Đại Thi hào Nguyễn Du đã để lại cho con cháu đời sau một “vùng văn hóa Kiều” sâu rộng trên miền đất xứ Nghệ, rồi dần dần lan rộng ra khắp cả nước. Bài viết này chỉ muốn giới thiệu sức sống đời thường qua những câu hát ví giặm gắn bó mật thiết với nhiều khúc thơ Kiều qua lời kể của lớp người đã khuất cùng những người đang mê đọc Truyện Kiều.
Tác phẩm qua nhiều biến thể khác nhau từ “Trò Kiều” đến “đố Kiều, bói Kiều v..v.. nhằm phục vụ đông đảo quần chúng khắp cả nước… Tôi được biết trước cách mạng Tháng Tám vùng Hà Tĩnh quê tôi, qua những buổi hát hò của nam nữ, khúc dạo đầu được cất lên thường là những lời chào hỏi giới thiệu. Thế rồi, phe bên nữ cất lời thách đố đậm nét bè bạn thân tình. Bỗng một cô gái với giọng cao lảnh lót ca lên:
Truyện Kiều anh thuộc làu làu,
Đố anh kể được hai câu hết liền?.
Câu đố quá khó vượt ra ngoài tầm hiểu biết của đông đảo trai làng. Phải có các sinh đồ trẻ khá thâm nho và lanh lợi “ngồi gà” phía sau, nếu không đáp lại kịp thời thì sẽ chịu tẽn tò thua cuộc trươc phái nữ. Sau mấy phút bàn tán xì xào, phe bên trai cất tiếng đáp: lại:
Trăm năm trong cõi người ta,
Mua vui cũng đươc một và (vài) trống canh.
Tiếng vỗ tay thách đố chưa dứt, câu hỏi khác tiếp tục đố khó hơn
Truyện Kiều anh thuộc làu làu,
Đố anh biết được câu nào toàn Nôm?
Ối trời ơi! Càng khó hơn! Làm sao trả lời? Có đến 3264 câu thơ, ai mà thuộc được? Thật ra trong Truyện Kiều nhiều câu lục bát được viết toàn chữ Nôm, đậm chất ca dao đến mức khó phân biệt ca dao hay là thơ Kiều như những câu sau:
Sè sè nấm đất bên đàng,
Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.
Chén đưa nhớ bữa hôm nay
Chén mừng xin đợi ngày rày năm sau.
- Làm cho cho mệt cho mê.
Làm cho đau đớn ê chề cho coi.
Tha ra thì cũng may đời,
Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen.
Lo gì việc ấy mà lo,
Kiến trong miệng chén có bò đi đâu?
Không dễ gì tìm được câu “nôm nhất”, bỗng một chàng trai nhanh trí nhớ ra có năm người mừng rỡ đón nàng Kiều trở về, vội trả lời câu đố:
Này chồng, này mẹ, này cha,
Này là em ruột, này là em dâu.
Hai câu “nôm nhất” chan chứa tình cảm ấm áp, sinh động tràn đầy nét hiện thực của cảnh gia đình đoàn tụ sau 15 năm mỏi mòn trông đợi. Mặt khác, nhìn từ góc độ tu từ cũng như kết cấu hình tượng, âm vận nhịp điệu thì đây là phép điệp từ dồn nén theo lối kể chuyện dân gian vừa thể hiện được tâm lý các nhân vật làm nổi bật cảnh mừng vui dồn dập của mọi người gần gũi thân thương trong đại gia đình đến mức bàng hoàng giữa khung cảnh hội ngộ đầy bất ngờ:
Nghe tin nở mặt nở mày,
Mừng nào lại quá mừng này nữa chăng?
