Giữa đại dịch COVID-19, mùa Oscar 2021 chan chứa niềm vui và hy vọng bởi nó xoay quanh sự bình đẳng mà nhân loại bấy lâu mơ ước giữa các vùng miền, màu da, nam nữ, lứa tuổi cùng với sự đa dạng nhất có thể về đề tài, tư tưởng, tình cảm, phong cách trong nghệ thuật điện ảnh toàn cầu.
Năm nay, như “định mệnh”, không ít chuyện buồn liên quan đến một số nhân vật đình đám của giải thưởng này đã xảy ra. Có thể kể đến sự qua đời trước giải vì căn bệnh ung thư ruột của Charwic Boseman (1976-2020) diễn viên da màu người Mỹ, nhân vật được đề cử giải thưởng Nam diễn viên chính xuất sắc nhất; sự vắng mặt trên bục nhận giải của diễn viên giành giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, diễn viên gạo cội Anthony Hopkin, 83 tuổi; hay câu chuyện về vị đạo diễn người Đan Mạch Thomas Vinterberg nén nỗi đau mất con gái bởi tai nạn giao thông ngay khi khởi quay phim Drunk (tạm dịch: Say xỉn), nhất quyết hoàn thành tác phẩm, như một công trình tặng đứa con bất hạnh… và phim đã giành giải Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Sứ mệnh của nghệ thuật là vậy: ghi nhận và cổ vũ con người vượt qua mọi rủi ro, ngáng trở và đau khổ, giữ vững nhân tính và nhân tình, xây dựng xã hội ngày càng lành mạnh, vun đắp cá nhân ngày càng hoàn mỹ.
Minh họa xác đáng cho sứ mệnh vừa đề cập là kết quả Giải phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất thuộc về Nomadland của Chloé Zhao (phiên âm tên tiếng Trung Quốc là Triệu Đình), 39 tuổi, người Mỹ gốc Trung Quốc. Chloé Zhao là nữ đạo diễn thứ hai trên thế giới và là nữ đạo diễn gốc Á đầu tiên giành được giải thưởng này qua 93 mùa giải Oscar (1).
Chloé Zhao sinh ở Bắc Kinh, Trung Quốc năm 1982. Lớn lên, cô theo gia đình sang định cư ở Anh. Ít lâu sau, cô sang Mỹ học về khoa học chính trị, rồi sản xuất phim. Từ năm 2008, mới 16 tuổi, cho tới năm 2011, cô thực hiện liên tiếp bốn phim ngắn. Bước thử thách ban đầu mang về cho cô thành công đáng khích lệ. Với cô, những bài học ở đại học là chưa đủ. Tự học là bắt buộc và không được xem nhẹ. Nắm vững nghề làm phim là cần thiết. Nhưng thiết yếu hơn là cảm nhận chuẩn xác xã hội và thời đại mình. Thiết yếu hơn nữa là tìm cho được cái riêng không thể trộn lẫn. Chloé Zhao đọc nhiều sách giá trị, xem nhiều phim hay, tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp những tên tuổi đã và đang được công chúng ngưỡng mộ rồi đi thực tế ở những nơi mà cô cho là tối cần để tự chiêm nghiệm lại. Cô từng đến sống khá lâu với dân da đỏ ở một khu dành riêng cho họ.
