VỀ CÁCH XÂY DỰNG NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NÔM

Truyện Nôm là một thể loại đặc biệt của văn học viết Việt Nam trung đại. Xung quanh tên gọi thể loại này có nhiều ý kiến, cách gọi khác nhau như: truyện thơ, tiểu thuyết văn vần... Đây cũng có thể được coi là một thể loại tự sự bằng thơ, tiêu biểu cho văn học cổ điển Việt Nam, nở rộ vào cuối TK XVIII, đầu TK XIX, do viết bằng tiếng Việt nên được gọi là truyện Nôm. Truyện Nôm, dù khuyết danh hay hữu danh, bình dân hay bác học cũng đều là tác phẩm viết bằng chữ Nôm, thể văn vần, phản ánh cuộc sống bằng phương thức tự sự. Trong đó, biện pháp xây dựng nhân vật là một yếu tố quan trọng làm nên giá trị của truyện.

Tự tương đồng trong cách thức xây dựng nhân vật ở truyện Nôm bác học và truyện Nôm bình dân là nhân vật thường được xây dựng theo khuôn mẫu. Trong những truyện Nôm bình dân, các nhân vật nam như: Thạch Sanh, Tống Trân, Phạm Công, Phạm Tải, Châu Tuấn, Lý Công… thường là người chịu cảnh mồ côi cha hoặc cả cha lẫn mẹ. Họ đều là những học trò nghèo phải đi ăn xin hoặc dắt mẹ đi ăn xin nhưng vẫn nuôi chí học hành. Cuối cùng, các nhân vật này đều đi thi, đỗ trạng nguyên, hưởng công danh vinh hiển. Trong tình yêu, họ đều là những người thủy chung son sắt. Khi thành đạt, họ bị nhà vua ép gả công chúa nhưng không ai phụ bạc người vợ thuở hàn vi. Các nhân vật nữ như: Cúc Hoa, Ngọc Hoa, Thoại Khanh, công chúa Bạch Hoa, công chúa Nam Việt... đều là các cô gái đẹp người, đẹp nết, đảm đang, hiếu thảo với cha mẹ. Họ tảo tần nuôi chồng ăn học đến khi công thành, danh toại. Những lúc hoạn nạn, khi xa chồng, họ vẫn một lòng, một dạ giữ trọn danh tiết, kiên trinh chờ đợi. Tuy phải trải qua rất nhiều thử thách nhưng kết thúc truyện, họ đều được sống trong vinh hoa, hạnh phúc trọn vẹn.

Trong những truyện Nôm bác học, các nhân vật nam như: Kim Trọng, Phan Sinh, Phương Châu, Trương Quân Thụy… đều là những thư sinh, con nhà gia thế, theo đòi bút nghiên. Trên đường đi học, đi thi, họ gặp được tuyệt thế giai nhân. Người nào cũng yêu nồng nhiệt, say đắm, chủ động và quyết tâm vượt mọi khó khăn để có được tình yêu. Các nhân vật nữ như: Dao Tiên, Quỳnh Thư, Oanh Oanh, Nguyệt Nga, Thúy Kiều, Kiều Liên… là các tiểu thư khuê các. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng cũng đều muốn được yêu, dám vượt khỏi hàng rào khuôn phép để đến với người mình yêu. Tình yêu mãnh liệt, trong sáng là niềm khao khát, hạnh phúc của họ.

Sự tương đồng trong cách thức xây dựng nhân vật ở truyện Nôm bác học và truyện Nôm bình dân còn được thể hiện ở tính cách nhất phiến của nhân vật, được biểu hiện từ đầu đến cuối truyện không có sự thay đổi. Tốt thì tốt hẳn, xấu thì xấu hẳn, đã ác thì việc gì cũng ác, hoàn cảnh nào cũng ác, còn đẹp thì cái gì cũng đẹp, ở đâu cũng đẹp, hầu như không có sự biến chuyển. Trong truyện, các tính cách nhất phiến đều cố định không di dịch, khiến câu chuyện chỉ là một diễn trình, không phải tiến trình. Cốt truyện vận động, phát triển, các sự kiện tiếp nối, dồn dập, gay cấn nhưng tính cách nhân vật tĩnh tại. Khi xây dựng nhân vật chính diện, các tác giả thường thiên về tính chất lý tưởng hóa. Tập trung vun đắp cho nhân vật này mọi giá trị tốt đẹp, cả về hình thể bên ngoài lẫn phẩm chất đạo đức, đẹp cả về ngôn ngữ lẫn hành động.

