Văn hóa đạo đức Phật giáo với việc xây dựng vương triều Trần

1. Đạo đức Phật giáo và đạo đức bậc quân vương, người trị vì đất nước

Khi vị Thái tử con vua A-Dục (Asoka) phụng mệnh A-Dục vương sang Sri Lanka hoằng truyền Phật pháp đã nói với nhà vua Sri Lanka rằng, ngài là vua, có nghĩa là người bảo vệ thần dân và đất nước chứ không phải là chủ của thần dân và đất nước ngài.

Tư tưởng này được quán triệt trong kinh “Phật vị Ưu-điền vương thuyết vương pháp chính luận kinh”(1). Phật dạy vua Ưu-điền, những điều thất bại của người đứng đầu, lãnh đạo đất nước là:

1. Chủng tộc không cao sang; 2. Không được tự tại, chủ động và chính kiến; 3. Tính tình hung bạo; 4. Nóng giận quá đáng; 5. Ân huệ hẹp hòi; 6. Nghe lời tà nịnh; 7. Không gìn giữ được pháp chế của tiên vương; 8. Chẳng nghĩ đến pháp lành; 9. Không đoái đến việc phải quấy hơn kém; 10. Buông lung, phóng dật, không giới hạnh.

Nếu người đứng đầu đất nước vướng phải mười điều thất bại như trên, tuy có kho tàng đầy dẫy, tôi giỏi phụ tá, quân đội hùng mạnh, dân chúng cũng không quy ngưỡng, chẳng bao lâu trong nước sẽ sinh tai họa biến loạn.

Để khuyến hóa các bậc đế vương, người đứng đầu đất nước thực hiện tốt trọng trách của mình, Đức Phật cũng chỉ cho những điều đáng trân trọng mà họ cần phải thực hiện để phát khởi những điều thiện lành trong việc cai trị đất nước, đó là:

1. Ân dưỡng thương sinh; 2. Ðầy đủ anh dũng; 3. Phương tiện khéo léo; 4. Giỏi về việc điều nhiếp; 5. Siêng tu pháp lành.

Những điều Thích Ca Mâu Ni nói với Ưu-điền vương trên đây, thực ra là những lời răn dạy về: chính tín, giữ giới, cầu học, bố thí, định tuệ… theo tinh thần giáo lý Phật giáo (2). Những nội dung này chúng ta đều thấy vua, quan, tướng lĩnh nhà Trần đều nhiệt tâm thực hiện, minh chứng rất rõ qua việc đoàn kết toàn dân chống giặc, đối xử trong hoàng cung và ban bố, thực thi chính sách trong dân chúng. Cụ thể như việc Thái sư Trần Quang Khải, vì việc nước, vì hạnh phúc của nhân dân đã mời Trần Quốc Tuấn về triều và tâu với vua trao cho ông làm Quốc công Tiết chế thống lĩnh toàn quân, trong khi Thái sư Trần Quang Khải và Trần Quốc Tuấn có hiềm khích từ trước. Hay việc Quốc Tuấn khi đã thống lĩnh quyền bính trong quân đội, con trai ông có ý nói với ông chiếm lại vương vị mà theo lẽ nó phải thuộc về ông, Quốc Tuấn đã mắng người con là phản nghịch, lệnh chém, rồi không cho nhìn mặt đến lúc chết. Hay Vua Trần Nhân Tông sau khi lãnh đạo quân, dân chiến thắng giặc Nguyên, chiến công và uy quyền lừng lẫy, nhưng ông đã thoái ngôi, coi ngai vàng như vật dễ bỏ, trao lại cho con và lên núi tu hành. Sẽ không có những việc như thế, hay hậu quả là đất nước sẽ lầm than, trăm dân điêu đứng, nếu như các bậc đế vương, khanh tướng triều Trần không phải là những người học Phật, tu tập và thực hành giáo lý vị tha của Phật theo tinh thần lời dạy của Thích Ca với Ưu-điền vương. Điều này có thể được thực hiện chính là nhờ đạo đức Phật giáo và giá trị của đạo đức Phật giáo đã được giai cấp quản lý đất nước đời Trần ý thức và thực hiện. Hay nói cách khác, vương quyền được củng cố, đất nước được hưng vượng, cuộc sống nhân dân yên vui, trăm dân đều đồng lòng hướng về, ủng hộ và một lòng phụng sự nhà Trần, đó chính là nhờ giá trị đạo đức Phật giáo, Phật giáo đời Trần, Thiền phái Trúc lâm Yên Tử đã thấm nhuần và tác động vào đạo đức xã hội, nhất là tầng lớp vua quan quý tộc nhà Trần trong việc thực thi chính sách cai trị đất nước.