Năm 2015, trên cơ sở hiểu biết, đồng cảm và suy tư về thân phận và tương lai của cộng đồng người Lakotas biệt lập ấy, cô viết kịch bản và đạo diễn bộ phim điện ảnh đầu tay, tiêu đề Songs my brothers taught me (tạm dịch: Những bài hát mà các anh tôi dạy tôi). Cốt truyện không phức tạp: hai anh em nhà kia yêu quý nhau. Người anh Johnny, 17 tuổi, đẹp trai, cực khỏe, buôn rượu giỏi, đấm bốc thật cừ. Cô em Jashaun, 11 tuổi, phục anh sát đất. Càng lớn lên, Johnny càng thấy khu biệt lập của dân tộc mình quá chật hẹp. Cậu định cùng bạn gái tới Los Angeles kiếm việc làm, như đấm bốc chuyên nghiệp chẳng hạn. Bố cậu bất ngờ đột quỵ và qua đời. Cậu bị hẫng và phân vân “đi hay ở”. Mẹ chịu khổ đã quen. Một mình chắc mẹ vẫn xoay sở được. Nhưng em gái còn khá nhỏ. Em chống chọi thế nào?.. Cô em lại có vẻ cứng cỏi. Dù không muốn anh đi xa, cô vẫn không phản đối ra mặt, tự nhủ mình sẽ biết dựa vào tình làng nghĩa xóm… Cô biết rõ những chuyện buồn của khu mình cư trú, nhưng cũng nhìn rõ tấm lòng của bà con đối với nhau là mạnh hơn mọi rủi ro, bảo vệ được mọi người… Chín chắn trước tuổi, cô bé nghĩ ai cũng nên tìm sự an ủi, cổ vũ và niềm tin ở thiên nhiên bát ngát xung quanh. Chính cô mỗi lúc buồn phiền thường chạy ra ngước nhìn trời, ngắm thảo nguyên vô bờ trong bình minh hoặc hoàng hôn thơ mộng… Hoặc cười mãi với những đàn ngựa hoang thoắt ẩn thoắt hiện… Những vui buồn của cô bé là chân thực, sâu sắc và rất người. Chúng là bản chất tốt đẹp của người Lakotas… Cứ kín đáo hết cỡ như vậy, Chloé Zhao giới thiệu với khán giả một tộc người da đỏ mà cô hiểu tường tận. Họ hầu như chưa biết cấy trồng để có cái ăn. Bị cấm uống rượu thì họ buôn lậu, để uống trộm lu bù. Đa phần người lớn đứng đắn và lương thiện. Một số không giữ được mình thì mất mạng vì bệnh tật hay lao lý. Nghèo đói, bất ổn và bất an… là thường trực và có lẽ vĩnh cửu? Cùng là trẻ mồ côi nhưng không phải nhóm nào cũng biết đùm bọc lẫn nhau. Chuyện tự tử ở cả người lớn và trẻ em xảy ra đều đều... Vô số chi tiết đời thực đan xen với nhiều cảnh thiên nhiên Mỹ hoang sơ nhưng mỹ lệ tột cùng, hòa vào diễn xuất vững tay nghề của các diễn viên, tạo nên một bộ phim hiện thực mới lạ hiếm thấy nhưng không tàn khốc, đầy chất thơ bâng khuâng nhưng không ủy mị, man mác một nỗi lo đời tế nhị mà sâu thẳm.
Năm 2017, Chloé Zhao trình làng bộ phim truyện dài thứ hai của cô, The rider. Vẫn là chuyện của thổ dân, nhưng đây là người Iroquois ở miền Tây Hoa Kỳ vốn được toàn cầu biết đến từ cả thế kỷ với hình ảnh ngạo nghễ của chàng cao bồi. Ngựa là con vật thân thiết với họ, kết nối họ với thiên nhiên mỹ lệ và bí ẩn. Cưỡi ngựa, đua ngựa, dùng ngựa trong các mùa đánh dấu súc vật là những đam mê cha truyền con nối. Chloé Zhao không giống các nhà điện ảnh đi trước, chỉ ca ngợi chàng cao bồi miền Tây một chiều.
Chuyện phim vẫn giản dị như trong phim đầu. Chàng trai Brady Blackburn cưỡi ngựa rất giỏi. Đời chàng gắn với các cuộc thi cưỡi ngựa, các cuộc đánh dấu súc vật hay chinh phục thiên nhiên bát ngát. Sự thuần thục và thành tích lừng lẫy khiến chàng mơ ước trở thành một người hùng của cả xứ tây bắc mênh mông. Quá tự tin, chàng vô tình để một chú ngựa hất ngã, đầu bị thương nặng. Chấn thương không nhẹ đó đồng nghĩa với việc ngôi sao hiệp sĩ đang lên sẽ bị cấm thi đấu và ngừng các hoạt động liên quan tới ngựa. Tuy thế, chàng vẫn không từ bỏ giấc mộng vàng. Lúc này, cha chàng, một chuyên gia về cưỡi và đua ngựa, già yếu, khuyên chàng chấm dứt cưỡi ngựa. Em gái chàng, bị tự kỷ nhẹ, làm lụng sinh hoạt khó khăn, cũng xin chàng thôi đua tranh, vì thế là nguy hiểm cho sinh mệnh của chàng. Mẹ đã chết. Cuộc sống gia đình không dễ chịu. Ba cha con chàng sống trong một ngôi nhà lưu động. Thu nhập bấp bênh… Đúng lúc đó, bạn thân của chàng, chuyên cưỡi bò mộng, bị “tai nạn bò”, tứ chi hỏng cả, phải nằm một chỗ. Ngày nào, chàng cũng sang nhà bạn, để động viên hoặc trợ giúp bạn việc nọ việc kia. “Bận bịu” với bạn dần dần chuyển thành cả “bận bịu” với cha và em mình. Chàng không còn mấy thời gian để chìm đắm vào giấc mơ tan vỡ… Vậy là, tình bạn vô tình khiến cho chàng “tự chuyển hóa”, không cố níu kéo “điều thiêng liêng” (ý nghĩa cuộc đời) đã mất, mà làm lại bản sắc cá nhân - một người dân thường giàu nhân nghĩa… Mỗi người hãy tự đòi hỏi sống có ích trước nhất cho gia đình và người thân, rồi cho cộng đồng mà mình là một bộ phận. Tư tưởng này là hệ quả tất yếu từ tâm niệm của nhà nữ điện ảnh Mỹ trẻ: văn hóa của thổ dân Mỹ đã bị vi phạm và gần như biến mất; muốn tiếp tục tồn tại, họ nhất thiết phải xây dựng lại nền văn hóa đó, trên cơ sở những gì tốt đẹp chưa bị hủy diệt.
