VẬT LIỆU THÂN THIỆN MÔI TRƯỜNG TRONG THIẾT KẾ BAO BÌ

Vật liệu thân thiện môi trường đang ngày càng được ưu chuộng trong các ngành nghề thiết kế, đặc biệt là trong chuyên ngành thiết kế bao bì sản phẩm. Việc sử dụng vật liệu thân thiện môi trường giúp giảm rác thải bao bì, tăng khả năng tái sử dụng của sản phẩm. Đây là một chiến lược kinh doanh gắn với trách nhiệm xã hội đầy hiệu quả của doanh nghiệp, thu hút sự quan tâm và hưởng ứng của người tiêu dùng.

Thiết kế thân thiện môi trường

Thiết kế hướng đến môi trường là xem xét một cách hệ thống hiệu suất thiết kế đối với các mục tiêu về sức khỏe người sử dụng và an toàn môi trường.

Ngày nay, việc gia tăng dân số, công nghiệp hóa và gia tăng ô nhiễm môi trường đã dẫn tới các câu hỏi về giá trị tiêu dùng của sản phẩm. Vấn đề đặt ra là cần phải tìm kiếm những giải pháp mới thân thiện với môi trường, giảm tiêu thụ nhiên liệu và vật liệu. Thiết kế thân thiện môi trường được kiến trúc sư Sim Van der Ryn và Stuart Cowan định nghĩa là “bất kỳ hình thức thiết kế nào nhằm giảm thiểu tác động phá hoại môi trường bằng cách tích hợp chính nó với các quá trình sống” (1).

Một thiết kế thân thiện môi trường phải đảm bảo được ba đặc tính cơ bản: sử dụng các vật liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên, vật liệu có thể tái chế, tái sử dụng; quá trình sản xuất sản phẩm sử dụng nguồn năng lượng hiệu quả và hạn chế gây tác động xấu đến môi trường; thiết kế có tính bền vững cho tương lai, có khả năng tái sử dụng.

Nếu như trong các xu hướng thiết kế khác, nhà thiết kế chú trọng giải quyết vấn đề công năng hoặc thẩm mỹ của sản phẩm thì trong thiết kế thân thiện môi trường, họ chú trọng đặc biệt đến yếu tố môi trường. Bên cạnh đó, khái niệm xanh không chỉ dừng lại ở yếu tố vật chất, mà còn biểu hiện ở yếu tố tinh thần. Những thiết kế xanh thường đơn giản, nhẹ nhàng và tinh tế, tránh làm ô nhiễm thị giác người xem.

Tại Mỹ, 70% số người tiêu dùng được khảo sát cho biết, họ sẽ mua một sản phẩm vì bao bì của nó tốt hơn cho môi trường, điều đó cho thấy người tiêu dùng nhận thức rõ sự ấm lên của trái đất và những tác hại của nó đến đời sống sức khỏe của con người. Người tiêu dùng ở châu Âu ngày nay đã quay trở lại sử dụng những chai đựng sữa bằng thủy tinh bởi vật liệu này có thể sử dụng được nhiều lần và dễ dàng tái chế. Hành động này đã tạo nên một kết quả lớn to lớn trong việc làm sạch và xanh môi trường sống.

Hiện nay ở Việt Nam, các doanh nghiệp muốn gia nhập thị trường sản phẩm các nước khác, đặc biệt là các nước phát triển cần tính tới các tiêu chuẩn đặt ra cho sản phẩm tại các thị trường mới, bởi ở các nước phát triển các quy định về loại bỏ sản phẩm và bảo vệ môi trường khá nghiêm ngặt. Sự gắn kết các yếu tố về môi trường vào kế hoạch kinh doanh là một phần quan trọng đóng góp vào thành công của doanh nghiệp hiện nay.

Chính vì vậy, vật liệu chiếm một vai trò quan trọng trong thiết kế bao bì thân thiện môi trường. Vật liệu chế tạo bao bì rất phong phú bao gồm: thủy tinh, nhựa, giấy và bìa carton, kim loại, gỗ và vật liệu mới, là những vật liệu bao bì phổ biến, có thể tái chế và thân thiện với môi trường sinh thái. Mỗi vật liệu có một tính năng độc đáo và riêng biệt, tác động đến người tiêu dùng không chỉ qua thị giác mà còn cả xúc giác, để lại ấn tượng tốt về sản phẩm giữa các sản phẩm cùng loại.

