Ở Việt Nam hiện nay, song song tồn tại ba thuật ngữ mỹ thuật công nghiệp, mỹ thuật ứng dụng và design để phản ánh một hoạt động có cùng nội dung, nhiệm vụ và đối tượng nghiên cứu: đó là giải quyết mối quan hệ giữa mỹ thuật và công nghiệp có liên quan đến sản xuất hàng loạt mà từ lâu vẫn thường được gọi là mỹ thuật công nghiệp. Bài viết này bàn luận về những nội dung liên quan đến ba thuật ngữ nói trên, để đi đến thống nhất sử dụng một thuật ngữ chung nhất là design
Ở Việt Nam, ngành mỹ thuật công nghiệp (MTCN) đã được hình thành từ hơn nửa thế kỷ trước, là một nghề được đào tạo bài bản. Với thời gian chưa đủ dài nhưng MTCN đã khẳng định được giá trị và có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội Việt Nam. Nhu cầu đào tạo các chuyên ngành thuộc MTCN ngày càng tăng.
MTCN giải quyết mối quan hệ hài hòa giữa mỹ thuật và công nghiệp, liên quan đến quá trình công nghiệp hóa. Ở các nước phát triển, những lĩnh vực thuộc MTCN đều gọi chung là design (1). Tuy nhiên, cũng có học giả nêu quan điểm, design hiện đại hình thành ở châu Âu từ TK XIV với khái niệm design không hoa văn trang trí. Như vậy, có thể thấy khái niệm design đã được hình thành từ rất lâu.
Việt Nam, với nhiều lý do khách quan và chủ quan, khái niệm design chưa được sử dụng phổ biến, mặc dù những thế hệ tiên phong đặt nền móng cho MTCN nước nhà hiểu rất rõ vai trò quan trọng của design với thực tiễn và tương lai ở Việt Nam, sớm nhận thức design là một bộ phận của lịch sử văn hóa và trở thành phạm trù của văn hóa từ cơ sở lý luận đến thực tiễn. Hiện nay, những lĩnh vực liên quan đến design ở Việt Nam, từ đào tạo, nghiên cứu khoa học, quản lý, đến thiết kế sản phẩm, quảng cáo, nhận diện thương hiệu và tổ chức sự kiện... vẫn có thể được dùng cùng lúc ba thuật ngữ: MTCN, mỹ thuật ứng dụng (MTƯD) và design.
Việc làm rõ về bản chất và nội hàm của các thuật ngữ này là vấn đề rất phức tạp bởi MTCN - MTƯD - design là môn khoa học đã tổng hợp được các phương pháp khác nhau, rút ra từ các lĩnh vực của khoa học kỹ thuật, khoa học kinh tế, khoa học xã hội nhân loại. Việc hình thành ba thuật ngữ này ở Việt Nam thể hiện tiến trình căn bản đi từ thấp đến cao, để rồi đến với khái niệm - thuật ngữ design hiện đại.
Quá trình hình thành và phát triển của ba thuật ngữ
Thuật ngữ mỹ thuật công nghiệp (Industrial Fine Art)
“Ở Việt Nam quen gọi design là MTCN. Theo định nghĩa của Viện nghiên cứu khoa học Thẩm mỹ Kỹ thuật toàn liên bang (Liên Xô): “MTCN là hoạt động sáng tạo có mục đích thiết lập một môi trường đồ vật hài hòa, thỏa mãn đầy đủ nhất các nhu cầu vật chất và tinh thần của con người (3).
