thai, ốm không có thuốc. Đám tang của bà được chôn trong đêm, ở vườn nhà. Khi đó, bà mới 37 tuổi. Cậu bé mồ côi Ngô Thảo lớn lên trong sự đùm bọc, nuôi nấng của bà nội. Sau đó, cha ông thu xếp cho ông ra vùng tự do khu Bốn ở Hà Tĩnh học. Một thời gian sau, cha ông hy sinh khi Ngô Thảo mới 10 tuổi, hoàn cảnh gia đình càng trở nên gieo neo. Ngô Thảo bùi ngùi nhớ lại: “Mới mấy năm kháng chiến, bà nội tôi đã có ba con trai hy sinh. Với những cống hiến đó, gần bay mươi năm sau, bà được tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.” Suốt cả tuổi thơ phiêu dạt nhiều nơi, trong đói nghèo, cô đơn và khổ cực, với bản tính yêu sách, quý sách, ông đã đọc không bỏ sót một cuốn sách nào tìm được và ghi chép vào sổ tay hàng ngàn câu văn hay, câu danh ngôn. Trong suốt thời phổ thông, Ngô Thảo luôn là học sinh xuất sắc môn văn và được thầy cô quý mến. “Văn chương với tôi như một niềm an ủi, một nguồn sáng nuôi dưỡng tâm hồn trong những năm tháng trẻ thơ, cô đơn, cực khổ. Và từ đó, từng trang sách thắp lên trong tôi những ước mơ…”- ông tâm sự.
Ngô Thảo thi đỗ vào khoa ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khóa 5 và theo chuyên ngành ngôn ngữ. Khi tốt nghiệp, ông về tổ ngôn ngữ viện Văn học công tác được 6 tháng thì được gọi nhập ngũ và biên chế vào một đơn vị pháo binh. Từ 1965 đến 1970, ông công tác ở chiến trường Trị Thiên, đảm nhận nhiều cương vị từ binh nhì đến phó Chính trị viên đại đội. Năm 1971, ông ra Bắc học ở Học viện chính trị và bất ngờ được điều về Tạp chí Văn nghệ quân đội, từ đó, ông gắn bó với tạp chí này đến năm 1985 thì chuyển sang Hội nghệ sĩ Sân khấu.
Trong những năm làm việc tại tạp chí Văn nghệ quân đội, ông quen biết và có điều kiện gần gũi với nhiều nhà văn nổi tiếng. Và cũng chính ở đây, các công trình sưu tầm, biên soạn, nghiên cứu, phê bình văn học có giá trị của ông đã ra đời.
Ngòi bút của Ngô Thảo gắn bó với các nhà văn quân đội và văn học kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong đó phải nhắc đến những công trình nghiên cứu phê bình dày dặn, có ý nghĩa như: Từ cuộc đời chiến sĩ (sau này in lại, có bổ sung với tên mới Văn học về người lính); Nhà văn bàn về nghề văn; Một thời đại mới trong văn học; Đời người đời văn; Thao thức với phần đời chiến trận; Thư chiến trường, Dĩ vãng phía trước, Lặng lẽ những đời văn, Bốn nhà văn nhà số 4… Ngô Thảo dành một ân tình đặc biệt cho Nguyễn Thi với 2 công trình sưu tầm biên soạn: Năm tháng chưa xa (sưu tầm biên soạn sỗ tay ghi chép của Nguyễn Thi) và Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi (toàn tập). Ông cũng dành tâm huyết để tuyển chọn và giới thiệu tác phẩm của những tác giả lớn, là những người bạn thân thiết của ông như: Tác phẩm Thu Bồn (4 tập), Tuyển tập Phan Quang (2 tập) và một số công trình sưu tầm ấn tượng khác: Chiến trường - sống và viết; Văn học với đời sống, đời sống với văn học, Nghiêng trong bóng chiều…
Sưu tầm, nghiên cứu, phê bình là những công việc không thể tách rời trong sự nghiệp của Ngô Thảo. Ông quan niệm rằng, việc nghiên cứu, bình luận, đánh giá một nhà văn không thể tách rời thời đại, hoàn cảnh sống và chiến đấu của họ. Chúng ta chỉ có thể hiểu đúng nhà văn và những đóng góp của họ với thời đại và dân tộc khi hiểu rõ con người, tài năng, khát vọng và những nỗ lực của họ trong quá trình cầm bút. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hầu hết nhà văn của chúng ta đều dùng ngòi bút để phụng sự dân tộc, cổ vũ cuộc kháng chiến trường kỳ vì độc lập tự do. Ngô Thảo đã chọn lựa cho mình một mảng đề tài riêng, đấy là những nhà văn thời chống Mỹ, những người gắn với chiến trường lửa đạn và hầu hết là những nhà văn cùng thế hệ với ông. Các công trình sưu tầm biên soạn kỹ lưỡng, phần giới thiệu và bình luận chắt lọc và công bàng. Ngô Thảo vừa tỉ mỉ, cụ thể lại có cái nhìn khái quát. Ông không chỉ đưa ra những tư liệu hữu ích, những hồi ức và kỷ niệm sâu sắc đầy gợi cảm mà còn có những nhận định nêu bật lên được những đóng góp cơ bản của một đời văn hoặc những khía cạnh đáng nói về một giai đoạn văn học.