2. Giáo lý Phật giáo - phương tiện tu, cơ sở cho các hành động và chính sách quốc gia của vua quan nhà Trần

Như trên đã nói, các vị vua quan nhà Trần đều thâm hiểu Tam tạng kinh điển Phật giáo. Không chỉ chuyên trì tu tập mà còn ứng dụng trong đời sống thực tiễn hằng ngày và kết tinh trong các tác phẩm để lại cho đời sau. Đó là sự giác ngộ của pháp vô thường khi một vị vua (Trần Nhân Tông) an nhiên, tự tại rời bỏ ngai vàng đầy quyền lực. Đó là liễu ngộ thân vô ngã khi một vị Thái sư (Trần Quang Khải) đứng đầu triều mà hạ mình cầu thỉnh và trao quyền thống lĩnh quân đội cho một người vốn có tị hiềm (Trần Quốc Tuấn) với mình. Đó là tinh thần chúng sinh bình đẳng, binh tướng một lòng khi hòa chén rượu với nước sông để cùng chia sẻ công trạng và nhiệm vụ trong Hịch tướng sĩ (của Trần Quốc Tuấn). Đó là tinh thần dân chủ, lấy ý đại chúng, là tác pháp yết-ma đã được thực hiện trong xã hội khi tổ chức các hội nghị Bình Than (1282) để trưng cầu ý kiến tướng lĩnh, hội nghị Diên Hồng (1284) để trưng cầu ý kiến nhân dân, khi quyết sách những vấn đề trọng đại của quốc gia. Hơn nhất và cũng là đầu tiên, đó là tự chuyên tu và thực hiện các pháp lành, hành thiện, bố thí, ân dưỡng thương sinh… của các vị hoàng đế và quan khanh, tướng lĩnh nhà Trần, đã tạo nên những hình ảnh của những con người tiêu biểu, trí tuệ và nhân cách, lấy thân giáo làm gương cho trăm họ noi theo. Các chính sách quốc gia của nhà Trần ban bố đều có ảnh hướng và chi phối từ tinh thần lợi lạc quần sinh. Tôn giáo (Nho, Phật, Lão) đã được nhà Trần triệt để sử dụng vì giá trị rất nhân văn, để cố kết nhân tâm, vun bồi phong hóa. Vì vậy, một vương triều thịnh trị với lễ nhạc, điển chế, phong hóa tốt đẹp đã được gây dựng và củng cố.