Việc hình thành thuật ngữ MTCN ở Việt Nam là một quá trình mang tính lịch sử. Trong cuốn sách của họa sĩ Ngô Tôn Đệ, có viết về một sự kiện lịch sử: “Ngày 6-6-1962, Bộ Văn hóa ra quyết định số 218 VH/QĐ về việc đổi tên Trường Trung cấp Mỹ nghệ thành Trường Trung cấp MTCN” (4). Đó chính là thời điểm xuất hiện thuật ngữ MTCN ở Việt Nam. Tên gọi hay thuật ngữ MTCN ra đời và được sử dụng ở giai đoạn đó là hoàn toàn hợp lý, thể hiện mong muốn ước vọng của những người có trách nhiệm với nhà trường và xã hội: đưa MTCN vào đời sống để thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa xã hội. Trong điều kiện kinh tế văn hóa xã hội ở Việt Nam thập niên 60 TK XX, việc sử dụng thuật ngữ design có khó khăn nhất định bởi tính không phổ quát của nó, mặc dù những người khởi xướng đã nhận thức được bản chất và vai trò quan trọng của design.
Ngày nay, khái niệm MTCN đã trở nên phổ thông, gắn liền với hoạt động đào tạo và vai trò của các ngành thiết kế trong đời sống xã hội như: thiết kế đồ họa, thiết kế nội thất, thiết kế thời trang, thiết kế tạo dáng công nghiệp, thiết kế thủy tinh... Sản phẩm của những ngành nghề này phải giải quyết mối quan hệ hài hòa giữa hai yếu tố thẩm mỹ (mỹ thuật) và công năng, đây được coi là tiêu chí đánh giá kết quả của sản phẩm. Bước sang TK XXI, kỷ nguyên phát triển toàn cầu hóa, công nghệ số và internet, đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên, rất nhiều lĩnh vực mới thuộc MTCN được hình thành, như thiết kế truyền thông, thiết kế truyền thông thị giác, thiết kế truyền thông đa phương tiện, thiết kế dịch vụ,... Ở những lĩnh vực này, giá trị cốt lõi là truyền thông, yếu tố mỹ thuật hay thẩm mỹ chỉ còn là yếu tố cần và đủ để cấu thành sản phẩm. Bên cạnh đó, đã và đang xuất hiện rất nhiều lĩnh vực mới mà ở đó, thuật ngữ hay khái niệm MTCN đang sử dụng ngày nay đã không thể bao quát hết và cũng không phản ánh đúng nội hàm. Khái niệm MTCN ngày nay cũng có nhiều thay đổi song hành với những biến chuyển trong phương thức sản xuất, cách tiêu dùng, sự tưởng tượng đến tương lai của con người.
Đưa MTCN vào đào tạo ở Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ trước là một ý tưởng táo bạo, có phần phiêu lưu và có chút lãng mạn của những thế hệ đi trước, để ngày nay, từ tên gọi của một cơ sở đào tạo, MTCN đã trở thành một thuật ngữ được phổ biến rộng rãi. Những giá trị của MTCN đóng góp cho đời sống kinh tế, xã hội trong mấy chục năm qua là không thể phủ nhận. MTCN sẽ mãi là tiền đề cho việc hình thành và phát triển những lĩnh vực thiết kế mới ở Việt Nam sau này. MTCN ngày nay đã là một lĩnh vực được đào tạo đa ngành đa hệ và chuẩn mực, đảm bảo khả năng hội nhập quốc tế, trở thành một nghề có đóng góp quan trọng trong thị trường lao động ở Việt Nam.
Thuật ngữ mỹ thuật ứng dụng (Applied Art)
Theo khảo sát của cá nhân người viết, MTƯD hầu như không được sử dụng chính thức như một thuật ngữ hay khái niệm, thậm chí là chương mục trong các tài liệu, sách có liên quan đến nghệ thuật, như lịch sử nghệ thuật, lịch sử mỹ thuật thế giới hay lịch sử design. Cụm từ này chỉ được sử dụng mang tính văn phạm để trình bày hoặc để nói về những vấn đề có liên quan đến yếu tố mỹ thuật - thẩm mỹ được áp dụng (ứng dụng) trong thực tế.