Phim truyện thứ ba, Nomadland, 2020, đến với Chloé Zhao như một tình cờ tất yếu. Trong một lần chiếu giới thiệu The rider ở Canada, năm 2017, Frances McDormand, sinh năm 1957, một diễn viên và nhà sản xuất điện ảnh Mỹ bày tỏ ý muốn gặp riêng cô. Bà muốn sản xuất một bộ phim dựa theo cuốn sách vừa mới xuất bản của nữ nhà báo độc lập Jessica Bruder Nomadland: Surviving America in the Twenty-First Century. Bộ phim The rider cho bà biết Chloé Zhao thừa sức làm nên một phim xứng đáng từ cuốn sách nói trên.
Cuốn sách hấp dẫn Chloé Zhao thực sự. Năm 2008, Hoa Kỳ bắt đầu trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế. Cuộc sống, nhất là của người cao tuổi, bỗng trở nên bấp bênh. Thế là, từ vài nhóm nhỏ, một cuộc lang thang qua đất nước thu hút hàng chục ngàn người. Họ, tất thảy đều già cả, đã quyết rời gia đình, ngõ xóm thân thuộc, đi thành nhóm, trên những chiếc xe giải trí, xe lăn du lịch, xe tải nhỏ… Để được thoải mái hưởng cuộc đời tự do thật sự. Hầu hết không có nhiều tiền mang theo. Họ tự xưng là “Công nhân chu du thiên hạ”. Ban ngày, họ ghé qua một thị trấn hoặc thành phố, làm đủ việc lặt vặt, chẳng hạn như lau chùi nhà vệ sinh, đếm sản phẩm vừa làm xong, sửa chữa lốp xe, hái củ cải đường… Thu nhập còm cõi. Nhưng họ vui vẻ. Ban đêm, chia sẻ với nhau những bữa ăn đạm bạc, những tâm tình tưởng sống để dạ chết mang đi, những giấc ngủ giữa đất trời lấp lánh sao hoặc gió trời lồng lộng… Cứ thế, họ lang bạt kỳ hồ qua nhiều bang của nước Mỹ, với những nơi đa số họ mới nghe qua, chứ chưa đặt chân tới bao giờ… Những chuyện trên là có thực, chính tác giả cuốn sách, Jessica Bruder, đã trải. Sau khi biết đến cuộc du cư kỳ lạ ấy, tác giả đã cưỡi một xe tải nhỏ, xin nhập vào một nhóm, với một bạn đường tự chọn. J. Bruder di chuyển, làm việc, ăn ngủ với họ suốt hàng ngàn cây số đường trường. Kết quả của chuyến lãng du là cuốn sách có giá trị về nhiều mặt, mau chóng được dịch ra tiếng Pháp và một số ngôn ngữ khác. Những ghi chép tỉ mỉ và những phát hiện của J. Bruder về nguyên nhân việc rứt áo ra đi của những cây cao bóng cả lý giải những băn khoăn của Chloé Zhao một cách tuyệt vời. Cô rất xúc động, phác thảo rất nhanh kịch bản. Thực ra mới là sườn cốt truyện. Cô nhanh chóng quyết định: tận dụng chuyện người thật việc thật, với một nhân vật chính, như thỏi nam châm hút hành động, cảm xúc và suy nghĩ về mình; nhân vật chính là tiêu biểu cho đoàn người du mục, qua đó, những vấn đề lớn của xã hội sẽ được khúc xạ lôi cuốn và thần tình. Không thể khác được, trường hợp phim này, ứng tác là hay nhất…
Chloé Zhao bèn mời F. McDormand đảm nhiệm vai chính. Một phần, vì bà tỏ ra rất tâm huyết với những đau đáu của nữ nhà báo J. Bruder. Sự đồng cảm sâu sắc với cuộc sống và con người sẽ làm nên nghệ thuật! Mặt khác, vì phim nếu không có ngôi sao sẽ không dễ được nhà sản xuất quốc tế gật đầu chấp nhận. F. McDormand do dự. Bà đã đóng góp đáng kể cho nghệ thuật, đạt tới đỉnh vinh quang rồi, với hai chục phần thưởng, trong đó có hai lần nhận giải thưởng danh giá: The Academy Awards cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất (phim Fargo, 1997 và phim Three Billboards Outside Ebbing, Missouri, 2017). Lại nữa, như đã nói, bà định chỉ là nhà sản xuất Nomadland và muốn tập trung sức lực cho việc này. Nhưng sau đó, bà tin vào nhiệt huyết và tài năng của Chloé Zhao, nghĩ tới thích thú thẩm mỹ lớn lao mà phim có thể mang lại cho hàng triệu khán giả, bà đồng ý hợp tác với nữ đạo diễn trẻ. Chloé Zhao không phụ lòng bà. Phim Nomadland có được đề cử tới 5 hạng mục quan trọng nhất tại Oscar 2021: phim xuất sắc nhất, đạo diễn xuất sắc nhất, nam và nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, kịch bản phim hay nhất và giành được ba giải.