3. Tam giáo đồng nguyên - sự tích hợp các giá trị đạo đức tôn giáo vì mục tiêu phục vụ xã hội

Bất kỳ một tôn giáo nào cũng sinh ra từ con người và vì con người, phục vụ và mang lại lợi ích cho con người. Đó là lý do để tôn giáo được tiếp nhận và phát triển trong lòng xã hội. Nếu có một tôn giáo nào đi ngược lại lợi lích con người, nó sẽ bị đào thải. Như trên đã nói, chính sách của nhà Trần chủ động lấy tôn giáo (Tam giáo) để cố kết nhân tâm, vun bồi phong hóa. Nhưng Tam giáo đó được sử dụng và kết hợp như thế nào để cùng thực hiện mục đích chung mà không làm mất đi đặc trưng riêng. Nho giáo là một học thuyết tư tưởng lấy những chuẩn mực của nhân, lễ, nghĩa, trí, tín để tu, tề, trị, bình tạo nên trật tự và thúc đẩy xã hội. Lão giáo lấy đạo, đức và quan điểm vô vi, hòa quang đồng trần để dẫn dắt, chính lý và tùy thuận tự nhiên, xã hội. Phật giáo lấy giới luật, tứ diệu đế, bát chính đạo, lục độ, thập thiện để tu thân, đối nhân, xử thế và gây dựng xã hội. Dù dưới góc nhìn tôn giáo hay hệ tư tưởng thì những nội dung trên đây chính là những chuẩn mực về đạo đức xã hội, có chức năng đào luyện, rèn rũa đạo đức cá nhân. Đến lượt nó, đạo đức cá nhân, nhất là với những cá nhân có vai trò ảnh hưởng xã hội lớn, sẽ tác động thúc đẩy đạo đức xã hội, hiện hình, in dấu vào những chính sách xã hội, mang lại lợi ích cho xã hội. Quy trình này đúng với tôn giáo và vương triều Trần.

Cũng cần phải nói thêm, cụm từ “tam giáo đồng nguyên” mà bất kỳ ai cũng nhắc đến khi bàn luận về tôn giáo hay Phật giáo đời Trần. Nhưng, không phải ai cũng hiểu rõ nội hàm nghĩa của khái niệm mình dùng. Vì vậy, nhân đây chúng tôi cũng xin nói lại nhằm thống nhất khái niệm công cụ trong bài nghiên cứu này. Tam giáo chỉ 3 tôn giáo: Nho giáo (hay còn gọi là Khổng giáo), Lão giáo (hay còn gọi là Đạo giáo) và Phật giáo (hay còn gọi là Thích giáo); Đồng là cùng; Nguyên là nguồn khởi. Tam giáo đồng nguyên, ý chỉ 3 tôn giáo đều cùng khởi nguồn vì con người, vì việc tìm ra đạo, tìm ra lý lẽ của tự nhiên và những chuẩn mực của xã hội, vì sự tu tập của con người trong xã hội, vì mục đích cuối cùng là gây dựng một cuộc sống hạnh phúc, an lạc, tự tại trong xã hội. Như vậy, cái nguyên khởi ấy cũng chính là mục đích cuối cùng hướng đến của 3 tôn giáo này. Đây chính là chính sách mục tiêu mà giai cấp quản lý xã hội đời Trần nhận ra và thực hiện. Tam giáo đồng nguyên, được hiểu là chính sách tôn giáo đời Trần, cũng có thể hiểu là việc dung hợp ba tôn giáo trong một cái vỏ mới là Thiền phái Trúc lâm Yên Tử để phục vụ đất nước và xã hội. Thực tế triều Trần đã khẳng định, việc tu thân, hay cai trị đất nước của tầng lớp vua quan luôn thể hiện rõ rệt những dấu ấn của chuẩn mực đạo đức tôn giáo. Dưới góc nhìn cá nhân, một vị vua hay một vị khanh tướng nhà Trần là minh chứng cho sự kết hợp nhuần nhuyễn tam giáo. Vì mục tiêu cai trị đất nước nên những chuẩn mực của tu, tề, trị, bình của Nho giáo trở thành phương châm sống mang tính cá nhân, cũng chính là mục đích hành động mang tính xã hội. Với sức ép của nhiệm vụ trọng đại, hay những đối kháng trong hoàng cung và triều chính, dù không muốn nhưng vẫn sảy ra, các vị vua quan đời Trần cần điều dưỡng thân tâm bằng tinh thần vô vi, hòa quang đồng trần, an nhiên, tự tại của Lão giáo. Nhưng, để xây dựng và củng cố vương vị như một tòa bảo tháp trong lòng mỗi người dân, với tinh thần vua là người bảo vệ thần dân chứ không phải là chủ của dân, thì các vị vua quan khanh tướng nhà Trần ý thức rất rõ con đường tu học và thực hành Phật pháp. Muốn thực hành Phật pháp, điều đầu tiên phải tu sửa thân tâm theo những lời răn dạy của Phật trong giới luật, với ý nghĩa, giới luật mà mạng mạch của Phật pháp. Nói như các nhà nghiên cứu về Phật giáo nguyên thủy thì giới luật, nguyên chữ Pàli là Sìla và nghĩa gốc của Sìla chính là đức hạnh, đạo đức (3).