Vật liệu thân thiện môi trường

Thủy tinh    

Bao bì thủy tinh bắt đầu được sử dụng vào khoảng năm 1500 trước CN ở Ai Cập. Thủy tinh do được chế tạo từ hỗn hợp của cát, vôi, soda, và nhôm nên có khả năng đúc được các hình dạng, kích thước và màu sắc khác nhau, tô điểm thêm cho tổng thể bao bì. Qua nhiều thế kỷ, thủy tinh ngày càng được sản xuất một cách tinh xảo hơn, trở thành vật liệu tiêu chuẩn cho bao bì sản phẩm.

Vật liệu thủy tinh với vẻ ngoài lấp lánh, lộng lẫy, rực rỡ, mang lại khả năng ứng dụng đa dạng, không gây độc hại, dễ tái sử dụng và tái chế. Thủy tinh là vật liệu lý tưởng vì không thấm nước và không xốp, trong suốt, đẹp mắt, đặc biệt có thể pha màu tùy ý người sản xuất. Tuy nhiên, khối lượng và đặc tính dễ vỡ của thủy tinh có thể làm phát sinh chi phí sản xuất và vận chuyển.

Mặ dù vậy, trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm đồ uống, nhiều nhà sản xuất ngày càng ưu tiên sử dụng bao bì bằng thủy tinh như bởi những ưu thế vượt trội của nó trên cả phương diện bảo vệ môi trường.

Nhựa

Bao bì nhựa đã bắt đầu được sử dụng rộng rãi từ sau năm 1950 và đến cuối năm 1970, ngành bao bì nhựa đã phát triển mạnh mẽ. Vật liệu nhựa được sử dụng rộng rãi, chiếm ưu thế hơn hẳn về mặt công năng sử dụng so với cho các sản phẩm làm bằng vải, gỗ, da, kim loại, thủy tinh, bởi nó có thể tạo ra nhiều hình dáng và màu sắc cho bao bì, lại có thể trong suốt như thủy tinh, bền nhẹ như kim loại dát mỏng, khó vỡ và làm thỏa mãn hầu hết mọi trạng thái bao bì. Bên cạnh đó, vật liệu nhựa có thể tạo ra nhiều hình dáng và màu sắc cho bao bì thông qua quá trình kỹ thuật gồm nhuộm màu, thổi phồng, tạo khoảng không… trước khi đưa vào khuôn đúc. Bên cạnh đó, vật liệu nhựa có nhiều ưu điểm vượt trội là chi phí thấp, trọng lượng nhẹ, linh hoạt trong cấu trúc, dễ dàng in ấn, bền vững và chống va chạm cơ học, chịu được nhiệt độ lạnh đông, không thấm nước, thuận tiện trong phân phối và lưu trữ.

Tuy nhiên, có một số loại bao bì nhựa bị hạn chế trong việc tái sử dụng. Trong số bảy (07) loại bao bì nhựa, gồm: #1 PETE (polyethylene terephthalate), #2 HDPE (high density polyethylene), #3 PVC (polyvinyl chloride), #4 LDPE (low density polyethylene), #5 PP (polypropylene), #6 PS (polystyrene) và #7 other (polycarbonate, labeled PC), chỉ có 4 loại nhựa an toàn là #1 PETE, #2 HDPE, #4 LDPE và #5 PP. Hiện nay, các nhà sản xuất ngày càng quan tâm đến độ thân thiện với môi trường của vật liệu này nên họ ưu tiên sử dụng bao bì nhựa #2 HDPE và #5 PP vì chúng có khả năng tái chế cao. Điều đáng nói là những nghiên cứu gần đây về loại nhựa phân hủy sinh học (biodegradable plastic) đã nhanh chóng được ứng dụng rộng rãi trên khắp thế giới, vừa phát huy ưu thế của vật liệu này vừa giảm thiểu được tác hại của nó tới môi trường sống.

Giấy

Người Trung Quốc phát minh và sử dụng giấy rộng rãi vào năm 105. Phải đến năm 750, kỹ thuật sản xuất giấy mới lan truyền đến phương Tây. Hộp carton (giấy bìa cứng) thương mại đầu tiên sản xuất tại Anh vào năm 1817. Năm 1850, hộp giấy carton có gợn sóng thay thế cho hộp gỗ trong thương mại, đã đánh dấu mốc cho sự phát triển mạnh mẽ của giấy carton trong việc chứa đựng và vận chuyển hàng hóa. TK XX là thế kỷ của vật liệu giấy.