Ở Việt Nam, thuật ngữ MTƯD hay được sử dụng từ những năm 80 TK XX cho đến nay. Trong văn bản chính thức của GDĐT (2011) về quản lý các ngành nghề đào tạo có liên quan đến MTCN hay design, được gọi chung là nhóm ngành thuộc MTƯD. Thực tế, nhiều khi thuật ngữ MTƯD được sử dụng trong những tình huống khó khăn để giải nghĩa cho thuật ngữ MTCN, ngay cả với những người đã làm nghề MTCN lâu năm vẫn sử dụng, thậm chí ở Trường Đại học MTCN cũng vẫn sử dụng thay thế như vậy.
So với thuật ngữ MTCN, thuật ngữ MTƯD ít trừu tượng hơn, làm cụ thể hóa vai trò của mỹ thuật - thẩm mỹ trong đời sống xã hội. Thuật ngữ MTƯD gần gũi hơn với nghệ thuật trang trí hay mỹ thuật trang trí, thậm chí là nghệ thuật thủ công. Theo nhận định của cá nhân người viết, thuật ngữ này được hình thành và sử dụng nhiều ở giai đoạn trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (cuối TK XVIII đầu TK XIX). Tuy nhiên vào thời điểm đó, thuật ngữ này chưa rõ nét như tên gọi ngày nay, nhưng manh nha của nó đã được hình thành thông qua những hiện tượng nghệ thuật mà sau này, được gọi là các phong cách nghệ thuật, có thể kể tên như phong cách hình học (geometric style), hellenistic (văn hóa cổ Hy Lạp), romanesque, gothic, mannerism (phong cách riêng), neoclassical (tân cổ điển), Empire (hoàng đế), Art Nouveau, international modern style... Do vậy, MTƯD thường gắn liền với quá trình hình thành các phong cách và nó cũng tuân thủ theo quy trình từ sơ khai đến hưng thịnh và suy tàn. Nó mang nhiều tính thời điểm, tính giai đoạn hay tính thời sự. Khả năng thêm bớt những yếu tố, phần tử không tuân thủ cấu trúc đã làm cho MTƯD mang nhiều tính trang trí, trang sức hay trưng bày, phản ánh tính cách một người hay nhóm người... Khi cần bàn về những hiện tượng thuộc MTƯD trong đời sống, các nhà lý luận thường phải dựa trên cơ sở khoa học (lý thuyết, phương pháp luận, lịch sử) của hai lĩnh vực là MTCN và design để giải quyết. Điều đó chứng tỏ, MTƯD không phải là một thuật ngữ với đầy đủ cơ sở khoa học, nó chỉ tồn tại như một cách để nói về các hoạt động của MTCN hay design.
Nội dung tên gọi của MTƯD đáp ứng nhu cầu dễ nghe và dễ hiểu nhưng về bản chất, có nhiều hạn chế. Đặc biệt về ngữ nghĩa, thuật ngữ thể hiện tính bao trùm nhưng lại không phản ánh đúng và đầy đủ tinh thần, bản chất của MTCN hay design. Do vậy mới có ý kiến tranh luận: mỹ thuật nào mà không ứng dụng, quả là có lý và cho đến nay tranh luận này vẫn còn tiếp diễn. Trong thực tế, hai thuật ngữ MTCN và MTƯD vẫn được dùng thay thế cho nhau trong những nhiệm vụ cụ thể là đưa mỹ thuật - thẩm mỹ vào phục vụ đời sống. Vậy ở đây, có gì đó không rõ ràng và việc này rất cần được thống nhất trong cách sử dụng cũng như trong công tác quản lý hiện nay. Khái niệm MTCN hoặc design vẫn là cái gì đó khó hiểu, khó giải thích, do vậy việc sử dụng thay thế bằng thuật ngữ MTƯD là thuận lợi như trên đã trình bày nhưng cách thức này đang làm hạn chế nhận thức đúng vai trò của MTCN hay design trong đời sống xã hội. MTƯD không đủ khả năng bao quát và phản ánh đúng quá trình phát triển sinh động của design ngày nay.