Các nhân vật nam trong truyện Nôm bác học là những trung quân, thư sinh có tinh thần hiếu học, là một trang nam tử hảo hán. Lương Sinh trong Hoa Tiên là chàng trai hào hoa, phong nhã, có tài, có tình yêu say đắm với Dao Tiên:

Mặt hoa tài gấm gồm hai

Đua chân nhảy phượng, sánh vi cưỡi kình

Mai Lương Ngọc trong Nhị Độ Mai tài cao, phẩm hạnh cao quý:

Trời cho văn tử đáng tài trạng nguyên…

Thông minh rất mực phương tiên trên đời

Kim Trọng trong Truyện Kiều thì đầy đủ phẩm chất của một bậc anh tài:

Phong tư tài mạo tót vời

Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa

Lục Vân Tiên trong truyện Nôm cùng tên, tiêu biểu cho loại người ưu tú nhất của thời trung đại. Nguyễn Đình Chiểu đã xây dựng theo mẫu hình người anh hùng lý tưởng, đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp mà người đời luôn ngưỡng mộ: có tài, có hiếu với cha mẹ, trung với vua, hết lòng ra tay cứu giúp nhân dân.

Còn ở nhóm truyện Nôm bình dân, các nhân vật nam như: Thạch Sanh, Tống Trân, Phạm Công, Phạm Tải, Châu Tuấn, Lý Công… ai cũng trước sau như một, hiếu thuận với mẹ già, thủy chung với vợ thảo, không khuất phục trước cường quyền, bạo lực hay sa ngã trước phú quý. Phạm Công trong Phạm Công - Cúc Hoa, sau khi đỗ trạng nguyên, từng bị Ngụy Vương, rồi vua Hung Nô, Triệu Vương ép gả công chúa nhưng chàng đều không chịu vì đã có vợ là nàng Cúc Hoa. Mỗi lần từ chối ý vua là mỗi lần chàng bị đày đọa, hành hình dã man, xong chàng vẫn không chịu khuất phục. Châu Tuấn trong Thoại Khanh - Châu Tuấn, sau khi thi đỗ trạng nguyên liền bị vua Tống ép lấy công chúa. Nhưng chàng không từ bỏ người vợ yêu quý của mình là Thoại Khanh. Chàng bị vua Tống nổi giận, khép vào tội chém đầu. Sau đó, may mắn, chàng được tha tội chết, nhưng vẫn bị đày sang nước Tề. Vua Tề lại ép gả công chúa cho Châu Tuấn, chàng cũng không chịu nên bị giam xuống hầm tối. Nhờ nàng công chúa thương tình, xui chàng vờ lấy mình để khỏi chết, chàng đã nghe lời. Suốt bảy năm ròng chàng không hề động phòng cùng nàng công chúa xinh đẹp, dịu dàng và nặng lòng với chàng. Ở truyện Tống Trân - Cúc Hoa, vua Thái Tông nghe lời công chúa xúi giục đã ép duyên trạng nguyên Tống Trân. Chàng không chịu chấp thuận nên bị đẩy đi sứ ở nước Tần.