Bạn bè, đồng nghiệp tham dự buổi ra mắt sách của nhà văn Ngô Thảo tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2022
Có thể nói, qua ngòi bút của Ngô Thảo, dù ở những sắc độ đậm nhạt khác nhau, cuộc đời và sự nghiệp của một lớp nhà văn từ thời chống Mỹ về sau đã hiện lên sinh động với những tên tuổi như: Nguyễn Thi, Nguyễn Khải, Thu Bồn, Nguyễn Minh Châu, Dương Thị Xuân Quý, Văn Phác, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Chí Trung, Nguyễn Quang Sáng, Nguyên Ngọc, Phạm Ngọc Cảnh, Mai Linh, Nguyễn Thị Như Trang… Đó không chỉ là sự đánh giá khách quan, đó còn là những ghi chép, những kỷ niệm riêng tư, là những phần đời lặng lẽ ẩn khuất phía sau trang viết của họ, nhưng nếu thiếu nó, chúng ta sẽ không thể hiểu đủ, hiểu đúng về sự đóng góp của những con người đã hy sinh cả cuộc đời mình cho nền văn học trong những năm máu lửa.
Đối với nhà phê bình Ngô Thảo, dường như viết về các nhà văn chiến sĩ, về những tác phẩm đề tài chiến tranh là một định mệnh. Dòng máu yêu nước truyền đời từ thế hệ ông cha, mảnh đất quê hương hứng chịu nhiều bom đạn và cả một tuổi thơ cực khổ đã giúp ông thấu hiểu giá trị của hòa bình, hiểu thấu những trang văn đã được viết nên trong máu và nước mắt, trong lửa khói ngập trời và trân trọng những cuộc đời đã hy sinh tất cả để có những trang văn ghi lại khuôn mặt của một thời đại và trở thành vũ khí trên trận tuyến diệt quân thù.
Sau 1985, Ngô Thảo chuyển sang công tác ở Hội nghệ sĩ Sân khấu. Ông lần lượt đảm nhận nhiều vị trí như biên tập viên, phó tổng biên tập, tổng biên tập tạp chí Sân Khấu kiêm giám đốc nhà xuất bản Sân khấu; ủy viên ban thư ký rồi phó tổng thư ký thường trực Hội Nghệ sĩ Sân khấu trong 10 năm (1994-2004).
Ngòi bút của Ngô Thảo dần dần mở rộng biên độ sang những lĩnh vực khác của đời sống văn hóa. Ông có thêm những công trình ấn tượng như: Sân khấu Việt Nam trong cơ chế kinh tế thị trường; Văn hóa trong phát triển, văn hóa của phát triển; Như cuộc đời, Mây bay về núi… Ông cũng không dừng lại ở mảng đề tài về các nhà văn chiến trận mà quan tâm nhiều đến những yêu cầu mà đời sống đặt ra đối với đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà. Những năm cuối thập niên 80 và thập niên 90 của thế kỷ trước, không khí đổi mới sôi sục làm thay đổi diện mạo của nền văn hóa dân tộc. Nhiều yếu tố mới xuất hiện, với cương vị của mình, Ngô Thảo có điều kiện suy nghĩ và đề xuất những vấn đề ở tầm vĩ mô. Ông không ngại chỉ ra những mặt yếu kém cần phải khắc phục trong đời sống văn hóa và tìm cách lý giải những hiện tượng của đời sống ở góc nhìn văn hóa và đưa ra những đề nghị thiết thực về việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, trở thành nhân tố của phát triển cho xã hội.
Nhà văn Ngô Thảo và nhà văn Kim Lân
Từ văn học, Ngô Thảo mở rộng tầm nghiên cứu sang sân khấu, điện ảnh và cùng với thời gian, đó là tầm nhìn và kiến giải về văn hóa như một nhân tố tạo nên sự nhân đạo và thịnh vượng của xã hội. Từ những trang tư liệu, phê bình nghiên cứu về văn chương, dần dần ông suy tư về những vấn đề lớn liên quan đến đội ngũ sáng tác, đến những vấn đề mà cuộc sống đặt ra với các nhà văn nói riêng và với những nhà hoạt động văn hóa nói chung. Từ một người viết nhiều, viết sâu về đề tài văn học chiến tranh, Ngô Thảo ngày càng trăn trở trước những bức xúc của hòa bình, đặt ra vấn đề đổi mới văn hóa, văn học và xây dựng đội ngũ sáng tác xứng tầm với yêu cầu mới.
Trong giao tiếp hằng ngày, Ngô Thảo luôn điềm đạm, phong nhã, nhưng trong thẳm sâu, Ngô Thảo là một tâm hồn đa cảm, nhiều ưu tư và trắc ẩn…
*
Năm tháng vẫn vồn vã trôi đi. Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến nhiều sự đổi thay nhanh chóng như bây giờ. Biết bao vấn đề mới đang dồn đẩy chúng ta, thu hút sự quan tâm của chúng ta mà bụi thời gian thì đang lặng lẽ phủ lên những trang đời dĩ vãng. Và tôi lại nghĩ đến Ngô Thảo, một người hoài niệm, một người phủi bụi thời gian để chúng ta thấy hiện lên vẻ đẹp óng ánh chất vàng mười của những trang văn thời chiến trận và gương mặt của rất nhiều nhà văn chân chính đã cống hiến suốt cả cuộc đời mình cho sự nghiệp văn chương. Mỗi trang viết của Ngô Thảo chắt ra từ tấm lòng, từ nghĩa tình sâu nặng với lớp lớp cha anh, và cũng là cách để ông gửi lại cho đời sau những ký ức về một thời hào hùng.
THIÊN SƠN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 532, tháng 4-2023