Giấy được sản xuất từ bột gỗ hay bột giấy, là chất liệu có thể tạo ra được khá nhiều kiểu bề mặt khác nhau, với nhiều cấp độ rất linh hoạt mà không có loại chất liệu nào có được. Giấy còn được làm từ các loại cây và nông sản như cây gai dầu, bã mía. Ngoài ra còn có giấy đá (giấy Terraskin) được làm từ hỗn hợp bột vô cơ và nhựa polyethylene không độc, có khả năng chống thấm nước, chống xé, sang trọng, tốn ít mực khi in ấn so với giấy thường.

Giấy tái chế (giấy kraft) là loại giấy được sản xuất từ sợi gỗ, bột giấy sợi tái chế. Giấy tái chế thường có bề mặt láng, màu vàng nhạt hoặc nâu nhạt, tùy thuộc vào công nghệ sản xuất. Giấy tái chế được khuyến khích sử dụng do có ưu điểm về sức bền, độ dai và cứng cáp, dễ dàng phân hủy trong môi trường, dễ tái sử dụng. Quá trình sản xuất giấy tái chế ít gây ô nhiễm môi trường hơn các loại giấy tẩy trắng. Giấy tái chế đặc biệt phù hợp với các thiết kế xanh, gần gũi với thiên nhiên, mang phong cách cổ điển (2).

Vật liệu giấy trong bao bì có trọng lượng nhẹ, chi phí thấp, đa dạng về kiểu dáng, màu sắc, dễ dàng mạ phủ bề mặt hay dập nổi, thân thiện với môi trường. Chất liệu giấy cho cảm giác về sự mộc mạc và gần gũi, nhưng cũng thật hữu hiệu khi muốn có một vẻ sang trọng nhờ thiết kế tốt.

Mặc dù vậy, ngành công nghiệp sản xuất giấy đã tác động mạnh đến tình trạng suy giảm diện tích rừng của cả thế giới. Do đó, cần tăng khả năng tái chế và khả năng phân hủy của bao bì giấy, để sử dụng có hiệu quả trong chu kỳ vòng đời sản phẩm, giúp đóng gói sản phẩm bền vững.

Kim loại

Từ xa xưa, bao bì kim loại đã được sử dụng để bảo vệ sản phẩm trong hình thức là hộp vàng, bạc, hợp kim. Đầu TK XIX, sự phát hiện ra hợp kim của sắt và thiếc là một tiến bộ quan trọng trong cách mạng hóa bao bì kim loại. Trong TK XX, bao bì kim loại phổ biến nhiều nhất được làm từ nhôm dát mỏng, thường để đựng đồ uống. Vật liệu nhôm có thể tái chế vô tận.

Vật liệu kim loại trong thiết kế và sản xuất bao bì có tính linh hoạt, trọng lượng nhẹ, bền, tính trang trí bao bì cao, làm nên vẻ đẹp sáng bóng hiện đại, bảo vệ sản phẩm tốt, chịu được nhiệt độ cao, tái chế dễ dàng.

Theo một phân tích của Resource Recycling Systems (RRS), lon nước giải khát nhôm là loại đồ uống được tái chế nhiều nhất trên thế giới. Khoảng 75% tổng số nhôm được sản xuất vẫn còn được sử dụng ngày nay, là một minh chứng cho đặc tính của nhôm như là một vật liệu vĩnh cửu, được tái chế thành các sản phẩm mới (3).

Gỗ

Gỗ là vật liệu tự nhiên được con người sử dụng lâu đời và rộng rãi, đồng thời là vật liệu được ưa thích bởi sự mộc mạc nhưng không kém phần sang trọng. Vật liệu gỗ trong bao bì đồ uống có nhiều ưu điểm, như cách nhiệt, cách điện, ngăn ẩm tốt và ít giãn nở, có vân gỗ đẹp, dễ nhuộm màu và trang trí bề mặt, dễ nối ghép bằng đinh, mộng, keo dán, có thể tái tạo (4).

Việc sử dụng gỗ tái chế cần được khuyến khích sử dụng, để tránh tình trạng cạn kiệt nguồn gỗ tự nhiên, bên cạnh các hoạt động trồng rừng, mở rộng diện tích rừng và khai khác gỗ hợp lý. Gỗ tái chế không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn bảo vệ môi trường hiệu quả.