Tình huống đột xuất bộc lộ rõ nét niềm vui xúc động của những người thân thiết trong đại gia đình:
Nghe tin ngơ ngác rụng rời,
Xúm quanh kể nọ, rộn lời hỏi tra
Ngòi bút nhà thơ thật kỳ diệu! Chỉ mấy vần thơ mà tựa như một cảnh phim hiện đại vẽ tả được một tình huống hết sức đột ngột! Ngờ đâu vãi Giác Duyên lại đưa tin cho hay, nàng Kiều còn sống ở “thảo am đó cũng gần kề chẳng xa”. Cách liệt kê rõ ràng, chẳng chút màu mè trước cảnh cả nhà đông đủ vừa mừng, vừa tủi, vừa nhớn nhác nghe tin nàng Thúy Kiều xuất hiện, chứ không phải đã chết!? Thế là sau bao năm lưu lạc, mọi người đinh ninh nàng đã khuất xa không bao giờ gặp lại; ai cũng hớn hở ra đón người con gái “hồi sinh”! Ôi, sau 15 năm xa cách, giờ đây bỗng đâu quây quần đông đủ!
Cảnh tượng thật cảm động! Nét sáng tạo đáng quý là ở chỗ nhà thơ đã đưa lối nói dân gian từ tiếng mẹ đẻ vào văn chương thành văn hết sức bay bổng như một hoạt cảnh phim thời sự. Thế mà ngày nay đầu thế kỷ XXI, sau lũy tre làng vẫn còn bao người cúng cơm trước bàn thờ tổ tiên ông bà, cha mẹ đã khuất mà vẫn cứ ê - a khấn lễ theo tiếng Hán, mặc cho nhiều người chẳng hiểu gì.
Giờ đây, mỗi khi đọc Truyện Kiều, các bạn trẻ cần nhận biết là nhà thơ xuất thân từ gia đình đại quý tộc dòng dõi Nho gia uyên thâm chữ Hán, nếu ở thời trai trẻ mà Tố Như không gắn bó hòa mình vào cuộc sống dân dã thì khó lòng nắm bắt tiếng nói bình dân đạt mức tài hoa sinh động đến thế! Còn hát ví thì cũng giống như hát vui đố kiểu ngày nay; phe nữ muốn thử thách tài năng các chàng trai cho nên vẫn tiếp tục thách đố:
Truyện Kiều anh thuộc làu làu,
Đố anh biết được câu nào toàn chữ Nho?
Khó vô cùng! Làm sao trả lời được? Bọn con trai ngơ ngác gần như chịu đầu hàng. Nào ngờ một chàng trai khá sắc sảo reo lên vội vàng cất cao lời đáp:
Hồ công (Hồ Tôn Hiến) quyết kế thừa cơ,
Lễ tiên, binh hậu, khắc cờ tập công.
Nếu ai đó chăm chú mở Truyện Kiều tìm đọc từng câu, từng chữ, cũng không dễ gì tìm ra câu nào toàn chữ Nho (chữ Hán) hơn thế! Còn việc thách đố giữa hai phe vẫn cứ ào ào tuôn chảy tạo nên mối quan hệ khăng khít khẳng định sức sống lâu bền của truyện thơ trong lòng mọi người gắn kết hồn nhiên với bao thách đố thú vị chưa thể ngừng lại:
Trăm năm tính cuộc vuông tròn,
Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông
Phải đâu mèo mả gà đồng
Thuyền quyên muốn hỏi anh hùng trước sau:
Ba quân chỉ ngọn cờ đào,
Đạo ra Vô Tích , đạo vào Lâm Tri.
Còn dư một đạo làm chi?
Trai anh hùng đoán được, gái nữ nhi chịu tài!
Mấy câu thách đố vừa dài vừa khó ai mà đáp được cũng “xứng đôi vợ chồng?” Bao chàng trai vò đầu gãi tai, may mà có một bạn trẻ tài hoa nhanh trí vội ca lên:
+ Vì ai chiếc lá lìa cành,
Khi săn như chỉ, khi mành như tơ.
Trót công rày đợi mai chờ,
Phải người trăng gió vật vờ hay sao?