 Các nhân vật nữ chính thường mang những phẩm chất cao quý: công, dung, ngôn, hạnh, chung thủy với tình yêu, thảo kính cha mẹ, nhân hậu, vị tha, giàu đức hy sinh… Dù phải đứng trước những khó khăn, thử thách, cám dỗ hay phải chịu đựng cực hình, trước sau đều giữ vững phẩm chất cao quý ấy. Tính cách nhân vật nữ trong truyện Nôm bình dân mang đậm nét nhân hậu, giàu lòng yêu thương, đức hy sinh, dũng cảm đấu tranh cho tình yêu, hạnh phúc. Cúc Hoa chỉ nghe lời xin ăn của Tống Trân đã động lòng trắc ẩn, mở cửa ra hỏi han, đem lòng yêu mến. Công chúa Ngọc Hoa chỉ nghe người hầu kể lại đã động lòng thương Lý Công:

Công chúa thấy nói ngùi ngùi

Chúa phải nhẽ giời thoắt động lòng thương

Không chỉ nhân hậu, giàu lòng yêu thương, họ còn là những người con hết mực hiếu thảo với cha mẹ. Những trường hợp bị cha cấm đoán, bắt ép lấy người giàu sang, cương quyết không thuận lòng nhưng họ cũng không hề oán trách cha mình. Bạch Hoa bị cha thả bè trôi sông, mười năm lưu lạc đất khách quê người nhưng vẫn lo cho cha tuổi già không còn ai bên cạnh chăm nom. Cúc Hoa bị cha hắt hủi, gả bán cho người giàu nhưng nàng chỉ chấp nhận khi tưởng Tống Trân đã chết và để giữ chữ hiếu với cha. Không chỉ có hiếu với cha mẹ đẻ, các nhân vật nữ chính còn rất mực hiếu kính cha mẹ chồng. Nàng Thoại Khanh nuôi mẹ chồng, cắt cả thịt mình cứu mẹ qua nạn đói. Cúc Hoa chăm sóc mẹ Phạm Công, không sao nhãng sớm hôm. Lòng yêu thương ấy phát xuất rất tự nhiên, không bị chi phối bởi bất kỳ lễ giáo phong kiến nào, hay một thế lực, tiền tài nào. Những cô tiểu thư, công chúa tài sắc lại hết lòng yêu thương những chàng trai nghèo khổ, lang thang, mồ côi đói rách. Cúc Hoa, Ngọc Hoa, Phương Hoa, Bạch Hoa... ở trong nhà vàng, cửa gấm lại chủ động yêu những người như: Phạm Công, Phạm Tải, Tống Trân, Lý Công… dắt mẹ ăn xin. Họ vượt qua mọi ngăn trở của gia đình, xã hội. Dù phải đối đầu với bất kỳ thế lực nào như vương quyền, phụ quyền, thần quyền… vẫn không chịu khuất phục, cương quyết đấu tranh để bảo vệ phẩm giá, tình yêu, hạnh phúc gia đình. Thủy chung son sắt, hết lòng yêu chồng, thương con, hiếu thảo với cha mẹ, dũng cảm đấu tranh cho tình yêu hạnh phúc, người phụ nữ trong truyện Nôm bình dân mang vẻ đẹp truyền thống của dân tộc. Họ là người sáng tạo, giữ gìn, điểm trang cho hạnh phúc gia đình.

Ở nhóm truyện Nôm bác học, tính cách của các nhân vật nữ cũng mang vẻ đẹp vẹn toàn trước sau như một của công, dung, ngôn, hạnh, tài sắc vẹn toàn… Dao Tiên trong truyện Hoa Tiên được miêu tả:

Chiều thanh, vẻ lịch càng nồng

Thuyền quyên đáng mặt anh hùng nát gan

Ngọc Khanh cũng không kém gì Dao Tiên về sắc cũng như tài, đức hạnh đoan trinh, nết na:

Tuần mười lẻ bảy xuân xanh

Người trang trọng, nết đoan trinh vẹn mười

Hạnh Nguyên trong Nhị Độ Mai là một người con gái đẹp, có tài, tính tình nết na thùy mị, hiếu thảo với cha mẹ:

Rằng: con chút phận nữ hài

Công cha nghĩa mẹ chốc mười mấy niên

Kiều Nguyệt Nga là một liệt nữ với những phẩm hạnh cao quý. Nghe tin Vân Tiên mất, nàng đau đớn nói lên tấm chân tình:

Thề xưa tạc dạ ghi lời

Thương người quân tử biết đời nào phai

Thúy Kiều là một cô gái tài sắc vẹn toàn, một người con gái hiếu thảo, nhân hậu, giàu đức hy sinh. Khi gia đình gặp tai biến, cha và em bị bắt oan, nàng đã quyết tâm bán mình cho Mã Giám Sinh để lấy tiền chuộc cha và em. Những ngày tháng lưu lạc, mặc dù chịu rất nhiều đau khổ “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần” nhưng nàng vẫn không nguôi lo lắng cho cha mẹ, hai em và người tình Kim Trọng:

Nhớ ơn chín chữ cao sâu

Mỗi ngày một ngả bóng dâu tà tà

Cũng giống với cách xây dựng các nhân vật chính diện, các nhân vật phản diện trong truyện Nôm cũng nhất phiến về tính cách. Ở nhóm truyện Nôm bình dân, các nhân vật phản diện thường là hình ảnh vua chúa độc ác, hoang dâm, tàn bạo, chuyên quyền, thường ép duyên thô bạo, trắng trợn. Đó là Ngụy Vương, vua Hung Nô, Triệu Vương trong Phạm Công - Cúc Hoa, là vua Tống, vua Tề trong Thoại Khanh - Châu Tuấn, là vua Bảo Vương, chúa Hung Nô trong Lý Công, là vua Trang Vương trong Phạm Tải- Ngọc Hoa… Ở nhóm truyện Nôm bác học, các nhân vật phản diện là những tên gian thần, tham lam, độc ác, luôn âm mưu hãm hại người lành như: Lư Kỷ, Hoàng Tung trong Nhị Độ Mai. Lư Kỷ là tên quan ỷ quyền thế, chức tước để bóc lột người dân, vì lợi ích bản thân mà hãm hại hiền tài. Hoàng Tung cũng là một tên quan hà hiếp người dân. Hắn cùng Lư Kỷ ra tay hãm hại Mai Bá Cao. Hồ Tôn Hiến trong Truyện Kiều là đại diện cho thế lực hắc ám, viên quan ti tiện. Trong Lục Vân Tiên, Bùi Kiệm tiểu nhân, chỉ biết lợi cho bản thân mình. Khi Nguyệt Nga ở nhà hắn, hắn ra sức dùng lời lẽ gạ gẫm. Trịnh Hâm là loại người gian ác, ranh mãnh, nham hiểm, luôn tìm cách để lập mưu hại bạn. Võ Thể Loan tham phú phụ bần, thấy Vân Tiên hoạn nạn, liền chối từ chàng không chút tiếc thương. Tóm lại, các nhân vật ở bộ phận truyện Nôm bác học và truyện Nôm bình dân đều nhất thành bất biến về tính cách.

Truyện Nôm có sự phân tuyến đối lập về tính cách tốt - xấu, thiện - ác, chính - tà hay còn gọi là sự đối lập giữa nhân vật chính diện và nhân vật phản diện. Tác giả xây dựng hai tuyến nhân vật chính diện, phản diện đối lập nhau về lý tưởng, chính kiến, đạo đức, hành động… Nhân vật chính diện hội tụ tất cả những giá trị chân - thiện - mỹ, mang lý tưởng, quan điểm tư tưởng, đạo đức, mỹ học của tác giả, thời đại. Nhân vật phản diện là sự hội tụ những gì ngược lại. Thuộc phạm trù cái xấu, cái thấp hèn, đôi khi đan xen cả cái hài. Hai lực lượng này đấu tranh không khoan nhượng, thường kết thúc với thắng lợi của lực lượng chính nghĩa. Hầu hết truyện Nôm sử dụng kết cấu này. Kết cấu đó có tác dụng làm nổi rõ chủ đề tư tưởng thông qua so sánh, đối chiếu giữa hai tuyến nhân vật đối lập. Dựa vào các cốt truyện cũng như hệ thống nhân vật trong truyện Nôm bác học, truyện Nôm bình dân, chúng ta có thể thấy được sự phân tuyến, đối lập về tính cách nhân vật.