Thuật ngữ design (thiết kế)
Quá trình hình thành của thuật ngữ design là một chặng đường dài không hề đơn giản, song hành cùng lịch sử phát triển nghệ thuật nói chung. “Danh từ design có xuất xứ từ gốc chữ Latin disegno từ thời Phục hưng, có nghĩa là phác thảo, thuật vẽ (drawing), thiết kế, bản vẽ, là cơ sở của mọi nghệ thuật thị giác, công việc của sự sáng tạo. Thời đó thuật ngữ này thường ám chỉ công việc sáng tạo của các họa sĩ vẽ tranh, nặn tượng...và hơn nữa, nó vẫn chưa phải là một nghề chuyên nghiệp hoàn toàn (fulltime profession) mà gắn kết như một thuộc tính của họa sĩ, nhà điêu khắc hay các nghệ nhân” (5).
Design - nghề thiết kế tạo mẫu, nghề thiết kế mỹ thuật sản phẩm, môi trường sống hay thế giới đồ vật. Design là một thuật ngữ xuất hiện trong rất nhiều ngữ cảnh, phạm vi: thiết kế (design), thiết kế đồ họa (graphic design), thiết kế nội thất (interior design), thiết kế thời trang (fashion design), thiết kế công nghiệp (industrial design), thiết kế sản phẩm (product design)... Ngày nay chúng ta thấy khái niệm design ở mọi nơi. Design đã trở thành một phạm trù văn hóa. Trong một thời đại mà khoa học kỹ thuật đã đạt đến đỉnh cao, sự chênh lệch về chất lượng trong những phương diện cụ thể không còn là vấn đề bàn cãi và giá cả cũng tương tự… thì design sẽ trở thành yếu tố để so sánh cuối cùng và là yếu tố quan trọng để so sánh, nhận diện ưu thế của một sản phẩm.
Bản chất của design là phác thảo, thiết kế và lập kế hoạch cho việc phát triển sản phẩm công nghiệp. Có thể nói design là một quá trình khép kín từ ý tưởng đến kết quả cuối cùng. Lịch sử design gắn liền với quá trình công nghiệp hóa và những thành tựu khoa học kỹ thuật. Trên thế giới, đã diễn ra nhiều cuộc tranh luận về khái niệm design nhằm xác định ranh giới giữa design với mỹ thuật, nghệ thuật thủ công, thẩm mỹ công nghiệp…
Trước đây, design đồng nghĩa với thiết kế những sản phẩm có thể cầm nắm được, còn hôm nay, design là quá trình thiết kế tiến độ, thiết kế các hình thức tổ chức và dịch vụ, là trình bày các hình thức quảng cáo, thiết kế hệ thống nhận diện cho các cá nhân và tổ chức (information design), hay thiết kế các chương trình máy tính... Những lĩnh vực mới nhất của design hiện đại hướng đến là các thiết kế dịch vụ (service design), có thể kể đến thiết kế trò chơi (game design), thiết kế hoạt cảnh (animal design), được gọi chung là thiết kế thực tại ảo (multimedia virtual ready design), hay thiết kế truyền thông (communication design), thiết kế truyền thông thị giác (visual communication design), thiết kế truyền thông đa phương tiện (multimedia communication design)… Ở đó, vai trò của truyền thông là chủ đạo. Khu vực design cổ điển cũng mở ra nhiều kỹ thuật mới mẻ giải phóng con người, không còn phụ thuộc vào những kỹ thuật lỗi thời, để tạo nên những giá trị mới, cách nhìn mới mang tính đương đại. Sản phẩm của design ngày nay không nhất thiết là chỉ để ứng dụng, mà còn là sản phẩm đánh thức tình cảm, khơi gợi niềm say mê của con người. Design được sự hỗ trợ của phương tiện, kỹ thuật hiện đại và không còn chỉ tuân thủ những quy tắc chuẩn mực như trước, hướng đến những thị hiếu cá nhân và đa dạng, làm cho design ngày nay khó phân định với các loại hình nghệ thuật khác.