Ba quân chỉ ngọn cờ đào,
Đạo ra Vô tích, đạo vào Lâm Tri
Còn dư một đạo binh uy
Ở nhà giữ chặt biên thùy cho nghiêm
Chao ôi, những vần thơ hay như thế cho đến nay bao năm tháng trôi qua vẫn chỉ là khuyết danh, không biết tác giả là ai! Thật vậy, nơi quê tôi trước năm 1945 có không ít bà mẹ chưa hề biết chữ, mà vẫn ngày ngày ru con cháu ngủ võng đu đưa bằng Truyện Kiều. Đúng là chuyện lạ trong thế giới văn chương, nhưng lại là hiện tượng đời thường có thật. Sức hấp dẫn dồi dào của truyện thơ đựợc hòa nhập hết sức sống động tự nhiên vào ngôn ngữ truyền miệng đời thường tạo nên vùng văn hóa Kiều độc đáo xứ Nghệ xuyên qua các lũy tre làng mãi mãi bền chặt. Phải chăng có nét gặp gỡ tương đồng với nhịp điệu quan họ của các “liền anh, liền chị” đất Bắc Ninh, mà ghi danh là di sản văn hóa thế giới!
Hơn nữa, song song với Đố Kiều. Chẳng biết tự bao giờ Bói Kiều đã trở thành tập quán thấm sâu vào nhịp sống văn hóa đời thường của nhân dân, không chỉ trên đất Lam Hồng, mà còn khá phổ biến ở hầu khắp mọi miền trên cả nước. Chả thế mà từ năm 1898, trong bài Tựa viết cho bản Kiều Oánh Mậu (in năm1902), Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ đã nêu lên câu hỏi tha thiết: “Ôi, sao mà lại có văn hay làm say người đến thế! Còn một điều lấy làm lạ nữa là người đời dùng để bói, thì thấy ứng nghiệm như thần!”
Đúng như vậy, giữa thế kỷ XX, nhà thơ Chế Lan Viên cũng từng cảm nhận: “Khi Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn”. Truyện Kiều được phổ biến truyền khẩu vừa rộng vừa sâu gần đạt đến mức truyền kỳ trong dân gian. Ở xứ Nghệ, trước năm 1945 các gia đình khá giả có trình độ văn hóa đều có cuốn Truyện Kiều đặt ở án thư (giá sách) trước bàn thờ đặt chính gian giữa. Ai muốn bói Kiều phải gấp cuốn sách lại, rồi lẩm nhẩm đọc lời khấn. Nếu không biết chữ, có thể nhờ người bói hộ. Trước hết phải đọc câu khấn: “Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy Tiên Thúy Kiều... Hôm nay là ngày… tháng… năm… Con tên là…X, xin bói một quẻ về đường tình duyên, tài lộc, con cái… v..v… Con xin bốn câu, trang bên trái, (hoặc bên phải), dòng thứ…”. Bói xong rồi, có thể có vài người ngồi cạnh cùng giải thơ Kiều, đoán xem mức độ đáp án linh ứng ra sao? Cách bói Kiều này chính tôi đã được biết từ lúc còn bám theo các dì, các cô vui chơi với các bạn cùng trang lứa vào những chiều hè, những đêm trăng sáng đẹp… và những ngày hội hè đầu xuân trong làng. Tôi nhớ mãi không quên, những tháng năm trước 1945, tôi và anh cả đang học Tiểu học từng được nghe cha tôi kể rải rác Truyện Kiều trong đêm khuya vắng lặng chốn quê. Hình ảnh đậm nét không thể quên“Thúy Kiều tài sắc ai bì - Có nghề đàn lại đủ nghề văn thơ” cùng Từ Hải hiên ngang: “Triều đình riêng một góc trời, Gồm hai văn võ rạch đôi sơn hà.” Và cũng không sao quên được cảnh Thúy Kiều ngồi ghế quan tòa xét xử Hoạn Thư, Thúc Sinh cùng bè lũ Khuyển Ưng v.v…
Không chỉ dừng lại trong dân gian, mà câu chuyện Bói Kiều - Đố Kiều còn được giới trí thức tham gia. Tiêu biểu là Giáo sư Hoàng Xuân Hãn- nhà Toán học nổi tiếng đương thời cũng từng dự vào chuyện đố vui.….