Vật liệu tự nhiên

Việc sử dụng vật liệu bắt nguồn từ tự nhiên là một cách nhanh nhất để bảo vệ môi trường sinh thái. Các vật liệu như tre, mây, nứa, vừa là vật liệu sẵn có tại địa phương vừa thân thiện với môi trường. Vật liệu tự nhiên được người tiêu dùng yêu thích bởi sự mộc mạc và thân thiện với thiên nhiên. Sản phẩm được làm từ vật liệu thiên nhiên thể hiện sự chau chuốt trong từng sản phẩm của nhà sản xuất, đặc biệt thích hợp để giới thiệu sản phẩm mang tính vùng miền hoặc quốc gia.

Vật liệu công nghệ mới

Ngày nay, công nghệ vật liệu mới liên tục phát triển, đạt được nhiều thành tựu như phát triển giấy tái chế, gỗ tái chế, bột giấy (làm từ sợi nhân tạo thay vì dùng gỗ, bã mía, cây gai dầu, cây cọ), nhựa sinh học (sản xuất từ ngô, khoai tây, đậu nành) với tính năng dễ phân hủy (5). Những vật liệu bền vững mới bao gồm tinh bột bắp, đá phấn, nhựa sinh học, nhựa phân hủy sinh học...

Tinh bột bắp hay còn gọi là Poly lactic acid (PLA) là nguồn nguyên liệu lớn nhất của bao bì phân hủy sinh học, được làm từ ngô, tinh bột, sắn và mía. Đây là loại nhựa bền vững và đa năng, có thể dễ dàng cuộn gấp và tạo hình như tấm kính, tờ giấy... được dập nổi, in trực tiếp lên bề mặt và tái chế dễ dàng. Đá phấn là loại khoáng sản phổ biến, cứng như thủy tinh, mềm như chất dẻo, giá thành rẻ, ít gây ô nhiễm môi trường, có thể thay thế cho chất dẻo và nhôm. Nhựa sinh học được làm từ nguyên liệu thô và có thể tái chế như tinh bột ngô, khoai tây, sắn bột, đường cellulose, đạm tương, vi sinh và phụ phẩm nông nghiệp. Đây là loại nhựa sẽ bắt đầu phân hủy khi nó được tiếp xúc với ánh sáng ban ngày, là một lựa chọn tốt để thay thế loại nhựa truyền thống. Sự phát triển của vật liệu phân hủy sinh học là một bổ sung cho nhựa dầu khí. Điều này cho phép sản xuất nhựa phân hủy sinh học từ các nguồn tái tạo, loại bỏ việc sử dụng các nguyên liệu hóa dầu.

Ngày nay, bằng nhiều cải tiến về công nghệ vật liệu, quy trình sản xuất và thiết kế, ngành công nghiệp bao bì đã giúp làm giảm đáng kể lượng vật liệu sử dụng mà không ảnh hưởng đến hiệu suất. Ngoài ra, các hệ thống tái chế và công nghệ đã được cải tiến, để các vật liệu được sử dụng trong bao bì có thể được thu hồi hiệu quả hơn hoặc tái sử dụng. Việc sử dụng 100% vật liệu tái chế giúp tiết kiệm năng lượng, nguồn nước, cây cối và giảm hiệu ứng nhà kính một cách hiệu quả.

Các thiết kế bao bì sử dụng vật liệu thân thiện môi trường thường thu hút được sự chú ý của khách hàng và giúp cho bao bì thiết kế có ý nghĩa về mặt thương mại, trên hết là góp phần thay đổi cuộc sống từ những nhận thức tiêu dùng hàng ngày. Bao bì thân thiện môi trường ra đời đã tạo ra tính nhân bản cho sản phẩm và tăng thiện cảm ở người tiêu dùng, được xem là xu hướng trong ngành thiết kế bao bì ở TK XXI.

____________

1, 2. Kaoru Takahashi, New Eco-Style Graphics, Published by PIE International, 2011, p. 25.

3. Peter Claver Fine, Sustainable Graphic Design: Principles and Practices, Published by Bloomsbury Academic, 2016.

4. Patricia Martinez, Ecological Selection Packaging, Instituto Monsa de Ediciones, Barcelona, 2014.

5. Miquel Abellan, Eco Packaging Design, Monsa Publishing Company, Sant Adrià de Besòs, 2012.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 404, tháng 2 - 2018

Tác giả : NGUYỄN THỊ THU HUYỀN

;