Thống nhất sử dụng thuật ngữ design - một đề xuất
Thuật ngữ MTCN được sử dụng phổ biến ở Việt Nam, là cách chuyển ngữ từ thuật ngữ design ra tiếng Việt cho dễ hiểu và dễ sử dụng. Những giá trị của MTCN đem lại hơn nửa thế kỷ qua là vô cùng quan trọng, trên cơ sở tiếp thu những giá trị cốt lõi của design thế giới và vận dụng phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam. MTCN ngày nay đã trở thành một ngành, nghề được đào tạo bài bản ở Việt Nam với cơ sở khoa học vững chắc. MTCN đã đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân trong công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, đặc biệt trong giai đoạn đất nước đổi mới và hội nhập quốc tế từ năm 1986 đến nay. Bước sang TK XXI, kỷ nguyên của kinh tế tri thức, toàn cầu hóa và hội nhập, thuật ngữ MTCN hiện đang sử dụng đã bộc lộ một số hạn chế, như không phản ánh đúng bản chất của design hiện đại, không bao quát được những lĩnh mới của design ngày nay, thiếu khả năng hội nhập và giao lưu quốc tế.
Thuật ngữ hay cụm từ MTƯD, như phần trên đã trình bày, chỉ là cách nói để diễn đạt về những hoạt động liên quan đến mỹ thuật - thẩm mỹ được ứng dụng vào đời sống, một khái niệm rất rộng nhưng lại không cụ thể.
Design là thuật ngữ mà không quốc gia nào trên thế giới dịch ra ngôn ngữ bản địa bởi mọi sự giải nghĩa đều không đầy đủ, chính xác. Design đã trở thành thuật ngữ mang tính quốc tế. Trên thế giới, từ TK XIX, đã hình thành các tổ chức, hiệp hội design và thuật ngữ design cũng đã được sử dụng phổ cập từ thời điểm đó. Design là môn khoa học tổng hợp, là kết tinh cao nhất những giá trị từ các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, khoa học kinh tế, khoa học xã hội, khuynh hướng nghệ thuật và nghiên cứu về con người... Thành quả của design hiện hữu ở mọi nơi, mang lại những giá trị tích cực cho đời sống vật chất và tinh thần của con người. Việc thống nhất sử dụng thuật ngữ design thay thế cho thuật ngữ MTCN hay MTƯD ở Việt Nam lúc này là cần thiết và hoàn toàn đủ cơ sở. Trên nền tảng của MTCN đã có truyền thống đào tạo ở Việt Nam hơn nửa thế kỷ, đội ngũ làm thiết kế MTCN ngày nay có kiến thức và khả năng để đáp ứng những đòi hỏi mới của design hiện đại.
Toàn cầu hóa là xu thế tất yếu của nhân loại trong TK XXI, các quốc gia ngày càng xích lại gần nhau. Khái niệm design ngày nay đã trở nên phổ biến, nói cách khác, sản phẩm design hiện đại không còn khái niệm biên giới. Đó thực sự là cơ hội và thách thức lớn với những người làm MTCN hay design ở Việt Nam hiện nay. Chúng ta sẽ tham gia như thế nào và thu được lợi ích gì trong chuỗi giá trị toàn cầu do design đem lại khi chính sách của Đảng và Nhà nước ưu tiên phát triển con người và văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới đã là môi trường thuận lợi để design định hình và phát triển.
____________
1, 2, 3, 5. Lê Huy Văn và Trần Văn Bình, Lịch sử design, Nxb Xây dựng, Hà Nội, 2003, tr.8, 9.
4. Ngô Tôn Đệ, 30 năm Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội xb 1984, tr.42.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 402, tháng 12 - 2017
Tác giả : NGÔ ANH CƠ