Bằng thuật Toán thiên văn, Giáo sư Hoàng vừa nêu câu hỏi vừa giải đáp khá sâu trên tạp chí Khoa học qua bài viết dài vào năm 1942. Đó là câu đố về chuyện Thúc sinh đang vắng nhà, Thúy Kiều đang ở Lâm Tri thì bị bắt cóc về đêm vào giờ nào, cửa mở hướng nào?
Bài đố đặt rõ vấn đề từ câu 1637:
Đêm thu gió lọt song đào,
Nửa vầng trăng khuyết ba sao giữa trời.
Nén hương đến trước Phật đài,
Nỗi lòng khấn chửa cạn lời vân vân.
Dưới hoa dậy lũ ác nhân,
Ầm ầm khóc quỷ kịnh thần mọc ra
Đầy sân gươm tuốt sáng lòa
Thất kinh nàng chửa biết là làm sao?
Thuốc mê đâu đã tưới vào,
Mơ màng như giấc chiêm bao biết gì!
GS Hoàng (quê Hà Tĩnh) viết tiếp : - “Đó là hai câu thơ tuyệt diệu của cụ Nguyễn Du tả cái đêm chồng vắng, cô Kiều ra trước Phật đài rồi bị bọn côn quan bắt cóc”. “Tôi nay mạn phép cụ Tiên Điền mà cụ đặt thành một câu đố trinh thám rằng: “Cô Kiều bị bắt chừng vào ngày - tháng - giờ nào? Cửa sổ phòng cô Kiều được mở theo hướng nào? Cuối cùng Hoàng Xuân Hãn kết luận: Với lý luận thông thường, với phương pháp khoa học, ta đã khám phá được câu đố Kiều về chuyện trinh thám kia. Cô Kiều bị bầy côn quang bắt chừng vào ngày mồng bốn tháng chín lúc giờ Tuất vào phòng cô ở có cửa sổ quay về hướng Tây Nam.
Có điều lạ, hiện tượng Bói Kiều còn vươn mãi tới thế kỷ XXI, Ngay tại khu tập thể Trường đại học Tổng hợp - phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, tôi từng chứng kiến cách đây hơn 20 năm sáng nào đi làm GS, TS Toán học Ph H. (đã mất) đều ghé qua nhà của GS Sử học Phan Đại Doãn (quê NghệAn - đã mất) cùng tầng ba, mượn Truyện Kiều trên giá sách và xin bói một quẻ. Bói xong vừa đi vừa lẩm nhẩm đọc - đoán. Với tôi, tuy là bạn cùng dạy học nhưng tôi cũng ngại không tiện hỏi ứng nghiệm ra sao, song tôi biết bạn đồng nghiệp rất chân thành.
Thêm nữa, nhân dịp kỷ niệm năm thi hào Nguyễn Du từ trần (1765 - 1820), tiến sĩ Toán học Nguyễn Huy Việt (tại Đại học Lomonosov-Liên Xô trước đây) hiện đang sống tại Đức xuất bản cuốn sách lớn: theo thuật Toán - ma trận: “70 kỷ lục mới phát hiện trong Truyện Kiều và một số thống kê” do Nhà xuất bản Thanh niên Hà Nội năm 2020 ấn hành.
Tôi nêu lên một số dẫn chứng tiêu biểu trên để thấy Truyện Kiều từ lâu đã nhập sâu vào trái tim và khối óc của nhiều tầng lớp nhân dân lan tỏa trong xã hội Việt Nam như một nếp sống văn hóa tồn tại mãi với thời gian.
PGS, TS NGUYỄN TRƯỜNG LỊCH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 538, tháng 6-2023