Nói thêm về F. McDormand, để sắm vai thành công, bà mua một xe du lịch nhỏ, tự lái ròng rã bốn tháng trời qua miền tây nước Mỹ, bất chấp giá lạnh kinh khủng. Bà làm mọi việc mà Chloé Zhao yêu cầu. Thể hiện thần thái nhân vật theo đúng ý đồ của đạo diễn… Diễn xuất của bà tác động tới diễn xuất của các nhân vật khác, hầu hết là người du cư trong thực tế. Bà giúp đỡ nữ đạo diễn thật tận tình. Bà cho nhân viên (trong nhóm sản xuất phim) của mình đi tiền trạm, trao đổi và hỏi họ muốn đề cập chuyện gì, muốn bộc bạch ra sao, ghi hình lại cả, đem về cho Chloé Zhao xem trước, lựa chọn người và việc cho những cảnh tiếp theo của phim. F. McDormand cũng lao tâm khổ tứ bền bỉ với đạo diễn. Nếu không đủ tâm và đủ tầm, bà khó hoàn thành một vai diễn có thể coi là “ứng tác” như vậy.
Sáng tạo ra Fern, nữ nhân vật chính của Nomadland là thăng hoa nghệ thuật xuất thần, của cả Chloé Zhao lẫn F. McDormand. Chuyện của phim là xung đột tâm lý. Năm 2011, chồng chết, nhà máy thạch cao nơi bà làm việc đóng cửa, Fern đâm ra trơ trọi và như lâm bước đường cùng. Bà bán nhiều thứ, mua một chiếc ô tô nhỏ, lên đường tìm việc. Trải qua bao nơi, toàn những vùng mênh mông vắng lặng như hoang dã của tám bang quanh nước Mỹ, với nhiều việc làm (thường vặt vãnh và nguy hiểm) và gặp gỡ nhiều người (đa phần hồ hởi, chân tình, đại lượng), bà từ chỗ hoang mang tiến tới chỗ tự tin, rằng nếu bình tĩnh và quyết tâm, bà vẫn sống được đàng hoàng. Thiên nhiên hùng vĩ và bao la góp phần không nhỏ vào việc tự khám phá bản thân ngoạn mục ấy. Fern là một nhân vật thời đại điển hình, không chỉ của Mỹ. Vấn đề của Nomadland là nóng bỏng: nông thôn Mỹ đang nghèo đi vì nền công nghiệp cũ biến mất dần. Nhân dân Mỹ không chịu bó tay. Đây là thông điệp mà Chloé Zhao truyền đi kín đáo, tế nhị và cực kỳ chuẩn xác. Không ngẫu nhiên, cô nhấn mạnh vẻ đẹp lộng lẫy của thiên nhiên hoang sơ bất tận của Hoa Kỳ. Vẻ đẹp từng được Terrence Malick, đạo diễn Mỹ sừng sỏ, sinh năm 1943, mà cô tôn là thầy, gợi lên tha thiết từ lâu: Thiên nhiên vẫn rộng lòng với con người đấy!...
_______________
1. Nữ đạo diễn đầu tiên giảnh giải Đạo diễn xuất sắc nhất của Giải thưởng điện ảnh Oscar là Kathrin Begalow với bộ phim The hurt lockers, năm 2010.
Tác giả: Đỗ Bạch Nga (tổng hợp)
Nguồn: Tạp chí VHNT số 470, tháng 8-2021