Trong truyện Nôm, tuyến nhân vật chính diện thường là những người chính nghĩa mang đầy đủ đặc tính tốt đẹp như: tài năng, ngay thẳng, hiếu nghĩa, thủy chung..., tiêu biểu cho tuyến nhân vật chính diện này là: Phạm Công, Cúc Hoa (Phạm Công - Cúc Hoa); Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga, Hớn Minh, Vương Tử Trực (Lục Vân Tiên); Thúy Kiều, Thúy Vân, Vương Quan, Kim Trọng, Từ Hải, sư Giác Duyên (Truyện Kiều)… Tuyến nhân vật phản diện là những kẻ phi nghĩa, xấu từ ngoại hình đến nhân cách, mưu mô xảo trá, ỷ thế, cậy quyền, coi thường kỷ cương, đạo lý, luôn tìm cách hãm hại người hiền, điển hình là: Trang Vương, Biên Điền (Phạm Tải - Ngọc Hoa); vua cha Bảo Vương, chúa Hung Nô (Lý Công); Ngụy Vương, vua Hung Nô, Triệu Vương (Phạm Công - Cúc Hoa)…

Các nhân vật trong truyện Nôm bình dân, truyện Nôm bác học đều có sự phân tuyến đối lập về tính cách. Cách xây dựng nhân vật phân tuyến là sự lý giải cho quy luật nhân quả, một kiểu xây dựng nhân vật trong truyện kể dân gian. Các nhân vật thiện với những đức tính, phẩm chất tốt đẹp sẽ được hưởng hạnh phúc xứng đáng. Những nhân vật ác với những hành động xấu xa sẽ bị trừng trị thích đáng. Gieo nhân nào thì gặt quả ấy là vấn đề cốt lõi trong việc xây dựng hành động nhân vật truyện Nôm.

Hệ thống nhân vật trong truyện Nôm bác học, truyện Nôm bình dân trong văn học trung đại Việt Nam đều có ba đặc trưng nổi bật. Thứ nhất, nhân vật được xây dựng theo khuôn mẫu. Thứ hai, mỗi nhân vật, dù được miêu tả đạt tới bề dày tính cách thì cũng chỉ là tính cách nhất phiến. Toàn bộ tính cách của nhân vật được ấn định một cách tiên nghiệm ngay từ trong ý đồ tác giả và cố định trong suốt tác phẩm. Biến cố mà nhân vật trải qua chỉ là những sự kiện hầu như ngoại tại, thuần túy đối với tính cách, được gá hờ vào cốt truyện, làm thành những cơ hội để nhân vật phô ra những gì đã được tác giả chuẩn bị sẵn, từ trước khi hạ sinh ra nhân vật. Đặc điểm thứ ba, trong tác phẩm, nhân vật bao giờ cũng được chia ra, xếp vào hai tuyến   thiện - ác, chính - tà, tốt - xấu.

 Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tương đồng giữa truyện Nôm bác học và truyện Nôm bình dân là sự quy định chung về đặc trưng của thể loại truyện Nôm như: mô hình cấu trúc, vấn đề kết thúc có hậu, nhân vật, các môtip dân gian, phong cách ngôn ngữ, phương thức sáng tác và lưu truyền… Các tác giả văn học trung đại khi đi vào sáng tác đã tuân thủ chặt chẽ những quy định chung đó. Vì thế đã tạo nên tính tương đồng giữa truyện Nôm bác học và truyện Nôm bình dân trên một số phương diện, trong đó có cách xây dựng nhân vật. “Dù là truyện Nôm bác học (hoặc hữu danh) hay truyện Nôm bình dân (hoặc khuyết danh), xét cho cùng, chúng cũng vẫn nằm trong khuôn hình của thể loại truyện Nôm, vẫn có chung một số thuộc tính nhất định của thể loại này. Do đó, giữa chúng vẫn không thể không tồn tại một vùng giáp ranh tương đồng giữa hai vòng tròn phân loại” (1).

_______________

1. Kiều Thu Hoạch, Truyện Nôm - lịch sử hình thành và bản chất thể loại, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2007, tr.70-71.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 390, tháng 12-2016

Tác giả : BÙI THỊ NGỌC HÀ

;