Kết luận

Phật giáo đời Trần là Phật giáo Triều đình (thể hiện ở sự ủng hộ của chính quyền, chính sách tôn giáo và đối tượng tu học), vua quan, quý tộc đều theo học Phật pháp và thực hành Phật giáo. Trần Nhân Tông là hiện thân tiêu biểu cho sự kết hợp giữa Phật giáo và vương quyền. Đây là tư tưởng chính thống với những quy chuẩn chi phối đời sống xã hội, đặc biệt trong suy nghĩ, hành động của giai cấp phong kiến đời Trần. Người tạo dựng Thiền phái Phật giáo Trúc lâm Yên Tử là Trần Nhân Tông. Nhưng không phải đến khi Trần Nhân Tông xuất gia tư tưởng Trúc lâm Yên Tử mới được hình thành mà là sự kế thừa pháp mạch của tinh thần Phật giáo trước đó với các đại diện tiêu biểu là người đứng đầu đất nước và các thiền sư, như Thái Tông Trần Cảnh (Khóa hư lục), Thánh Tông Trần Hoảng (Di hậu lục, Thiền tông liễu ngộ), Tuệ Trung Thượng sĩ Trần Tung (Thượng sĩ ngữ lục)… Có thể nói, Thiền phái Trúc lâm Yên Tử là một khái niệm chỉ sự truyền thừa pháp mạch chủ lưu, nhưng dòng chảy phổ quát và tự nhiên của nó chính là toàn bộ tư tưởng Phật giáo đời Trần, Phật giáo đời Trần và Thiền phái Phật giáo Trúc lâm Yên Tử là hai khái niệm có nội hàm tương đồng - chỉ một dòng Phật giáo riêng ở Việt Nam.

Giới luật (Sìla) chính là đạo đức, để khẳng định vai trò, giá trị của đạo đức Phật giáo đối với việc xây dựng vương triều Trần. Nó cũng chính là yếu tố quan trọng mang tính hạt nhân tạo nên linh hồn một dòng phái Phật giáo mang những dấu ấn đặc trưng - Thiền phái Trúc lâm Yên Tử. Giá trị thực tiễn của đạo đức Phật giáo triều Trần - hay Thiền phái Trúc lâm Yên Tử là đoàn kết và thu phục được nhân tâm, kiến tạo vương triều Trần hùng mạnh.

_______________

Tài liệu tham khảo

1. Chính luận kinh, Bất Không (thời Đường, tạng Đại chánh 14, số 524, tr.797. https://thuvienhoasen.org.

2. Yên Sơn, Phật giáo với việc cai trị đất nước, https://btgcp.gov.vn.

3. Từ “Sìla” không có nghĩa là những điều luật, quy luật, hay những quy tắc… buộc con người phải tuân thủ như: trong nhà trường, cơ quan, các ban ngành đoàn thể, các tổ chức xã hội, hay ở các tôn giáo khác. Về phương diện tu tập, “Sìla” là từ ngữ của Pàli được hiểu theo nhiều nghĩa như: “việc thực hành đạo đức, đức tính tốt, đạo đức Phật giáo và điều lệ về đạo đức”. Từ Điển Sanskrit-Anh, định nghĩa như sau: “ Theo từ ngữ Phật học Sanskrit, Sìla được giải thích là: phong cách cư xử theo đạo đức, là một trong 6 hoặc 10 pháp Ba-la-mật; hoặc được giải thích là: giới điều về đạo đức. Theo Phật giáo, có 5 giới hay còn gọi là 5 phép tắc cơ bản về phong cách đạo đức”.

Tác giả: Lê Trung Kiên

Nguồn: Tạp chí VHNT số 430, tháng 4-2020

;